Bạo lực trên cơ sở giới gia tăng báo động trong đại dịch Covid-19

Ngày 23/9 vừa qua, buổi tọa đàm “Covid-19 và bạo lực trên cơ sở giới” đã làm rõ hơn tình trạng bạo lực giới gia tăng trong giai đoạn đại dịch.

Việt Nam trong khoảng thời gian từ tháng 6,7,8 là giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn ra khốc liệt trên con đường tiến tới đỉnh dịch. Trong đại dịch Covid, vấn đề về bạo lực giới vẫn đang liên tiếp xảy ra và có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này là sự bất bình đẳng giới, còn tác nhân khiến bạo lực có xu hướng gia tăng là do có nhiều xáo trộn, biến động trong đời sống xã hội trong giai đoạn này. Nhiều thành phố lớn bị phong tỏa, cách ly, nhiều sự thay đổi về di cư với những quãng đường dài mang yếu tố vùng miền.

Giãn cách lâu cũng làm đứt gãy các mối quan hệ xã hội, mối quan hệ trong gia đình cũng trở nên lỏng lẻo. Mọi người dễ bị khủng hoảng, stress, trầm cảm nếu như không tìm được giải pháp tốt để giải tỏa. Sự khủng hoảng có thể là tác nhân dẫn tới nhiều hành vi không kiểm soát được, trong đó có hành vi bạo lực giới, quấy rối tình dục. Nhiều phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình. Họ bị mắc kẹt trong chính gia đình mình bởi định kiến giới, những đứa con của họ mắc kẹt trong vòng tròn bạo lực.

Tất cả những vấn đề này đã được chia sẻ và phần nào làm rõ hơn trong buổi tọa đàm “Covid-19 và bạo lực trên cơ sở giới” ngày 23/09/2021 do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đồng thực hiện, với sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Nhật Bản.

Buổi tọa đàm “Covid-19 và bạo lực trên cơ sở giới” (Ảnh: CSAGA cung cấp).
Buổi tọa đàm “Covid-19 và bạo lực trên cơ sở giới” (Ảnh: CSAGA cung cấp).

BA DẤU HIỆU GIA TĂNG BẠO LỰC GIỚI

Chia sẻ tại tọa đàm “Covid-19 và Bạo lực trên cơ sở giới” ngày 23/09/2021, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết giãn cách xã hội mùa Covid không có nghĩa là bạo lực giới ngừng lại. Vấn đề bạo lực giới xảy ra với phụ nữ và trẻ em ngay cả ở những nơi công cộng chứ không chỉ ở nơi riêng tư.

“Khi chúng tôi tiến hành nghiên cứu Điều tra Quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 thì thấy cứ 2 trong 3 phụ nữ Việt Nam đã trải qua một hình thức bạo lực nào đó trong cuộc đời mình. 11% phụ nữ phải trải qua bạo lực thể chất, 9% phải đối mặt với bạo lực tình dục. Khi đại dịch Covid-19 diễn ra vào năm ngoái, chúng tôi đã nhận thấy dấu hiệu của sự gia tăng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Theo báo cáo của Ngôi nhà Ánh Dương (Quảng Ninh) do UNFPA hỗ trợ, số cuộc gọi đến đường dây nóng đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam (Ảnh: CSAGA).
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam (Ảnh: CSAGA).

Có một vài nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng bạo lực trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Thứ nhất, mức độ căng thẳng gia tăng trong đại dịch do khó khăn về kinh tế, cuộc sống bấp bênh, không ổn định. Thứ hai, thời gian tiếp xúc với người gây ra bạo lực nhiều hơn do quy định về giãn cách xã hội, điều này có thể tăng nguy cơ bị bạo lực đối với các nạn nhân của bạo lực gia đình. Cuối cùng là trong bối cảnh Covid-19, việc sử dụng internet tăng cao dẫn đến tăng nguy cơ bạo lực trên không gian mạng cho người dùng.

BẠO LỰC GIỚI TRONG DOANH NGHIỆP

Nạn bạo lực giới, quấy rối tình dục trong các nhà máy luôn được các doanh nghiệp quan tâm. Theo bà Trần Thị Lan Anh - Phó tổng thư ký phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong thời gian vừa qua, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn về kinh tế, kéo theo lao động thất nghiệp, giảm thu nhập.

Bà Trần Thị Lan Anh - Phó tổng thư ký phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) (Ảnh: CSAGA).
Bà Trần Thị Lan Anh - Phó tổng thư ký phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) (Ảnh: CSAGA).

