TS. Lê Việt Nga, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương |
Bước sang thế kỷ XXI, phát biển bền vững trong đó có tiêu dùng xanh đã trở thành xu hướng của người tiêu dùng trên thế giới và đặc biệt được quan tâm tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu diễn ra nhanh hơn dự đoán của nhân loại, gây ra nhiều thảm họa thiên nhiên và dịch bệnh ngoài sức tưởng tượng. Hơn 100 quốc gia trên thế giới đã tham gia cộng đồng cam kết đưa phát thải ròng (khí thải nhà kính) về bằng 0 - gọi tắt là Net Zero.
Tại nước ta, tiêu dùng xanh được Nhà nước cùng công đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam đồng lòng ủng hộ và triển khai, nhất là từ khi Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) tháng 11 năm 2021.
Để có tiêu dùng xanh, không thể thiếu hệ thống phân phối xanh cung cấp các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường tới tận tay của người tiêu dùng. Hiện ở Việt Nam, việc xây dựng các hệ thống phân phối xanh đang ở giai đoạn đầu triển khai đối diện với nhiều bỡ ngỡ, khó khăn, thách thức, mang tính tự phát và chưa có nhiều nguồn lực hỗ trợ.
TS. Lê Việt Nga đưa ra góc nhìn về thực trạng ban hành và thực thi các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết lập hệ thống phân phối xanh để góp phần thúc đẩy tiêu dùng xanh tại Việt Nam.
Về Chính sách vĩ mô hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối xanh
Phát triển kinh tế xanh nói chung và thương mại xanh nói riêng là xu hướng tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khan hiếm tài nguyên thiên nhiên ngày càng gia tăng. Và Việt Nam không thể là ngoại lệ khi được các chuyên gia quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu.
Phát triển kinh tế xanh
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản: Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chương trình quốc gia về phát triển kinh tế tuần hoàn (Quyết định số 883/QĐ-TTg ngày 22/7/2022), Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quyết định số 1127/QĐ-TTg ngày 23/9/2021)… Chiến lược tăng trưởng xanh tập trung vào khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.
Tại các chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia này đã có sự phân công cụ thể vai trò của các cơ quan trung ương và địa phương trong thực thi nhằm đạt mục tiêu về tăng trưởng xanh, trong đó có tiêu dùng xanh, làm căn cứ để các Bộ ngành ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chiến lược ngành, đề án, chương trình cụ thể của ngành trong phát triển bền vững.
Phát triển thương mại xanh
Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được phê duyệt tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ mục tiêu phát triển thương mại xanh cũng như hệ thống phân phối xanh như sau:
“Khung khổ pháp lý, thể chế, chính sách phát triển thương mại trong nước được cơ bản hoàn thiện và đồng bộ, hiệu quả quản lý nhà nước được củng cố, tăng cường. Môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường và cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm cho các hoạt động thương mại vận hành phù hợp với quy luật thị trường, điều kiện phát triển kinh tế trong nước và yêu cầu của hội nhập; cơ bản hình thành khung chính sách về hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối xanh bền vững, đảm bảo triển khai có hiệu quả các mô hình phân phối xanh bền vững.
Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại được hiện đại hóa trên phạm vi toàn quốc, được dán nhãn công trình thương mại xanh, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, phòng chống cháy nổ...;”
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, tại Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện như sau:
“- Hoàn thiện các quy định, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về hệ thống phân phối xanh, trước hết là hệ thống phân phối bán lẻ bao gồm chợ, trung tâm thương mại, siêu thị và áp dụng trên phạm vi cả nước; xây dựng và hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển hệ thống phân phối xanh, bền vững, chính sách thúc đẩy sự tham gia của các sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện môi trường trong các hệ thống phân phối;
Khảo sát, đánh giá thực trạng và triển khai giải pháp phát triển hệ thống phân phối xanh và tiêu dùng xanh, phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực thương mại; đẩy mạnh liên kết bền vững giữa sản xuất - phân phối - tiêu dùng cũng như tăng sự hiện diện của sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện môi trường xanh tại cơ sở phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị...) và cơ sở phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa...).
