Chúng ta ở trong một thành phố

Bây giờ tôi ở trong một thành phố với em. Tôi định cư trong thành phố của chúng ta, Trái tim của cả nước đã một phần tư thế kỷ...

Hôm ấy tôi đến lấy nhuận bút ở một tòa báo. Không rõ lên đến mấy tầng cầu thang bộ. Lâu lắm rồi tôi mới trở lại đây, sau khi đi một vòng ngắm hồ Gươm để lấy nhuận bút. Đang lật tờ báo mới, một thiếu phụ bước ra chào, tôi giật mình nhận ra em…

Cũng cách ngần ấy thời gian, vào một buổi sáng tinh mơ, từ ga Hàng Cỏ; hoặc vào chiều muộn, rời phòng khách vào những chuyến đi công tác từ Huế ra Hà Nội, tôi thường đi bộ nhanh về đây, về hồ Gươm dạo quanh, ngắm cho thỏa con mắt cảm xúc, ngắm yêu, ngắm mê hồ Gươm...

Cảnh quan, âm thanh, lắng nghe câu chuyện đời vui, của cây lá hương hoa, câu chuyện cổ tích, rồi thốt hát thầm bài thơ “Cuộc chia ly mầu đỏ”, của nhà thơ Nguyễn Mỹ cho riêng chính mình nghe. Hoa lộc vừng, thả chuỗi câu đối bất chợt, tiếng tầu điện leng keng, tiếng em bé rao báo… Ly biệt… thanh xuân và tháng ngày kháng chiến trường kỳ…

Khuya về bần thần, đắm đuối viết. Viết quên trời đất thời gian… tôi vội chép tay gửi báo những bài yêu thích. Có bài được in, có bài chìm mất, nhưng cảm xúc, tâm trạng lại ẩn sâu vào tầng hầm ký ức tựa lãng quên, quên thật...

Tiếc, có lẽ bài thơ chưa được đưa vào tuyển thơ nào, bởi tìm mãi, tìm, đọc chậm từng trang mà không bắt gặp, không nhớ ra tên bài thơ.

Riêng bài thơ ấy tôi viết từ cảm xúc từ em và nhóm bạn trang lứa trẻ tươi vui, mê văn chương, là cộng tác viên của tạp chí Sông Hương, đang có những truyện ngắn viết chưa ráo mực, gửi bài về cộng tác.

Chúng ta ở trong một thành phố

Nay em đang làm tờ tạp chí giới nữ, là những nhà khoa học, đoạt nhiều giải thưởng danh tiếng trong nước và thế giới. Trong các nhà khoa học nữ đoạt giải thưởng, tôi đã viết một chương trường ca “Yêu cây lúa như con” về nhà khoa học Nguyễn Thị Lang, đoạt giải thưởng Trần Đại Nghĩa, trong trường ca “Nhạc trưởng Hồ Chí Minh”. Và tạp chí cũng đã giới thiệu tôi một chùm thơ về mẹ của tôi. 

 Phải tìm thêm một vài lần nữa. Bài thơ đang ẩn trốn tôi. Thay vào đó tôi viết bài khác.

Bởi cũng đã ba mươi năm, nhóm cây bút văn chương sôi nổi ấy đã một thế hệ trưởng thành thời đất nước đổi mới, nay hội nhập sâu rộng với toàn cầu.

 Sau hai năm ngưng trệ vì dịch bệnh, nay đang có mặt trong tốp các nước đếm trên đầu ngón tay có tốc độ phục hồi và phát triển đáng ngưỡng mộ, được điểm và xâu chuỗi các con số biết nói, về nền kinh tế và an sinh xã hội, được các tổ chức thế giới tổng kết, đánh giá. Các kênh truyền hình, thông tin báo nói, báo giấy có cụm từ mời  trầu, đàm đạo và nhận định rất sướng lỗ tai. Nhất Việt Nam. Việt Nam nhất thế giới.

Sướng lỗ tai mà cũng đầy lo âu, sợ hãi, nặng gánh!

Bài thơ không tìm thấy, nói viết thay bài khác, không đơn giản vậy. Bây giờ tôi ở trong một thành phố với em. Tôi định cư trong thành phố của chúng ta, Trái tim của cả nước đã một phần tư thế kỷ.

May sao, may sao! Chợt đột ngột chiều muộn tìm thấy bài thơ, bài thơ “Linh cảm” ở tập thơ “Dịu dàng”, NXB Tác phẩm Mới, 1987. Không tìm thấy bởi không nhớ tên bài thơ. Tội trời đánh là thế, vì thế.  

  Trở lại Hà Nội áo tôi không đủ ấm/ có buổi chiều lặng lẽ bước trầm ngâm/ ánh mắt tôi tan vào sóng hồ Gươm, lòng thầm hỏi bao điều bỡ ngỡ.

 Gì như bâng khuâng trong nụ cười Hà Nội/ ôi Thủ đô chưa lắng bụi lửa bom/ Hà Nội nghìn năm vẫn Bút tháp trẻ son/ nhưng tuổi trẻ những chàng trai không quay trở lại.

