Chuyên đề tháng 6: Nghệ thuật Việt đương đại: Sự vụn vỡ cảm xúc hay những giấc mơ mới
Lời dẫn:
Bước sang thập kỷ mới, Mạng xã hội và các kênh truyền thông số đang làm thay đổi mọi hành vi, thói quen thưởng thức nghệ thuật của khán giả/ người dùng. Khi mà nhiều các nghệ sỹ thuộc lớp thế hệ đi trước đang bị chững lại hoặc đã dừng chân, thì một lớp các nghệ sỹ trẻ đang loay hoay trước một thị trường nghệ thuật đầy biến động và thay đổi không ngừng.
Ca sỹ Ngọc Anh nói rằng “Mạng xã hội với dạng clip quá ngắn khiến người ta bị vụn vỡ cảm xúc”. Cùng với đó, “thế giới phẳng” của internet khiến cho giới trẻ buộc phải trở thành những công dân toàn cầu trong nghệ thuật. Vô hình trung, khiến bản sắc văn hóa của chúng ta mai một đi ít nhiều. Nhưng ở một khía cạnh khác, một cuộc chơi mới đang đẩy thế hệ nghệ sỹ kế tiếp buộc phải chuyển mình và nỗ lực nhiều hơn, với năng lực tư duy tổng thể và những cá tính nghệ thuật rõ nét hơn.
Và có lẽ, chúng ta cũng nên trao niềm tin và sự bao dung nhiều hơn với các nghệ sỹ trẻ, để cùng nhau xây dựng một giấc mơ mới, giấc mơ về những tài năng nghệ thuật Việt đàng hoàng vươn ra biển lớn.
Trong một cuộc phỏng vấn, trò chuyện cùng nhạc sĩ Đỗ Bảo, Vũ Đinh Trọng Thắng (thành viên ban nhạc Ngọt) có nói rằng: “Cái khó của bọn em là cộng đồng hiện nay rất rộng, nên nhiều khi em không cảm giác được thế mạnh của mình ở đâu hay thể loại của mình là gì. Bất cứ thứ gì mình làm tốt, mình vừa cảm thấy "sướng" một chút, lập tức thấy sẽ có người làm giỏi hơn mình gấp 30 lần. Nên em cũng chưa có cảm giác mình giỏi nhất xung quanh. Đó là vì internet”.
Ban nhạc Ngọt |
Đó là câu chuyện của Thắng, một nghệ sĩ indie thuộc thế hệ 9x. Và có lẽ nó khác rất nhiều với những câu chuyện của những thế hệ đi trước. Khi mà chỉ một vài thập kỷ trước đây thôi, các nghệ sĩ phải trăn trở để tìm cách đưa âm nhạc đến với nhiều khán giả nhất. Thì thời nay, với sự phát triển của internet và công nghệ, các nghệ sĩ lại phải tìm cách giữ được cái riêng và cảm xúc của chính mình trước một lượng thông tin khổng lồ.
Và trước bức tranh của thời đại, của một thị trường non trẻ, những cuộc chơi mới được hình thành!
Những tiêu chuẩn mới, những cuộc chơi mới
Mới đây nhất, ca sĩ Chi Pu (Nghệ danh của ca sĩ Nguyễn Thùy Chi) tham gia chương trình “Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng” của Trung Quốc tạo nên những tranh cãi kịch liệt trong công chúng cũng như cộng đồng mạng.
Nhiều người gay gắt cho rằng, Chi Pu làm mất thể diện quốc gia khi tham gia một chương trình truyền hình thực tế nước ngoài trong vai trò ca sĩ nhưng khả năng ca hát lại dưới điểm trung bình. Ngược lại, một bộ phận khán giả lại khen ngợi Chi Pu có ngoại hình đẹp không hề thua kém bạn bè quốc tế, với khả năng vũ đạo và trang phục, hình ảnh đều rất đầu tư và gây ấn tượng, có thể bù đắp được cho khả năng ca hát.
Chi Pu tham gia chương trình "Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng" của Trung Quốc gây nhiều tranh cãi. |
Điều đáng suy nghĩ hơn, là dù sau bao năm tấn công thị trường âm nhạc với khả năng ca hát khá khiêm tốn, Chi Pu vẫn ngày càng nhiều fan hâm mộ, thậm chí những ca khúc của cô vẫn liên tục lên top của những bảng xếp hạng của các nền tảng nghe nhạc, hay mạng xã hội.
Thực tế, trong thời đại ngày nay, những ca sĩ như Chi Pu không hề ít. Thậm chí nhìn rộng ra thế giới, các nhóm nhạc thành công nhất như Blackpink, BTS, thì khả năng ca hát của họ đều ở mức rất bình thường. Giới trẻ gọi tên chung cho các nghệ sĩ như vậy là “idol”. Từ những công thức thành công cho các “idol” của giới trẻ từ các ngành công nghiệp âm nhạc lớn, thị trường Việt Nam cũng không nằm ngoài sức ảnh hưởng.
Dễ dàng nhận thấy, tiêu chuẩn về tài năng của nghệ sĩ đang thay đổi ở giới trẻ. Thời nay, khán giả trẻ quan tâm đến các bản beat (phần nhạc nền), việc hòa âm phối khí, cách kể chuyện, khả năng vũ đạo, hình ảnh, trang phục, chiến lược promotion (quảng bá), cũng nhiều ngang với khả năng ca hát của các nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ.
