Hành trình 18 năm gieo chữ nơi vùng sâu Đắk Lắk
Tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn vào năm 2007, cô Hoàng Thị Bảy lựa chọn về công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Lắk – nơi có trên 96% học sinh là người dân tộc thiểu số.
Ngay từ những ngày đầu, khó khăn lớn nhất với cô là rào cản ngôn ngữ. Học sinh đến từ nhiều dân tộc khác nhau như M’nông, Ê Đê, Nùng, Thái… chưa nói thạo tiếng Việt. Để vượt qua, cô Bảy đã tự học các ngôn ngữ dân tộc và tìm hiểu văn hóa bản địa để tạo sự kết nối và xây dựng môi trường học tập thân thiện.
Cô Hoàng Thị Bảy chia sẻ “Chúng tôi phải tìm được tiếng nói chung với các em. Bằng cách hiểu văn hóa của từng dân tộc, giáo viên mới có thể đồng hành cùng học sinh và khiến các em xem trường học như ngôi nhà thứ hai.”
![]() |
Cô Hoàng Thị Bảy và hành trình 18 năm gieo chữ nơi vùng sâu Đắk Lắk |
Người mẹ thứ hai của học trò nội trú
Không chỉ truyền dạy kiến thức, cô Bảy còn là người đồng hành trong đời sống của học sinh. Từ việc chăm sóc khi các em ốm đau đến việc dạy dỗ cách cư xử trong cuộc sống, cô luôn gần gũi như một người mẹ.
“Cô rất nghiêm khắc nhưng luôn quan tâm, yêu thương chúng em như con ruột. Trong cuộc sống, em luôn coi cô là người mẹ thứ hai của mình,” – em H’Wion Sruk, học sinh dân tộc M’nông xúc động chia sẻ.
Ở môi trường nội trú vùng xa, giáo viên không chỉ giảng dạy mà còn kiêm nhiệm nhiều vai trò khác nhau. “Lúc thì làm thầy cô, khi lại thành bác sĩ, cha mẹ. Chúng tôi phải hóa thân vào từng vai trò để học sinh vừa được học, vừa được chăm sóc đầy đủ,” – cô Bảy cho biết.
![]() |
Cô Hoàng Thị Bảy kiêm nhiệm nhiều vai trò: vừa làm thầy, vừa làm mẹ, vừa làm bạn của học sinh vùng cao. |
Nữ giáo viên mẫu mực, tận tụy vì thế hệ tương lai
Trong vai trò là giáo viên, Tổng phụ trách Đội, rồi Tổ trưởng chuyên môn Khoa học Xã hội, cô Hoàng Thị Bảy luôn là người đi đầu trong mọi hoạt động. Sự tận tụy và trách nhiệm của cô được Ban giám hiệu nhà trường ghi nhận.
“Cô Bảy là một giáo viên mẫu mực, luôn đi sớm về muộn, tận tâm và sâu sát với học sinh. Cô là tấm gương cho thế hệ giáo viên trẻ noi theo,” – cô Nguyễn Thị Thùy Diễm, Hiệu trưởng nhà trường nhận xét.
![]() |
Cô Hoàng Thị Bảy và học trò của mình. |
Với những đóng góp to lớn cho giáo dục vùng sâu, cô Hoàng Thị Bảy đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen từ các cấp. Đặc biệt, năm 2023, cô là giáo viên duy nhất của tỉnh Đắk Lắk được vinh danh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp cùng Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức.
Từ mái trường vùng xa, cô Hoàng Thị Bảy đã lặng thầm chắp cánh cho biết bao học sinh dân tộc thiểu số vươn lên học tập và trưởng thành. Câu chuyện của cô là minh chứng sống động cho tinh thần yêu nghề, mến trẻ và khát vọng không ngừng vun đắp tri thức nơi vùng cao.
Hơn 8.500 giáo viên tham dự chương trình đào tạo AI, đưa AI vào giáo dục Việt Nam
Với hơn 8.500 giáo viên đăng ký, Train the Trainer: AI Summer Camp là một trong những khóa học đầu tiên về AI dành cho giáo viên có quy mô toàn quốc.