Là BTV, MC của hàng loạt chương trình, bản tin tài chính như Tài chính kinh doanh VTV1, Tiêu dùng Thông thái VTV1, chương trình SMART MONEY,... Đào Hải Vân (sinh năm 1994) là gương mặt có phần quen thuộc với khán giả, đặc biệt là những người thường xuyên theo dõi các chương trình, bản tin tài chính.
MC, BTV Hải Vân |
Trên kênh TikTok cá nhân, bên cạnh những câu chuyện đằng sau hậu trường mỗi lần lên sóng, nữ MC này còn chia sẻ về kiến thức, quan điểm trong chuyện đầu tư, quản lý tài chính.
Trong một video kết hợp với "mỹ nam tài chính" - MC, BTV Phương Nam, Hải Vân và Phương Nam đã chỉ ra 3 điều cần quan tâm với người mới đầu tư chứng khoán. Đây cũng chính là 3 câu hỏi mà các nhà đầu tư F0 nên làm rõ trước khi bước vào thị trường.
Câu hỏi số 1: Số tiền mình đầu tư có phải là tiền nhàn rỗi hay không?
Với câu hỏi này, MC Phương Nam cho rằng: "Vì chứng khoán là thị trường có rủi ro nên bắt buộc số tiền mình đầu tư phải là tiền nhàn rỗi. Nếu không, khi thị trường giảm hoặc khi bạn chưa bán được hàng, mà tiền vốn lại là tiền đi vay mượn hoặc tiền tiết kiệm, tiền sinh hoạt phí,... thì lúc đó cuộc sống của bạn sẽ bị ảnh hưởng, đơn giản và dễ hiểu thế thôi".
MC, BTV Phương Nam |
Phòng khi bạn chưa hiểu rõ về khái niệm "tiền nhàn rỗi": Đây là khoản tiền mà bạn dám tự tin khẳng định mình sẽ "không động tới" trong một khoảng thời gian nhất định, nên là từ 3 tháng trở lên.
Thử tự hỏi mình xem nếu bây giờ không may xe cộ/điện thoại lăn ra hỏng, hoặc tệ hơn là ốm đau, thất nghiệp, liệu mình có cần dùng tới số tiền mà mình đang nghĩ là "tiền nhàn rỗi" hay không. Nếu tự tin nói "không", đó mới là khoản tiền thực sự "nhàn rỗi" mà bạn nên tính tới chuyện đầu tư.
Câu hỏi số 2: Mức độ chấp nhận rủi ro là như thế nào và lãi kỳ vọng ra sao?
"Đây là vấn đề mà bạn bắt buộc phải quan tâm vì nó chính là cơ sở để bạn biết khi nào mình nên chốt lãi hoặc cắt lỗ. Ví dụ bạn xác định bản thân chỉ có thể chịu rủi ro khoảng 15% thì đến khi thấy việc đầu tư của mình lỗ sắp đến 15% rồi, bạn sẽ biết mình phải cắt lỗ thôi. Tương tự với lãi kỳ vọng. Đó đều là những điểm mốc để bạn vin vào trên hành trình đầu tư của mình" - MC, BTV Phương Nam khẳng định.
Trong đầu tư tài chính, có một khái niệm để miêu tả mức độ chấp nhận rủi ro của một người: Khẩu vị rủi ro. Khẩu vị rủi ro là khái niệm được sử dụng để chỉ sự sẵn sàng, khả năng chấp nhận các mức độ rủi ro của nhà đầu tư trong việc theo đuổi mục tiêu mà họ cho là có giá trị và đáng để đánh đổi.
Khẩu vị rủi ro trong đầu tư không phải là một đặc tính tuyệt đối, mà thường được chia thành ba cấp độ chính: thấp, trung bình và cao.
- Khẩu vị rủi ro thấp: Những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp thường không chấp nhận sự mất mát, thua lỗ quá lớn về tiền bạc hay tài sản. Thay vào đó, họ tìm những cơ hội đầu tư có tính thanh khoản cao và mức độ rủi ro thấp, đi đôi với đó là lợi nhuận cũng không cao.
- Khẩu vị rủi ro trung bình: So với khẩu vị rủi ro thấp, nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro trung bình thường chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định và tìm kiếm những cơ hội đầu tư có khả năng sinh lời cao hơn nhưng vẫn đảm bảo tính thanh khoản. Nhóm người này không phải là người quá "chắc ăn" hay quá "mạo hiểm", mọi thứ với họ đều ở mức độ vừa phải: đủ rủi ro để tạo nên thách thức nhưng cũng đủ an toàn để chừa đường lui cho bản thân.
- Khẩu vị rủi ro cao: Trái ngược hoàn toàn với những người sở hữu khẩu vị rủi ro thấp, nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao là người sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư vào các cơ hội sinh lợi cao hơn dù biết song song đó, khả năng thua lỗ của họ cũng vô cùng cao.
Câu hỏi 3: Cập nhật thông tin kiến thức ở đâu?
Với câu hỏi này của BTV Hải Vân, "mỹ nam tài chính" có phần hơi băn khoăn. Anh khẳng định thông tin kiến thức về thị trường chứng khoán rất rộng. Dẫu vậy, vẫn có những thứ được coi là cơ bản, bắt buộc phải biết với các nhà đầu tư F0.
"Mình nghĩ là ban đầu, các bạn nên tìm hiểu kiến thức về kinh tế vĩ mô: Nền kinh tế vận hành ra sao, dòng tiền trong xã hội chảy như thế nào và mối liên hệ giữa các ngành nghề với nhau. Khi bạn đã hiểu được những vấn đề cơ bản như thế rồi, các bạn mới sẵn sàng đầu tư chứng khoán và mới có thể "sống" thọ hơn trên thị trường" - BTV, MC Phương Nam chia sẻ.
Sau đó, anh cũng chỉ ra một vài kênh "phổ cập kiến thức" cho nhà đầu tư F0 trên thị trường chứng khoán:Youtube Ray Dalio - Chuyên chia sẻ kiến thức về kinh tế vĩ mô và toàn bộ tài liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Hội GenZ có khát vọng làm giàu tranh cãi kịch liệt trước quan điểm “Còn trẻ thì không nên chơi chứng khoán”
Trên kênh TikTok 389.800 người theo dõi của mình, Huy Đào khẳng định chắc nịch: “Càng còn trẻ, càng không nên chơi chứng khoán”.