![]() |
Ảnh minh họa: BND |
Phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo đang là xu hướng của kỷ nguyên vươn mình phát triển. Trong sự phát triển ấy nữ trí thức thành phố Huế có vai trò rất lớn là động lực cơ bản của lực lượng sản xuất để xây dựng và phát triển thành phố trở thành trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ vào năm 2030. Xuất phát từ chủ trương của Nghị quyết 57-NQ/TW về “đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”. Trong phạm vi bài viết, tác giả tìm hiểu phân tích thực trạng vai trò của nữ tri thức thành phố Huế đối với sự phát triển khoa học công nghệ ở địa phương. Từ đó, đề xuất giải pháp nhằm phát huy tối đa vai trò của nữ trí thức Huế để góp phần xây dựng thành phố Huế ngày càng phát triển xứng tầm thành phố trực thuộc Trung ương.
Nữ trí thức tiếp cận ở nhiều khía cạnh cho thấy họ là những người có học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, giỏi kỹ năng, giàu kinh nghiệm có vị thế, vai trò trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự phát triển của các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ trí thức nói chung và nữ trí thức nói riêng. Vì lẽ đó, các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến chính sách đối với công tác nữ, luôn nỗ lực không ngừng thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển đội ngũ nhà khoa học nữ. Nhận thức đúng về vai trò vị trí nữ trí thức đối với khoa học và công nghệ sẽ góp phần xây dựng và phát triển thành phố Huế ngày càng hiện đại, văn minh và bền vững.
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA NỮ TRÍ THỨC HUẾ ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
Thực trạng vai trò của nữ tri thức Huế đối với sự phát triển khoa học công nghệ ở địa phương
Ngày nay, trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định đến sự vượt trội hùng cường, phát triển của các quốc gia, dân tộc; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để mỗi địa phương phát triển nhanh chóng và giàu mạnh. Để rút ngắn khoản cách với các quốc gia có nền kinh tế phát triển, khoa học công nghệ tiên tiến và thực hiện mục tiêu “đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[1].
Thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 175/2024/QH15 của Quốc hội và trong định hướng xây dựng thành phố Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ theo Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị, việc phát huy các nhân tố thúc đẩy hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ, phát triển nguồn nhân lực KH&CN và thị trường KH&CN để đưa KH&CN trở thành động lực phát triển KTXH của địa phương là hết sức cần thiết. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của thành tựu KH&CN hiện đại, đội ngũ trí thức nói chung, trong đó có lực lượng nữ trí thức là nguồn lực đặc biệt có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến chính sách đối với công tác nữ, nỗ lực không ngừng thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển đội ngũ nhà khoa học nữ được thể hiện xuyên suốt qua các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhờ đó, tỷ lệ các nhà khoa học nữ cả nước nói chung và thành phố Huế nói riêng chiếm một tỷ lệ khá cao, có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ nhà khoa học nữ cùng với nhà khoa học nam trở thành một trong những trụ cột quan trọng phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Hội Nữ trí thức Huế được thành lập theo Quyết định số 1518/QĐ-UBND ngày 25/7/2011 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay thành phố Huế). Ngày 15/01/2024, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định số 23/QĐ-LHH kết nạp Hội Nữ trí thức tỉnh trở thành viên của Liên hiệp Hội tỉnh, nâng tổng số hội thành viên của Liên hiệp Hội lên thành 52 Hội. Đội ngũ nữ trí thức thành phố Huế trong thời gian qua có bước phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, nhiều nhà khoa học nữ trên địa bàn tỉnh đã đạt đạt được nhiều thành tích vượt bật trong ứng dụng chuyển giao công nghệ, một số công trình đã được vinh danh trong các giải thưởng quốc tế, và công bố trên ấn phẩm sách vàng sáng tạo Việt Nam như tiêu biểu PGS. TS. Nguyễn Thị Ái Nhung, Trưởng bộ môn Hóa lý, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đã có trên 20 giải thưởng cao quốc tế và quốc gia về nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ như Đạt giải sáng tạo xuất sắc thuộc giải thưởng sáng tạo Châu Á 2024 của Quỹ Toàn cầu Hitachi - The Hitachi Global Foundation Asia Innovation Award 2024, Giải thưởng thuộc Chương trình L’Oreal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học cấp quốc gia năm 2023 (L’Oreal-UNESCO For Women in Science)... ; Giải thưởng nghệ nhân Nguyễn Thị Đoan Trang, đạt giải Ba, Liên hoan Quốc tế Thêu và Trang sức lần II, 2024 tại thành phố Bukhara, Cộng hòa Uzbekistan; TS Trần Thị Mai Chủ tịch liên hiệp các tổ chức hội nghị và Thạc sỹ, BSCKI Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế được công nhận danh hiệu “Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu” Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế”; TS. Đỗ Thị Xuân Dung phó giám đốc Đại học Huế đạt Giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 và hàng chục bài báo công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế, bảo vệ thành công nhiều đề tài cấp bộ; Nghệ sỹ nhân dân Phan Thị Bạch Hạc đã có nhiều giải thưởng cao trong các cuộc nghệ thuật về sân khấu, âm nhạc; Nhóm tác giả ThS.BSCKII. Hoàng Thị Lan Hương và cộng sự đạt Giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024, Nghiên cứu tình hình bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trong cộng đồng người dân Thừa Thiên Huế; Nhiều doanh nhân nữ có nhiều mô hình đổi mới sáng tạo có giá trị lan tỏa trong nước và quốc tế …. Đặc biệt, trong hội thi Giải thưởng Sáng tạo nữ Cố đô Huế lần thứ I năm 2024, nhiều chị đã có những công trình nghiên cứu bài bản, ý tưởng sáng tạo và chuyên sâu từ cơ bản đến ứng dụng, đây là minh chứng rõ ràng cho sự kết nối hiệu quả giữa nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Huế.