Nếu người lao động nữ là nạn nhân của bạo lực giới, hoặc bị quấy rối tình dục sẽ gây ảnh hưởng tới nguồn lực và năng suất lao động của doanh nghiệp, dẫn tới hệ lụy như kiện tụng, hòa giải tốn kém cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tâm lý của nạn nhân và các lao động khác. Chính vì vậy, đây cũng là điều mà doanh nghiệp rất quan tâm chú ý.

BẠO LỰC GIỚI TRONG GIA ĐÌNH

Theo ông Trần Tuấn Anh - Luật sư, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư T.p Hà Nội, ngay trong thời gian giãn cách, công ty ông đã nhận được rất nhiều ca xin tư vấn, xử lý những mâu thuẫn, đổ vỡ trong hôn nhân.

Ngay trong ngày 21/9, khi lệnh giãn cách được gỡ bỏ, văn phòng của ông đã tiếp nhận rất nhiều thân chủ tới đệ đơn xin ly hôn. Lý do chính do thời gian ở nhà quá dài, nhiều mâu thuẫn với bạn đời gia tăng, khiến cho thân chủ không thể chịu đựng được. Họ đã sử dụng bạo lực gia đình và con cái họ phải chứng kiến những hành vi đó. Đây là điều luật sư Tuấn Anh rất e ngại bởi nếu con trẻ sống trong môi trường bạo lực, thì hành vi bạo lực sẽ có khả năng được nối tiếp.

Ông Trần Tuấn Anh - Luật sư, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư T.p Hà Nội (Ảnh: CSAGA).
Ông Trần Tuấn Anh - Luật sư, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư T.p Hà Nội (Ảnh: CSAGA).

Anh cho biết thêm: Trong thời gian phong tỏa, giãn cách xã hội do Covid-19, các luật sư hoạt động trong lĩnh vực giới vẫn luôn trực chốt làm việc, tiếp nhận các cuộc xin tư vấn, hoặc viết bài trên các trang mạng để cung cấp, hỗ trợ thông tin cho những người có nhu cầu. Cho dù chỉ thị 15 hay 16, những luật sư như anh Tuấn Anh vẫn luôn làm việc, giải quyết, tư vấn và tiếp nhận các ca bạo lực giới. Luật sư Tuấn Anh cũng chia sẻ bạo lực giới, quấy rối tình dục diễn ra ngay cả ở những tầng lớp trung lưu, điều kiện kinh tế đầy đủ, con cái đã lớn, chứ không chỉ xảy ra trong các gia đình có hoàn cảnh, kinh tế khó khăn như nhiều người vẫn nghĩ.

24/24, NHIỀU CA GỌI XIN HỖ TRỢ VỀ ĐÊM

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA cho biết, vấn đề phụ nữ bị bạo lực trên cơ sở giới hiện nay không chỉ là câu chuyện của riêng Việt Nam, mà còn là câu chuyện của nhiều nước trên thế giới. Trong thời gian giãn cách vừa qua, đường dây nóng của CSAGA đã liên tục “cháy máy”, các chuyên gia tư vấn làm việc 24/24, đặc biệt các ca gọi tới nhờ ứng cứu về đêm tăng vọt.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA (Ảnh: CSAGA).
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA (Ảnh: CSAGA).

Một ca điển hình mà CSAGA nhận được trong thời gian qua và phải liên tục giám sát, tư vấn, hướng dẫn để nạn nhân có những xử lý đảm bảo an toàn cho chính bản thân là vụ việc một phụ nữ là nhân viên văn phòng, hơn 30 tuổi, đã có chồng và 2 con, một bé 4 tuổi, một bé 8 tuổi. Chồng làm công việc tự do, thu nhập thất thường.

Từ ngày có dịch, hầu như anh không còn thu nhập, tính cách anh ngang ngạnh và thường xuyên đánh vợ, chửi các con, thậm chí sử dụng bạo lực mỗi khi anh ta tức giận. Hành vi gây bạo lực của người bố khiến cho bé lớn luôn có cảm giác căm ghét bố và muốn trả thù, còn đứa bé thì luôn sống trong sợ hãi lo bị bố đánh. Người vợ thường xuyên bị chồng đánh đập, nhưng do tâm lý muốn gìn giữ cuộc hôn nhân nên chị giữ im lặng, nhiều lần chồng đập phá đồ đạc và gây bạo lực với chị nhưng chị không dám phản ứng gì.

