Mới đây, một cụ bà 88 tuổi tại Tiền Giang bị con trai và con dâu ngược đãi, đánh đập khiến dư luận sôi sục.
Theo đoạn clip lan truyền trên mạng, người mẹ già gần 90 tuổi bị con dâu và con trai dùng tay và roi đánh đập liên tục khiến nhiều người xót xa, căm phẫn. Sự việc vỡ lở khi bà Võ Thị Kim P con gái cụ, trích xuất từ camera gắn trong nhà. Hiện chị P đã đưa mẹ về nuôi dưỡng, chăm sóc. Cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã vào cuộc nhưng vụ việc trên vẫn làm day dứt nhiều người, dấy lên nhiều suy nghĩ quanh câu chuyện chăm sóc người già.
Con dâu bạo hành mẹ chồng trước mặt đứa trẻ, chồng chứng kiến nhưng không can thiệp. Ảnh cắt từ clip. |
Giận ít, thương nhiều
Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của con người. Sau cả đời làm lụng, nuôi con và cống hiến, ai cũng mong đến tuổi già được con cháu chăm sóc phụng dưỡng, yêu thương. Nhưng không phải ai cũng có cái phước ấy.
Tuổi già ập đến kéo theo nhiều căn bệnh như cao huyết áp, xương khớp, đãng trí... Việc chăm sóc họ vô cùng gian nan, đòi hỏi sự kiên nhẫn và tình yêu thương vô bờ bến của người chăm sóc.
Chăm một người già khó hơn chăm một đứa trẻ gấp nhiều lần. Bởi vậy mới có câu: "Mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi mẹ kể tháng kể ngày".
Gia đình và hàng xóm cụ Nguyễn Thị Nghĩa (91 tuổi) ở quận Gò Vấp, TP.HCM cũng đã quen với việc cụ bị lẫn. Cuộc sống khi còn trẻ khá vất vả, cụ Nghĩa sinh 12 người con nên làm lụng, chạy chợ đầu tắt mặt tốt, xoay sở kiếm tiền nuôi con thơ dại giữa thời chiến tranh loạn lạc.
Có lẽ những tháng ngày vất vả ấy ám ảnh tâm trí nên khi bị đãng trí tuổi già, cụ vẫn luôn nghĩ mình ở thời kỳ đó. Ai lại nhà thăm cụ cũng kể những câu chuyện tất tả ngược xuôi buôn bán, chuyện xưa nhưng như mới xảy ra ngày hôm qua. Cụ kể chuyện rất hào hứng, kể đi kể lại, đến mức thuộc lòng như bài vở có sẵn.
Hiện tại cụ bà ở Tiền Giang đã được con gái đưa về chăm sóc. Ảnh: Internet. |
Cụ Nghĩa dù bị đãng trí nhưng vẫn tự đi lại được, mọi sinh hoạt vẫn có thể tự chủ. Những lúc nhớ thì cụ có thể làm mọi việc mà không cần sự giúp đỡ, nhưng khi quên có lần cụ đi vệ sinh giữa nhà. Đóng bỉm thì cụ không muốn vì rất khó chịu.
Thời trẻ lanh lợi, bươn chải, già lại ngồi một chỗ, chỉ quanh quẩn trong nhà khiến cụ lúc tỉnh táo lại đòi buôn bán, không muốn mình vô dụng. Theo lời cô Thu, con gái thứ năm, người chăm sóc cụ hàng ngày kể, cụ đòi mở cửa ngồi trước nhà bán card điện thoại vì nó nhỏ gọn, cụ dễ cầm. Cụ đâu có biết bày hàng ra, lỡ gặp kẻ gian giật "hàng" của cụ chạy mất hay tấn công cụ thì biết làm sao!
Lắm lúc con cháu vừa cho ăn cơm xong, hàng xóm tới thăm cụ lại mách "tụi nó chưa cho ăn", hàng xóm nếu không hiểu chuyện thì sẽ nghĩ con cháu không chăm sóc cụ chu đáo. Nhiều lúc các con cụ phải dỗ dành cụ mới làm theo. Các con cháu nào hay lui tới hàng ngày thì cụ nhớ mặt, nhớ tên, còn ai ở xa lâu lâu mới về thăm thì phải "khai báo danh tính".
“Vì cụ đãng trí nên lúc nào cũng phải có người ở gần chăm sóc, cửa lúc nào cũng phải khóa để tránh cụ đi ra ngoài. Nhưng với gia đình, dù mẹ có lẫn thế nào thì chỉ cần còn nhìn thấy mẹ, còn được nghe tiếng nói của mẹ đã là hạnh phúc rồi”, ông Dương Văn Sang, con trai của cụ vui vẻ nói.
Chăm sóc cha mẹ già đãng trí, khó tính là việc vô cùng gian nan, đòi hỏi sự kiên nhẫn và tình yêu thương vô bờ bến của con cháu. Ảnh minh họa. |
Hãy thấu hiểu và sẻ chia
Phụng dưỡng cha mẹ già, không chỉ là đạo đức, tình cảm giữa những người trong gia đình mà còn là trách nhiệm. Người già luôn cần có sự chăm sóc và tình cảm của con cháu.
"Một già, một trẻ như nhau" - câu thành ngữ này đúng với nhiều trường hợp người cao tuổi bị mắc bệnh suy giảm trí nhớ. Bởi từ cách chăm sóc đến cách trò chuyện với người già không đơn giản giữa những người trưởng thành với nhau, mà nhiều khi vừa phải dỗ dành như một đứa trẻ. Có những người khi già đi trở nên khó chịu, trái tính trái nết... việc chăm sóc luôn thử thách nhẫn nại rất lớn từ người thân.
Là con người thì chữ hiếu là thứ để đánh giá phẩm chất đạo đức, ghi nhận sự tử tế. Khi đối xử không tử tế đối với cha mẹ của mình thì chắc chắn rằng họ sẽ không tử tế đối với bất kỳ ai...
Bên cạnh đó, hành vi đối xử tàn nhẫn, ngược đãi đối với cha mẹ của mình khiến con cháu, cộng đồng xã hội chứng kiến sẽ là một cái gương xấu cho các thế hệ sau, làm gia tăng nguy cơ “cầu trước bắc đâu, cầu sau bắc đó”, làm suy đồi đạo đức, văn hóa của người Việt Nam.
Đánh đập, chì chiết cha mẹ xét về đạo đức, đó là những người con bất hiếu. Còn về pháp luật, đó là hành vi bị nghiêm cấm có thể bị phạt 5 năm tù.
Phạt tù từ 2 - 5 năm với hành vi ngược đãi, đánh đập bố mẹ già
Cơ quan điều tra sớm vào cuộc, sớm khởi tố và bắt tạm giam hai đối tượng đánh đập mẹ hơn 70 tuổi ở tỉnh Tiền Giang.