Tôi sinh năm 1956 ở Hà Nội, chiến tranh sơ tán liên miên, rồi du học Romania, Pháp… không được mẹ truyền lại tất cả nghệ thuật nấu ăn. Thời tem phiếu, có tí đường, tí thịt, nấu hỏng đổ đi thì rất tiếc, nên mẹ tự chế biến các món không cho tôi vào bếp. Tuy nhiên, tôi có món tủ mẹ bày là kho cá và nấu cà-ri.
Mẹ kể lại thời mới hòa bình, mẹ kéo năm đứa con ra tìm chồng đi kháng chiến đang sống và làm việc ở Hà Nội (Bộ Văn hóa). Nhà cửa tiêu thổ kháng chiến, cửa hàng bị bom cháy. Gia tài của mẹ sau năm 1954, là cái hộp sắt tây bé tí đựng vài cái ảnh trắng đen xưa rất đẹp. Mẹ cất giấu thỉnh thoảng lôi ra xem, đó là ảnh cưới của mẹ và ảnh hai người phụ nữ quý tộc- hai người chị của mẹ đang sống ở Sài Gòn, nhưng mẹ dối tôi đó là hai bạn gái cùng học.. Mẹ sợ con gái bé dại kể lộ ra ngoài chuyện nhà có người trong Nam.
Mẹ tôi nổi tiếng nấu ăn giỏi trong họ hàng. Một phụ nữ sinh ra và lấy chồng đều thuộc gia đình khá giả. Mẹ được học tiếng Pháp và học nữ công gia chánh ở trường Đồng Khánh. Mỗi lần họ hàng con cháu đến chơi đều khen mẹ nấu ăn ngon.
Định cư ở Paris từ năm 1988, Tết xa quê hương, thèm món ăn quê hương, nỗi nhớ mẹ và góc bếp tình yêu nhỏ xíu trên balcon ở đường Bà Triệu, Hà Nội. Hà Nội hơn nửa thế kỷ trước rất ít người ăn cá biển. Họ dè bỉu bĩu môi, khi thấy mẹ toàn mua cá biển về ăn. Cá biển lúc đó rẻ nhất. Mẹ chế biến tất cả các món bằng cá tuyệt ngon: cá hấp, cá rán, ruốc cá, mắm cá, thậm chí cả nước mắm…
Chiến tranh, nước mắm không có, mẹ quen dùng nước mắm nhĩ thơm ngon do ông nội - một doanh thương nổi tiếng ở Vinh, có đội thuyền buôn nông thủy sản. Những năm chiến tranh chống Mỹ, nước mắm pha loãng đến mức được gọi đùa “Nước mắm đại dương”, toàn muối mặn không mùi thơm. Mẹ đã dùng lan can nhỏ xíu ngay phố Bà Triệu để sản xuất nước mắm.
Con cháu ra học đại học, mỗi lần đều mang quà: cân cá, mực, tép, tôm khô, mắm các loại. Mẹ cất dành chế các món ăn tuyệt vời. Tép khô rang khế, lá chanh, cá khô ướp sả gừng rán, tóp mỡ chưng mắm tôm… Thời sơ tán, mẹ vẫn gửi cho con gái út là tôi một lọ mắm ruốc, trộn lạc mỗi tuần. Cả lũ bạn xô vào nếm dè sẻn được 2 bữa, đứa nào cũng tấm tắc khen ngon. Những món này, dân Hà Nội phố cổ tỏ ý coi thường, nay thành đặc sản Hà Nội được mọi người yêu thích.
Mẹ tôi mặc áo dài trắng và bạn. |
Mẹ thường nhắc câu tục ngữ: “Muốn ăn thì lăn vào bếp, không ai khen cái nết hay làm”. Câu nói như một sự tủi hờn của người phụ nữ Việt suốt ngày tần tảo bếp núc chăm lo chồng con, nhưng ít được ca ngợi. Người chồng Việt tính gia trưởng kiệm lời khen, thường chỉ chê. Việc bếp núc như nghĩa vụ của người phụ nữ. Mấy chữ “Công - Dung - Ngôn - Hạnh” đè nặng lên đầu đàn bà.
