Ngày 26/9 vừa qua, thông tin một bé gái 2 tuổi tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) ngộ độc chì nặng, dẫn tới nguy hiểm tính mạng vì cách chữa mất ngủ của bà nội khiến nhiều người sững sờ. Đồng thời dấy lên cảnh báo về sự nguy hiểm của các cách chăm sóc sức khỏe hay chữa bệnh thiếu sở khoa học, nhất là trong chăm sóc trẻ em.
Cụ thể, bé gái thường xuyên quấy khóc, mất ngủ nên bà nội đã xin bùa bằng giấy sau đó đốt lên và pha nước cho bé uống. Điều này diễn ra 10 lần trong vòng 1 năm với số lượng bùa mỗi lần tăng dần.
Khi bé gái có các biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, da xanh xao gia đình chỉ cho rằng bé ăn uống và ngủ kém nên thiếu dinh dưỡng. Đến gần đây, vài ngày sau khi uống “nước bùa” từ bà nội, bé gái đột nhiên quấy khóc nhiều, nôn mửa, khó thở và thậm chí co giật gia đình mới vội vã đưa đến bệnh viện.
Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành các xét nghiệm và phát hiện bé bị ngộ độc chì nặng, dẫn tới một số biến chứng về thận và hô hấp nguy hiểm tính mạng. May mắn là cấp cứu kịp thời nên bé đã thoát khỏi cơn nguy kịch. Nguyên nhân ngộ độc chính từ loại "nước bùa" khiến bác sĩ phòng cấp cứu phải tức giận vì sự mê tín của người bà.
Bé gái 2 tuổi ngộ độc chì nguy kịch sau khi uống "nước bùa" chữa mất ngủ từ bà nội (Ảnh minh họa) |
Bác sĩ cảnh báo tác hại của ngộ độc chì, nhất là với trẻ em
Theo Trưởng khoa Độc tố của Tại Bệnh viện Phòng chống bệnh nghề nghiệp Hồ Nam - bác sĩ Lai Yan: “Thí nghiệm chỉ ra một tờ bùa bé gái đã uống chứa tới 50 miligam chì. Chì có trong chất nhuộm giấy, mực viết của lá bùa. Đây là một con số cực kỳ nguy hiểm, vì chỉ một lượng nhỏ chì cũng có thể gây ra ngộ độc nặng, đặc biệt là đối với trẻ em.
Ngộ độc chì có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe, đặc biệt là hệ thần kinh. Trẻ em bị ngộ độc chì dù không bùng phát ngay nhưng lượng nhỏ tích tụ lâu ngày có thể ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ dinh dưỡng, não, hệ thần kinh, thận và máu. Từ đó có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề về phát triển trí tuệ, hành vi và sức khỏe thể chất. Trong trường hợp nặng, nó có thể gây ra tổn thương não vĩnh viễn, thậm chí đe dọa tính mạng”.
Ngộ độc chì có dấu hiệu ở đa cơ quan như:
- Hệ thần kinh: đau đầu, chóng mặt, khó ngủ/mất ngủ, suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung, rối loạn hành vi như hiếu động thái quá… thậm chí co giật hoặc hôn mê trong trường hợp nặng.
- Hệ tiêu hóa: đau bụng, buồn nôn và nôn mửa, ăn uống kém, tiêu chảy hoặc táo bón…
- Hệ tuần hoàn: thiếu máu (dẫn đến mệt mỏi, xanh xao), khó thở…
- Tiết niệu: tiểu ít hoặc không có nước tiểu, suy thận cấp trong trường hợp nặng.
- Bất thường trên da: da có thể trở nên xanh xao hoặc nhợt nhạt, xuất hiện các vết bầm hoặc chảy máu bất thường.
Bác sĩ Lai Yan nhấn mạnh nếu có các dấu hiệu này, nhất là ở trẻ em thì cần nhanh chóng tìm kiếm sự chăm sóc y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đồng thời không nên tin vào các cách chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh truyền miệng hoặc chưa được kiểm chứng khoa học.
Nguồn và ảnh: NetEase Health, QQ
Hai mẹ con bị ngộ độc botulinum nguy kịch vì 1 món "chống ngán" mâm cơm Việt nào cũng có
Rau củ muối chua là món ăn yêu thích của nhiều người nhưng quá trình chế biến không đảm bảo, ăn sai cách có thể gây ngộ độc và nhiều bệnh tật.