Theo thông tin được đăng tải trên Tạp chí Liệu pháp Miễn dịch Ung thư, các nhà nghiên cứu tại Trường Y khoa Icahn thuộc Mount Sinai công bố đã phát hiện ra dấu ấn sinh học trong máu giúp dự đoán hiệu quả điều trị ở bệnh nhân ung thư nội mạc tử cung tái phát. Công trình nghiên cứu này mở ra cánh cửa cho việc cá nhân hóa phương pháp điều trị, nâng cao hiệu quả và giảm thiểu tác dụng phụ cho bệnh nhân.
![]() |
Nghiên cứu chỉ ra một số chỉ dấu sinh học trong máu có thể giúp dự đoán hiệu quả điều trị ở bệnh nhân ung thư nội mạc tử cung tái phát |
Ung thư nội mạc tử cung, một nỗi ám ảnh của hàng triệu phụ nữ trên toàn thế giới, đang có dấu hiệu gia tăng đáng báo động. Theo ước tính của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, năm 2025 có thể ghi nhận khoảng 69.120 ca mắc mới và 13.860 ca tử vong do căn bệnh này. Mặc dù liệu pháp miễn dịch đã mang lại những bước tiến đáng kể trong điều trị ung thư, nhưng không phải bệnh nhân nào cũng đáp ứng tốt, và nguy cơ tái phát vẫn luôn rình rập.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Mount Sinai là công trình đầu tiên đi sâu vào phân tích các dấu hiệu trong máu, nhằm tìm ra những chỉ dấu có thể dự đoán hiệu quả của liệu pháp kết hợp cabozantinib và nivolumab. Các nhà nghiên cứu đã xác định được sự khác biệt rõ rệt trong biểu hiện của các protein trong máu giữa những bệnh nhân chỉ sử dụng nivolumab và những người được điều trị bằng liệu pháp kết hợp.
Kết quả cho thấy, những bệnh nhân có nồng độ thấp hơn của một số protein liên quan đến đại thực bào - một loại bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch - thường có đáp ứng tốt hơn với liệu pháp kết hợp. Ngược lại, những bệnh nhân có nồng độ cao của các protein liên quan đến bạch cầu trung tính - một loại tế bào bạch cầu khác của hệ miễn dịch - lại có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ cao hơn.
Điều đáng chú ý là, liệu pháp kết hợp vẫn mang lại hiệu quả cho một số bệnh nhân ngay cả khi họ đã không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị trước đó. Điều này mở ra hy vọng cho những bệnh nhân ung thư nội mạc tử cung tái phát, vốn thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm phương pháp điều trị phù hợp.
Tiến sĩ Sacha Gnjatic, giáo sư về miễn dịch học và miễn dịch trị liệu tại Viện Ung thư Tisch, Trường Y khoa Icahn, Mount Sinai, nhấn mạnh tầm quan trọng của phát hiện này: "Nghiên cứu của chúng tôi mang đến những hiểu biết mới về phản ứng của hệ miễn dịch đối với liệu pháp điều trị ung thư. Việc xác định các dấu ấn sinh học đặc hiệu trong máu cho phép dự đoán chính xác hơn những bệnh nhân có khả năng đáp ứng với liệu pháp kết hợp, từ đó xây dựng chiến lược điều trị hiệu quả và cá nhân hóa".
Nếu những phát hiện này được xác nhận trong các nghiên cứu tương lai, các bác sĩ có thể sử dụng xét nghiệm máu đơn giản để xác định xem bệnh nhân có phù hợp với phương pháp điều trị hay không. Nhờ đó, họ có thể tránh những điều trị không cần thiết và tập trung vào các phương án có hiệu quả cao nhất.
Đây là một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống lại ung thư nội mạc tử cung, và là minh chứng cho sức mạnh của nghiên cứu khoa học trong việc mang lại những giải pháp điều trị tiên tiến cho bệnh nhân.
Người phụ nữ mắc ung thư nội mạc tử cung vì bổ sung quá mức thứ được coi như “thần dược” dưỡng da
Làn da trắng mịn, ngoại hình trẻ lâu là mong ước của nhiều chị em. Cô Chu (Trung Quốc) có được điều này nhưng phải trả giá bằng căn bệnh ung thư.