Tiêu biểu trong lĩnh vực dược liệu tập trung các nghiên cứu phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ dược liệu, hướng đến thương mại hóa; các nghiên cứu chiết xuất các hoạt chất dược liệu, từ đó có thể đưa đến những sản phẩm an toàn hơn cho người tiêu dùng và môi trường, các nghiên cứu đã khẳng định tính khả thi và tiềm năng ứng dụng cao của các sản phẩm bào chế từ dược liệu, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy nguồn tài nguyên dược liệu địa phương, nổi bật gồm các cụm công trình “Nghiên cứu khả năng kháng khuẩn, ức chế virus, ức chế hội chứng bệnh từ các loài dược liệu tại tỉnh Thừa Thiên Huế và phát triển sản phẩm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe” do PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung; cụm công trình “Ứng dụng Công nghệ sinh học trong bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu và cây gia vị họ Gừng” do PGS.TS. Trương Thị Bích Phượng và cụm công trình “Chiết xuất xanh hoạt chất có hoạt tính sinh học từ dược liệu” do GS.TS. Nguyễn Thị Hoài.
Trong lĩnh vực y học có các nghiên cứu là cơ sở để thực hiện các biện pháp can thiệp nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân, tiếp tục khẳng định Thừa Thiên Huế là trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước như công trình “Nghiên cứu các biến đổi gen trong tiên lượng bệnh bạch cầu tại Bệnh viện Trung ương Huế” do TS.BS. Nguyễn Thị Kim Hoa và công trình “Đánh giá tỷ lệ mắc đái tháo đường thai kỳ và các yếu tố liên quan tại Bệnh viện Trung ương Huế” do ThS. BSCKII. Hoàng Thị Lan Hương.
Cùng với lĩnh vực khoa học y dược, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng có nhiều công trình nổi bật, gồm những công trình nghiên cứu sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa địa phương, các nghiên cứu nâng cao chất lượng dạy học và phát triển năng lực học sinh trong kỷ nguyên số. Tiêu biểu có cụm công trình “Gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân gian dân tộc Ta Ôi” do TS. Nguyễn Thị Sửu, thông qua cụm công trình, bức tranh cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân miền núi, của các dân tộc thiểu số miền Tây Thừa Thiên Huế hiện lên sinh động, chân thực và đáng trân trọng. Trong lĩnh vực giáo dục có cụm công trình “Ứng dụng công nghệ giáo dục tiên tiến trong dạy học Vật lý và Khoa học tự nhiên theo hướng phát triển năng lực học sinh” do PGS.TS. Trần Thị Ngọc Ánh đã thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ và phương pháp sư phạm, mở ra những hướng đi mới trong ngành giáo dục. Bên cạnh các cụm công trình lớn về văn hóa, giáo dục còn có những công trình của các nhà khoa học cũng là các nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục như công trình “Nghiên cứu xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo quản lý cho cán bộ cấp xã ở tỉnh Thừa Thiên Huế” do TS. Nguyễn Thị Châu làm chủ nhiệm và công trình “Quyền lực trong tương tác lớp học tiếng Anh trong giáo dục đại học ở Việt Nam dưới góc độ lý thuyết phân tích diễn ngôn phê phán” do TS. Đỗ Thị Xuân Dung.
Trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, các công trình tập trung nghiên cứu tạo ra các vật liệu sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, đồng thời cung cấp các dẫn liệu khoa học mới làm tăng khả năng kháng bệnh, giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt như công trình “Nghiên cứu sản xuất phân bón lá sinh học từ thực vật thủy sinh cho một số loại rau ăn lá tại tỉnh Thừa Thiên Huế” do GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa và công trình “Nghiên cứu khả năng kháng bệnh héo rũ gốc mốc trắng của cây lạc” do TS. Phùng Thị Bích Hòa.
