Vai trò của sở hữu trí tuệ đối với thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học

Sở hữu trí tuệ là một công cụ chiến lược để thúc đẩy sự thành công của các hoạt động thương mại hóa trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Với tinh thần “khoa học vị nhân sinh” ngày càng nhiều tổ chức khoa học công nghệ, viện nghiên cứu, nhà khoa học không còn xác định các bài công bố quốc tế, bài báo khoa học là điểm cuối cùng của nghiên cứu mà chú trọng nghiên cứu ứng dụng và đưa các kết quả nghiên cứu ra thị trường, ra thực tế cuộc sống để phục vụ cộng đồng.

Tuy nhiên, việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học là cả quá trình phức tạp đòi hỏi nhiều hạng mục như: chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại, maketing, triển khai... Theo bà Lê Thị Khánh Vân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp cho biết, thương mại hóa kết quả nghiên cứu hay một ý tưởng khoa học mang tính đột phá về cơ bản cũng giống như thương mại hóa sản phẩm, nhưng việc thực hiện khó khăn hơn nhiều. Nhiều khi quá trình này còn khó khăn bởi vì chúng ta phải xây dựng thị trường cho một sản phẩm mới, chứ không phải là thiết kế một sản phẩm cho phù hợp với một thị trường hiện hữu.

ThS Trần Thị Hương Giang giới thiệu sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học tại Triển lãm một số thành tựu về SHTT trong khuôn khổ Hội nghị quản lý Nhà nước về Sở hữu trí tuệ năm 2024
ThS Trần Thị Hương Giang giới thiệu sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học tại Triển lãm một số thành tựu về SHTT trong khuôn khổ Hội nghị quản lý Nhà nước về Sở hữu trí tuệ năm 2024

Theo chia sẻ của ThS Nguyễn Thị Minh Lý - Chủ nhiệm nhiệm vụ trong Chương trình phát triển tài sản trí tuệ về “Nâng cao nhận thức, năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh”, để đưa được một sản phẩm, nhãn hiệu hay một dịch vụ ra bên ngoài thị trường các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các trường đại học cần thực hiện 4 hoạt động để xây dựng thương hiệu.

Thứ nhất, xây dựng quy trình sản xuất, hệ thống quản lý đảm bảo năng lực sản xuất một cách ổn định và chất lượng theo cam kết.

Thứ hai, tiếp thị, tìm kiếm phát triển kênh phân phối.

Thứ ba, đăng ký bảo hộ các tài sản trí tuệ liên quan.

Thứ tư, truy xét nguồn gốc sản phẩm dịch vụ.

Các nhà khoa học nữ - hội viên Hội Nữ trí thức Việt Nam giới thiệu sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học 
Các nhà khoa học nữ - hội viên Hội Nữ trí thức Việt Nam giới thiệu sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học 

Nhưng trong quá trình phát triển thương hiệu có 2 hoạt động các doanh nghiệp, các nhà khoa học, tổ chức, cá nhân… rất hay bỏ qua, nhất là các đơn vị sản xuất mới, người khởi nghiệp: đó là đăng ký, bảo hộ các tài sản trí tuệ có liên quan đến sản phẩm dịch vụ của mình và truy xét nguồn gốc sản phẩm, dịch vụ. ThS Nguyễn Thị Minh Lý cho biết, đã có rất nhiều bài học đau xót trong việc mất tài sản trí tuệ và hi vọng các nhà khoa học, các trí thức quan tâm để luôn là người đến trước trong đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ.

“Thông thường khi xảy ra vấn đề với tài sản trí tuệ chúng ta mới lại bắt đầu đi kiện cáo rất mất thời gian nhưng đôi khi vẫn không lấy lại được. Nếu chúng ta làm chậm chúng ta sẽ phải mất đi thời gian mà chúng ta đã quảng cáo, PR hộ cho người khác. Nếu bình lặng nhất, khi sản phẩm vừa kịp nổi tiếng, cũng là lúc nhận ra cần phải đăng ký bảo hộ thì có khi đã bị lấy mất rồi” - ThS Nguyễn Thị Minh Lý chia sẻ.

Chia sẻ về kinh nghiệm kết nối cung - cầu giữa các nhà khoa học, các tổ chức khoa học công nghệ với các doanh nghiệp, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, bà Lê Thị Khánh Vân cho biết “Kết quả nghiên cứu trong môi trường học thuật (khoa học) có thể tự do hợp tác, tự do chia sẻ dữ liệu, kiến thức và tự do công bố. Tuy nhiên, khi chuyển giao kết quả nghiên cứu này sang khu vực tư nhân thì sẽ theo các quy tắc khác như: “Khoa học vì lợi nhuận” nên có tính bảo mật và giới hạn công khai. Sự bảo vệ tài sản trí tuệ là rất cần thiết”.

TS. Nguyễn Thị Ngoan giới thiệu về sản phẩm Nước rửa chén bát hữu cơ nano bạc Biona
TS. Nguyễn Thị Ngoan giới thiệu về sản phẩm Nước rửa chén bát hữu cơ nano bạc Biona

Đồng tình với quan điểm trên, TS Hà Thị Nguyệt Thu, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ KH&CN khẳng định: “Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, mỗi nhà khoa học, mỗi doanh nghiệp cần phải hiểu rõ quyền, vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình, tạo lợi thế cạnh tranh”.

TS Nguyệt Thu cho biết, tài sản trí tuệ có tính vô hình và có giá trị rất lớn. Nó tồn tại dưới dạng thông tin nên có khả năng lan truyền và rất khó có thể kiểm soát được. Để ngăn chặn các hoạt động sao chép, giả mạo, Nhà nước đã thiết lập một hệ thống thể chế (quy phạm pháp luật), một hệ thống thiết chế (cơ quan) bảo vệ quyền của chủ sở hữu tài sản trí tuệ. Một mặt bảo hộ tài sản cho chủ sở hữu, mặt khác xã hội cũng có thể được hưởng những lợi ích từ các tài sản trí tuệ, các nghiên cứu sáng chế đó. Và quyền sở hữu trí tuệ cung cấp một khuôn khổ pháp lý để đảm bảo rằng sáng tạo không bị sử dụng trái phép mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu tài sản trí tuệ.

Khi được xác lập quyền sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu của tài sản trí tuệ có quyền được độc quyền sử dụng và cho phép người khác sử dụng tài sản của mình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác và chuyển giao sản phẩm, kết quả nghiên cứu... giữa các cá nhân, tổ chức, viện nghiên cứu, các trường đại học và doanh nghiệp.

Khi sở hữu một sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh hay thiết kế độc quyền được bảo hộ, doanh nghiệp cũng có thể tạo ra một lợi thế cạnh tranh trên thị trường, giúp người tiêu dùng nhận biết, ghi nhớ và xây dựng niềm tin đối với sản phẩm, thương hiệu của mình.

TS Hà Thị Nguyệt Thu cũng chia sẻ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học góp phần giúp cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản trí tuệ thu hồi vốn đầu tư và tạo ra lợi nhuận từ đó có thêm động lực và tiềm lực tài chính để tái đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Có thể khẳng định sở hữu trí tuệ không chỉ đơn thuần là một phương tiện pháp lý, mà còn là một công cụ chiến lược để thúc đẩy sự thành công của các hoạt động thương mại hóa trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

-----------------

(Bài viết nằm trong dự án “Nâng cao nhận thức, năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030” do Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam chủ trì).

Diệu Thuần

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2024: Phát triển bền vững, xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2024: Phát triển bền vững, xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã chọn ngày 26 tháng 4 hàng năm làm “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới”