Trong thời đại bùng nổ thông tin, ai cũng biết chút ít về tâm lý học. Ảnh hưởng của "gia đình gốc" dường như đều được mọi người liên kết với cuộc đời của mình: Thiếu tự tin, hay sợ sệt, tính cách bạo lực, hôn nhân không hạnh phúc... Cứ như vậy, dường như mọi bi kịch cuộc đời họ đều có thể tìm thấy từ "ngòi nổ" đầu tiên ở gia đình.
Nhiều cha mẹ tự hỏi tại sao họ dốc hết sức lực cho con, không dám nghĩ tới hạnh phúc của riêng mình nhưng con vẫn không biết ơn, thậm chí chán ghét. Thực tế thì, quan điểm, góc nhìn của người lớn và những đứa trẻ thường sẽ có sự khác nhau. Có những điều chúng ta tưởng tốt cho con thì dưới đôi mắt của trẻ chưa chắc đã là hạnh phúc. Tâm sự của một học sinh đang được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội sau đây là một ví dụ.
Trong tâm sự của mình, em học sinh này mở đầu bằng ba chữ có thể khiến người làm cha mẹ nào cũng thấy vô cùng đau lòng: "Mình ghét mẹ". Em giải thích rất dài nguyên nhân cho cái sự ghét đó của mình: "Ghét cái sự mẹ cho mình mọi thứ nhưng là cho một cách không trọn vẹn. Bố mẹ mình vẫn ở cùng nhau, nhưng là khó khăn về kinh tế. Ngày xưa khổ lắm, bà mình còn bắt nạt khi mẹ mình mới về làm dâu và cả các cô, em bố mình.
Ba mẹ mình lên Hà Nội ở riêng, nhưng cũng chỉ là thuê nhà trọ thôi và mẹ mình đi bán hàng cũng thuê chỗ người ta. Nhà có hai anh em nhưng mỗi lần đóng học phí mình lại thấy mẹ luôn miệng than vãn, thậm chí nói cả bố mình rằng không làm ra tiền để mẹ phải nuôi hai đứa. Vậy thử hỏi, bố mình đi làm ở ngoài thì ai ở nhà nấu cơm giặt giũ khi mình đi học suốt còn anh trai cũng đi học?
Sao mẹ không nghĩ lúc nào mình già các con nó nuôi xong kể công từng ngày? Vậy có ức không cơ chứ? Mình chỉ ước được lớn thật nhanh để làm ra tiền không mang tiếng là ăn bám. Tất nhiên cuộc đời, khi còn bé ba mẹ đã có nghĩa vụ phải nuôi chúng ta, vậy tại sao mẹ tớ lại không hoàn thành trọn vẹn nó?".
"Làm mẹ thời nay thật khó"
Nhiều cha mẹ cho biết, từng câu, từng chữ của em học sinh nói trên khiến họ đọc tới đâu xót lòng tới đấy. Làm bố mẹ thời nay không dễ dàng gì, vừa lo cơm áo gạo tiền lại phải biết cách trò chuyện cùng con, có gánh nặng mệt mỏi cũng không dám than van, chỉ sợ bị con đánh giá là than nghèo kể khổ, không tâm lý.
Trong câu chuyện này, rõ ràng bà mẹ có những áp lực về vật chất lẫn tinh thần. Từ sự khó khăn, kỳ thị của nhà chồng cho đến việc phải vất vả mưu sinh, nuôi hai đứa con. Vai trò của người bố không được đứa con nhắc tới, nhưng câu nói "bố mình rằng không làm ra tiền để mẹ phải nuôi hai đứa" cũng có thể cho thấy chị có những sự cô độc nhất định trong quá trình nuôi dạy con của mình.
Để nghĩ được và viết được lên thế này thì không còn nhỏ. Nhưng dù đang tuổi lớn, đứa trẻ này vẫn không biết giặt giũ, làm việc nhà, chỉ dồn hết cho mẹ, quy tất cả trách nhiệm là vì mẹ, chỉ biết trách cứ, hoàn toàn không có sự thông cảm hay yêu thương gì người sinh ra mình. Vậy sự cố gắng hay yêu thương của bố mẹ (dù không trọn vẹn như bé nói) để được gì?
Những đứa trẻ lớn lên được bao bọc mà không được dạy dỗ cẩn thận và kịp thời sẽ luôn l cho rằng những gì mình được nhận vẫn là chưa đủ. Bởi vì chúng chỉ bị càm ràm vì tiền mà chưa bao giờ biết được sự vất vả để kiếm ra được đồng tiền, không biết mẹ mình đã chịu bao nhiêu cực khổ và áp lực. Bà mẹ trong câu chuyện này có thể chưa chuẩn chỉnh nhưng đứa con này cũng thật ích kỉ.
Sinh con là lựa chọn và trách nhiệm, than vãn chỉ làm khổ con
Ở một góc độ khác, nhiều người bày tỏ sự thông cảm với đứa trẻ trong câu chuyện nói trên. Người lớn ai cũng có nhiều căng thẳng trong cuộc sống, không thể tránh khỏi có lúc cáu kỉnh hay buồn bã. Tuy nhiên, nếu thường phàn nàn trước mặt con cái về công việc không thành công, sự bất mãn cuộc sống... họ vô tình gieo vào đầu con những áp lực cuộc sống sớm.
