Vai trò của nguồn nhân lực nữ trong phát triển du lịch bền vững

Nữ giới chiếm hơn một nửa dân số thế giới, đã và đang đóng góp không nhỏ trong nhiều lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là ngành du lịch.

Du lịch bền vững là một xu hướng du lịch mới nổi trong những năm gần đây, nó hướng đến bảo tồn giá trị văn hóa, di sản, bảo vệ môi trường và đảm bảo lợi ích cho cộng đồng địa phương. Việc phát triển du lịch bền vững mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả du khách, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương.

Trong quá trình phát triển du lịch bền vững thì nguồn nhân lực nữ đóng vai trò hết sức quan trọng và có thể xem đây là nguồn nhân lực tiềm năng với nhiều đóng góp thiết thực.

Các đại biểu dự Hội nghị APNN 2024
Các đại biểu dự Hội nghị APNN 2024

Sự tham gia của phụ nữ trong ngành du lịch không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn giúp bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng. Phụ nữ thường có xu hướng chú trọng đến các giá trị bền vững, bảo vệ di sản văn hóa và môi trường. Họ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, như thủ công mỹ nghệ, ẩm thực địa phương và các dịch vụ lưu trú homestay.

 Vai trò của nguồn nhân lực nữ trong phát triển du lịch bền vững

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) định nghĩa: Du lịch bền vững là một hình thức du lịch đáp ứng các nhu cầu của khách du lịch hiện tại mà không gây hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Du lịch bền vững bao gồm ba yếu tố chính: kinh tế, xã hội và môi trường. Nó nhằm mục đích tối ưu hóa các lợi ích kinh tế từ du lịch, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và văn hóa xã hội địa phương.[1]

Phụ nữ đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia. Họ không chỉ tham gia vào lực lượng lao động mà còn là những người quản lý gia đình và cộng đồng. Việc nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội đã được chứng minh là giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững và toàn diện hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi phụ nữ được trao quyền và hỗ trợ, họ có thể tạo ra những thay đổi tích cực trong gia đình, cộng đồng và nền kinh tế.

Có thể xem xét vai trò của nguồn nhân lực nữ trong phát triển du lịch bền vững ở ba phương diện sau:

Nguồn nhân lực nữ trong vai trò quản lý và lãnh đạo

  Nữ giới ngày càng giữ vai trò quan trọng trong việc quản lý và lãnh đạo ở các doanh nghiệp du lịch. Họ không chỉ đảm nhận các vị trí quản lý tại các khách sạn, nhà hàng, và công ty du lịch mà còn sáng lập và điều hành các doanh nghiệp du lịch của riêng mình. Phụ nữ thường có khả năng quản lý hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp du lịch.

  Từ đó có thể thấy sự lãnh đạo của phụ nữ thường mang lại những thay đổi tích cực, chú trọng đến sự bền vững và phát triển toàn diện của doanh nghiệp.

Nguồn nhân lực nữ trong các hoạt động du lịch cộng đồng

  Trong những năm gần đây, phụ nữ ở nhiều vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa đã và đang tiên phong trong việc phát triển các mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương. Họ tham gia vào các hoạt động như tổ chức homestay, hướng dẫn du lịch và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Những hoạt động này không chỉ tạo ra thu nhập cho gia đình mà còn giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Vai trò của nguồn nhân lực nữ trong phát triển du lịch bền vững

Các dự án du lịch cộng đồng ở Sa Pa, Lào Cai

Du lịch cộng đồng ở Sa Pa được khởi xướng cách đây hơn hai chục năm tại trung tâm xã Tả Van, cách Sa Pa khoảng 10km. Từ ý tưởng làm du lịch cộng đồng ban đầu với hình thức cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với người đồng bào, đến nay Dự án hỗ trợ du lịch cộng đồng bền vững tại Sa Pa đã đạt hiệu quả cụ thể và nhân rộng ra nhiều xã như: Cát Cát, Lao Chải, Tả Van, Tả Phìn, Nậm Cang… với sự tham gia của 295 hộ dân (số liệu tháng 12/2019) cùng làm du lịch. Trong đó, phải kể đến sự góp mặt và vai trò vô cùng to lớn của nguồn nhân lực nữ trong việc tổ chức và thực hiện các hoạt động du lịch cộng đồng như cho du khách trải nghiệm nghề thêu dệt, vẽ sáp ong hay rèn đúc bạc, làm nông cụ sản xuất, dịch vụ tắm lá thuốc người Dao đỏ...Quá trình tham gia của nguồn nhân lực nữ vào việc phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn văn hóa, trang phục, giữ gìn làng nghề truyền thống, vệ sinh môi trường, bản làng xanh-sạch-đẹp.