Nghiên cứu phát triển và nhân rộng các cơ sở phân phối xanh, bền vững trên cơ sở tăng cường áp dụng hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả trong lưu kho, phân phối;
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thương mại trong nước và đánh giá tác động của Luật, cơ chế chính sách đã ban hành; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội về phân phối xanh, tiêu dùng xanh và phát triển bền vững;
Ứng dụng khoa học và công nghệ và thông tin hiện đại thúc đẩy phân phối xanh bền vững thông qua nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ hiện đại, hỗ trợ phát triển hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững theo hướng kinh tế tuần hoàn;
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về phát triển hệ thống phân phối xanh và bền vững.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, đặc biệt là hàng hóa giả chứng nhận nhãn xanh ngay từ tuyến biên giới đường bộ và đường biển; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.”
Ngày 14/12/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2756/QĐ-BCT ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành công thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã quy định mục tiêu về phát triển thương mại xanh như sau:
Giai đoạn đến năm 2025: “Thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp, thương mại nhằm đạt mục tiêu giảm 5-8% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất như dệt may, thép, nhựa, hóa chất, rượu bia nước giải khát, giấy,...;
85% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững và các mô hình kinh tế tuần hoàn; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn tiết kiệm năng lượng và các nhãn sinh thái khác tại các siêu thị, trung tâm thương mại.”
Giai đoạn 2026-2030: “Thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp, thương mại nhằm đạt mục tiêu giảm 7-10% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất chính như dệt may, thép, nhựa, hóa chất, rượu bia nước giải khát, giấy và một số ngành sản xuất khác;
100% các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm bao bì nhựa sử dụng một lần, khó phân hủy.”
Tại Quyết định số 2756/QĐ-BCT đã quy định các nhiệm vụ:
“Phát triển các điểm phân phối xanh, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thân thiện môi trường.
Rà soát các quy định, rào cản kỹ thuật trong thương mại liên quan đến biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh của các quốc gia, khu vực trên thế giới;
Đề xuất các các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất và phát triển thị trường xuất nhập khẩu đáp ứng các yêu cầu về ứng phó với với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong quá trình đàm phán, ký kết và thực thi các hiệp định thương mại quốc tế.
Đồng thời tại Quyết định số 2756/QĐ-BCT, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ cho các Sở Công Thương: “Tổ chức thực hiện phát triển hạ tầng thương mại, kênh phân phối hàng hóa, các trung tâm siêu thị, thương mại thúc đẩy thị trường hàng hóa thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và phát thải các-bon thấp tại địa phương.”
Triển khai các nhiệm vụ nêu trên, năm 2023-2024 trong khuôn khổ thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí phân loại các loại hình hạ tầng thương mại ở Việt Nam” nhóm nghiên cứu của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã đề xuất Bộ tiêu chí phân loại, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi bao gồm các tiêu chí bắt buộc và khuyến khích, tiêu chí được chứng nhận “công trình xanh” thuộc các tiêu chí khuyến khích áp dụng.
Tín dụng xanh để hỗ trợ tăng trưởng xanh
Ngày 26/7/2023, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã ban hành Quyết định số 1408/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, trong đó có đưa ra nhiệm vụ “Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh”.
Năm 2022, tại Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 ngày 11/4/2022, lần đầu tiên Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên có Chỉ số xanh cho cấp tỉnh.
Một số chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống hàng tiêu dùng thiết yếu theo hướng tiêu dùng xanh và bền vững
Phát triển thống phân phối thực phẩm xanh và bền vững
Ngày 28/3/2023 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030 tại Quyết định số 300/QĐ-TTg của phê duyệt. Mục tiêu chung của Kế hoạch này là “Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm từ sản xuất, chế biến, phân phối đến tiêu dung theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, dựa trên lợi thế địa phương; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và dinh dưỡng quốc gia; nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống người dân; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2023 của Việt Nam và toàn cầu”. Theo đó, để xây dựng được hệ thống thực phẩm an toàn và bền vững, các bộ ngành như Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương được giao rất nhiều nhiệm vụ từ sản xuất đến phân phối lưu thông và tiêu dùng. Các nhiệm vụ liên quan đến Phát triển hệ thống chế biến và phân phối, tiêu dùng lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm bao gồm các hoạt động chính sau:
Phát triển hệ thống chế biến và phân phối lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững
Xây dựng và thực hiện hệ thống chỉ tiêu giám sát và đo lường thất thoát và lãng phí lương thực thực phẩm cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh.
Nâng cao năng lực cho các tổ chức kiểm nghiệm, tư vấn, giám định, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm theo hướng xã hội hóa.
Nâng cao năng lực cho các tổ chức và cá nhân tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực thực phẩm trong truy xuất nguồn gốc, ghi nhãn xuất xứ sản phẩm theo hướng trách nhiệm và bền vững.
