Chuyên gia cảnh báo sân bay Tân Sơn Nhất có thể đối mặt với nguy cơ "vỡ trận" dịp lễ 30/4

Ông Nguyễn Thiện Tống cho rằng nếu không có giải pháp hiệu quả, cảnh quá tải khu vực soi chiếu an ninh sẽ lại tái diễn tại Tân Sơn Nhất dịp 30/4.

Trao đổi với Zing, tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không - cảnh báo sân bay Tân Sơn Nhất đối mặt với nguy cơ "vỡ trận" trong dịp lễ 30/4 -1/5 sắp tới do tình trạng lượng hành khách tăng mạnh vào giữa tháng 4. Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh phản ứng của đơn vị quản lý sân bay Tân Sơn Nhất là quá chậm, cần sự cải thiện.

"Nếu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) không áp dụng các biện pháp hiệu quả để giải tỏa tình trạng nghẽn cổ chai ở khâu soi chiếu hành lý, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ rơi vào ùn tắc trầm trọng dịp lễ 30/4 - 1/5 khi lượng hành khách dự kiến tăng đột biến do nghỉ lễ dài ngày", tiến sĩ Tống nói.

Chuyên gia cảnh báo sân bay Tân Sơn Nhất có thể đối mặt với nguy cơ

Nói về lý do khiến sân bay Tân Sơn Nhất quá tải tại khu vực cửa soi chiếu hành lý, ông Tống chia sẻ: "Tình trạng ùn tắc ở khâu soi chiếu an ninh hành lý tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng có thể xảy ra tại sân bay Nội Bài. Giải thích tình trạng đó một cách đơn giản là do “quá tải”, nghĩa là khối lượng công việc vượt quá khả năng của khâu soi chiếu an ninh hành lý.

Một nguyên nhân dễ thấy là lượng hành khách tăng đột biến tại các khung giờ cao điểm, vượt xa ngưỡng năng lực khai thác của cơ sở hạ tầng sân bay. Nguyên nhân khác là nhân viên an ninh soi chiếu áp dụng quy định kiểm tra trực quan ngẫu nhiên với 10% hành khách.

ACV cho biết năng lực thông qua cửa an ninh soi chiếu của sân bay Tân Sơn Nhất do Cục Hàng không Việt Nam cấp phép là 1.728 khách/giờ tại sảnh A và 1.584 khách/giờ tại sảnh B. Tuy nhiên, từ 14/4 đến 19/4, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm buổi sáng, số lượng hành khách thông qua cửa an ninh soi chiếu vượt xa ngưỡng năng lực khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất.

Chẳng hạn tại khung giờ cao điểm từ 6-7h ngày 17/4 có khoảng 2.706 khách/giờ tại sảnh A, ngày 18/4 là 2.400 khách/giờ (vượt năng suất thiết kế khoảng 25-35%), dẫn đến việc ùn tắc. Việc khai báo y tế cũng kéo dài thời gian làm thủ tục khiến ùn tắc gia tăng. Tuy nhiên, điều này ảnh hưởng không đáng kể vì khai báo y tế không làm chậm khâu kiểm tra an ninh hành lý".

Tiến sĩ Tống cho rằng sân bay khuyến nghị hành khách đến sớm hơn giờ bay 2 tiếng để tránh ùn tắc, nhưng thực tế điều đó còn làm ùn tắc hơn vì lượng khách những chuyến bay sau dồn về giờ cao điểm sáng sớm rất đông. Việc tổ chức và điều hành kém mới là lý do khiến sân bay Tân Sơn Nhất quá tải ở khu vực soi chiếu hành lý. 

"Hệ thống điều hành sân bay để mặc cho ùn tắc bất thường xảy ra và mọi việc diễn ra lộn xộn trong nhiều ngày, hành khách chen chúc hàng giờ giữa mùa dịch bệnh. Đừng đổ thừa hoàn toàn cho năng lực cơ sở vật chất thấp hơn nhu cầu, mà nguyên nhân ở đây là chất lượng dịch vụ, năng lực điều phối - cung cấp dịch vụ quá yếu kém", ông Tống nhấn mạnh.

Những người lãnh đạo việc tổ chức và điều hành sân bay phải tiên liệu để có biện pháp dự phòng như khi khách quá đông phải ngay lập tức điều phối nhân viên và tổ chức linh hoạt để mở thêm làn, thêm cửa… để giải tỏa nhanh tắc nghẽn.

Về việc ACV cho rằng các hãng hàng không sử dụng máy bay thân rộng khiến lượng khách đổ về sân bay tăng đột biến, Tiến sĩ Tống cho rằng ACV nói lượng hành khách vượt xa ngưỡng năng lực khai thác vì các hãng hàng không sử dụng máy bay chở trên 200 hành khách/chuyến và số chuyến bay quốc nội tăng thay chỗ chuyến bay quốc tế. Nhưng thực tế, tình trạng quá tải hoàn toàn có thể dự đoán trước. 

