Chip Neuralink giúp người liệt toàn thân tạo video đăng Youtube bằng ý nghĩ

Thành công của Brad Smith một lần nữa khẳng định tiềm năng to lớn của công nghệ giao diện não-máy tính trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người khiếm khuyết chức năng.

Một thành tựu y học đầy kinh ngạc vừa được ghi nhận khi Brad Smith, bệnh nhân mắc căn bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS) được cấy ghép chip Neuralink vào não, đã cho thấy khả năng chỉnh sửa và tường thuật một video trên Youtube chỉ bằng tín hiệu từ não bộ.

Brad Smith là người thứ ba trên thế giới được cấy ghép thiết bị tiên tiến này của Neuralink, và anh đang cho thấy một kỷ nguyên mới về khả năng tương tác giữa con người và máy tính. Trong một video được đăng tải gần đây trên YouTube, Smith đã trực tiếp giới thiệu chi tiết cách anh tích hợp con chip não vào cuộc sống hàng ngày.

Brad Smith bên người bạn đời của ông
Brad Smith bên người bạn đời của ông

Được biết, Smith mắc ALS, hay còn gọi là bệnh Lou Gehrig, là một rối loạn thoái hóa thần kinh tiến triển làm suy yếu nghiêm trọng các tế bào thần kinh vận động. Căn bệnh này dần cướp đi khả năng kiểm soát cử động cơ bắp tự nguyện, khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc nói, ăn, di chuyển và thậm chí thở.

Thiết bị cấy ghép của Neuralink, có kích thước khiêm tốn bằng khoảng 5 đồng xu 25 cent xếp chồng lên nhau và chứa hơn 1.000 điện cực, được đặt ở vùng vỏ não vận động của Smith. Anh giải thích rằng giao diện não-máy tính (BCI) này không "đọc" suy nghĩ một cách tùy tiện, mà diễn giải các tín hiệu não biểu thị ý định di chuyển con trỏ chuột của anh.

Ban đầu, Smith thử tưởng tượng cử động bàn tay để điều khiển con trỏ, nhưng sau đó anh thấy hiệu quả hơn nếu nghĩ đến việc di chuyển lưỡi và siết chặt hàm để hơnđiều khiển chuột và "nhấp" chuột ảo.

Nhờ công nghệ này, Smith đã có thể điều khiển con trỏ trên chiếc MacBook Pro để chỉnh sửa video của mình. Anh tự hào chia sẻ rằng đây là video đầu tiên trên thế giới được tạo ra thông qua việc chỉnh sửa hoàn toàn bằng Neuralink hoặc một hệ thống BCI.

Neuralink Chip
Neuralink Chip

Không dừng lại ở đó, để video thêm tính cá nhân, Neuralink đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tái tạo giọng nói của Smith từ các bản ghi âm trước khi anh mất khả năng nói. Công nghệ AI đã tạo ra một phiên bản giọng nói tổng hợp, cho phép anh tự mình tường thuật nội dung video bằng chính chất giọng quen thuộc của mình.

Câu chuyện của Smith đã thu hút sự chú ý lớn, bao gồm cả người sáng lập Neuralink. Trong một video riêng của nhà báo Ashlee Vance, tỷ phú Elon Musk đã gọi điện cho Smith trong chuyến thăm nhà anh của đội ngũ công ty, bày tỏ hy vọng: "Tôi mong rằng điều này sẽ là một bước ngoặt lớn cho anh và gia đình".

Về phía Smith, anh không giấu được niềm vui: "Tôi rất hào hứng khi có thiết bị này trong đầu và không còn phải dùng công nghệ điều khiển bằng mắt nữa". Anh tiết lộ rằng trước đây, anh phải dựa vào công nghệ theo dõi mắt để giao tiếp, nhưng nhược điểm là nó chỉ hoạt động hiệu quả trong điều kiện ánh sáng yếu. Với chip Neuralink, anh có thể giao tiếp linh hoạt ở bất cứ đâu, dưới mọi điều kiện ánh sáng.

Bên cạnh công việc và giao tiếp, thiết bị cấy ghép não còn mang lại những khoảnh khắc ý nghĩa khác cho Smith. Đoạn video cho thấy anh có thể chơi trò chơi điện tử "Mario Kart" cùng các con, một hoạt động mà trước đây có thể rất khó khăn.

"Phải mất nhiều năm để đến được đây, và đôi khi tôi vẫn rơi nước mắt vì hạnh phúc", anh trải lòng. "Thật tuyệt vời khi tìm thấy một mục đích sống lớn lao hơn chính mình. Tôi thực sự mong muốn được đóng góp, giúp đỡ những người khác trong tương lai thông qua công việc này".

Chip Neuralink giúp người liệt toàn thân tạo video đăng Youtube bằng ý nghĩ

Trước khi được thử nghiệm trên người, thiết bị của Neuralink đã được thử nghiệm trên khỉ. Bước cấy ghép đầu tiên trên người được ghi nhận vào tháng 1 năm 2024 với bệnh nhân Noland Arbaugh, một người bị liệt tứ chi. Noland Arbaugh từng chia sẻ với Business Insider rằng thiết bị cấy ghép đã giúp anh lấy lại sự độc lập, kiểm soát cuộc sống và kết nối xã hội dễ dàng hơn.

Thành công của Brad Smith một lần nữa khẳng định tiềm năng to lớn của công nghệ giao diện não-máy tính trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người bị suy giảm khả năng vận động hoặc giao tiếp nghiêm trọng, mang lại hy vọng về một tương lai đầy hứa hẹn.

TM (theo Business Insider)

Công nghệ AI giúp người bị liệt điều khiển tay robot bằng ý nghĩ

Công nghệ AI giúp người bị liệt điều khiển tay robot bằng ý nghĩ

Sau khi luyện tập với cánh tay robot ảo, người bị liệt thậm chí có thể mở tủ, lấy cốc và đưa đến máy lấy nước.