TP.HCM nguy cơ thiếu thuốc, nhiều loại vaccine

Theo Sở Y tế TP.HCM, ngành y tế đối diện nhiều khó khăn, thách thức trong đó có nguy cơ thiếu thuốc, vật tư y tế và thành phố sẽ cố gắng không để thiếu thuốc xảy ra trên diện rộng.

Trong buổi làm việc với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Sở Y tế TP.HCM đã nêu ra những khó khăn, thách thức mới xuất hiện trong giai đoạn hậu dịch COVID-19 trong đó nổi bật là dịch sốt xuất huyết và nguy cơ thiếu thuốc, vật tư y tế nguyên nhân là do không dám đấu thầu mua sắm thuốc.

Ngoài ra, biến động nguồn nhân lực y tế khi nhân viên y tế công lập nghỉ việc có xu hướng tăng. Một số cán bộ quản lý xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau và tâm trạng lo lắng trong một số bộ phận nhân viên y tế đã xuất hiện. Từ đầu năm đến nay có 891 viên chức, nhân viên các cơ sở y tế công lập xin nghỉ việc. 

TP.HCM nguy cơ thiếu thuốc, vaccine - Ảnh 1.

TP.HCM đứng trước nguy cơ thiếu thuốc và vaccine.

Bên cạnh đó, TP.HCM còn xảy ra thực trạng thiếu vaccine. Cụ thể theo VTC, nhiều ngày qua, người dân ở TP.HCM và nhiều tỉnh khu vực phía Nam đến Viện Pasteur TP.HCM để tiêm vaccine đều phải quay về vì đơn vị này thông báo hết vaccine.

Nếu như trước đây, trung bình mỗi ngày, đơn vị này thực hiện tiêm chủng cho khoảng 1.000 lượt người, nay số người đến tiêm chủng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hiện, Viện Pasteur hết phần lớn các loại vaccine phổ biến như phòng uốn ván (VAT); thủy đậu (VARIVAX, VARILRIX); 6 loại vaccine phòng dại, vaccine phòng cúm cho trẻ từ 6 - 36 tháng; vaccine cho trẻ từ 36 tháng trở lên và người lớn… Chỉ còn vaccine Prevenar phòng bệnh viêm màng não, viêm phổi do phế cầu và hai loại vaccine phòng viêm dạ dày, ruột do virus Rota. Điều đáng nói, tình trạng hết vaccine tại Viện Pasteur đã kéo dài từ mấy tháng nay.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, việc thiếu vaccine kéo dài trong thời gian qua là do đơn vị này gặp một số vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm. Hiện Viện đang rà soát, hoàn thiện quy trình mua sắm, đấu thầu vaccine và các sinh phẩm y tế theo hướng dẫn từ Thông tư 08/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư bắt đầu có hiệu lực từ 1/8/2022.

Tuy nhiên, ông Trung cho rằng, quy trình đấu thầu, mua sắm phải mất khoảng vài tháng, không thể có lại vaccine ngay. Trước mắt, khi người dân có nhu cầu tiêm vaccine, Viện Pasteur đã chỉ đạo nhân viên hướng dẫn người dân đến các cơ sở y tế lân cận để không gián đoạn thời gian tiêm vaccine.

Viện Pasteur TP.HCM là cơ sở y tế dự phòng đầu ngành khu vực phía Nam, thực hiện nhiều hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nghiên cứu khoa học, đào tạo, hợp tác quốc tế. Nhiều năm qua, Viện Pasteur triển khai dịch vụ khám, tư vấn tiêm chủng cho người dân, với trung bình khoảng 1.000 lượt tiêm mỗi ngày.

Trước thực trạng trên, Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu phòng nghiệp vụ dược triển khai nhiều hoạt động có hiệu quả trong đấu thầu mua sắm thuốc tại các bệnh viện và các đơn vị trực thuộc, không để tình trạng thiếu thuốc xảy ra trên diện rộng.

Sẽ luân phiên đấu thầu tập trung các địa phương mỗi năm 2 lần tại các bệnh viện tuyến cuối thành phố, huy động nguồn lực của cả ngành y tế tham gia.

Tổ chức giám sát tình hình sử dụng thuốc, tổ chức điều phối giữa các bệnh viện. Chuẩn bị nguồn lực chuyên trách công tác quản lý và cung ứng thuốc cho bệnh viện, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc tại y tế cơ sở.

HÀ MY