Hiện, lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất đã điều chuyển 5 máy soi chiếu an ninh và cổng từ từ nhà ga quốc tế sang lắp đặt tại sảnh A nhà ga quốc nội. Như vậy, nhà ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất đã có 30 máy soi chiếu an ninh (sảnh A là 19 máy, sảnh B là 11 máy) nên về cơ bản đã khắc phục việc ùn tắc tại điểm kiểm tra soi chiếu an ninh.

"Nguyên tắc đơn giản của dòng chuyển động là chỗ nào có nút thắt cổ chai thì mở rộng không gian ở đó lên để giảm trở lực và tăng lưu lượng lên, giảm thời gian dòng chuyển động qua chỗ đó. Mở rộng không gian cho dòng người chuyển động qua khâu soi chiếu an ninh hành lý ở đây là tăng số máy soi chiếu lên. Nếu bề ngang khu vực này không đủ rộng để lắp thêm máy trên cùng một dãy ngang thì lắp so le hai dãy máy soi chiếu và phân luồng dòng người làm hai. Ngoài ra để giảm thời gian hành khách qua khâu soi chiếu an ninh hành lý, nhân viên sân bay cần nhắc nhở hành khách chuẩn bị để riêng trong một túi nhỏ những vật dụng kim loại như đồng hồ, chìa khóa, thắt lưng, bóp… và máy tính xách tay (nếu có) trước khi bước tới đưa giấy tờ cho nhân viên an ninh kiểm tra. Mặt khác nhân viên sử dụng máy soi chiếu an ninh hành lý cần tập trung vào công việc để tăng năng suất và giúp giảm thời gian một hành khách qua khâu soi chiếu. Thời gian một hành khách đi qua khâu soi chiếu có thể giảm từ 90 giây xuống 45 giây và như thế năng suất tăng lên gấp đôi", Tiến sĩ Tống phân tích.

Với đề xuất sử dụng nhà ga quốc tế để giảm tải cho nhà ga nội địa Tân Sơn Nhất, ông Tống cho rằng khó khăn lớn nhất là hạ tầng không tương thích. Hệ thống phân loại, liên quan tổng thể hành lý đến các quầy check-in đều không tương thích, nếu sử dụng sẽ gây khó khăn trong vấn đề khai thác. Việc điều chỉnh một phần hạ tầng nhà ga quốc tế phục vụ một số chuyến bay quốc nội là khả thi và giúp nhà ga quốc nội được thông thoáng hơn. Việc điều chuyển 5 máy soi chiếu an ninh từ ga quốc tế sang sảnh A nhà ga quốc nội cơ bản khắc phục tình trạng ùn tắc, do đó lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất không muốn sử dụng nhà ga quốc tế.

Ông Tống nói: "Nếu ACV không áp dụng các biện pháp hiệu quả để giải tỏa tình trạng “nghẽn cổ chai” ở khâu soi chiếu hành lý thì tới dịp lễ 30/4 sân bay Tân Sơn Nhất sẽ rơi vào khủng hoảng ùn tắc trầm trọng do lượng hành khách dự kiến tăng đột biến do nghỉ lễ dài ngày. Trong 22 sân bay do ACV quản lý, chỉ có 6 sân bay có lãi. Sân bay Tân Sơn Nhất lãi nhiều nhất từ mấy chục năm qua. Do đó, lẽ ra ACV phải sớm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất và cung cấp dịch vụ chất lượng tốt hơn cho hành khách chứ không phải để dịch vụ yếu kém và cơ sở vật chất chật chội như thế. Hiện, việc ùn tắc xảy ra ở khâu soi chiếu của sân bay Tân Sơn Nhất là do diện tích nhà ga hành khách quá nhỏ so với nhu cầu hành khách tăng cao hàng năm".

Nhà ga hành khách T3 sắp xây dựng thực sự chỉ 100.000 m2 thôi nên tổng diện tích nhà ga phía nam là 250.000 m2. Như thế, bình quân chỉ đạt 5.000 m2 cho 1 triệu hành khách, bằng 1/3 diện tích bình quân 14.900 m2 cho 1 triệu hành khách của sân bay Long Thành sắp xây dựng. Do đó, cần xây dựng thêm nhà ga hành khách T4 với diện tích 200.000-250.000 m2 ở khu vực phía bắc để tăng diện tích nhà ga hành khách lên mức 7.500-10.000 m2 cho 1 triệu hành khách.

Chỉ như vậy mới có đủ diện tích để lắp đặt đủ máy soi chiếu an ninh và giải quyết tình trạng ùn tắc chật chội bên trong sân bay khi năng suất sân bay Tân Sơn Nhất tăng lên mức 50-60 triệu hành khách/năm.

Thanh Mai

Sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục quá tải ngày cuối tuần vì khách tăng đột biến

Sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục quá tải ngày cuối tuần vì khách tăng đột biến

Dự kiến 2 ngày cuối tuần này, sân bay Tân Sơn Nhất mỗi ngày có thể đón tới 83.000 - 85.000 lượt khách đi - đến.