Một số phụ huynh chia sẻ trải nghiệm không mấy dễ chịu của mình khi còn là đứa trẻ, mà một trong những nguyên nhân là cha mẹ than vãn quá nhiều:
"Ngày xưa ba tôi đi học, mỗi lần đóng tiền là ông nội sẽ than vãn, mắng mỏ, rất áp lực. Sau đó ba tôi đậu đại học nhưng về nói dối là rớt rồi, và đi xa làm ăn";
"Khi còn nhỏ mình cũng cảm thấy mệt mỏi khó chịu khi mẹ cứ nói suốt về chuyện khó khăn tiền bạc này nọ. Mình cũng như em học sinh này, mong lớn lên thật nhanh để có thể thoát khỏi gia đình, tự lo cho bản thân";
"Ngày xưa mỗi lần đóng học phí đại học bố mình lại than vãn tốn kém, nói hối hận sinh ra mình, nên từ đó mình tự lén đi làm thêm để bù vô tiền học và sinh hoạt trong khi học phí thì tăng liên tục mình vừa học vừa làm mệt muốn khóc. Cha mẹ có thể chia sẻ khó khăn của mình, than vãn cũng được nhưng phải lựa lúc lựa lời, con hiểu chuyện sẽ cảm thông chứ đừng lựa những lúc con nhạy cảm mà than, thật sự rất mệt và áp lực cho con".
Bố mẹ muốn con phải hiểu cho bố mẹ, nhưng bố mẹ cũng phải hiểu cho con. Lựa chọn sinh con ra là của bố mẹ, nên nuôi con là nghĩa vụ và trách nhiệm của bố mẹ. Đừng lấy công nuôi ra kể lể, chỉ thêm áp lực. Cứ tần tảo nuôi dạy con cho đúng trách nhiệm, con sẽ tự nhìn ra được bố mẹ đã từng vất vả như thế nào.
Đọc bài này thì mới thấy bản thân mình cũng đã đúng một phần nào đó , mình k than vãn với các con rằng mẹ khổ , mẹ vất vả bù lại mình hay tâm sự cũng như chia sẻ cùng các con công việc của mình, các con luôn hiểu và thương mẹ , các con luôn nói mẹ về già con sẽ chăm mẹ ,mua thật nhiều đồ ăn ngon cho mẹ , tuy mẹ cũng k mong vậy nhưng cũng rất ấm lòng
Người lớn từng là trẻ con nhưng trẻ con chưa từng là người lớn. Lựa chọn sinh con ra là bố mẹ, nên với góc nhìn 1 đứa trẻ thì mỗi ngày nghe những điều than vãn, nói năng mất kiểm soát của cha mẹ, các con không hiểu và thông cảm cũng là rất bình thường. Điều cha mẹ cần làm là chia sẻ giải thích một cách nhẹ nhàng và rõ ràng.
"Mình nghĩ khi con đến tuổi teenage, mình sẽ xem con như người lớn và mở lòng tâm sự một phần. Mình nghĩ trẻ con sẽ ích kỷ nếu nó không hiểu được sự khó khăn của cuộc sống, vì vậy nên mình sẽ cho nó tham gia vào câu chuyện tài chính gia đình, để bạn ấy hiểu được tiền đến từ đâu và cha mẹ đã phải làm lụng vất vả như thế nào để có được đồng tiền ấy", một phụ huynh chia sẻ.
Cha mẹ hay phàn nàn sẽ tự làm bản thân mệt mỏi. Chưa kể, buồn bực trước mặt con sẽ khiến trẻ không được vui, không khí gia đình vì thế mà ảm đạm. Cha mẹ thích phàn nàn, con cái cũng học cách kêu ca một cách vô nguyên tắc. Tính phàn nàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, khiến trẻ cảm thấy dễ bất mãn nếu có việc gì đó không như ý muốn, cũng như không có lợi cho sự phát triển lành mạnh của trẻ.
Thật khó có được hạnh phúc trong một cuộc sống hay than phiền, ngay cả khi bạn đã có một cuộc sống tốt đẹp. Những cha mẹ hiểu chuyện sẽ không để gia đình hạnh phúc mà họ đã dày công vun vén lại thất bại trước những lời phàn nàn vô ích và nhàm chán của họ.
Phàn nàn sẽ không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào của chúng ta. Ngược lại, cảm xúc tích cực cho phép chúng ta đối mặt với vấn đề và giải quyết chúng. Sự ổn định về mặt cảm xúc là món quà tốt nhất mà cha mẹ có thể tặng cho con cái.
Phỏng vấn độc quyền tài tử đào hoa nhất màn ảnh Thái: Dạy con trai tự kiếm tiền từ khi mới lên 6, yêu Việt Nam vì đồ ăn ngon
Nam tài tử đình đám nhất nhì showbiz Thái này được công chúng Việt Nam biết đến qua các vai diễn giàu có đào hoa trên màn ảnh.