Nghĩa là thay vì nhu cầu “nghe nhạc”, khán giả trẻ quan tâm đến “trải nghiệm âm nhạc”, mà ở đó, giọng hát chỉ là một trong những yếu tố quyết định đến việc tạo ra cảm xúc cho khán giả, chứ không phải tất cả. Như vậy, người nghệ sĩ thay vì chỉ cần làm tốt việc chính của mình, còn cần trau dồi thêm nhiều kỹ năng tổng thể để có thể trở thành một thương hiệu thành công.
Và cũng từ internet, một lượng thông tin khổng lồ lướt qua mỗi ngày, khiến cho việc "neo" lại trong tâm trí khán giả ngày càng trở nên khó khăn hơn. Với một cái nhìn tích cực, người nghệ sĩ thời nay cần đầu tư nhiều nỗ lực sáng tạo và tỉnh táo, nhạy bén hơn trên con đường của mình. Đó cũng là con đường để xây dựng những năng lực cần thiết cho một người nghệ sĩ ở thời đại này.
Nhưng ở chiều ngược lại, sẽ gây ra những hệ lụy về những “content rác” đi lệch lạc về chuẩn mực nghệ thuật để gây sự chú ý. Và cùng với đó, bộ đo đếm được tính bằng views, shares… khiến cho cuộc chơi càng trở nên bất chấp.
Có nhạc sĩ nổi tiếng đã nói rằng, âm nhạc Việt Nam đang ở giai đoạn “trống rỗng”, nghĩa là hệ tiêu chuẩn cũ đang bị lỗi thời dần, và hệ tiêu chuẩn mới thì còn chưa kịp bắt nhịp với guồng quay mới, nên chúng ta bị chơi vơi và không có điểm tựa. Và đâu đó, có những người nghệ sĩ không thể bắt nhịp, đã dừng lại cuộc chơi. Đó là những mất mát không tránh khỏi cho một giai đoạn chuyển giao nhiều hỗn loạn.
Dự án Gió mùa (Monsoon Music Festival) của nhạc sĩ Quốc Trung. |
Thách thức của ngày hôm nay
Trước đây, nhạc sĩ Trần Tiến có nói một câu rằng: “Nghệ thuật là cách kể chuyện, âm nhạc là cách người nghệ sĩ kể câu chuyện mình thấy xúc động bằng giai điệu và lời ca. Còn cảm xúc thì ở thế hệ nào cũng giống nhau. Nếu không có cảm xúc, thì tác phẩm ấy chết rồi”.
Có lẽ ở thời đại nào cũng vậy, câu chuyện cảm xúc là yếu tố sống còn của một tác phẩm khi đưa đến công chúng. Tuy nhiên, con đường để tạo nên cảm xúc và thị hiếu khán giả thì luôn thay đổi rất nhanh.
Lễ hội Gió Mùa (Monsoon Music Festival) - ngày hội âm nhạc độc đáo và chất lượng của Việt Nam |
Nếu như ở những năm trước, các nghệ sĩ tài năng thường thành danh khi kiên định đi con đường của mình, cũng như dễ dàng tạo ra bản sắc và trường phái riêng của mình. Thì ngày nay, các nghệ sĩ trẻ cũng khó định vị hơn rất nhiều khi mà guồng quay của “trends” đang ngày một ngắn hạn hơn, buộc các nghệ sĩ phải tỉnh táo và thức thời hơn rất nhiều.
Thực tế, để một nghệ sĩ có thể bắt kịp guồng quay của thời đại là điều không hề dễ dàng, những tiêu chuẩn mới trong âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung, đôi khi khiến không ít những người trẻ lạc lối, và đôi khi có những nghệ sĩ lớn tuổi đã thấy mình cô đơn và lạc lõng.
Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những đóng góp mới của những nghệ sĩ thức thời trong giai đoạn này như See Tình của Hoàng Thùy Linh, dự án Gió Mùa (Monsoon Music Festival) của nhạc sĩ Quốc Trung, hay mới đây nhất là những sự làm mới lại, với những bản hòa âm phối khí hiện đại mang hơi thở thời đại như đêm nhạc của Hà Lê, Trần Tiến, Trịnh Công Sơn… hay những nghệ sĩ trẻ đang trên đường nỗ lực như Mỹ Anh, Ngọt band… là những nhân tố nổi bật để chúng ta có thể gây dựng những niềm tin mới cho một thế hệ kế tiếp.
Và có lẽ, thay vì chỉ phiến diện bài xích và chê bai, thậm chí cay nghiệt công kích, công chúng cũng như thế hệ đi trước nên có cái nhìn thấu đáo và bao dung hơn, để tạo điều kiện cho một lớp các nghệ sỹ trẻ có thêm động lực để sáng tạo và cống hiến nhiều hơn nữa cho thị trường âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung.
Nhạc sỹ Hà Lê |
Internet và công nghệ, gần đây nhất là công nghệ A.I (trí tuệ nhân tạo) đang tạo ra những hỗn loạn và bất ổn cho thị trường âm nhạc. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, đó cũng là công cụ hữu hiệu hỗ trợ cho các nghệ sĩ sản xuất và lan tỏa tác phẩm của mình.
Những trống rỗng của thị trường âm nhạc trong giai đoạn này có lẽ cũng là một giai đoạn cần thiết để rộng mở đón nhận những nhân tố mới với nhiều sáng tạo và tài năng toàn diện hơn, khi mà thị trường đang thực sự “khát” những chân dung âm nhạc đáp ứng được những tiêu chuẩn mới của thời đại.
Ca khúc "See tình" của Hoàng Thùy Linh khiến cả thế giới "điên đảo"
Có thể nói, See Tình của Hoàng Thùy Linh đã trở thành 1 bài hát "gây bão" ở diện rộng.