Giữa bối cảnh xã hội khép kín còn nhiều gian khó, những cách tân trong nghệ thuật Cuba có thể gây ngạc nhiên đối với bất cứ vị khách nào. Bắt được ý tứ đó từ những dòng chia sẻ của nhà văn Lê Anh Hoài, tôi tìm gặp anh trong hy vọng của một hình dung rõ nét hơn về “những người anh em” phía bên kia địa cầu.
Hình bóng của Việt Nam
Thưa nhà văn Lê Anh Hoài, từ quan sát của một người làm nghệ thuật trong suốt chuyến đi, theo anh, đâu là đặc trưng nổi bật nhất của văn hóa Cuba?
Dấu ấn hậu thuộc địa xuất hiện rõ nét ở Cuba. Cụ thể, sự giao thoa văn hóa với Tây Ban Nha, Ý, Pháp, sau đó là một chút Mỹ, đã từng xảy ra mạnh mẽ trước cách mạng. Điều đó vẫn còn lưu lại trong kiến trúc, hội họa và âm nhạc.
Một khía cạnh quan trọng khác là văn hóa bản địa, văn hóa của những người thổ dân. Tất nhiên là sau cách mạng còn một dòng chảy nữa, dòng chảy hiện thực xã hội chủ nghĩa với văn học, hội họa và những ca khúc hiện thực xã hội chủ nghĩa nhưng theo kiểu Cuba.
Nhà văn Lê Anh Hoài trước cửa căn nhà lưu niệm Hemingway ở Cuba |
Có thể nói, đất nước này đặc trưng bởi văn hóa Mỹ Latinh. Hiện tại, nền kinh tế Cuba không cao, tuy nhiên cần nhìn nhận thời điểm diễn ra cách mạng, họ đang là một nền kinh tế tương đối, chứ không thấp.
Tôi đã gặp một vị giám đốc quỹ phát triển văn hóa, ông khá tự hào khi nói rằng Cuba xuất phát từ một nền kinh tế không thấp kém, có những quãng họ không thua các nước phát triển, cũng có ý là không thua cả Mỹ. Tôi đi du lịch nên không kiểm chứng được hết, nhưng quả tình họ giữ niềm tự hào ấy.
Một đất nước gần như cách ly với thế giới bởi những rào cản, có thể hình dung thế nào về nền văn hóa đương hiện của họ?
Với sự ảnh hưởng sâu sắc từ truyền thống bản địa, văn hóa Cuba mang vẻ khá phóng khoáng, tự do, cũng tự nhiên. Tôi xem một số buổi biểu diễn, thấy tính ứng tác trong nghệ thuật của họ rất cao. Đó là một nền văn hóa có truyền thống về lưu diễn và ứng tác.
Những sự kiện nghệ thuật đương đại diễn ra ở thủ đô. |
Họ có Trova, một loại hình dành cho những người đi khắp nơi để kể chuyện, đàn và hát. Cũng có thể hiểu Trova là những bài hát được trình diễn có tính kể chuyện, trên nền âm nhạc chủ yếu là guitar hoặc jazz. Khi cách mạng diễn ra, các nghệ sĩ vẫn tiếp nối điều đó. Cho đến hôm nay, sự ứng tác trên sân khấu hay giao lưu của người Cuba diễn ra rất tự nhiên, thoải mái.
Không thể phủ nhận tình cảm nhân dân và Chính phủ hai nước Việt Nam - Cuba. Vậy văn hóa Việt Nam đang sống và lan tỏa trong tâm thức người Cuba như thế nào?
Khi tôi đến chơi nhà Jose Omar, một nghệ sĩ tạo hình, điều đầu tiên nhìn thấy là đôi voi Việt Nam, hàng gốm Biên Hòa. Tôi rất ngạc nhiên, chỉ vào rồi nói, ồ, đây là voi Việt Nam. Jose Omar cho biết đã mua đôi voi ở hội chợ ngay tại thủ đô. Đây là chi tiết tôi dùng để trả lời câu hỏi trên, dù còn hơi khiên cưỡng.
Hay một ví dụ khác. Trong buổi biểu diễn của ban nhạc Trova rất nổi tiếng bên đó, có một khán giả dưới sân khấu đội chiếc mũ hình tam giác hơi gợi đến chiếc nón của Việt Nam, dù trông cũng không giống lắm. Nhưng điều đó đã làm người ca sĩ của ban nhạc, dù tôi nghĩ là một phút hứng thú thôi, vừa đàn vừa hát và chỉ xuống người khán giả, nói rằng: “Anh làm tôi thấy một hình bóng của Việt Nam”. Đại loại như thế.