Phụ nữ lấy chồng phải đảm đương đủ việc không tên trong gia đình. Người đàn ông đi làm về, chỉ ngồi đọc báo, và chờ vợ dọn cơm. Xong bữa, vợ lại lúi húi rửa bát, dọn dẹp, lo cho con cái ngủ… Việc không tên gần như suốt ngày trừ mấy tiếng chợp mắt. Mẹ từng mở cửa hàng xe đạp thời Pháp thuộc. Thời ấy, gia đình nào có xe đạp như có ô tô thời nay. Mẹ vẫn chịu khó nấu ăn ngon những ngày lễ Tết, giỗ tổ tiên. Hàng năm, dù chiến tranh thiếu thốn, mẹ vẫn bảo đảm trách nhiệm của con dâu cả, lo đầy đủ việc thờ cúng tổ tiên, mời cả dòng họ đông đúc đến đông vui.
Lúc bom đạn, mẹ tôi như osin, cái gì cũng đến tay. Các con lớn lại ra chiến trường, đi học xa, mẹ vẫn chắt chiu gửi cho con lọ mắm ruốc, ít cá khô. Chúng tôi rời khỏi vòng tay mẹ, đứa bộ đội, kỹ sư, đứa giám đốc, quản đốc, giảng viên,... tuy nhiên ít đứa hiểu hết mẹ. Mẹ vẫn khắt khe với con gái. Mẹ bắt “lăn” vào bếp khi gia đình bắt đầu có điều kiện hơn trước.
Khi tôi đầu đã hai thứ tóc, một hôm, tôi nhận được từ đứa cháu gửi cho tấm ảnh mẹ ngày xưa thời con gái mặc áo dài trắng, cầm bóp đầm đen rất thiếu nữ sang trọng mô - đéc xinh đẹp. Cháu tình cờ được một người quen biết mẹ xưa tặng lại. Ngắm ảnh mẹ, lệ tuôn trào. Mẹ đã hy sinh quá lớn.
Tôi lớn lên chưa bao giờ thấy mẹ mặc áo dài trắng thướt tha, đội khăn vấn đẹp đến thế. Mẹ luôn mặc cái áo cánh bằng phin nõn, quần đen và mấy cái khăn màu tối. Khi tôi du học Pháp, mẹ chỉ dặn mua cho mẹ lọ nước hoa. Tôi vô tình tự hỏi: “Sao mẹ chỉ suốt ngày trong bếp lại mơ một lọ nước hoa Tây nhỉ?”. Vừa sang đến nơi, có người quen về, tôi gửi ngay tặng mẹ một lọ nước hoa. Mẹ mừng lắm.
Tôi không biết, thời con gái mẹ toàn dùng nước hoa Pháp. Kháng chiến, tản cư, rồi lại chiến tranh sơ tán, mẹ đã phải bỏ tất cả cái thói quen giàu sang phú quý. Mẹ đan áo, đạp máy khâu, dệt len thuê kiếm tiền nuôi gia đình. Da mẹ đen nhẻm vì nắng mưa đi giao hàng. Nhìn ảnh mẹ xưa, tôi - đứa con út sinh sau đẻ muộn mới thấu hiểu mẹ hy sinh quá nhiều. Bố đi kháng chiến 9 năm, nhà cháy, bao nhiêu nữ trang quý đều từ từ bán hết nuôi đàn con. Hai bàn tay trắng ra Hà Nội, mẹ lại tần tảo vì chồng con.
Dù mẹ mãi mãi không được sống quay lại như thời mẹ trẻ, nhưng mẹ mãi tự hào vì có chồng góp phần trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Anh trai tôi là liệt sỹ, hy sinh tại mặt trận Tây Nguyên nay chưa tìm được mộ. Cuộc kháng chiến thành công là nhờ những người mẹ tần tảo biết hy sinh vì nghĩa lớn như mẹ tôi.
Góc bếp chính là nơi đoàn tụ gia đình, là tình yêu mẹ gửi vào các món ăn mãi mãi không quên. Yêu gia đình bao nhiêu, các món ăn càng ngon bấy nhiêu.
Nhìn bức ảnh xưa, mắt rưng rưng. Tết Tân Sửu đến càng nhớ mẹ, thắp một nén hương cho mẹ cha, mong mẹ tha thứ cho con đã không hiểu hết mẹ khi mẹ còn sống.
Mẹ chính là góc bếp nho nhỏ thiêng liêng chứa chan tình yêu nuôi chúng con khôn lớn.
“Tết Mẹ”
Tôi gọi là "Tết mẹ" bởi Tết với tôi luôn gắn liền với hình ảnh người mẹ yêu kính, người có lẽ ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời tôi.