Thịt trâu gác bếp - Món ăn ngày Tết của người Thái Tây Bắc

Dai dai, ngọt bùi xen lẫn vị thơm, cay cay… là đặc trưng riêng có của thịt trâu gác bếp.

Trâu gác bếp hay còn gọi là thịt trâu sấy, thịt trâu hun khói... được chế biến từ thăn và bắp trâu tươi, trải qua quá trình gác bếp phức tạp bằng củi.

Món ăn này có nguồn gốc từ người Thái đen khi xưa, thời điểm mà chưa xuất hiện tủ lạnh nên người dân đành phải sấy khô để bảo quản thịt để dùng lâu.

Trâu gác bếp đã trở thành đặc sản vùng núi Tây Bắc.
Trâu gác bếp đã trở thành đặc sản vùng núi Tây Bắc.

Ngày nay, trâu gác bếp đã trở thành đặc sản vùng núi Tây Bắc, rất được bà con nơi đây yêu thích. Thậm chí, món trâu này đã tạo nên cơn sốt trên khắp mọi miền đất nước và được kha khá cộng đồng nước ngoài biết đến như là một loại thức ăn đặc trưng của miền núi Việt Nam.

Được tẩm ướp bằng gia vị độc nhất của Tây Bắc, trải qua quá trình gác nghi ngút khói bếp nồng nàn đã mang lại những miếng trâu cay tê tái kèm chút ngọt ngọt. Nhưng để cho ra được thành phẩm như thế thì phải trải qua quá trình phức tạp và cầu kỳ.

Các công đoạn làm nên món thịt trâu gác bếp

Bước 1: Chọn thịt trâu

Việc lựa chọn thịt trâu là yếu tố quyết định độ ngon của món trâu gác bếp. Những miếng thịt tươi ngon là phần thịt thăn nạc hoặc bắp trâu, tuyệt đối không chứa gân hoặc mỡ. Sau đó, thái theo thớ dọc thành từng miếng có chiều dài khoảng 20 cm và bề dày khoảng 5 cm, sau đó dần lại thịt cho mềm.

Bước 2: Tẩm ướp gia vị

Để tẩm gia vị cho thịt trâu thơm ngon thì phải lựa chọn những gia vị phù hợp, kỹ lưỡng như gừng, ớt, mắc khén,... Hạt mắc khén cũng là loại gia vị đặc trưng và là linh hồn của những món ăn ở vùng núi Tây Bắc đấy!

Cách làm gia vị cũng khá phức tạp: Nướng ớt khô cho đến khi thơm rồi cho vào cối giã nhuyễn cùng với tỏi, gừng, sả, mắc khén, muối, đường rồi trộn đều thành hỗn hợp gia vị hơi sệt. Đem hỗn hợp vừa làm chà sát lên thịt trâu, cho thêm một ít bột ngọt, muối. Đem trộn đều và để ướp khoảng 3 tiếng cho thịt trâu ngấm đều gia vị.

Bước 3: "Gác bếp" thịt trâu

Sau thịt ngâm gia vị đem phơi dưới nắng để thịt vàng đều và thơm mùi nắng.

Khi thịt trâu đã săn lại thì đặt thịt đã lên dàn tre, có thể đắp lá chuối tươi hoặc lá dong lên trên để ủ độ nóng. Đốt gỗ lấy than để tạo khói đều, gỗ đốt ở đây phải dùng loại gỗ to. Tuyệt đối không được để lửa bùng lên mà chỉ sấy bằng than hoa. Kiểm tra độ nóng và lật miếng trâu liên tục cho đến khi thịt chín khô.

Sau đó, đồ chín thịt trâu, để nguội rồi đem đi cất. Có thể bảo quản ngay trên gác bếp hoặc trong ngăn đá tủ lạnh.

Cách ăn thịt trâu gác bếp đúng chuẩn Tây Bắc

Một trong những cách ăn thịt trâu gác bếp ngon nhất đó chính là theo kiểu người Thái xưa là cho miếng trâu gác bếp vùi vào tro bếp vừa hình thành từ lò lửa trong 1 đến 2 phút. Khi lấy từ tro ra, đập hết bụi bám trên thịt trên thớt rồi xé nhỏ là có thể thưởng thức. Cách ăn này giúp món trâu gác bếp giữ trọn vẹn hương vị tự nhiên của nó.

Ngoài ra, còn có một số cách khác như quay nóng bằng lò vi sóng: vẩy 1 chút nước vào thịt trâu sấy sau đó đặt thịt lên cái đĩa sạch rồi cho vào lò vi sóng quay 2 phút ở nhiệt độ khoảng 600W là hoàn thành. Khi thực hiện cách này sẽ khiến cho thịt trâu mềm hơn bình thường. Tuy nhiên, từng thớ thịt vẫn giữ được nguyên vẹn hương vị thơm ngon, cay cay kèm chút ngọt.

Hấp cách thủy thịt trâu gác bếp: đặt miếng thịt trâu vào trong tô. Sau đó, đặt tô vào nồi, đổ nước ngập lưng chừng nồi. Cuối cùng, đậy kín vung rồi hấp cách thủy trong vòng 5 phút kể từ khi nước sôi là hoàn thành.

DIỆU HƯƠNG

Gié bò - món ngon kén người ăn của người Bana

Gié bò - món ngon kén người ăn của người Bana

Gié bò là món ăn truyền thống của người Bana, có cách chế biến riêng biệt nhưng không phải ai cũng thích món này khi thử lần đầu.

Đọc nhiều nhất