Nhà máy nghệ thuật - không gian sáng tạo nghệ thuật ở La Habana. |
Nhưng khi tôi gặp ông Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Cuba, người từng sang Việt Nam cách đây 5 năm, ông khoe với tôi hai bản dịch “Nhật ký trong tù” và thơ của Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ngoài ra, ông không nhắc thêm tác phẩm nào của Việt Nam, dù trong cương vị quản lý văn nghệ, tầm quan sát của ông phải rất rộng.
Như vậy có thể thấy hình ảnh Việt Nam trong người Cuba còn rất nhiều. Tuy nhiên, tôi cho rằng chủ yếu đến từ mối quan hệ sâu sắc trong quá khứ. Hiện tại sự thân thiết này vẫn được tiếp nối nhưng chủ yếu trên khía cạnh chính trị, hơn là mối quan hệ mang tính văn hóa.
Những cuộc chơi đương đại
Anh đã đi qua nhiều triển lãm ở La Habana, cũng gặp gỡ, “tụ tập” không ít cùng giới văn nghệ sĩ bên đó. Có nhân vật, sự kiện nào làm anh đặc biệt ghi nhớ?
Tôi gặp một số nhà văn, nhà thơ, trong đó có Waldo Leyva. Ông ấy tặng tôi một tập thơ kỷ niệm. Về Việt Nam, tôi đọc và tra trên mạng internet. Những bài thơ của ông chứa đầy tinh thần tự do, với những đề tài nhân văn như suy nghĩ khi đứng trước biển, suy nghĩ về thân phận một hòn đảo… Tôi thấy ở đất nước ấy, sự sáng tạo của họ không quá bị gò bó, chí ít là như bên ngoài vẫn tưởng.
Tác phẩm trong triển lãm của Enrique Rottenberg và Carlos Quintana |
Về nghệ thuật, một triển lãm nhiếp ảnh làm tôi ấn tượng khác là triển lãm của Enrique Rottenberg - một nghệ sĩ thị giác người Do Thái sinh sống ở Cuba cùng Carlos Quintana, một nghệ sĩ gốc Cuba. Ở triển lãm của mình, ông ấy dựng lại bức tranh với chủ đề buôn bán nô lệ từ nhiều thế kỷ trước bằng nhiếp ảnh, phương tiện khá đương đại, cho thấy sự va đập với bối cảnh mới. Nhiều tác phẩm của Rottenberg khiêu khích nhận thức, mỹ cảm. Đó là một sự cố tình, một kiểu “sinh sự” nhưng không hề thấp kém.
Theo những gì tôi biết thì triển lãm lưu động của họ từng đi nhiều nước, cũng từng bị cấm cửa tại một số quốc gia châu Âu. Ở Cuba, triển lãm vẫn được cấp phép, đông đảo công chúng vẫn đến thưởng thức các tác phẩm đầy tính ẩn dụ và sự khỏa thân táo bạo ấy.
Kể những câu chuyện trên để thấy tính đương đại của nghệ thuật Cuba là có và không thể đánh giá thấp. Tôi nghĩ Cuba, ít nhất trong văn hóa, có thể nhìn nhận như một trường hợp phi chính thống của chủ nghĩa xã hội.
Tác phẩm trong triển lãm của Enrique Rottenberg và Carlos Quintana |
Nhìn ra bối cảnh của những nước khác rồi nhìn về Cuba, có thể thấy trong một thời gian dài, trạng thái sáng tác của quốc đảo này vẫn diễn ra như thế, tạo thành luồng nhánh. Bên cạnh nghệ thuật cổ điển như bale, nhạc thính phòng, họ cũng có jazz, có rock, có video art, trình diễn, sắp đặt…
Anh từng nhắc đến Nhà máy Nghệ thuật ở La Habana, liệu những không gian dành cho sáng tạo có nhiều ở quốc gia này không? Giới nghệ sĩ của họ hoạt động trên nguyên tắc nào?
Tôi không dám chắc nhưng có quan sát các hoạt động văn hóa và thấy họ khá cởi mở. Như quỹ phát triển văn hóa, có thể thấy họ hoạt động từ lâu.
Bên cạnh đó, tôi cũng gặp gỡ một số nhóm được hình thành từ các nghệ sĩ sáng tạo ở nhiều loại hình khác nhau. Ví dụ trong nhóm có họa sĩ, diễn viên múa, nhà văn, nhà thơ… Họ chơi khá hòa đồng, hình như đó cũng là truyền thống của Cuba.
Thời trước tôi không biết, nhưng nếu nói về bối cảnh nghệ thuật đương đại đang diễn ra, có thể thấy các nhóm nghệ sĩ ở Cuba có khuynh hướng, dù những khuynh hướng có được tuyên bố hay không thì họ cũng kết nối với nhau trên tinh thần đó. Gần đây họ có internet nên mức độ tiếp cận, cập nhật thông tin thế giới càng tốt hơn.
Nghệ thuật giữa vòng vây cấm vận
Giữa vòng vây cấm vận, liệu Cuba có nhà văn, nghệ sĩ lớn?
