Bệnh viêm gan bí ẩn có thể thành dịch ở Việt Nam hay không?

Việt Nam chưa ghi nhận ca viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ. Tuy nhiên Bộ Y tế không loại trừ khả năng bệnh có thể xâm nhập.

Viêm gan bí ẩn xuất hiện nhiều quốc gia trong đó có Đông Nam Á

Viêm gan bí ẩn hiện đang là mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong chưa đầy 1 tháng, nhiều nước ghi nhận số ca viêm gan nặng xuất hiện với tần suất lớn ở bệnh nhi và cho đến nay đã có hàng trăm ca nhiễm. Viêm gan cấp tính do virus bí ẩn là các trường hợp có đầy đủ biểu hiện lâm sàng của một ca viêm gan nhưng kết quả cho thấy bệnh không gây ra bởi các virus gây viêm gan đã biết (A, B, C, D hoặc E).

Trong khi đó, thông tin về căn bệnh này còn hạn chế, nhiều giả thuyết liên tục được đưa ra nhưng vẫn chưa có kết luận cụ thể. Nguyên nhân chính xác gây viêm gan ở những bệnh nhi này vẫn chưa được tìm ra,

Bệnh viêm gan bí ẩn có thể thành dịch ở Việt Nam hay không?

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) nghi ngờ rằng nguyên nhân của bệnh là adenovirus loại F41, một nhánh thường gây viêm ruột, viêm dạ dày trong dòng họ adenovirus cực kỳ phổ biến, chịu trách nhiệm cho nhiều bệnh thông thường từ cảm lạnh đến đau bụng. Các quan chức y tế Mỹ nghi ngờ COVID-19 là nguyên nhân tiềm tàng của các ca viêm gan nặng, đồng thời xem xét khả năng căn bệnh này liên quan tới một loại virus phổ biến hơn thường gây ra bệnh dạ dày.

Từ thời điểm 5/4, khi Anh thông báo những ca đầu tiên, căn bệnh nhanh chóng lây lan khắp châu Âu, châu Mỹ và châu Á (bao gồm Đông Nam Á), Trung Đông.

Ngày 2/5, Bộ Y tế Indonesia cho biết 3 bệnh nhi đã nhập viện và qua đời ở thủ đô Jakata, nâng tổng số ca tử vong toàn cầu liên quan đến viêm gan cấp tính do virus bí ẩn lên 4 ca.

Trước Indonesia, một quốc gia Đông Nam Á khác là Singapore cũng ghi nhận 1 ca viêm gan cấp tính ở bệnh nhi mới 10 tháng tuổi. Bệnh nhi từng mắc COVID-19 hồi tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, tới nay, không có bằng chứng cho thấy bệnh viêm gan cấp tính có liên quan đến COVID-19. 

Tại Việt Nam hiện chưa ghi nhận trường hợp nào mắc viêm gan bí ẩn nhưng nguy cơ bệnh xâm nhập là rất lớn. Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương đến nay đã có một số trường hợp trẻ bị tổn thương gan nhưng đây là những bệnh nhi mắc Hội chứng viêm đa hệ thống (hội chứng MIS-C) sau mắc COVID-19.

Ngày 6/5, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng có công văn khẩn gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ và Viện Pasteur yêu cầu tăng cường giám sát bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân.

Để chủ động giám sát các ca bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân tại Việt Nam và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng đề nghị các Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình, phân tích dịch tễ bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân trên thế giới.

Đồng thời các đơn vị cần thường xuyên cập nhật các hướng dẫn chuyên môn và giám sát, phòng chống bệnh viêm gan virus, tổ chức tập huấn đào tạo cho cán bộ y tế tại các địa phương trên địa bàn viện phụ trách.

Các đơn vị y tế phải phối hợp với địa phương phân tích các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân và báo cáo ngay những trường hợp bất thường, đồng thời đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng chống tại Việt Nam.

Bộ Y tế cho biết, bệnh xảy ra ở trẻ từ 1 tháng đến 16 tuổi. Các ca bệnh được xác định viêm gan cấp tính trên có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao rõ rệt. Đa số các trường hợp được báo cáo đều không bị sốt và không phát hiện nhiễm các loại virus phổ biến gây viêm gan virus cấp tính (viêm gan A, B, C, D và E). 

Sở Y tế TP HCM cũng đưa ra  khuyến cáo các cơ sở y tế, đặc biệt bệnh viện chuyên khoa nhi tăng cường phát hiện trường hợp trẻ bị viêm gan cấp. Khi có trẻ bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) cùng thu thập thông tin và bệnh phẩm, xét nghiệm PCR và kỹ thuật metagenomics tìm tác nhân gây nhiễm như adenovirus và các tác nhân khác.

Ngày 8/5, Sở Y tế TP.HCM cho biết sau 2 ngày triển khai yêu cầu đến các bệnh viện theo dõi, phát hiện trẻ bị viêm gan cấp để tìm phát hiện vi rút Adeno (hoặc tác nhân khác), vẫn chưa có ca nào được báo cáo.

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, để tăng cường giám sát, phát hiện sớm căn bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ, trong quá trình thăm khám tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bác sĩ đã khai thác thêm thông tin, cố gắng phát hiện các dấu hiệu sớm, triệu chứng nghi ngờ trẻ mắc viêm gan bí ẩn - nhất là với trẻ có các dấu hiệu nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, trẻ có hiện tượng viêm gan hay không (dựa vào xét nghiệm men gan) hoặc trẻ có dấu hiệu tiểu vàng, mắt vàng, suy gan tối cấp...