Các dự án du lịch sinh thái tại Mai Châu, Hòa Bình

  Trong thời gian gần đây, chính quyền địa phương nơi đây đã thực hiện phục dựng nhiều lễ hội văn hóa truyền thống như lễ hội Xên Bản, Xên Mường của dân tộc Thái, lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông, tổ chức phiên chợ vùng cao Mai Châu, chợ đêm Pà Cò…để thu hút khách du lịch. Đến thời điểm này, Mai Châu có hơn 200 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn gồm 30 khu nghỉ dưỡng và khách sạn, hơn 170 nhà nghỉ cộng đồng với 15 xóm, bản có hoạt động du lịch cộng đồng có thể đón hàng ngàn du khách mỗi ngày.

Phụ nữ dân tộc Thái và các dân tộc tại Mai Châu đã tham gia vào các dự án du lịch sinh thái, cung cấp dịch vụ homestay và hướng dẫn du lịch như: Khu du lịch làng Bích Họa (xóm Hải Sơn, xã Mai Hịch), dự án Khu du lịch sinh thái cộng đồng kết hợp thương mại du lịch Bản Lác 3 (xã Chiềng Châu, xã Nà Phòn), Du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng tại xã Sơn Thủy, mô hình Hợp tác xã Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch xã Chiềng Châu…Họ cũng tổ chức các hoạt động trải nghiệm văn hóa như học nấu ăn, làm thủ công mỹ nghệ, và trình diễn các tiết mục văn nghệ truyền thống.

Các dự án du lịch văn hóa tại Hội An, Quảng Nam

Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hội An đến năm 2035, tầm nhìn 2050 đưa Hội An hướng tới phát triển đô thị thông minh, định hướng phát triển đô thị sinh thái- văn hóa- du lịch mang tầm quốc tế, phát triển dựa trên nền tảng: dân tộc, hiện đại và bền vững; thích ứng với biến đổi khí hậu, có khả năng chống chịu với thiên tai; kết nối đồng bộ với vùng đô thị thông minh của tỉnh là Hội An- Điện Bàn- Tam Kỳ- Núi Thành; phát triển du lịch thông minh, du lịch xanh…

Đơn cử vào các dịp Tết Nguyên tiêu, Trung thu…các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống như dân ca, hát bả trạo, hát tuồng và nghệ thuật đương đại như thơ, ca nhạc, họa… được trình diễn. Qua đó, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo.

Các sản phẩm làng nghề truyền thống, yến sào, đèn lồng, ẩm thực cùng với chương trình “Đêm phố cổ”, “Phố đi bộ”, “Hội đèn lồng”… đã trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch đặc trưng, hấp dẫn…

Trong chuỗi các hoạt động và dự án du lịch văn hóa này, nguồn nhân lực nữ trong ngành du lịch đã và đang tham gia vào các dự án bảo tồn và phát triển văn hóa một cách tích cực. Họ tổ chức các tour trải nghiệm nông nghiệp, dạy làm đèn lồng và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Những hoạt động này không chỉ thu hút khách du lịch mà còn giúp bảo tồn các nghề truyền thống và văn hóa địa phương.

 Nguồn nhân lực nữ trong bảo tồn văn hóa và môi trường

Nữ giới thường có ý thức mạnh mẽ về việc bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường. Họ tham gia tích cực vào các hoạt động như trồng cây, bảo vệ rừng và duy trì các tập quán văn hóa truyền thống. Thông qua các hoạt động du lịch cộng đồng mang tính truyền thống, làm thủ công mỹ nghệ, hoạt động trải nghiệm ẩm thực…với sự tham gia của phụ nữ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương trong các hoạt động này, đồng thời giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và văn hóa địa phương, góp phần nâng cao nhận thức của du khách về du lịch bền vững.

