TS. Lê Thị Nhi Công nghiên cứu "Chế phẩm xử lý ô nhiễm dầu bằng vi khuẩn tạo màng sinh học trên than sinh học có nguồn gốc từ trấu"

Đề tài khoa học do TS. Lê Thị Nhi Công chủ trì thực hiện được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc.

Hiện nay trên thế giới ngành công nghiệp khai thác và chế biến dầu đang là ngành công nghiệp mang lại lợi ích kinh tế - xã hội rất lớn. Cùng với sự phát triển không ngừng, vấn đề ô nhiễm môi trường do dầu và các sản phẩm của nó gây ra đang ở mức báo động. Cụ thể là, đất và nước nhiễm dầu có thể do hai nguyên nhân: một là từ khu vực kho chứa bao gồm các hoạt động như súc rửa, làm mát bồn chứa, vệ sinh máy móc và thiết bị làm rơi vãi xăng dầu xuống nguồn đất và nước, nước mưa chảy tràn qua khu vực kho; hai là từ khu vực cảng tiếp nhận bao gồm các hoạt động như nước vệ sinh tàu, nước ống dẫn dầu (khi kéo từ biển lên boong), rò rỉ trên đường ống dẫn dầu từ tàu về kho chứa… Dầu thường có chứa hàng ngàn các phân tử khác nhau, nhưng phần lớn là các hydrocarbon no có số carbon từ 2 đến 26 và các hydrocarbon thơm như hydrocarbon (HC) đa vòng, phenol, benzen... Hàm lượng các thành phần HC thơm có trong đất nhiễm dầu thường dao động từ 100-150 ppm. Dầu thường có độc tính cao và tương đối bền vững trong môi trường. Độc tính và tác động của dầu đến hệ sinh thái không giống nhau mà phụ thuộc vào loại dầu.

Để giải quyết vấn đề trên, các quy trình xử lý đã được áp dụng như cơ học, vật lý, hóa học, sinh học… Trong đó, quy trình sinh học là một trong những quy trình xử lý triệt để, thân thiện với môi trường và có chi phí thấp. Trong số các quy trình phân hủy sinh học, màng sinh học là một trong những quy trình xử lý dầu ô nhiễm tối ưu, hiệu quả, chi phí thấp, nên từ lâu đã được nhiều nước trên thế giới quan tâm nghiên cứu và ứng dụng.Tại Việt Nam, nhằm tạo ra được các chế phẩm sinh học vừa có thể xử lý triệt để ô nhiễm dầu bảo vệ môi trường vừa có chi phí thấp, gần đây các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ sinh học đã thực hiện thành công đề tài nghiên cứu: “Hoàn thiện chế phẩm xử lý ô nhiễm dầu bằng vi khuẩn tạo màng sinh học trên than sinh học có nguồn gốc từ trấu” TS. Lê Thị Nhi Công chủ trì thực hiện. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá kết quả có ý nghĩa thực tiễn và có tính khoa học cao và xếp loại “Xuất sắc”.

Các nhà khoa học đang thực hiện sản xuất chế phẩm trong phòng thí nghiệm Mật độ vi sinh vật có trong chế phẩm
Các nhà khoa học đang thực hiện sản xuất chế phẩm trong phòng thí nghiệm Mật độ vi sinh vật có trong chế phẩm
TS. Lê Thị Nhi Công nghiên cứu

Đề tài đã chế tạo thành công chế phẩm xử lý ô nhiễm dầu bằng 4 chủng vi khuẩn tạo màng sinh học trên than sinh học có nguồn gốc từ trấu. Chế phẩm có dạng rắn, có mật độ vi sinh vật đạt > 109 CFU/g. Chế phẩm có hiệu quả loại bỏ hydrocarbon no và thơm >90 % sau 07 ngày thử nghiệm. So sánh chế phẩm này với các sản phẩm hóa học và sinh học đang có trên thị trường thì có thể thấy chế phẩm này là sự kết hợp của cả 3 phương pháp vật lý (cơ chế hấp phụ), hóa học (sự chuyển hóa các chất) và sinh học (sử dụng vi sinh và giá thể sinh học, không gây ô nhiễm môi trường). Chế phẩm này có thể sử dụng cả ở môi trường đất và nước.

Bằng độc quyền Sáng chế số 37596
Bằng độc quyền Sáng chế số 37596

 Một trong số 4 chủng vi khuẩn sử dụng để làm chế phẩm xử lý ô nhiễm dầu này đã được cấp Bằng Sáng chế (số 37596) với tên sáng chế là: “Chủng vi khuẩn Acinetobacter baumanni QN01 thuần khiết về mặt sinh học có khả năng tạo màng sinh học và phân huỷ dầu diezen, toluen, naphthalen, phenol và pyren có trong dầu mỏ”. Ngoài ra, đề tài còn có chấp nhận đơn Sáng chế cho 01 chủng khác và sẽ có kết quả thẩm định trong thời gian sắp tới.Các chế phẩm của đề tài đã được thử nghiệm áp dụng để xử lý ô nhiễm dầu tại các khu vực bị nhiễm dầu tại Việt Nam như: Vân Phong, Khánh Hoà, Thường Tín...

Theo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Chuyện của nữ tiến sĩ Việt đầu tiên nhận bằng sáng chế của Mỹ

Chuyện của nữ tiến sĩ Việt đầu tiên nhận bằng sáng chế của Mỹ

Đề tài “Hệ thống điều hòa không khí thông minh” được Hoa Kỳ cấp bằng sáng chế là minh chứng cho niềm đam mê công nghệ của TS. Dương Thị Thùy Vân.