Lĩnh vực khoa học kỷ thuật - tự nhiên đã nghiên cứu ứng dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến góp phần nâng cao năng xuất chất lượng sản phẩm; ứng dụng công nghệ để tạo ra các sản phẩm chủ lực mang thương hiệu Huế; một số công trình tiêu biểu trong việc đánh giá các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến hiện trạng nhiễm bẩn vi nhựa , bảo vệ môi trường và các nghiên cứu là tiền đề quan trọng cho các nhóm nghiên cứu thực nghiệm trong lĩnh vực y sinh và vật liệu mới, tiêu biểu như công trình “Đánh giá thành phần và hàm lượng vi nhựa trong một số loại thủy sản ở tỉnh Thừa Thiên Huế” do PGS.TS. Trần thị Ái Mỹ làm chủ nhiệm; công trình “Nghiên cứu các đại lượng đặc trưng của sợi tinh thể quang tử lõi đặc để ứng dụng phát ánh sáng có phổ siêu liên tục” do TS. Nguyễn Thị Thủy; Cụm công trình “Nghiên cứu khả năng khử trùng nước bằng tia cực tím, ozon và kỹ thuật tạo màng chất lỏng” do TS.GVC. Đặng Thị Thanh Lộc và công trình “Ứng dụng các phương pháp quản lý và quy trình khoa học công nghệ mới để sản xuất, thương mại hóa sản phẩm “Bún bò Huế - Gia vị hoàn chỉnh” và sản phẩm “Bún bò Huế - bữa ăn tiện lợi”” của chị Lê Thị Kim Hằng .v.v.
Mặc dù nữ tri thức thành phố Huế đã có những đóng góp không nhỏ trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhưng họ vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong sự nghiệp. Những khó khăn này không chỉ bắt nguồn từ những định kiến xã hội, mà còn từ sự thiếu công bằng trong việc tiếp cận cơ hội và hệ thống chính sách. Một trong những trở ngại lớn nhất mà nữ trí thức gặp phải là định kiến giới trong khoa học và công nghệ, nơi mà cơ hội nghiên cứu và thăng tiến của họ thường bị hạn chế so với nam giới. Nứ tri thức vẫn gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận cơ hội nghiên cứu và chiếm giữ các vị trí lãnh đạo trong các tổ chức khoa học. Trong môi trường nghiên cứu, phụ nữ thường phải nỗ lực gấp đôi để chứng minh năng lực của mình, trong khi nam giới vẫn chiếm ưu thế tại những vị trí quan trọng như giáo sư, trưởng nhóm nghiên cứu hay lãnh đạo viện khoa học. Điều này khiến họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài trợ, công bố nghiên cứu và phát triển mối quan hệ hợp tác quốc tế. Một yếu tố khác là thiếu cơ chế hỗ trợ nữ giới trong các ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học. Mặc dù tromg thời gian qua lãnh đạo thành phố rất quan tâm nhưng số lượng phụ nữ theo học các ngành này còn ít , tỷ lệ phụ nữ làm việc lâu dài và thăng tiến trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ vẫn còn thấp. Áp lực của vai trò đối với gia đình và xã hội để hoàn thành tốt cùng một lúc cả hai nhiệm vụ cùng với thiên kiến trong tuyển dụng và môi trường làm việc khiến một số nữ trị thức từ bỏ sự nghiệp nghiên cứu hoặc không có cơ hội phát triển như đồng nghiệp nam.Trong kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc Việt Nam nhiệm vụ đặt ra cho đội ngũ nhà khoa học nói chung và các nhà khoa học nữ nói riêng càng chú trọng, đòi hỏi sự nổ lực rất cao nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ; phải xác định: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.”. Thành phố Huế muốn trở thành trung tâm khoa học và công nghệ của khu vực miền Trung và cả nước cần đẩy mạnh phát triển tài sản trí tuệ gắn với thị trường khoa học công nghệ, nâng cao khả năng thương mại hóa, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khai thác tối đa tài nguyên bản địa, truyền thống văn hóa của vùng đất Cố Đô; phát triển nguồn lực nữ trí thức coi đây là nền tảng cốt lõi để xây dựng thành phố Huế trong thời gian tới.
