Một nghiên cứu từ Đại học Jaume I (Tây Ban Nha) mới đây đã cho thấy việc sống chung với con trai trên 30 tuổi nhưng vẫn độc thân có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của các bà mẹ, làm giảm đáng kể mức độ hài lòng trong cuộc sống của họ.
Kết quả nghiên cứu, được công bố trên tạp chí khoa học Social Science & Medicine, được rút ra từ phân tích dữ liệu của cuộc khảo sát tài chính hộ gia đình được thực hiện 3 năm một lần tại Tây Ban Nha.
![]() |
Tập trung vào nhóm cha mẹ trong độ tuổi từ 50-75, nghiên cứu cho thấy những bà mẹ sống cùng với con trai độc thân trên 30 tuổi có mức độ hài lòng trong cuộc sống thấp hơn rõ rệt, sức khỏe tâm thần của họ bị giảm từ mức "rất tốt" xuống chỉ còn "tạm ổn". Trong khi đó, người cha lại không ghi nhận sự sụt giảm này.
Sự chênh lệch này đã phản ánh gánh nặng chăm sóc trong gia đình hiện vẫn dồn chủ yếu lên vai người mẹ, đặc biệt trong bối cảnh con cái trưởng thành nhưng chưa độc lập.
“Trong bối cảnh việc sống chung giữa cha mẹ và con cái trưởng thành ngày càng phổ biến sau khủng hoảng tài chính và gần đây là do chi phí sinh hoạt tăng cao, điều quan trọng là cần nhận thức rằng việc này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của phụ huynh, đặc biệt là các bà mẹ", tiến sĩ María José Gil-Moltó và tiến sĩ Arne Risa Hole, thành viên nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh.
Không chỉ là vấn đề kinh tế
Tại châu Âu, tỷ lệ người trưởng thành trong độ tuổi 25–34 sống cùng cha mẹ vẫn ở mức cao, đặc biệt tại Tây Ban Nha, nơi có hơn 40% thanh niên trong nhóm tuổi này chưa rời khỏi nhà. Tuổi trung bình để sống độc lập ở nước này là gần 30. Ngoài yếu tố kinh tế, nguyên nhân còn đến từ văn hóa gia đình truyền thống, sự gắn kết giữa các thế hệ và sự bất bình đẳng trong phân công lao động gia đình.
Tình trạng này cũng phổ biến tại nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Giá nhà tăng cao, thị trường việc làm cạnh tranh và quan niệm “an cư mới lạc nghiệp” khiến nhiều nam giới trên 30 tuổi vẫn lựa chọn sống cùng bố mẹ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vấn đề không chỉ nằm ở tài chính. Việc sống chung kéo dài phản ánh sự chuyển dịch về vai trò giới, cấu trúc gia đình và giá trị cá nhân trong xã hội hiện đại. Những yếu tố này có thể làm nảy sinh mâu thuẫn âm ỉ trong gia đình, ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của các bậc cha mẹ, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi.
Từ phát hiện này, nhóm nghiên cứu kiến nghị các nhà hoạch định chính sách nên chú trọng nhiều hơn đến việc hỗ trợ thanh niên tách ra sống độc lập, thông qua các giải pháp về nhà ở, việc làm và tài chính phù hợp với nhu cầu thế hệ trẻ.
Trong bối cảnh mô hình gia đình truyền thống đang thay đổi nhanh chóng, nghiên cứu từ Tây Ban Nha không chỉ phản ánh thực trạng xã hội tại châu Âu mà còn mở ra những câu hỏi lớn về chính sách xã hội tại các quốc gia đang phát triển, nơi sự gắn bó giữa các thế hệ là giá trị văn hóa cốt lõi, nhưng cũng có thể trở thành áp lực vô hình cho cả cha mẹ lẫn con cái.
Vì sao thời gian dường như “bay vèo” qua mắt khi chúng ta già đi?
Theo các nhà nghiên cứu, cuộc sống với những tháng ngày “copy-paste” khiến não bộ trở thành một đoạn phim tổng hợp tua nhanh mà không còn những cột mốc đáng nhớ.