(Ảnh: CSAGA).
(Ảnh: CSAGA).

Cho tới ngày 10/9, chồng chị đập nát toàn bộ máy tính, điện thoại, lấy dao đòi đâm chết vợ. Người con nhìn thấy đã xông ra chắn cho mẹ, người bố sau đó cũng dừng lại. Không chịu đựng được nữa, chị đã ôm con bỏ trốn, ra ngoài thuê nhà nghỉ để tạm lánh, sau đó tới phường báo cáo sự việc. Sau khi nhận được đơn trình báo, công an phường đã xử lý, lên phương án an toàn cho chị. Hiện tại, mẹ con chị đã có một nơi ở an toàn và vơi bớt lo lắng sợ hãi. Chị đang đợi hết giãn cách sẽ tiến hành thủ tục ly hôn với chồng.

GIẢI PHÁP THỰC TẾ CHO NẠN NHÂN

Theo bà Naomi Kitahara chia sẻ, trong dự án phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam, UNFPA đã phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, lần đầu tiên xây dựng một Trung tâm Dịch vụ Một cửa (TTDV Một cửa) Ngôi nhà Ánh Dương tại Quảng Ninh nhằm cung cấp dịch vụ tích hợp hỗ trợ nạn nhân của bạo lực giới. Đó là chỉ cần gọi điện tới số hotline, các nạn nhân sẽ được hướng dẫn và Trung tâm dịch vụ Một cửa sẽ cung cấp toàn bộ dịch vụ cần thiết bao gồm: Chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý, dịch vụ phúc lợi xã hội, nơi tạm lánh khẩn cấp, cảnh sát bảo vệ, dịch vụ tư vấn pháp lý và hỗ trợ chuyển tuyến. Trong khuôn khổ của dự án, hàng loạt các hoạt động truyền thông đã được thực hiện với sự tham gia của hàng nghìn người đã tiếp cận 10 triệu người.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 từ năm 2020 đến nay, UNFPA đã cung cấp 8,800 bộ đồ dùng thiết yếu hỗ trợ phụ nữ, đang hỗ trợ thêm 1,500 bộ nữa và cũng sẽ tiếp hỗ trợ thêm nữa. Mỗi bộ đồ dùng thiết yếu bao gồm 21 vật dụng thiết yếu như quần áo, bàn chải, kem đánh răng, dép, còi cứu hộ … và tờ rơi cung cấp các thông tin dịch vụ, địa chỉ tin cậy hỗ trợ nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới. Tất cả được đựng trong một chiếc xô.

(Ảnh: CSAGA).
(Ảnh: CSAGA).

Đặc biệt hiện nay, với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Nhật Bản, UNFPA phối hợp với các cơ quan chính phủ để thiết lập mới một đường dây nóng trực tuyến và qua tin nhắn để hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới; Thành lập và vận hành 03 Trung tâm dịch vụ một cửa tại Thanh Hoá, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh; Và phối hợp với CSAGA, Trung ương Hội Nông dân để thực hiện các hoạt động truyền thông sáng tạo để nâng cao nhận thức về bạo lực trên cơ sở giới dẫn tới thay đổi hành vi nhằm xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Về phía các doanh nghiệp, VCCI cũng đang tích cực chuẩn bị rà soát và đưa ra nhiều thay đổi cho bộ luật mới, nâng cao truyền thông về nhận thức và kỹ năng xử lý về bạo lực giới và quấy rối tình dục nhất là trong thời đại dịch Covid – 19, khi các nhà máy đang hoạt động theo tiêu chí “3 tại chỗ”.

Luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng, phải giải quyết tận gốc, từ nhận thức về giới, về tôn trọng quyền cá nhân bắt đầu từ các lớp học mầm non. Khi nhận thức về bình đẳng giới được nâng cao, các hành vi bạo lực trên cơ sở giới cũng sẽ được giảm thiểu. Quan trọng hơn, đó là việc “chịu nói ra, không còn im lặng”. Các luật sư sẵn sàng tư vấn miễn phí, đưa ra những hướng dẫn, giải pháp an toàn cho các nạn nhân bị bạo lực giới. Luật sư Tuấn Anh cho biết công cụ pháp luật của Việt Nam tương đối hoàn thiện để bảo vệ cho các nạn nhân, từ trung ương tới các hội, xã, phường, địa phương đều có đủ, vấn đề là con người thực thi như thế nào. Cần có một sự liên kết rõ ràng, hoàn chỉnh để phát huy hiệu quả nhất, bảo vệ người yếu thế trong xã hội.