Giải phát phát huy vai trò nữ trí thức Huế đối với sự phát triển khoa học công nghệ trong thời gian tới
Quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế đang ngày càng phát triển; yêu cầu về tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới phương thức quản lý đang đặt ra ngày càng gay gắt hơn với các quốc gia Việt Nam và thành phố Huế không nằm ngoài quy luật đó. Muốn tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh ngày càng quyết liệt, Việt Nam trong đó có thành phố Huế nếu không chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực trình độ cao, ứng dụng khoa học công nghệ để đổi mới sáng tạo thì nguy cơ tụt hậu là không tránh khỏi. Để phát triển bền vững cần phải có những giải pháp toàn diện. Muốn phát huy vai trò nữ trí thức Huế đối với sự phát triển khoa học công nghệ trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Huế trong việc phát huy vai trò, vị thế nữ trí thức trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trên địa bàn. Lãnh đạo thành phố cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, tạo cơ hội tiếp cận, xây dựng các chương trình hỗ trợ nữ giới trong các ngành khoa học tự nhiên, đồng thời thúc đẩy sự hiện diện của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo khoa học và công nghệ. Loại bỏ rào cản giới không chỉ giúp phụ nữ phát huy tiềm năng mà còn thúc đẩy sự phát triển toàn diện của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Thứ hai, ưu tiên, tạo mọi điều kiện cho nữ trí thức được phát huy hết sở trường của mình trong hoạt động chuyên môn, có cơ hội tiếp cận với nền khoa học và công nghệ của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Ghi nhận những đóng góp của họ, tăng cường đầu tư ngân sách ưu tiên nữ trí thức trẻ, sinh viên nữ tham gia vào nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ đối với các nhà khoa học nữ cần có chính sách động viên khuyến khích xứng đáng. Có chế độ đãi ngộ và tôn vinh nữ trí thức để thu hút nguồn nhân lực nữ trí thức về công tác tại địa phương, tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Thứ ba, cần tiếp tục đảm bảo sự công bằng trong quá trình sử dụng bố trí sử dụng nữ trí thức ở những vị trí xứng đáng khi họ có đủ điều kiện, trình độ và năng lực đảm đương nhiệm vụ được giao, kể cả nhiệm vụ quản lý chủ chốt. Muốn vậy phải xây dựng chiến lược, quy hoạch sử dụng đội ngũ nữ trí thức thường xuyên, phải có sự chuẩn bị nguồn nhân lực nữ trí thức đủ về số lượng và không ngừng nâng cao về chất lượng cả hiện tại và tương lai có lộ trình và sắp xếp hợp tình hợp lý. Xây dựng môi trường làm việc thuận lợi, thân thiện, phát huy khả năng phát triển, sáng tạo trong khoa học và khả năng cống hiến vì sự nghiệp chung.
Thứ tư, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, tập trung vào các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ nhằm nghiên cứu đảm bảo phát triển kinh tế, gìn giữ môi trường tự nhiên và xã hội. Có chế độ ưu tiên đối với nhóm nữ trí thức hoạt động trong các lĩnh vực khoa học công nghệ. Có cơ chế khuyến khích, động viên đối với các nữ trí thức có công trình nghiên cứu, có sản phẩm khoa học hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo sự hài hòa trong phát triển kinh tế, môi trường và xã hội. Các trường đại học trực thuộc Đại học Huế và viện nghiên cứu cũng nên tổ chức các lớp học và hội thảo chuyên sâu về công nghệ, kỹ thuật và đổi mới sáng tạo dành riêng cho phụ nữ. Việc khuyến khích học tập suốt đời sẽ giúp phụ nữ có thêm kiến thức và khả năng áp dụng vào công việc thực tế, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững.
Thứ năm, các nhà khoa học nữ cần có những đề xuất, tham mưu cho Đảng, Nhà nước những vấn đề quan trọng về chủ trương, chính sách phát triển đất nước. Chẳng hạn, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với cán bộ nữ trong việc đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, chính sách về luân chuyển cán bộ nữ và giải quyết hợp lý về vấn đề tuổi nghỉ hưu làm công tác nghiên cứu khoa học... chủ động thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội những vấn đề nóng hoặc những vấn đề liên quan đến giới nói riêng nhằm định hướng dư luận và thể hiện vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nói chung và nữ trí thức khoa học và công nghệ nói riêng đối với sự nghiệp phát triển đất nước nói chung và thành phố Huế nói riêng. Đồng thời phải thay đổi nhận thức xã hội về vai trò của phụ nữ trong công việc gia đình, có kỹ năng vận động nam giới chia sẻ công việc gia đình để phụ nữ có thể cân bằng giữa công việc và trách nhiệm gia đình mà không bị giới hạn trong sự nghiệp, mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ tham gia và đóng góp tích cực vào nền kinh tế đổi mới sáng tạo để đội ngũ nữ trí thức Huế có cơ hội vươn cao và bay xa hơn, cống hiến nhiều hơn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đại biểu Hội nghị Nữ Khoa học toàn quốc lần thứ IV thăm Bệnh viện Trung ương Huế
Trong khuôn khổ Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ IV, các đại biểu đã có dịp thăm và giao lưu tại Bệnh viện Trung ương Huế.