Trần Dương Duy Hải, từ bàn tay trắng đến doanh nhân nức tiếng làng thời trang handmade

Câu chuyện xây dựng thương hiệu thời trang handmade Ponagar từ đôi bàn tay trắng của doanh nhân Trần Dương Duy Hải khiến nhiều người nể phục.

Kinh doanh từ đam mê với đồ handmade

Theo chị Trần Dương Duy Hải, giám đốc công ty TNHH Ponagar, việc kinh doanh của chị xuất phát từ tình yêu mãnh liệt dành cho các sản phẩm handmade. Thương hiệu Ponagar là thương hiệu đầu tiên nghiên cứu và ứng dụng nghệ thuật vẽ tranh trên da.

Chị Duy Hải cho biết, từ nhỏ chị đã thích đan len và những đồ thủ công. Nên khi là sinh viên ngành Mỹ thuật Công nghiệp, chị đã tự mày mò thiết kế và làm ra nhiều sản phẩm dòng handmade như nón len, túi xách để bán trên mạng và ký gửi ở các cửa hàng…

1-3-copy-.jpg
Doanh nhân Trần Dương Duy Hải, giám đốc công ty TNHH Ponagar.

Sau khi tốt nghiệp đại học, chị đã có 6 tháng làm giảng viên tại hệ thống đạo tạo mỹ thuật quốc tế. Trong lúc định nghỉ hẳn để chuyên tâm làm việc thì đơn hàng đến với chị ngày càng nhiều do sản phẩm độc lạ nên được người tiêu dùng đón nhận. Thế là cô gái Duy Hải quyết định nghỉ việc và thành lập Ponagar.

Sản phẩm đầu tiên mà chị thiết kế được thị trường đón nhận là vỏ bọc điện thoại, khắc tên, hình lên bao da bằng laser. 

Doanh nhân Duy Hải cho biết: “Lúc đầu tôi tự làm hết, vì là sản phẩm thủ công nên toàn bộ đều cắt may bằng tay. Cứ thế tôi tỉ mẩn làm từ từ, từng chút một để hoàn thiện sản phẩm chỉn chu nhất có thể. Và đơn hàng tấp nập đến với số lượng nhiều buộc tôi phải mở nhà xưởng và tuyển nhân công. Rồi dần dần tôi lấn sân sang lĩnh vực túi xách da và gút da cũng như nhiều sản phẩm khác”.

Theo CEO Ponagar, để sản phẩm handmade đến tay người tiêu dùng phải trải qua 5 công đoạn khá kỳ công. Sau đó, dựng mẫu thử và chọn màu phù hợp. Kế tiếp là lên rập và sau cùng là làm nên sản phẩm thật, kiểm tra lại dáng, những chi tiết đường may, họa tiết rồi giao cho khách hàng.

do-da-ve-tay.jpg
Những sản phẩm thủ công thương hiệu Ponagar.

“Nhiều người bảo rằng làm bằng tay thì thô ráp, bằng máy mới đều và đẹp nhưng theo tôi đồ handmade luôn có hồn qua từng đường may, nét vẽ khiến sản phẩm tinh tế hơn nhiều. Và những sản phẩm làm bằng tay của tôi cứ thế đi vào lòng khách hàng”, doanh nhân Duy Hải chia sẻ.

Đổi mới là con đường sống còn

Trải qua 11 năm hình thành và phát triển, Ponagar hiện cung cấp ra thị trường với hơn 1.000 sản phẩm mỗi tháng. Sản phẩm được phân phối ở hầu hết các đại lý cả nước, hệ thống sân bay toàn quốc và các khu nghỉ dưỡng…

Từ sản phẩm ban đầu là bao da điện thoại, đến nay Ponagar đã phát triển rất đa dạng sản phẩm: Túi xách, bóp ví, thẻ card, dây đồng hồ, bao máy tính, ghim cài áo…

1-5-copy-.jpg
Doanh nhân Trần Dương Duy Hải cho biết rất thích nghệ thuật dân gian Việt Nam.

Nói về những khó khăn ban đầu của mình, Duy Hải cho biết chị may mắn vì đã đi được đúng theo ngành nghề đã học. Tuy nhiên khởi đầu luôn có những khó khăn từ việc tự mình tìm kiếm nhà cung cấp nguyên liệu, xây dựng quy trình sản xuất, hệ thống bán hàng…

Đặc biệt là làm thế nào để chất liệu màu vẽ trên da có thể bám dính và ra đúng màu sắc mà mình mong muốn vì chất liệu da khá trơn. Để làm được điều này Duy Hải đã mất gần 1 năm nghiên cứu và chế tác ra loại màu có thể bám dính lâu trên bề mặt da và chị đã thành công.

Nói về cách chị làm nên một thương hiệu handmade như Ponagar chị cho biết: “Luôn sáng tạo, làm mới sản phẩm là cách để sống còn và khẳng định tên tuổi. Bất cứ sản phẩm nào mới ra đều có thể bị coppy và mình phải liên tục thay đổi mẫu mã để sản phẩm của mình không giống bất kỳ ai”.

Hơn nữa Duy Hải cho biết chị có một tình yêu khá đặc biệt với nghề thủ công mỹ nghệ của Việt Nam nên muốn lưu giữ nó. Chị đã vẽ, thêu tay, kết cườm thậm chí là dát vàng lên túi xách. Không chỉ dừng lại ở đó, chị phát triển thêm 2 dòng sản phẩm guốc mộc và sơn mài và cộng đồng rất yêu mến và đón nhận.

duy-hai.jpg
Những sản phẩm đầy tinh tế được làm từ da. 

Theo CEO Duy Hải, muốn khởi nghiệp với bất cứ ngành nghề hay sản phẩm nào thì bản thân mình phải là người am hiểu tường tận, thuần thục nhất về các quy trình. Có như vậy mời truyền được cảm hứng cho các cộng sự của mình, và nhìn ra được những điểm còn thiếu sót. Dù thay đổi ở bất kỳ bộ phận nào mình vẫn chủ động và kiểm soát mọi thứ.

CẨM VÊN