Tăng cường các hoạt động thương mại điện tử, quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ lương thực thực phẩm theo chuỗi giá trị với các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội.
Duy trì hoạt động ổn định và thông suốt của chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm, thúc đẩy hợp tác Nam - Nam và hợp tác với các bên liên quan để phát triển thương mại nông nghiệp làm cơ sở cho an ninh lương thực khu vực và toàn cầu.
Tăng cường năng lực dự trữ để phòng chống, ứng phó với các hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm ở các cấp độ khác nhau, trong đó ưu tiên cho các nhóm nghèo và nhóm dễ bị tổn thương.
Quản lý an toàn thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ và nâng cao năng lực phân tích nguy cơ và minh bạch thông tin cho các đối tượng và ở các cấp độ khác nhau.
Xây dựng và phổ biến các mô hình liên kết chuỗi cung ứng tích hợp đa giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản lương thực thực phẩm.
Nghiên cứu, triển khai ứng dụng giải pháp, mô hình, kỹ thuật trong giảm thất thoát và lãng phí lương thực thực phẩm; tái chế lương thực thực phẩm không sử dụng.
Thúc đẩy thực hành tiêu dùng lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững
Xây dựng và theo dõi bảng cân đối thực phẩm cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh làm cơ sở theo dõi và điều tiết sản xuất cũng như phân phối thực phẩm cân đối cho thị trường quốc gia, khu vực và địa phương. Thí điểm xây dựng ngân hàng thực phẩm; ưu tiên phân phối thực phẩm địa phương, thực phẩm tươi sống và thực phẩm lành mạnh.
Xây dựng cơ sở dữ liệu về chất lượng, an toàn thực phẩm và hệ thống truy xuất nguồn gốc kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Tăng cường năng lực giám sát và xử lý vi phạm trong phân phối lương thực thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ và có hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người tiêu dùng, khuyến khích hành vi tiêu dùng ăn uống lành mạnh, dinh dưỡng cân đối, có lợi cho sức khỏe, có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, áp dụng các nguyên lý kinh tế tuần hoàn đối với người tiêu dùng.
Hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng tích hợp về thực phẩm, dinh dưỡng, sức khỏe, môi trường.
Trước mắt, để xây dựng hệ thống phân phối xanh về lương thực thực phẩm, ngành Công Thương được giao:
Hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, áp dụng các nguyên lý kinh tế tuần hoàn đối với người tiêu dùng
Phát triển và kết nối hệ thống chợ đầu mối nông sản thành các Đầu mối logistics, dịch vụ tổng hợp và cung ứng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp
Tăng cường các hoạt động thương mại điện tử, quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ lương thực thực phẩm theo chuỗi giá trị với các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội
Nâng cao năng lực cho các tổ chức và cá nhân trong truy xuất nguồn gốc, ghi nhãn xuất xứ sản phẩm lương thực thực phẩm
Phát triển hệ thống phân phối năng lượng xanh
Nhiên liệu sinh học được coi là một trong những trụ cột năng lượng tái tạo giúp các quốc gia, trong đó có Việt Nam giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, giảm phát thải carbon gây hại cho môi trường. Nhiên liệu sinh học hình thành từ các hợp chất có nguồn gốc động, thực vật (mỡ động vật, dầu dừa...), ngũ cốc (lúa mỳ, đậu tương, sắn...), chất thải trong nông nghiệp (rơm rạ, phân...), sản phẩm thải trong công nghiệp (mùn cưa, gỗ thải, bã mía...).
