Cô hiệu trưởng trường huyện 3 năm liền được Microsoft toàn cầu vinh danh

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung 3 năm liền được Microsoft toàn cầu vinh danh là chuyên gia giáo dục sáng tạo.

Ấn tượng đầu tiên với tôi khi gặp cô Dung là ở cô tràn đầy năng lượng tích cực.

Năm nay 53 tuổi, cô Dung tâm sự, trong công tác quản lý, bản thân luôn muốn tìm cái mới, hiện đại để áp dụng cho trường mình. 

Dù đã có thâm niên trong nghề, nhưng đam mê học tập, theo đuổi xu thế của cô không bao giờ ngừng nghỉ. Cô thường xuyên tham gia các lớp học, các chương trình chia sẻ của các cộng đồng giáo viên. “Thích nghi là chìa khóa của quá trình chọn lọc, nếu không tự thay đổi mình để thích nghi với hoàn cảnh thì sẽ bị đào thải bất cứ lúc nào”, cô Dung nói.

Cô hiệu trưởng trường huyện 3 năm liền được Microsoft toàn cầu vinh danh

Từ tháng 2/2020 - khi lần đầu tiên các trường học phải đồng loạt chuyển sang dạy trực tuyến bởi dịch Covid-19 - đó cũng là lúc mọi người cảm nhận rõ hơn vai trò của vị hiệu trưởng. 

Xây dựng thành công mô hình trường học online

Trường THCS Đông La nằm ở ngoại thành, điều kiện còn khó khăn, không có giáo viên Tin học, cô Dung khi đó xác định không phải ai khác mà ban giám hiệu sẽ phải là những người học hỏi để gỡ khó khăn cho giáo viên. Để tìm ứng dụng, cô Dung tham gia Cộng đồng MIE Experts (cộng đồng làm giáo dục sáng tạo, sử dụng công nghệ hiệu quả để nâng cao chất lượng của việc giảng dạy, học tập và quản lý trong giáo dục) và liên hệ với nhiều thầy cô giỏi để học hỏi. 

Thời gian đầu, cô tham gia các lớp học trên Cộng đồng Giáo viên sáng tạo, từ đó học hỏi các kinh nghiệm của giáo viên để ứng dụng trong dạy học online. Cô còn tích cực tự học trên trang learn.microsoft.com để nâng cao trình độ công nghệ thông tin của chính mình. 

Có những ngày cô theo 2-3 lớp học cộng đồng đôi khi chỉ để đổi lấy một thủ thuật, một kinh nghiệm để giúp cho giáo viên dạy học hiệu quả hơn. Cô có nhiều đêm thức khuya để tìm hiểu các phần mềm dạy học mới nhằm hướng dẫn giáo viên của trường đổi mới phương pháp dạy học.

Sau khi tìm hiểu về ứng dụng MS Teams, cô quyết định đăng ký Office 365 A1 (bản miễn phí) cho toàn bộ giáo viên nhà trường.

Cũng từ đó, cô đốc thúc, động viên, khuyến khích và cùng các giáo viên mò mẫm, tìm hiểu để dạy học trực tuyến hiệu quả. 

Cứ thế, ngày làm việc ở trường, buổi tối cô và các giáo viên lại cùng nhau tham gia tập huấn, hướng dẫn lẫn nhau.

Cô Nguyễn Thị Kim Dung hướng dẫn giáo viên tìm hiểu ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng của việc giảng dạy.
Cô Nguyễn Thị Kim Dung hướng dẫn giáo viên tìm hiểu ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng của việc giảng dạy.

Trong 3 năm học dạy trực tuyến, cô giáo Kim Dung đã xây dựng thành công mô hình trường học online trong Office 365 với nhiều đổi mới, từng bước chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà trường. 

Giờ đây, giáo viên, nhân viên Trường THCS Đông La đều sử dụng thành thạo công cụ Microsoft Forms để lập các trang tính thống kê, soạn thảo các văn bản cần sự phối hợp của nhiều người trên Word, Excel của Office 365; lưu trữ tài liệu trên OneNote, OneDrive...

