Nhạc sĩ Quốc Dũng là một trong những nhạc sĩ đầu tiên mở đầu xu hướng Việt hóa nhạc trẻ vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Nhắc đến Quốc Dũng, người ta sẽ nghĩ ngay đến những tình khúc phóng khoáng mang âm hưởng phương Tây, đến hàng ngàn ca khúc ông đã hòa âm phối khí tạo nên một hơi thở mới cho đời sống văn nghệ miền Nam thập niên 70, 80.
Trong suốt sự nghiệp gần 60 năm sáng tác, hòa âm, nhạc sĩ Quốc Dũng để lại cho đời một di sản âm nhạc đồ sộ ở đa thể loại. Ông viết nhạc trữ tình, Boléro, Rock, nhạc dân ca, thậm chí còn mở đầu cho dòng nhạc Gò Công lừng lẫy khắp miền Nam Việt Nam một thuở…
Và nổi tiếng trong đại chúng hơn cả, có ba bản nhạc xuân gắn liền với ba quãng đời quan trọng nhất của người nhạc sĩ, như ba dấu ấn của định mệnh, đánh dấu những khởi đầu mới có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa, đó là “Em đã thấy mùa xuân chưa”, “Điệp khúc mùa xuân”, và “Bài ca Tết cho em”… qua giọng ca của những “nàng thơ” trong đời ông như Bảo Yến, Thanh Mai… Những ca khúc nhạc xuân ấy trở thành kinh điển trong dòng chạy âm nhạc Việt Nam cho đến tận bây giờ.
Nhạc sĩ Quốc Dũng |
“Em đã thấy mùa xuân chưa”: Bản nhạc đầu tiên của mùa xuân cuộc đời
“Em đã thấy mùa xuân chưa” là bài hát đầu tay được nhạc sĩ Quốc Dũng sáng tác khi mới 11 tuổi. Lúc đó, ông chỉ viết nên giai điệu mà chưa có phần lời. Và phải mất 6 năm ông mới thực sự hoàn thành được bản nhạc đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác.
Đó là vào năm 1968, sau khi tốt nghiệp thủ khoa môn nhạc Pháp Tây phương (năm 16 tuổi), trải qua cuộc chia ly buồn bã với người bạn gái đầu đời, những nỗi buồn da diết từ mối tình đó đã tạo ra những xúc cảm mạnh mẽ để nhạc sĩ Quốc Dũng hoàn tất phần lời của “Em đã thấy mùa xuân chưa”. Ca khúc gây ngạc nhiên cho nhiều thế hệ khán giả bởi ca từ mang nhiều suy tư, ẩn dụ, thể hiện sự trưởng thành trong suy nghĩ.
Và mặc dù không phải là bài hát xuất sắc và nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của Quốc Dũng nhưng “Em đã thấy mùa xuân chưa” lại mang đúng tinh thần và phong cách âm nhạc của ông, đó là những ca từ sang trọng, hiện đại, giai điệu mang âm hưởng của phương Tây và khí nhạc rất mạnh mẽ.
Ba năm sau khi bài hát hoàn thành, 19 tuổi, nhạc sĩ Quốc Dũng mới phổ biến ca khúc này một cách rộng rãi. Và cho dù trong những ngày xuân vui tươi, những giai điệu xuân buồn sâu lắng của Quốc Dũng vẫn là một sắc xuân nhiều suy tư đặc biệt được nhiều khán giả yêu thích và nghe lại trong suốt nhiều thập kỷ qua.
“Điệp khúc mùa xuân”: Xuân thanh bình trên quê hương
“Điệp khúc mùa xuân” được viết từ đầu thập niên 1970, nhanh chóng nổi tiếng và trở thành bản nhạc quen thuộc mỗi dịp Tết đến xuân về. Từ thành thị đến thôn quê, những giai điệu vui nhộn vang lên: “Nắng chiếu lung linh muôn hoa vàng/Chở tia nắng về trong ánh mùa sang… Ánh mắt mơ trông nơi xa vời/Chờ mùa xuân đến đem nguồn vui”.
Tác giả từng tâm sự: “Tôi viết “Điệp khúc mùa xuân” vào năm 1974 khi mùa xuân đang tới. Mùa xuân thì phải thanh bình nhưng mùa xuân của những năm 1973 - 1974 vẫn chìm đắm trong chiến tranh khốc liệt nên tôi viết bài này trong tâm trạng buồn dù bài hát có tiết điệu rộn ràng. 15 năm sau ngày đất nước thống nhất, “Điệp khúc mùa xuân” được hát lại. Tôi rất bất ngờ vì bài hát được rất nhiều người hát mà ai hát cũng hay”.
