Phong tục thờ cúng của người Việt và những việc thường làm vào dịp Tết Thanh minh

Tết Thanh minh là một trong những dịp quan trọng để con cháu hướng về cội nguồn, tưởng nhớ người đã khuất.

Tiết Thanh minh là gì? Tiết Thanh minh năm 2024 vào ngày nào?

Tiết Thanh minh là 1 trong 24 tiết khí của năm. Tiết khí này có thể bắt đầu vào ngày 4 hoặc 5/4 Dương lịch. Năm 2024, tiết Thanh minh bắt đầu ngày 4/4 Dương lịch và kết thúc vào ngày 18/4 Dương lịch. Vào tiết khí này, thời tiết trong sáng, nắng ấm áp, mát mẻ, cây cỏ xanh tươi. Trong tiết Thanh minh, người Việt ta có một tập tục truyền thống đặc biệt đó là đi tảo mộ thể hiện lòng thảo kính với tổ tiên.

Ngày đầu tiên trong tiết Thanh minh người ta chọn làm ngày Tết Thanh minh, ở ta, mọi người thường chuộng gọi là ngày Thanh minh.

Phong tục thờ cúng của người Việt và những việc thường làm vào dịp Tết Thanh minh

Làm gì vào Tết Thanh minh?

Thanh minh nghĩa là trời độ ấy mát mẻ quang đãng. Theo tục của người Trung Quốc thì mọi người đua nhau đi tảo mộ, gọi là Hội Đạp Thanh. Ở nước ta, không ăn Tết ấy, nhưng nhân dịp này nhiều gia đình vẫn đi tảo mộ.

Trong Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính cũng viết thế này: "Tảo mộ là đi thăm mộ tiền nhân, cỏ rậm thì phát cho quang, đất khuyết thì đắp bồi lên, rồi về nhà cũng làm cỗ cúng gia tiên"

Trong hơi thở của mùa xuân ấm áp, khi tiết trời đẹp nhất với bầu không khí trong veo, nhiều gia đình Việt Nam lại hướng về ngày Thanh minh - một ngày lễ thiêng liêng, nơi các dòng họ gắn kết tình thân một cách sâu đậm. Đó không chỉ là dịp để hành lễ tảo mộ mà còn là cơ hội quý báu để những người con, dù xa xôi, đều trở về với tổ ấm, quây quần bên mâm cơm truyền thống, cùng nhau tưởng nhớ ông bà đã khuất.

Lau dọn, sửa sang phần mộ

Từ bao đời nay, ngày Thanh minh còn được ghi nhớ như một phong tục đẹp, khi người lớn tuổi trong gia đình chọn lựa khoảnh khắc đầu tiên của tiết khí này đưa con cháu cùng tiến vào không gian yên bình của các nghĩa trang. Ở đó, họ miệt mài cắt tỉa cây cỏ, phát quang bụi rậm, làm mới mộ phần tổ tiên, như một lời tri ân, một nghĩa cử cao quý giữa những ngày xuân huyền diệu.

Phong tục thờ cúng của người Việt và những việc thường làm vào dịp Tết Thanh minh

Đối với những ngôi mộ đất chưa sang cát, người ta đắp thêm đất mới, cắm thêm vài cành cây hoa mới để ngụ ý cho việc săn sóc được chu đáo. Trong quan niệm dân gian, nhiều người cũng có kiêng kỵ nhất định về việc đi tảo mộ trong ngày Thanh minh. Tùy vào văn hóa từng địa phương, điều này có sự khác biệt nhất định. 

Phong tục thờ cúng của người Việt và những việc thường làm vào dịp Tết Thanh minh

Chẳng hạn, thời điểm tảo mộ mộ mới và mộ cũ khác nhau. Mộ mới là mộ đã được chôn cất dưới 3 năm, chưa bốc mộ, lần tảo mộ đầu tiên vào ngày đẹp trước Tết Thanh minh 10 ngày, lần tảo mộ thứ hai vào ngày Tết Thanh minh, lần tảo mộ thứ ba, sau Tết Thanh minh 10 ngày. Mộ cũ là mộ cũ đã được chôn cất trên 3 năm, thời gian tảo mộ có thể là bất kỳ ngày nào trong vòng 10 ngày trước và sau Tết Thanh Minh, không cần cầu kỳ chọn ngày tốt.

Dâng lễ cúng tại mộ

Sau khi lau dọn mộ phần, cắm hoa tươi, người ta bày biện những đĩa hoa quả, những mâm lễ gọn gàng, thêm một ít tiền mã để dâng cúng. Nhiều gia đình cũng mang theo các loại bánh truyền thống hoặc món ăn đặc biệt để đặt ngoài mộ. Khi trở về nhà, người ta cũng dâng lên bàn thờ gia tiên mâm cơm để tỏ lòng thảo kính, sau đó, bố mẹ cùng con cháu sẽ thụ lộc của gia tiên. 

Phong tục thờ cúng của người Việt và những việc thường làm vào dịp Tết Thanh minh

Dâng mâm cúng tại nhà

Ngoài tục tảo mộ và nghi lễ cúng tạ mộ trong Tết Thanh minh, các gia đình sẽ chuẩn bị thêm mâm cỗ để cúng gia tiên tại nhà. Lễ vật dâng cúng tại gia cũng không cần khoa trương và cầu kỳ. Điều này tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình và phong tục tập quán của mỗi nơi để sắm sửa.

Mâm lễ các gia đình chuẩn bị có thể gồm:

- Gà luộc, xôi gấc, giò, canh măng, miến, đĩa rau xào,...

- Trái cây, hoa tươi, trầu cau, tiền vàng, rượu thuốc,..

Ngoài ra, các gia đình cũng có thể dâng cúng lễ chay.

Bên cạnh đó, trước khi thực hiện lễ cúng Tết Thanh minh tại nhà, gia chủ cần dọn dẹp nhà cửa gọn gàng và sạch sẽ. Đặc biệt, là trên bàn thờ gia tiên. Chuẩn bị mâm cúng xong thì bày biện cẩn thận. Người thực hiện cúng cần ăn mặc kín đáo, lịch sự rồi lên hương, vái lạy gia tiên và thần linh. Tiếp đó, đọc văn khấn Tết Thanh minh tại gia. Khi tuần hương cháy hết thì gia chủ có thể hóa vàng và xin thụ lộc.

Phong tục thờ cúng của người Việt và những việc thường làm vào dịp Tết Thanh minh

Mặc dù cuộc sống hiện đại, nhiều người chọn hình thức hỏa táng và đặt bia tưởng nhớ nhưng việc tảo mộ vẫn mang là một nét đẹp truyền thống khắc sâu vào tâm khảm của mỗi người con đất Việt. Dù đi đâu, về đâu, ngày Thanh minh vẫn là dịp để mọi người nhớ về cội nguồn và giáo dục thế hệ trẻ về lòng hiếu thảo. Điều đó cũng phản ánh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và sự kính trọng người đã khuất trong văn hóa phương Đông. 

Minh Dương