 Họ yên nghỉ phía cánh rừng thấm máu/ phía thời gian đi ngược của tình yêu/ phía họ chưa đặt môi hôn vừa vụng dại vừa liều/ phía họ ngã mối tình đầu chưa thổ lộ.

 Giọng hát mới bài ca đâu chứa nổi/ có gì như pha lê rất dễ vỡ dễ rơi/ rất dễ khóc trước hạnh phúc cuộc đời/ ôi Hà Nội dễ tủi hờn vòi vĩnh.

 Mặt hồ Gươm xóa vết mờ tẻ ngắt/ và phấn son nham nhở sẽ qua đi/ nghìn tuổi trẻ cây lá chớp hàng mi/ Hà Nội hôm nay có gì rất dễ trẻ.

 Từ xa về bất ngờ tôi nhận rõ/ những mơ hồ trong sương giá hồ Gươm/ cứ mỗi chiều lặng lẽ bước trầm ngâm/ cá đập sóng vẽ vòng tròn linh cảm.

 Rằng Hà Nội có gì rất dễ trẻ/ cái mới dễ thương quanh cô gái bên hồ/ có gì như vô nghĩa sau câu thơ/ không thể thiếu thời bắt đầu hạnh phúc... (12.1982).

 Có lẽ, mạch thơ, viết về thành phố trái tim Hà Nội, không riêng tôi, còn cả nước, viết nên tiếng lòng, ca lên tiếng lòng, mơ đến một ngày nên nổi, in ấn, đến với bạn yêu thơ một tập thơ, cầm sướng tay, nghe nặng tay... Riêng tôi, ít cũng hai tuyển tập dày dặn, mơ chất lượng phải xứng tầm và in đẹp... Thầm nghĩ với các tiêu chí vậy mà ngần ngại, chưa làm nổi. Không làm nổi sao? 

Mùa thu Hà Nội là vỉa cảm xúc lộ thiên của thi nhân, văn sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ…

Khuya vừa rồi, tức đêm 20 tháng 10, giấc mơ nửa khuya, thức giấc ra ban công, bầu trời xanh Hà Nội mới đẹp làm sao. Bầu trời đêm mà hệt ban ngày. Là đêm trắng, áng mây lẹ trôi. Vầng trăng muộn và khuôn hình gương mặt em tuổi hai mươi đầy tròn, thương mến. Tóc em xanh lên trời xanh sau cơn bão, gợi bình yên làm sao, mà lòng xót thương vời vợi quê lũ lụt miền Trung, Sông Mã,  Đèo Ngang – Hải Vân Quan, Đà Nẵng….

Bài thơ tặng em có tên.

Chúng ta ở trong một thành phố:

Chúng ta ở trong một thành phố/ Chỉ một đôi lần thấy em vụt qua phố đông

Em vụt qua/ Ngôi sao băng/Chị như ngôi sao rơi xuống đất/Gượng kêu em mừng không ra tiếng

Em vụt qua/ Mười năm /Hai mươi năm/ Ba mươi năm, ba mươi năm.../ Xa thật là xa/ Chúng ta tóc xanh cho trẻ hóa đội hình nghị sự/ Tiếng kêu có trẻ hóa được không

Chúng ta ở trong một thành phố/ Ba mươi năm xa thật là xa/ Chúng ta tự quay trong một Thiên Hà

Ba mươi năm xa thật là xa/ Thế kỷ trước khép cổng/ Thế kỷ này việt dã hai thập niên/ Nhân loại tuột tay hạnh phúc/ Ba mươi năm xa thật là xa

Chúng ta tự quay trong một Thiên Hà/ Cũng 23 độ nghiêng của trái đất/ Thế đứng thẳng qua từng mặt chữ/ Là hôm nay chảy thẳng xuống gót chân văn chương/ Ai cũng có gót A-sin như một điều cần thiết vũ trụ ban cho/ Ba mươi năm xa thật là xa

Chúng ta ở trong một thành phố

Mười hay mười lăm triệu dân nhỉ/ Nhân loại tám hay mười tỷ dân số nhỉ/ Bấy nhiêu gót A-sin/ Đều có mũi tên nhằm bắn, răn dạy và cảnh báo/ Khoảng khoảng và kỳ vọng, hy vọng/ Máu từ gót chân chảy ngược lên tim/ Chữ đứng thẳng cho cây bút không cong, không gẫy

 Ba mươi năm xa thật là xa/ Chị em chúng ta ở trong một thành phố đông dân/ Những tòa nhà bứt ngoạm bầu trời/ Như trò chơi tham lam / Đổi thay giá trị/ Không điểm dừng khuyến nghị, lý trí/ Chính loài người/ Có thể mất tất cả

 Chị vụt kêu/ Em đã vụt qua/ Ba mươi năm... xa thật là xa...

Hà Nội thu - 2021-2022

Lê Thị Mây

Gặp nhau những ngày hoang tàn

Gặp nhau những ngày hoang tàn

Đại dịch không chỉ cướp đi mạng sống, thách thức sự sinh tồn mà còn thay đổi những khái niệm về gặp gỡ, yêu thương.