Ở Việt Nam, với mục tiêu phát triển nhiên liệu sinh học, một dạng năng lượng mới, tái tạo được để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, Chính phủ đã ban hành nhiều đề án, quyết định về phát triển nhiên liệu sinh học, tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thốLà một trong những quốc gia đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường và chống biến đổi khí hậu, Việt Nam đã sớm ban hành lộ trình cắt giảm khí thải, khí nhà kính trong nhiều lĩnh vực. Ngày 20/11/2007 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 177/2007/QÐ-TTg về việc “Phê duyệt Ðề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”; ngày 22/11/2012 ban hành Quyết định số 53/2012/QÐ-TTg về việc ban hành “Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống”; ngày 26/7/2023 ban hành Quyết định số 893/QÐ-TTg về việc “Phê duyệt Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050”. Với những chính sách này cho thấy sự thiết yếu của việc phát triển nhiên liệu sinh học đối với phát triển kinh tế bền vững. Sau cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 về giảm phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050, Chính phủ đã khẩn trương rà soát lại hệ thống văn bản, quy định pháp luật có liên quan, có cơ chế chính sách đối với nhiên liệu sinh học nhằm thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
Một số kết quả bước đầu của việc xây dựng hệ thống phân phối xanh tại Việt Nam và kiến nghị đề xuất
Theo báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia 2030 vì sự phát triển bền vững của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố ngày 26/11/2024 tại Hà Nội nhằm nhìn lại việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, trên phương diện so sánh quốc tế, Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Trên phạm vi toàn cầu, thứ hạng của Việt Nam về kết quả thực hiện SDGs liên tục tăng lên trong giai đoạn 2016-2024. Theo đó, Việt Nam từ xếp hạng 88/149 nước năm 2016 đã tăng lên 54/166 quốc gia được xếp hạng năm 2024. Về điểm số, năm 2024, chỉ số phát triển bền vững (SDI) của Việt Nam đạt 73,32 điểm, cao hơn mức trung bình toàn cầu. Điểm số và vị trí của Việt Nam có sự cải thiện so với xếp hạng được công bố năm 2023. Trong khu vực Đông và Nam Á, Việt Nam chỉ xếp sau Thái Lan. Báo cáo tại hội thảo cũng cho biết, Việt Nam đạt được điểm số tốt nhất ở SDG1 (chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi), SDG4 (đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện), SDG11 (phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu), SDG12 (đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững) và SDG13 (ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai).
Nhìn chung, trong lĩnh vực phân phối hàng hóa, đặc biệt là hàng tiêu dùng, sự chủ động của doanh nghiệp phân phối đã đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững như:
Thúc đẩy thay đổi hành vi của người tiêu dùng: Khi doanh nghiệp cung cấp nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường và truyền thông hiệu quả về tiêu dùng bền vững, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn và có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng tích cực cho môi trường.
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới thân thiện với môi trường. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy đổi mới trong nền kinh tế và tạo ra những giải pháp sáng tạo cho các vấn đề môi trường.
Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, xã hội đối với việc tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững: Hoạt động của doanh nghiệp về tiêu dùng bền vững có thể thu hút sự chú ý của cộng đồng và nâng cao nhận thức của mọi người về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.
Các doanh nghiệp tham gia phân phối sản phẩm xanh tại thị trường trong nước và các doanh nghiệp xuất khẩu đã trở thành bệ đỡ, đầu ra cho nền sản xuất xanh còn non trẻ nhưng rất tiềm năng tại Việt Nam. Ngoài ra, sự chủ động của doanh nghiệp trong việc triển khai tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững cũng mang lại nhiều lợi ích cho chính doanh nghiệp, bao gồm: nâng cao thương hiệu, giảm thiểu chi phí, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp tại Việt Nam trong đó các doanh nghiệp phân phối lớn, hoạt động theo chuỗi như SaigonCo.op, Wincommerce, Aeon, Central Retail, MMMegaMarket, May 10, Việt Tiến, Dệt kim Đông Xuân, Dệt Phong Phú, Muji, Uniqlo, ... đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc tiên phong triển khai thúc đẩy tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững, lồng ghép vào hoạt động kinh doanh hàng ngày của đơn vị mình, thể hiện qua một số hoạt động sau.
Áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng và tài nguyên trong cơ sở phân phối: Các doanh nghiệp phân phối đã và đang đầu tư vào các công nghệ tiên tiến ngay từ khâu thiết kế để giảm thiểu lượng nước, tiết kiệm năng lượng và rác thải trong quá trình kinh doanh. Sử dụng năng lượng tái tạo (pin mặt trời, chiếu sáng và thông gió tự nhiên, sạc điện cho phương tiện giao thông xanh,…) để phục vụ các hoạt động trong các cơ sở phân phối. Một số hệ thống phân phối không sử dụng túi ni-lông trong bán hàng, khuyến khích khách hàng sử dụng túi đựng đồ nhiều lần.