Cũng nhờ đó, học sinh không còn xa lạ mà thêm các kỹ năng về công nghệ.

Cô Dung cũng tham gia chia sẻ kinh nghiệm ngược lại trên Diễn đàn cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam với 2.000 giáo viên cả nước. Cô tham mưu cho Phòng GD-ĐT huyện Hoài Đức đề nghị Microsoft Việt Nam cấp tài khoản O365 miễn phí cho giáo viên, học sinh toàn huyện. Bước đột phá của nhà trường là quản lý hệ thống hồ sơ sổ sách trên không gian số giúp giáo viên tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí trong soạn giảng.

Cô Dung cũng đưa ra nhiều hoạt động sáng tạo để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh  như làm báo điện tử trên Sway, thiết kế video, thi thuyết trình bằng tiếng Anh… Hay các hoạt động trải nghiệm, câu lạc bộ hoạt động online; kết nối lớp học không biên giới với các tỉnh, thậm chí với các giáo viên ở Mỹ, Ucraine.      

Từ mô hình trường học online, cô Dung miệt mài “lan tỏa” những ứng dụng công nghệ thông tin cho nhà trường ở các tỉnh bạn. 

Với sự nghiên cứu và ứng dụng các công cụ giáo dục đầy sáng tạo, trong 3 năm liên tục 2020, 2021 và 2022, cô Dung đều được Microsoft toàn cầu công nhận là Chuyên gia giáo dục sáng tạo (Microsoft Innovative Educator Expert - MIEE). 

Dạy phụ đạo miễn phí cho học sinh

Vừa giải quyết các công việc của trường, vừa truyền lửa cho đồng nghiệp và học sinh, cô Dung còn tích cực tham gia công tác cộng đồng. Cô là điều phối viên của nhiều dự án cộng đồng miễn phí như “Dự án hỗ trợ giáo viên”, “Dự án luyện phát âm và giao tiếp dành cho giáo viên Tiếng Anh”, “Thiết kế bài giảng Elearning tương tác”.

Với tinh thần “Đâu cần, cô Dung có”, cứ cuối tuần hay các buổi tối, khi có trường yêu cầu hỗ trợ, cô Dung đều có mặt. Qua đó, cô giúp hỗ trợ hàng nghìn giáo viên nâng cao trình độ công nghệ thông tin và phát triển chuyên môn nghiệp vụ. 

Là hiệu trưởng, song cô Dung vẫn thường xuyên tham gia dạy phụ đạo miễn phí cho các học sinh lớp 9 thì vào 10 và hỗ trợ đội tuyển học sinh giỏi Ngữ văn của trường cùng các thầy cô.
Là hiệu trưởng, song cô Dung vẫn thường xuyên tham gia dạy phụ đạo miễn phí cho các học sinh lớp 9 thì vào 10 và hỗ trợ đội tuyển học sinh giỏi Ngữ văn của trường cùng các thầy cô.

Luôn tâm huyết với nghề, nhiều năm nay,  cô sáng lập dự án “Đồng hành cùng học sinh vào lớp 10” và dạy phụ đạo môn Ngữ văn miễn phí cho học sinh lớp 9 thi vào lớp 10; tham gia hỗ trợ dạy đội tuyển học sinh giỏi Ngữ văn 9 cùng các thầy cô.

Cô Dung cho hay, để giáo viên nhiệt huyết, đổi mới sáng tạo, người hiệu trưởng càng cần có vai trò nêu gương.

“Điều tôi mong mỏi lớn nhất là mỗi giáo viên không ngừng học hỏi đổi mới chính mình để mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường sẽ có một đổi mới trong công việc”, cô Dung nói.

Thanh Hùng

theo VietNamNet

Doanh nghiệp châu Á chạy đua tài trợ kỳ World Cup 2022

Doanh nghiệp châu Á chạy đua tài trợ kỳ World Cup 2022

Sự hiện diện của các doanh nghiệp châu Á tài trợ cho ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh là một tín hiệu đáng mừng.