Vai trò của nữ giới được đề cao tại Hội nghị APNN 2024
Vai trò của nữ giới được đề cao tại Hội nghị APNN 2024

Thách thức đối với nguồn nhân lực nữ trong ngành du lịch

Trong ngành công nghiệp du lịch, đặc thù lao động thường gắn với các đặc điểm như:

- Tất cả các bộ phận trong hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà hàng, lữ hành đều có quan hệ mật thiết với nhau;

- Thời gian làm việc của ngành Du lịch phụ thuộc vào thời gian, đặc điểm tiêu dùng của khách du lịch, vì vậy người lao động thường làm việc vào cuối tuần, vào ngày lễ, Tết và có thể làm đêm;

- Tỷ lệ lao động trẻ, lao động nữ, lao động thời vụ trong ngành Du lịch thường cao hơn  so với các ngành khác;

- Cường độ lao động ở một số bộ phận trong ngành có thể không cao nhưng thường phải chịu áp lực tâm lý lớn do thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều loại đối tượng có tuổi tác, giới tính, trình độ, nghề nghiệp, quốc tịch, thói quen tiêu dùng khác nhau, bất đồng về ngôn ngữ;

- Lao động trong ngành Du lịch, kinh doanh du lịch cần nhiều lao động có kỹ năng cao về các nghiệp vụ khác nhau, yêu cầu người lao động phải liên tục nâng cao trình độ và hoàn thiện kỹ năng nghiệp vụ.

Với những đặc thù nghề nghiệp nói trên đem lại rất nhiều thách thức đối với nguồn nhân lực nữ hoạt động trong ngành du lịch, phụ nữ trong ngành này thường phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự kỳ thị giới tính, thiếu cơ hội đào tạo và phát triển, thêm vào đó là gánh nặng công việc gia đình. Nhiều phụ nữ vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ với các nguồn lực và hỗ trợ cần thiết để phát triển kinh doanh và nghề nghiệp.[6]

Theo PGS.TS. Phạm Hồng Long, trong quá trình làm việc tại các doanh nghiệp du lịch, việc phân cấp vai trò của phụ nữ được thể hiện một cách khá rõ ràng. Tình trạng này xảy ra giữa những người phụ nữ có ngoại hình và những người không có ngoại hình. Bên cạnh đó là sự phân biệt giữa những người có trình độ học vấn cao, có khả năng ngoại ngữ tốt với những người còn hạn chế về bằng cấp và không có ngoại ngữ. Nhiều công ty xác định chỉ cân nhắc một tỷ lệ nhỏ phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo, quản lý, còn lại đa số vào các vị trí như: nhân viên kinh doanh, hướng dẫn viên các đoàn nhiều khách nam, nhân viên hỗ trợ bộ phận sales và marketing trong việc kí kết hợp đồng, điều hành du lịch, telesales… (tại các công ty du lịch); phục vụ buồng, massage, phục vụ nhà hàng, nhân viên bán hàng, phụ bếp… (tại các khách sạn); lễ tân, chuyên viên văn phòng… (tại các công sở, văn phòng du lịch). [5]

Trong lĩnh vực phát triển du lịch bền vững, phụ nữ càng gặp nhiều thách thức hơn khi phải đảm nhận nhiều chức năng và nhiệm vụ trong các hoạt động du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa tại địa phương khi nữ giới thường sẽ làm việc trực tiếp cũng như tham gia quản lý và điều phối các hoạt động du lịch bền vững.

Giải pháp phát huy vai trò của nguồn nhân lực nữ trong phát triển du lịch bền vững

Từ việc phân tích vai trò của nguồn nhân lực nữ trong phát triển du lịch bền vững cũng như đánh giá những thách thức đối với nguồn nhân lực đặc thù này trong ngành du lịch, tác giả xin đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của nguồn nhân lực nữ trong phát triển du lịch bền vững như sau:

- Đào tạo và nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực nữ

Bản thân nữ giới hoạt động trong ngành du lịch cần tích cực học tập, phát triển bản thân trên tất cả các phương diện về kỹ năng chuyên môn, kỹ năng tổ chức và quản lý, kỹ năng ngoại ngữ, các kỹ năng mềm khi tham gia chương trình cộng đồng như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý một số tình huống gặp phải trong quá trình làm việc, kỹ năng an toàn….

