Phở Nam Định và mì Quảng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Mì Quảng, tỉnh Quảng Nam và phở Nam Định, tỉnh Nam Định được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sáng 12/8, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2326/QĐ-BVHTTDL về việc công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với phở Nam Định.

Trong đó, phở Nam Định được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình tri thức dân gian, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: Có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

  Phở Nam Định trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Phở Nam Định trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Nam Định được coi là “cái nôi” ra đời của món phở. Trải qua thời gian, phở đã trở thành niềm tự hào của đất và người dân nơi đây đồng thời còn khẳng định được giá trị thương hiệu ẩm thực với những nét độc đáo.

Ngay tại Nam Định, loại phở được nhiều người biết đến và ưa thích là phở Cồ phát xuất từ thôn Vân Cù, xã Đồng Sơn (Nam Trực). Trong sách Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ, của nhà nghiên cứu người Pháp Pierre Gourou, các làng chuyên bán phở được nhắc tới là làng Di Trạch ở Hà Đông (Hà Nội) và làng Giao Cù ở Nam Trực (Nam Định).

Cũng trong ngày 12/8, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, nghề chế biến mì Quảng cũng được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, các thế hệ tiền nhân qua lao động cần cù, cải tạo, thích nghi với điều kiện tự nhiên trên vùng đất mới, dần dần đã định hình nên bản sắc, cốt cách con người xứ Quảng. Một trong những biểu hiện rõ nét, sinh động của cốt cách ấy là đặc tính ẩm thực, mà mì Quảng là một minh chứng tiêu biểu.

Nghề chế biến mì Quảng ở tỉnh Quảng Nam hội tụ giá trị ẩm thực đặc sắc của xứ Quảng. Mì Quảng theo bước chân những lưu dân trong hành trình đi về phương Nam rộng mở, sẵn lòng đón nhận bất cứ nguyên liệu gì trên đường để dung nạp, tiếp biến, làm nên sự đa dạng, phong phú trong hương vị ẩm thực. Đây chính là một món ăn có nhiều biến tấu, làm nổi bật đặc trưng văn hóa ẩm thực dân gian.

  Mì Quảng là món ăn đặc sản của tỉnh Quảng Nam

Mì Quảng là món ăn đặc sản của tỉnh Quảng Nam

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp nơi có Di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục tại Điều 1 quyết định này, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng yêu cầu Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan tới Di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Tới thời điểm hiện tại, về ẩm thực, nước ta có tổng cộng 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm phở Nam Định, tri thức dân gian mì Quảng, nghề làm nước mắm Nam Ô, nghề làm nước mắm Phú Quốc.

Thanh Mai/Tổng hợp