Còn theo bà Nguyễn Vân Anh (CSAGA), thời gian vừa qua, đơn vị của bà gặp rất nhiều khó khăn do giãn cách, phong tỏa, việc tới cơ quan làm việc gặp trở ngại nhưng họ đã tích cực giải quyết bằng cách xây dựng hệ thống làm việc tại nhà. Làm thế nào để giải quyết vụ việc khi có điện thoại cần hỗ trợ từ An Giang, hay từ điểm nóng Thành phố Hồ Chí Minh? Làm thế nào để phối hợp cùng công an, luật sư lấy lời khai, thực nghiệm hiện trường trong bối cảnh giãn cách, cách ly? Đây là thử thách lớn với rất nhiều tổ chức, cán bộ, cộng tác viên và họ đã nỗ lực vượt qua để hỗ trợ cho các nạn nhân thay đổi tình trạng của mình.

(Ảnh: CSAGA).
(Ảnh: CSAGA).

Đầu năm 2021, CSAGA đã quảng bá thông tin tới người dân bằng một TVC với thông điệp “Bạn không đơn độc khi bị bạo lực. Hãy lên tiếng” được chiếu trên 300 màn hình LCD tại 270 tòa nhà chung cư tại 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả, văn phòng đã nhận được rất nhiều cuộc gọi, họ là dân cư các khu chung cư ấy, họ có cuộc sống khá ổn định về kinh tế, nhưng họ gặp các vấn đề trầm trọng về bạo lực gia đình, hoặc quấy rối tình dục mà không biết phải chia sẻ với ai hay tìm hỗ trợ ở đâu.

Hiện nay, mục đích chính của các tổ chức xã hội vẫn là nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức cho các nạn nhân của bạo lực giới, để họ có thể tự lên kế hoạch bảo vệ chính mình. Những người xung quanh cũng không nên có định kiến với các nạn nhân, cho rằng họ phải làm gì sai thì mới phải chịu bạo lực. Chúng ta cần tìm hiểu để biết rằng, bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân của bạo lực giới. Chia sẻ, cảm thông, nâng cao kiến thức về bạo lực giới chính là cách bảo vệ mình và những người xung quanh. Đồng thời, cho dù thế nào mọi người xin hãy nhớ, chúng ta đều luôn có thể tìm thấy sự trợ giúp từ những người xung quanh và các tổ chức xã hội.

- Cứ 3 phụ nữ thì có hơn 1 phụ nữ (37,8%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực do chồng hay bạn tình gây ra trong mùa đại dịch Covid 19. (Đánh giá nhanh về thực trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em do tác động đại dịch Covid 19 của UNFPA, UN Women, UNICEF)

- Tại Đông Phi, Bạo lực trên cơ sở giới được ghi nhận tăng 48% so với trước dịch. (Báo cáo chính sách của các tổ chức UN tại Châu Phi năm 2020.)

- Tại Việt Nam, chỉ trong tháng 4 năm 2020, Hotline tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã nhận 340 cuộc gọi hỗ trợ, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2019.

- Theo số liệu tháng 8/2021 của Ngôi nhà Ánh Dương, tỉnh Quảng Ninh (1800 1769), số cuộc gọi đến đường dây nóng trong giai đoạn giãn cách xã hội đã tăng lên 104% so với cùng kỳ trước đó.

- 1.268 cuộc gọi đến xin tư vấn hỗ trợ từ nạn nhân của bạo lực gia đình và bạo lực giới trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng lên gần 200 cuộc so với cùng kỳ năm ngoái - Theo số liệu của Văn phòng hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới (CSAGA)

- Số ca cần hỗ trợ đang tăng lên về số lượng và mức độ bạo lực trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19.

- Hotline nếu bạn gặp bạo lực giới, hoặc bị quấy rối tình dục cần tư vấn: 024 3333 5599, Fanpage: Yêu thương và tự do.

Bình Nguyên

Bộ sách về bình đẳng giới cho thiếu nhi đầu tiên tại Việt Nam

Bộ sách về bình đẳng giới cho thiếu nhi đầu tiên tại Việt Nam

Bộ sách đưa thông điệp về một tương lai bình đẳng, nơi mọi trẻ em dù ở bất kỳ giới tính nào đều được lớn lên lành mạnh và được tôn trọng