Khuyến cáo của các chuyên gia

BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền - Trưởng Khoa khám bệnh cơ sở Kim Chung, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đơn vị đầu ngành về các bệnh truyền nhiễm, cập nhật từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết dù chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn nhưng đã có nghi ngờ cho rằng căn bệnh này do Adenovirus gây ra.

Adenovirus không phải là virus mới và ở Việt Nam có rất nhiều đơn vị có thể xét nghiệm được loại virus này. Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương có hệ thống xét nghiệm chuẩn, được công nhận kết quả xét nghiệm ở hơn 130 quốc gia, nên Việt Nam hoàn toàn có thể xác định được bệnh nhân có mắc Adenovirus hay không.

BS Huyền cho biết trong y văn mô tả các virus gây bệnh viêm gan thường lây qua đường tiêu hóa hoặc lây qua đường máu, chưa thấy có virus nào gây bệnh viêm gan lây qua đường hô hấp mà gây tổn thương gan rõ ràng như bệnh viêm gan bí ẩn.

"Nếu như có gây tổn thương gan thì thường là sau khi gây tổn thương đường hô hấp dẫn đến hậu quả suy đa tạng và tổn thương các cơ quan khác rồi mới đến tổn thương gan. Các virus lây qua đường hô hấp hiếm khi gây bệnh cảnh viêm gan bí ẩn như hiện tại" – vị chuyên gia nói.

Bệnh viêm gan bí ẩn có thể thành dịch ở Việt Nam hay không?

Dựa vào mô tả triệu chứng các ca bệnh viêm gan bí ẩn trên thế giới thì đầu tiên, trẻ có triệu chứng ở đường tiêu hóa trước (trẻ đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy…), sau đó vài ngày mới mệt mỏi, chán ăn, vàng mắt, vàng da, đi tiểu vàng và suy gan. BS Huyền nhận định, nhiều khả năng tác nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn lây qua đường máu và đường tiêu hóa - đặc biệt lưu ý đến đường tiêu hóa vì biểu hiện đầu tiên của trẻ chính là ở đường tiêu hóa.

Nếu căn bệnh viêm gan bí ẩn lây qua đường máu, đường tiêu hóa thì khả năng bùng phát thành dịch hạn chế hơn là các virus lây qua đường hô hấp.

BS. Huyền khuyến cáo, nếu phụ huynh thấy trẻ có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy thì nên cho trẻ đi khám để xem trẻ có tổn thương gan không, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời cho trẻ. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý điều trị cho trẻ.

Nếu trẻ xuất hiện tiểu vàng, mắt vàng thì bệnh đã ở giai đoạn khá muộn, rất nguy hiểm. Với bệnh viêm gan bí ẩn thì cần chú ý nâng cao vệ sinh cá nhân, sát khuẩn tay thường xuyên, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. - Thực hiện ăn chín uống chín, nâng cao ý thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, dùng thực phẩm an toàn…

Trẻ cần được bổ sung dinh dưỡng hợp lý, tiêm phòng theo chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia đầy đủ. Theo dõi sát trẻ, khi có dấu hiệu nghi ngờ thì cho trẻ đi khám tại bệnh viện.

TS-BS Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật, Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, tương tự như SARS-CoV-2 (gây dịch Covid-19), mới đầu là các ca viêm phổi chưa rõ nguyên nhân; các triệu chứng dần được ghi nhận điển hình và đầy đủ hơn, sau đó chúng ta mới phát hiện và khẳng định được vi rút gây bệnh.

“Trong giai đoạn này, các ca bệnh có tổn thương gan cấp vào viện sẽ được đặc biệt lưu ý tới tiền sử dịch tễ, các triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa và ngoài đường tiêu hóa…, sau khi được loại trừ tất cả các nguyên nhân thường gặp khác sẽ được tiến hành thêm các xét nghiệm chuyên sâu để tìm nguyên nhân gây bệnh, bao gồm cả sàng lọc vi rút Adeno”, BS Hoa chia sẻ.

Vị chuyên gia này nhi cũng nhìn nhận: “Khả năng xuất hiện các trường hợp bệnh tương tự tại Việt Nam là có thể. 

Bác sĩ Lê Thanh Phuông, Trưởng Đơn vị chuyên khoa gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết vấn đề đặt ra là chúng ta có thể làm gì để chống lại nó và giảm thiểu mọi nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Adenovirus lây lan trong không khí và qua tiếp xúc. Cho nên việc rửa tay đối với trẻ em và người lớn, cùng với vệ sinh hô hấp tốt là vô cùng quan trọng để giúp ngăn ngừa adenovirus và các bệnh nhiễm trùng khác có thể gây viêm gan.

Bác sĩ khuyến cáo các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp ở trẻ có thể đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh viện đã phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford triển khai quy trình xét nghiệm Realtime PCR chẩn đoán adenovirus gây viêm gan cấp một cách chuẩn nhất, cho kết quả chính xác nhất có thể.

Thanh Mai

Các nhà khoa học đặt nghi vấn chó là nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn?

Các nhà khoa học đặt nghi vấn chó là nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn?

Hiện các quan chức y tế vẫn đang điều tra nguyên nhân của sự gia tăng tình trạng bệnh gan nghiêm trọng này.