Mới đây, một video ghi lại cảnh các em nhỏ tính nhẩm bằng cách múa tay thoăn thoắt như... múa võ trong một cuộc thi thu hút sự chú ý. Được biết, dù không cần đặt tính nhưng những em học sinh này vẫn có thể cộng trừ và điền kết quả vô cùng nhanh chóng. Phía dưới phần bình luận, rất nhiều người "lác mắt" vì khả năng tính nhẩm siêu tốc của các em.
Trên thực tế, hiện thị trường có rất nhiều kiểu toán dạy tính nhẩm nhanh được gọi tên chung là "Toán tư duy". Khi tính toán bằng phương pháp này, bé sẽ phải sử dụng các ngón tay nên sẽ phát triển khả năng phối hợp nhịp nhàng giữa cơ thể và tư duy. Cũng có phương pháp giúp trẻ tính toán bằng cách sử dụng bàn tính và thực hiện các phép Toán đơn giản. Khi đã sử dụng thành thạo bàn tính, trẻ có thể dễ dàng chuyển sang một kỹ thuật hình dung đơn giản, đó là giả định bàn tính trong tâm trí và thực hiện các phép tính ảo.
Những phương pháp này đều được quảng cáo là giúp trẻ tăng cường tư duy, thúc đẩy kỹ năng tập trung của trẻ lên một tầm cao hơn; phát triển đồng đều bán cầu não trái và phải, phát triển kỹ năng phân tích, vận động tổng thể.
Tuy nhiên, nhiều người cũng để lại nhận định cho rằng, sau một thời gian cho con theo học các loại "Toán tư duy" này, con họ chỉ tính nhẩm nhanh hơn các bạn, vượt trội được khoảng thời gian đầu, sau đó vẫn như cũ. Họ cho rằng, đúng là một số phương pháp phát triển kỹ năng tập trung còn các hiệu quả khác như phát triển khả năng Toán học hay bán cầu não thì rất... mơ hồ.
Thêm vào đó, dạy con tính nhẩm nhanh để làm gì khi đến lớp lớn hơn, con cũng sẽ học lại kiến thức đó. Với trẻ chưa vào lớp 1, ta chỉ nên dạy nhận dạng rất đơn giản. Năng lực nhận thức của các cháu chưa đòi hỏi phải làm Toán siêu tốc. Bên cạnh đó, họ cho rằng, trẻ tính toán theo cách này chỉ ra kết quả mà hoàn toàn không hiểu về bản chất phép tính. Trẻ sẽ "rối" vì xung đột với cách tính theo kiểu truyền thống ở trường.
Hình ảnh một bé gái tính toán trong cuộc thi |
"Mình gọi thành quả của các bé đó là khả năng tính toán mà không cần viết ra giấy thôi, kiểu như 1 khả năng để biểu diễn ấy, chứ không thấy kích thích chút nào về trí tuệ. Về khả năng tưởng tượng ra cái bàn tính thì đúng, nhưng cơ sở nào để nói tưởng tượng ra cái bàn tính giúp phát triển trí óc hay khả năng tưởng tượng trong các lĩnh vực khác vậy?
Với cái thời gian các bé bỏ ra để luyện tập tính nhẩm thành thạo có lẽ đủ để bổ sung các hoạt động thể chất kết hợp vui chơi bổ ích hơn nhiều. Chưa kể nó có thể xung đột với hệ thống giảng dạy tại trường gây rối cho trẻ", một phụ huynh để lại bình luận.
Tốt cho tư duy hay chỉ là chiêu "ăn xổi"?
Nói về vấn đề này, một giáo viên dạy Toán ở Hà Nội đánh giá, những phương pháp dạy tính nhẩm giúp trẻ được rèn luyện và phát huy hết khả năng tính toán nhanh nhẹn chính xác, giúp khả năng ghi nhớ tập trung cao.
Tuy nhiên, nếu đồng nhất dạy "tính nhẩm, tính nhanh" là dạy "Toán tư duy" sẽ không chính xác. Nếu đúng là dạy tư duy thì học sinh được dạy suy nghĩ để giải quyết vấn đề chứ không chỉ đến lớp ngồi làm bài tập. Khi ta đưa ra cho đứa trẻ một bài Toán là phải cho nó thời gian để trẻ xoay xở giải quyết vấn đề, như thế mới kích thích não trẻ.
Ví dụ như các dạng Toán nhận dạng hình; đếm hình; nối số, các bài Toán áp dụng trong thực tế… giúp cho trẻ có khả năng quan sát, phân tích, tưởng tượng, sáng tạo… Với học sinh lớn hơn đó là tư duy phản biện, khả năng linh hoạt ứng phó với tình huống, giải quyết vấn đề.
Trẻ được tương tác, trao đổi, thảo luận, vấn đáp, trình bày với giáo viên càng nhiều càng tốt; được học và làm các bài tập có tính tư duy và theo cách có tư duy - chứ không chỉ là tính toán cho ra kết quả.
Trong khi đó, bản thân tính nhẩm không quá quan trọng. Người ta chỉ thực hiện phép tính khi đã nghĩ ra cách giải bài Toán. Tư duy để nghĩ ra cách giải bài Toán mới là điều cần thiết. Ở lớp 1, hiện tại, khi cần dạy những phép tính đơn giản chỉ cần dùng những que tính. Rồi sau đó, các em sẽ được hướng dẫn chuyển sang dùng các máy cầm tay. Các phương pháp nói trên nặng về kỹ năng ngón tay chứ không phải tư duy trí tuệ. Cũng như, có người gõ văn bản rất nhanh nhưng không hiểu gì văn bản.
Còn để các cháu luyện khả năng tập trung, không nhất thiết phải tính nhẩm như vậy. Hơn thế, để rèn luyện khả năng tập trung mà để các cháu phải "đánh vật" với các con số và hàng loạt phép tính như vậy là không có lợi. Nó chỉ làm các cháu thêm rối đầu.
Chân dung nữ giáo sư Toán học thứ 3 của Việt Nam
Nếu tính từ năm 1956, mốc lịch sử Việt Nam có đợt phong tặng GS đầu tiên, thì bà An là nữ GS ngành Toán thứ 3 sau gần 70 năm qua.