Có chứ, chính ông Waldo Leyva. Ông ấy là nhà thơ rất nổi tiếng ở Cuba và quốc tế. Leyva từng đoạt nhiều giải thưởng của châu Âu, Mỹ Latinh, thậm chí của cả Mỹ. Đó đều là những giải lớn.
Có thể nói, độ phủ sóng của những nhà văn, nghệ sĩ nổi tiếng của Cuba rất rộng trên thế giới. Thơ của Waldo Leyva được dịch ra rất nhiều thứ tiếng, cho thấy văn hóa của họ cũng được yêu thích một cách tự nhiên, không hẳn chỉ qua con đường ngoại giao, chính trị.
Ở trong nước, tôi cảm thấy người dân cũng rất yêu quý các văn nghệ sĩ của họ. Như một vài buổi tôi đi xem trình diễn, thấy họ giao lưu với nhau rất nồng hậu, tự nhiên. Có lẽ do sự xuất hiện của các phương tiện công nghệ chưa nhiều, nên những buổi diễn, các triển lãm, tác phẩm nghệ thuật được công chúng đón nhận nồng nhiệt hơn.
Những sự kiện nghệ thuật đương đại tại thủ đô |
Mỗi khi có biểu diễn người dân Cuba thích lắm, và sự yêu thích rất cụ thể khá khác với Việt Nam bây giờ vì chúng ta “chỉ cần mở Facebook ra xem thôi”. Cuba chắc chắn chưa bị thế. Điều đó cũng tạo cảm hứng cho người sáng tác hơn.
Ở bất cứ một nền nghệ thuật nào, các nghệ sĩ ít nhiều đều nuôi dưỡng một vài kỳ vọng cho tương lai. Hiện tại, giới nghệ thuật ở Cuba đang mong muốn và hướng tới điều gì?
Tôi nói cái chung trước, nghệ sĩ cũng như người dân bình thường thôi, họ rất muốn đất nước thoát khỏi tình trạng khó khăn. Đồng thời, họ đang thích Việt Nam vì cho rằng chúng ta là một hình mẫu gần gũi với họ. Họ muốn đi theo con đường Việt Nam đã đi, nghĩa là “Đổi Mới”. Rất nhiều người Cuba biết từ “Đổi Mới” và nói nó bằng tiếng Việt. Đó là cái chung có thể thấy.
Còn cá nhân nghệ sĩ thì tôi nghĩ họ khá kín đáo. Tôi với họ sơ kiến, họ cũng chẳng biết mình là ai, còn sự dè dặt nhất định. Thế nhưng rõ ràng họ có một mong muốn, bằng cách này bằng cách kia, vẫn bộc lộ ra.
Nhà văn Lê Anh Hoài trong cuộc gặp mặt các nghệ sĩ Cuba. |
Thứ nhất, dù môi trường sáng tác khá tự do nhưng họ vẫn muốn sự hạn chế trong sáng tác phải bớt đi. Sau đó, đương nhiên họ mong muốn xã hội sớm vượt qua được cơn khủng hoảng. Như một ông họa sĩ mời tôi đến nhà chơi và kể chuyện ông phải tự chế ra giấy. Việc sáng tạo này cần hiểu một cách rành rẽ là vì không có giấy, chứ không phải sự thôi thúc của nghệ thuật. Nếu đầy đủ, có lẽ ông ấy không phải tìm mọi cách để làm ra giấy, không phải đi nhặt những vụn vặt linh tinh.
Chung quy, dù ở bất cứ nơi đâu, người làm nghệ thuật đều đồng cảm trước mong muốn chung về sự tự do và điều kiện tối thiểu để sáng tạo, có lẽ vậy.
Lê Anh Hoài là nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, nghệ sĩ thị giác tài ba. Anh từng tham gia hơn 20 cuộc triển lãm nghệ thuật trong và ngoài nước, đã in nhiều tập thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết. Hiện anh là Phó Ban Phụ trách ấn phẩm Tiền Phong Chủ Nhật, báo Tiền Phong.
Trong tháng 8 vừa qua, Lê Anh Hoài thực hiện chuyến đi kéo dài gần một tháng tới Cuba. Đây cũng là giai đoạn kinh tế nước này đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ 7 thập niên trở lại đây, các ngành như nông nghiệp, khai khoáng, chế tạo đình trệ; tăng trưởng kinh tế của Cuba ở dưới mức 2%.
Nghệ thuật thưởng trà mới nhất của giới trẻ Trung Quốc
“Trà đun sôi trong bếp” đang nhanh chóng trở thành xu hướng sống chậm mới nhất của người tiêu dùng trẻ Trung Quốc. Mọi người ngồi quanh bếp và ăn nhẹ trái cây, các loại hạt và món tráng miệng với trà nóng, có thể thưởng thức một mình hoặc pha với hoa và sữa.