TS Việt kiều Pháp: "Thành lập trung tâm điều phối bệnh nhân tiết kiệm thời gian và chi phí"

Điều này sẽ giúp TP.HCM tận dụng được tối đa giường bệnh sẵn có, đồng thời tiết kiệm được rất nhiều thời gian, kể cả về mặt xử lý.

Tại hội thảo “Chuyên gia kiều bào chung sức cùng TP.HCM chống dịch”, tiến sĩ, bác sĩ Võ Toàn Trung - kiều bào đang công tác ở Paris - đã đưa ra nhiều khuyến nghị để TP có thể chống dịch hiệu quả hơn trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Ông cho rằng để nâng cao hiệu quả cho việc cung ứng vật tư y tế, thành phố nên  thành lập các trung tâm chuyên trách việc tìm và mua trang thiết bị, dụng cụ, vật liệu.

“Điều này sẽ giúp tiết kiệm đáng kể thời gian cho các bệnh viện, đồng thời khiến việc mua sắm tập trung và hiệu quả hơn, vừa kinh tế, vừa đảm bảo có đủ trang thiết bị, vật tư y tế”, vị chuyên gia giải thích.

TS Việt kiều Pháp:

Ông Trung đề xuất TP.HCM thành lập một trung tâm điều hành chung cho bệnh viện và trung tâm điều trị Covid-19.

“Khi bệnh nhân chuyển nặng, chúng ta không thể gọi đến 100 bệnh viện để tìm giường được, mà phải gọi đến một trung tâm duy nhất. Trung tâm này có trách nhiệm điều hành và phân phối toàn bộ số bệnh nhân chuyển nặng được thông báo", tiến sĩ Trung nói.

Điều này sẽ giúp TP.HCM tận dụng được tối đa giường bệnh sẵn có, đồng thời tiết kiệm được rất nhiều thời gian, kể cả về mặt xử lý cũng như về mặt vận chuyển bệnh nhân.

Ông giải thích thêm: “Trên cơ sở điều hành đó, chúng ta có thể dự kiến cần thành lập thêm bao nhiêu đơn vị chăm sóc ở tầng cao, và bao nhiêu giường có thể để dành cho các bệnh nhân nặng”.

Ngoài ra, tiến sĩ cũng khuyến nghị thành phố nên xây dựng một bộ giao thức (protocol) chung, huấn luyện, và phổ biến cho đội ngũ nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân thể vừa và nhẹ, để họ có thể chủ động hơn.

“Đây là điều kiện tiên quyết giúp chúng ta giảm nhẹ gánh nặng cho các tuyến trên, đặc biệt là các tuyến trên cùng (của tháp phân tầng và điều trị bệnh nhân Covid-19)”, ông nói.

Tiến sĩ Trung cho biết Pháp cũng phân loại bệnh nhân giống như Việt Nam để điều trị, bao gồm bệnh nhẹ, vừa, nặng, và rất nặng.

“Đối với bệnh nhân rất nặng, phải sử dụng corticoid ở dạng truyền và đương nhiên phải dùng đến các loại máy trợ thở. Theo kinh nghiệm chữa bệnh bên Pháp, chúng tôi hiện nay chủ yếu sử dụng máy trợ thở áp lực dương nhiều hơn là sử dụng ECMO, vì điều trị ECMO tốn rất nhiều chi phí”, ông nói.

Cần phối hợp với điều trị bằng thuốc chống đông máu dạng tiêm hoặc truyền, kháng sinh phổ rộng, và các loại thuốc an thần thuộc 5 nhóm có tác dụng tốt với Covid-19.

Ông đề xuất đội ngũ chống dịch ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung nên chú trọng đến việc điều trị cho bệnh nhân thể vừa và nhẹ để họ không chuyển nặng.

Nếu thực hiện thành công, người dân có thể chữa bệnh một cách hiệu quả hơn thông qua tư vấn của y, bác sĩ. Trong khi đó, lực lượng y tế phụ trách các tầng bệnh nhẹ và vừa có thể chủ động hơn trong việc điều trị và tư vấn.

Thanh Mai

TP.HCM phản hồi về việc mua 5 triệu liều Moderna

TP.HCM phản hồi về việc mua 5 triệu liều Moderna

TP.HCM khẳng định luôn nỗ lực tìm kiếm mọi cơ hội để mang vắc xin đảm bảo chất lượng về cho người dân.