Vai trò của nguồn nhân lực nữ trong phát triển du lịch bền vững

Doanh nghiệp và các tổ chức cần chú trọng đến việc đào tạo và cung cấp những chương trình đào tạo chuyên sâu về kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm đáp ứng được nhu cầu của người lao động nữ. Đặc biệt, các khóa học cần tập trung vào việc nâng cao nhận thức về du lịch bền vững và bảo vệ môi trường.[4]

- Phát triển các mô hình du lịch cộng đồng

Cộng đồng địa phương cần nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của vai trò của nguồn nhân lực nữ trong phát triển du lịch bền vững. Các chương trình giáo dục và tuyên truyền về quyền lợi và trách nhiệm của nhân lực nữ cần được triển khai, giúp thay đổi nhận thức và thái độ của cộng đồng đối với phụ nữ trong ngành du lịch;

 Từ đó, khuyến khích và hỗ trợ phụ nữ tham gia vào các dự án du lịch cộng đồng, nơi họ có thể phát huy nguồn lực tại địa phương và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống. Các mô hình này không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn góp phần bảo vệ môi trường và văn hóa địa phương;

Mở rộng và phát triển các mô hình du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa tại địa phương để tạo điều kiện và cơ hội cho nguồn nhân lực nữ có thể trực tiếp tham gia vào các dự án du lịch cộng đồng tại địa phương.

- Phát triển cơ sở hạ tầng

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nữ tham gia vào các hoạt động du lịch hiệu quả và dễ dàng hơn.

- Hỗ trợ từ doanh nghiệp du lịch

Các doanh nghiệp du lịch cần tạo ra môi trường làm việc thân thiện với phụ nữ, thúc đẩy sự bình đẳng giới và đảm bảo rằng phụ nữ có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp. Các doanh nghiệp cũng nên hợp tác với các tổ chức xã hội để cung cấp các chương trình đào tạo và phát triển kỹ năng cho phụ nữ.

- Chính sách hỗ trợ từ nhà nước

Nhà nước nên tạo ra các chương trình và chính sách hỗ trợ toàn diện cho phụ nữ trong ngành du lịch. Điều này bao gồm việc tạo ra các điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tiếp cận các nguồn lực, tài chính và đào tạo. Nhà nước cũng cần có chính sách giám sát và đánh giá được tính hiệu quả của các chính sách này để đảm bảo rằng chúng thực sự mang lại lợi ích cho đội ngũ nhân lực nữ trong ngành du lịch;

Các quỹ vay ưu đãi, hỗ trợ không hoàn lại và tư vấn chuyên môn cũng sẽ giúp phụ nữ phát triển các mô hình kinh doanh du lịch bền vững dễ dàng hơn;

Bên cạnh đó, cần có thêm các chương trình nâng cao nhận thức để giảm bớt các rào cản về giới và thúc đẩy sự bình đẳng giới trong mọi khía cạnh của ngành du lịch;

Tạo điều kiện để nữ giới và doanh nghiệp du lịch do nữ giới làm chủ dễ dàng trong việc tiếp cận các kênh tiếp thị và bán hàng trực tuyến, qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm và dịch vụ du lịch của họ. Các hội chợ, triển lãm và sự kiện du lịch cũng là cơ hội tốt để phụ nữ giới thiệu sản phẩm của mình.

  • KẾT LUẬN

  Từ những phân tích ở trên, có thể nhận thấy nguồn nhân lực nữ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác phát triển du lịch bền vững. Việc phát huy vai trò của nguồn nhân lực đặc thù này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho bản thân họ mà còn góp phần tạo ra một xã hội công bằng và phát triển toàn diện hơn.

  Để làm được điều này, ngoài việc nỗ lực của bản thân người phụ nữ, còn cần sự chung tay và phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp du lịch, nhà nước và cộng đồng để tạo điều kiện cho nữ giới ngày càng phát huy hơn nữa vai trò của mình trong quá trình làm việc và sáng tạo, góp phần xây dựng và phát triển nền du lịch Việt Nam hướng tới xu hướng du lịch bền vững trong tương lai.

ThS. Nguyễn Thị Hồng Thanh

Tương lai Đà Nẵng nhìn từ mũi nhọn du lịch

Tương lai Đà Nẵng nhìn từ mũi nhọn du lịch

Những công trình, sản phẩm đẳng cấp đã góp phần tạo nên dấu ấn huy hoàng cho du lịch Đà Nẵng suốt 15 năm qua. Và không gì khác – đầu tư cho du lịch, nâng tầm vị thế du lịch tiếp tục là “át chủ bài” để Đà Nẵng vươn tới những đỉnh cao mới trong giai đoạn tiếp theo.