Ca khúc mang những luồng năng lượng tươi mới và sôi động, đánh dấu những hân hoan của một thế hệ trẻ với những thay đổi của đất nước. Giai điệu tươi sáng, giản dị cùng với tiết tấu nhộn nhịp như hòa quyện vào nhau vẽ nên bức tranh mùa xuân - mùa của sự hy vọng về một tương lai tươi mới với nhiều hoài bão trong cuộc sống.
Bài hát được xếp vào tuyển tập những bản nhạc xuân hay nhất mọi thời đại, cũng chính bài hát này đã góp phần mang danh tiếng của nhạc sĩ Quốc Dũng trở nên nổi tiếng trong đại chúng nghe nhạc của miền Nam nói riêng và của khắp Việt Nam nói chung.
“Bài ca Tết cho em”: Mùa xuân tình yêu mới dành cho Bảo Yến
Ca khúc “Bài ca Tết cho em” ra đời năm 1982, bài hát đánh dấu cột mốc tình cảm Quốc Dũng dành cho Bảo Yến. Cuộc đời và sự nghiệp của Quốc Dũng thay đổi nhiều từ khi có Bảo Yến. Trong niềm hạnh phúc say sưa của tình duyên mới, Quốc Dũng viết “Bài ca Tết cho em” tặng “nàng thơ” của mình.
Ca khúc được viết theo thể loại Boléro chậm rãi đặc trưng của Sài Gòn, với những giai điệu đơn giản, qua chất giọng Huế đằm thắm của Bảo Yến càng trở nên xao xuyến bội phần: “Tết này anh không thèm đốt pháo, vì tiếng cười em rộn rã lòng anh rồi. Tết này anh không thèm chơi đánh bài, vì trong vòng tay anh đã có em như ngọc ngà. Tết này anh cũng chẳng chơi hoa, vì môi em cười như chứa cả vườn xuân...”.
Bản thu âm do Bảo Yến trình bày ra mắt khán giả lần đầu vào năm 1987. Những giai điệu thong thả nhưng sâu lắng nồng nàn đã chinh phục được hàng triệu khán giả ngay lần đầu tiên ra mắt, trở thành một trong những ca khúc xuân được nghe nhiều nhất trong dịp Tết năm ấy và cả nhiều năm sau này.
Bài hát ra đời năm 1981, nhạc sĩ Quốc Dũng nhớ lại: “Thời điểm đó, Bảo Yến làm thư ký cho Đài Truyền hình TP HCM, tôi thì chơi guitar cho ban nhạc của Đài. Để bày tỏ tình yêu dành cho Yến, tôi viết tặng cô ấy ca khúc này”.
Còn ca sĩ Bảo Yến thì nhớ lại cái ấn tượng lần đầu tiên nhìn thấy Quốc Dũng: “Ngay từ lần gặp mặt anh Dũng đầu tiên ở đài truyền hình, khi anh ngồi trong phòng thu cách tôi một tấm kính chắn, tôi đã nói với em gái (ca sĩ Nhã Phương) rằng người đàn ông đó sẽ là chồng của tôi. Tôi linh cảm về điều đó và mọi thứ đúng như thế. Chỉ vài tháng sau khi quen nhau, chúng tôi làm đám cưới”.
Cô cho biết dù hát bài hát này rất nhiều lần, nhưng lần nào cô cũng đều cảm thấy vui, ấm áp trong lòng và cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn như lúc trái tim cô rung động trước lời tỏ tình của Quốc Dũng.
Và cứ thế, dù đã qua hết những cuồng nhiệt ngày đầu, họ vẫn dành cho nhau thêm nhiều mùa xuân mới của cuộc đời. Không cần “xi nê”, không cần tiếng pháo, họ vẫn nắm tay nhau thật chặt như những tri kỷ trong cuộc đời và âm nhạc.
Giờ đây, khi Quốc Dũng đã không còn bên cạnh, danh ca Bảo Yến vẫn nhớ lại những tình cảm đong đầy mà hai người dành cho nhau: “Một cuộc tình đi đến vợ chồng là không phải vài tháng hay vài năm mà nó đã dính dáng liên hệ với nhau cả chục ngàn kiếp”. Với Bảo Yến, Quốc Dũng là chồng, là người thầy lớn, là tri kỷ trong âm nhạc, và là người mang đến cho cô những mùa xuân hạnh phúc nhất.
Dấu ấn MTV và sự “hồi sinh” dòng nhạc “để nghe”
Hòa chung với gu âm nhạc của khán giả MTV châu Á, khán giả Việt Nam đã được tiếp cận với rất nhiều dòng nhạc trên toàn cầu.