Xem TV, điện thoại quá nhiều làm thụt lùi khả năng phát triển ngôn ngữ ở trẻ

Một nghiên cứu quốc tế cảnh báo về tác động tiêu cực của việc sử dụng màn hình quá mức đối với sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ.

Một nhóm các nhà nghiên cứu từ 20 quốc gia mới đây đã công bố nghiên cứu cho thấy trẻ nhỏ dành quá nhiều thời gian trước màn hình ti vi và điện thoại thông minh có điểm số phát triển ngôn ngữ thấp hơn so với những trẻ có thời gian trước màn hình hạn chế. Trong khi đó, việc đọc sách và tương tác với người lớn trong quá trình sử dụng màn hình lại giúp cải thiện kỹ năng ngôn ngữ của trẻ.

Xem TV, điện thoại quá nhiều làm thụt lùi khả năng phát triển ngôn ngữ ở trẻ

Sự gia tăng thời gian sử dụng màn hình ở trẻ em, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, đang trở thành mối quan tâm của các chuyên gia giáo dục và y tế. Nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên hệ tiêu cực giữa thời gian tiếp xúc với màn hình và khả năng phát triển ngôn ngữ, cảm xúc xã hội cũng như khả năng tự điều chỉnh hành vi ở trẻ. Các tổ chức nhi khoa trên thế giới khuyến cáo không nên cho trẻ dưới 2 tuổi tiếp xúc với màn hình và chỉ nên cho phép trẻ lớn hơn sử dụng với thời gian hạn chế và có sự giám sát của người lớn.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Plos One, các chuyên gia đã phân tích dữ liệu từ 1.878 trẻ trong độ tuổi từ 12 đến 48 tháng tuổi tại Mỹ Latinh trong giai đoạn từ tháng 8/2021 đến tháng 3/2023.

Dữ liệu thu thập thông qua các khảo sát do phụ huynh cung cấp về thời gian sử dụng màn hình, mức độ tiếp xúc với sách, tương tác truyền thông với người lớn và sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Tình trạng kinh tế xã hội cũng được xem xét dựa trên khả năng tiếp cận các nhu cầu cơ bản, trình độ học vấn và nghề nghiệp của cha mẹ ở từng gia đình.

Kết quả cho thấy tivi và tivi nền (bật nhưng không tập trung theo dõi) là hai dạng hay được sử dụng phổ biến nhất, với thời gian trung bình hàng ngày vượt quá một giờ. Nội dung giải trí chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp theo là các chương trình âm nhạc và giáo dục.

Điều đáng chú ý là thời gian sử dụng màn hình không có sự khác biệt lớn giữa các nhóm kinh tế xã hội và quốc tịch, nhưng những gia đình có điều kiện thấp hơn lại báo cáo ít tiếp xúc với sách và có ít tài nguyên giáo dục hơn cho con.

Các phân tích cũng chỉ ra mối liên hệ tiêu cực giữa thời gian sử dụng màn hình và sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Trẻ tiếp xúc nhiều với tivi nền hoặc tivi nói chung có vốn từ vựng hạn chế hơn và đạt các cột mốc phát triển ngôn ngữ muộn hơn so với bình thường. Ngược lại, những trẻ được tiếp xúc với sách và có sự tham gia của người lớn khi sử dụng màn hình lại có kỹ năng ngôn ngữ tốt hơn. Mối liên hệ giữa việc dùng màn hình và sự phát triển vận động không đáng kể.

Những phát hiện này củng cố thêm bằng chứng về tác động tiêu cực của việc sử dụng màn hình quá mức đến sự phát triển ngôn ngữ sớm của trẻ. Các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh nên giới hạn thời gian cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử, đồng thời khuyến khích trẻ đọc sách và tham gia vào các hoạt động giao tiếp trực tiếp.

Ngoài ra, nếu sử dụng màn hình, cha mẹ nên đồng hành cùng con, lựa chọn nội dung phù hợp và biến thời gian này thành cơ hội tương tác, giúp trẻ tiếp thu ngôn ngữ một cách chủ động hơn.

Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phổ biến và ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống, các nhà nghiên cứu kêu gọi thực hiện thêm nhiều nghiên cứu thực nghiệm để xác định rõ hơn những yếu tố có thể làm giảm tác động tiêu cực của màn hình đối với trẻ em.

TM (the Medical Xpress)

Con của bạn có đang bị chậm nói?

Con của bạn có đang bị chậm nói?

Theo thống kê, có khoảng 1/5 trẻ em gặp phải tình trạng nói hoặc sử dụng từ ngữ chậm hơn so với các bạn cùng lứa khác.