Phát triển kết nối, hỗ trợ phân phối quảng bá sản phẩm thân thiện với môi trường trong hệ thống phân phối (bán buôn, bán lẻ): Các doanh nghiệp phân phối đang đưa ra thị trường nhiều sản phẩm được sản xuất, thiết kế nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường trong suốt vòng đời sản phẩm, áp dụng kinh tế tuần hoàn. Các sản phẩm điện dân dụng gắn sao tiết kiệm năng lượng được trưng bày ở những vị trí ưu tiên trong hệ thống bán lẻ. Với mảng thực phẩm, đó là kết nối tiêu thụ sản phẩm từ nền nông nghiệp xanh ít tác động môi trường, hoặc sản phẩm của các doanh nghiệp có chứng chỉ trung hòa các bon, sử dụng bao bì thân thiện môi trường, có hoạt động thu gom, tái chế bao bì. Các doanh nghiệp đã ưu tiên sử dụng, phân phối các sản phẩm, nguyên vật liệu tái chế, tái sử dụng hoặc có nguồn gốc bền vững trong sản xuất như sản phẩm hữu cơ (thực phẩm hữu cơ, thời trang từ vải tái sinh, vải sinh thái được làm từ bông hữu cơ hoặc tre; bao bì tái chế hoặc nhựa sinh học, túi ni-lông thân thiện môi trường,…).
Thực hiện các chủ trương của Chính phủ, đến nay, 100% các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam chỉ kinh doanh 2 sản phẩm xăng là xăng sinh học E5 RON92 và xăng khoáng RON95, góp phần phát triển hệ thống phân phối nhiên liệu xanh tại Việt Nam.
Vingroup cũng là doanh nghiệp tiên phong trong tổ chức cộng đồng những người tiêu dùng xanh tiên phong tiêu dùng xanh, ưu tiên mua sắm, sử dụng phương tiện xanh (xe buýt điện, ô tô điện, xe máy điện, trạm sạc xanh..).
Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tiêu dùng xanh: Nhiều doanh nghiệp đã và đang phối hợp với các Bộ ngành trung ương và địa phương, các cơ quan truyền thông báo chí để tích cực truyền thông, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tầm quan trọng của tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững. Ví dụ, các hiệp hội, doanh nghiệp đã tổ chức các chiến dịch truyền thông, hội thảo, hoặc cung cấp thông tin về sản phẩm thân thiện với môi trường trên website hoặc bao bì sản phẩm, trưng bày sản phẩm xanh thân thiện môi trường tại các vị trí bắt mắt, ưu tiên trong cửa hàng, trên vị trí ưu tiên của trang thương mại điện tử…
Dù vây, đây mới chỉ là những kết quả nhỏ bé đáng khích lệ khởi đầu của của hành trình tiến tới Net Zero năm 2050 của Việt Nam trong bối cảnh tỷ lệ hàng hóa xanh còn rất khiêm tốn trên các quầy kệ của các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng chuyên doanh,…tại thị trường trong nước.
Nhiều thách thức (cả chủ quan và khách quan) vẫn đang làm chậm quá trình xanh hóa các hệ thống phân phối hàng hóa bao gồm:
Nguồn hàng hóa xanh còn chưa nhiều để cung ứng cho các hệ thống phân phối do sự chuyển đổi xanh trong sản xuất còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu công nghệ và thiếu vốn, đặc biệt là đối với khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh.
Hệ thống tiêu chí sản phẩm xanh, phân phối xanh còn chưa được hoàn thiện và minh bạch nên khó để hệ thống ngân hàng thẩm định cấp vốn tín dụng xanh và đồng thời dễ làm người tiêu dùng nhầm lẫn; dễ bị các đối tượng bất chính lợi dụng, gian lận thương mại, ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dung.
Giá cả của một số sản phẩm xanh còn cao so với hàng hóa thông thường.
Nhà nước Việt Nam chưa có quy định bắt buộc phân phối sản phẩm xanh như một số quốc gia, chỉ có các chính sách truyên truyền, khuyến khích tiêu dùng sản phẩm xanh
Vì vậy, thời gian tới, để triển khai thực hiện phát triển nền thương mại xanh, mạng lưới phân phối xanh để phục vụ tiêu dùng xanh như mục tiêu tại Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra, rất cần sự chung tay của các cơ quan quản lý các cấp từ trung ương đến địa phương, của các hiệp hội ngành hàng ngành nghề, đặc biệt là vai trò của đội ngũ trí thức, cộng đồng doanh nhân và người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục nỗ lực đổi mới, sáng tạo và truyền thông hiệu quả để góp phần nâng cao nhận thức và hành động xây dựng nền kinh tế Xanh, bảo vệ một Việt Nam Xanh.
Nhóm nghiên cứu người Việt phát hiện vật liệu mới giúp giảm ô nhiễm và tiết kiệm năng lượng
Nghiên cứu đã mở ra nhiều triển vọng mới, hướng đến các giải pháp sáng tạo, thân thiện môi trường và bền vững trong tương lai