Phụ nữ và ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh 27/12

Hội thảo “Phụ nữ và ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh 27/12” khẳng định những đóng góp to lớn của phụ nữ trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Chiều 25/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam, Hội nữ trí thức Việt Nam – Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UBND Quận Hoàn Kiếm, Ban vận động Mỹ thuật và Ngoại giao văn hóa đã tổ chức Hội thảo “Phụ nữ và ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh 27/12”.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo "Phụ nữ và ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh 27/12"

Hội thảo là sự kiện nhằm hưởng ứng đề xuất của Chính phủ, của Bộ Ngoại giao, đặc biệt là của Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc: lấy ngày 27/12 hàng năm làm Ngày Quốc tế sẵn sàng phòng chống dịch bệnh. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và tác động tới mọi mặt kinh tế, xã hội đời sống của tất cả các quốc gia trên thế giới, đề xuất của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của toàn bộ các nước thành viên LHQ, và được Đại hội đồng LHQ đã đồng thuận thông qua Nghị quyết A/RES/75/27 ngày 7/12/2020.

Hội thảo có sự tham gia của PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trưởng nhóm nghiên cứu và phân lập thành công virus SARS- CoV-2 vào tháng 3/2020, đưa Việt Nam trở thành một trong bốn quốc gia đầu tiên phân lập thành công virus này. Sự kiện này đã giúp các nhà khoa học có thêm cơ sở dữ liệu giải mã nguồn gốc của virus mới, độc lực, cơ chế gây bệnh, khả năng xâm nhập, tính sinh miễn dịch… Đồng thời, cung cấp dữ liệu quan trọng để nghiên cứu các liệu pháp điều trị, phát triển các sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và sản xuất vaccine sau này.

Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai cũng cho biết, hiện tại đã hoàn thành việc thử nghiệm trên vaccine Covid -19 của Việt Nam trên chuột, linh trưởng. Giai đoạn 1 đang tiến hành thử nghiệm trên người để kiểm tra mức độ an toàn. Hy vọng đến giữa năm sau, sau khi thử nghiệm vòng 3 thành công, vaccine đầu tiên sẽ được sử dụng đại trà.

Đại tá, TS. Nguyễn Vân Giang – Phó Cục trưởng Cục Quân Y – khách mời danh dự tại hội thảo phát biểu: Việt Nam là số ít trong các quốc gia đã phòng chống dịch thành công. Đó là do sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và sự tuân thủ nghiêm túc của người dân trước những hành động quyết liệt của chính phủ. Trong công tác chống dịch còn ghi nhận những cống hiến âm thầm của lực lượng biên phòng tạo nên những tấm lá chắn vững chắc nơi biên giới. Và lực lượng phụ nữ Học viện Quân y đã nỗ lực cố gắng tìm ra được kíp xét nghiệm SARS-CoV2, góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Thạc sỹ, bác sỹ Trần Thị Hải Ninh – Trưởng Khoa nội tổng hợp, Bệnh viện nhiệt đới Trung ương đã khiến toàn thể hội thảo xúc động khi nghe chị thuật lại quá trình trực tiếp tham gia điều trị cho những bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ khi đại dịch bùng phát cho đến nay. Chị kể: “Chúng em trải qua rất nhiều những kỷ niệm vui có thể kể đến như khi những em bé được ra đời tại khu cách ly. Đó là sự kiện khiến chúng em rất xúc động. Chuyên ngành của bọn em là chuyên ngành truyền nhiễm nên khoa sản của bệnh viện chỉ là một đơn vị rất nhỏ, nhưng khi mà trong khoa sản gửi tới những hình ảnh các em bé chào đời trong khu cách ly từ các bà mẹ dương tính thì gần như cả Ban giám đốc và tất cả nhân viên đều vỡ òa và các bạn điều dưỡng đã khóc như con mình được sinh ra.”

Đại sứ Ngô Thị Hòa (người thứ hai từ trái qua) chia sẻ về quá trình phòng chống dịch Covid-19 tại đại sứ quán Hà Lan. 
Đại sứ Ngô Thị Hòa (người thứ hai từ trái qua) chia sẻ về quá trình phòng chống dịch Covid-19 tại đại sứ quán Hà Lan. 

Đại dịch Covid-19 khiến cho nhiệm kỳ cuối cùng của Đại sứ Ngô Thị Hòa tại Hà Lan trở nên vô cùng đặc biệt. Không có tiệc chúc mừng, các nghi thức tiễn biệt cũng bị dừng, và hành trình trở về Việt Nam của chị cũng gian nan hơn khi các chuyến bay thương mại mà chị đặt vé đều bị hủy, chị phải di chuyển bằng đường bộ để tới Frankfurt để bắt kịp chuyến bay cuối cùng về nước. Những câu chuyện về những ngày làm việc cuối cùng của chị cũng khiến những người tham dự hội thảo hình dung được những vất vả của các đại sứ và các công dân Việt Nam tại nước ngoài.

Tại Hội thảo, các diễn giả Dược sĩ, ThS. Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Tổng Giám đốc công ty Sao Thái Dương; ThS. Bá Thị Châm, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam và bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc truyền thông, Tập đoàn Công nghệ BKAV cũng lần lượt chia sẻ các câu chuyện truyền cảm hứng xung quanh việc ra đời của hai kit thử nhanh, phát hiện RNA Covid-19 bằng hai kỹ thuật khác nhau là Realtime-PCR và RT-LAMP của Công ty Sao Thái Dương hay công nghệ Blue Zone của BKAV góp phần phác họa bức tranh toàn cảnh về những nỗ lực của các lực lượng, các ban ngành trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Thông qua những câu chuyện truyền cảm hứng, các diễn giả đã khẳng định phụ nữ dù ở bất kỳ ngành nghề nào cũng đều cống hiến, đóng góp hết mình trong công tác phòng chống dịch bệnh. Hội thảo cũng đã góp phần lan tỏa tinh thần tích cực, hưởng ứng Ngày quốc tế sẵn sàng phòng chống dịch bệnh 27/12.

Diệu Thuần

Vinh danh gương nữ trí thức vì hòa bình và thịnh vượng

Vinh danh gương nữ trí thức vì hòa bình và thịnh vượng

Các diễn giả tham gia hội thảo "Phụ nữ trí thức vì hòa bình và thịnh vượng" đã góp phần lan tỏa tinh thần sống có trách nhiệm với cộng đồng.