Cơm mẹ nấu là ngon nhất

Cho con đi học xa, dạy cho con cách ăn, cách nấu ăn cũng là cách để con “sống sót” khi ra khỏi vòng tay cha mẹ.

Có con cái của bạn bè gửi nhân dịp nghỉ Lễ Tạ ơn, mình bày vẽ thêm các món xào, món rán, cầu kỳ hơn những luộc nấu thường ngày. Một lần trong bữa ăn, mình hỏi một cách rất “định hướng”: “Món thịt rán của bác có ngon không?”. Cả ba đứa đồng thanh: “Ngon tuyệt”. Một đứa thêm: “Cơm mẹ nấu bao giờ cũng là ngon nhất”. Đi học xa, đứa nào cũng thèm cơm nhà.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mình hỏi: Ở nhà, món “tủ” của mẹ các con là gì?

Nam Bếu trả lời: “Đậu phụ nấu chuối xanh”; Huy bảo: “Sườn kho”; Thu Hà nghĩ một lúc mới ra. Chắc tại ở nhà, mẹ nấu nhiều món ngon quá nên chọn ra một món “tủ” chả dễ tí nào.

Trước khi đưa trả bọn trẻ về ký túc xá, mình hỏi chúng có cần mua thêm đồ ăn mang theo không. Nam Bếu xua tay rối rít: “Đồ ăn ở trường ổn mà bác”. Nam đi học xa đã ba năm. Rảnh rỗi, Nam thích đọc sách và tự học thêm nhiều môn khác nhau nên chả mấy quan tâm đến chuyện ăn uống. Mình có món lạc rang mặn, bữa nào Nam cũng khen ngon. Bê món lạc ra bàn ăn, mấy bác cháu lại bảo nhau: “Làm giàu chả khó”.

Huy thích “dự trữ” món mì bát. Nửa đêm, thấy bụng reo reo, chỉ việc chế nước sôi rồi đậy lại. Năm phút sau có bát mì nóng hổi. Ăn xong, vứt bát vào thùng rác, khỏi cần rửa dọn.

Thu Hà gầy nhom - dáng “chuẩn” … dây.  Con bé không quen được với đồ ăn trong ký túc xá. Hôm đầu tiên về nhà mình, nó hít hà mùi cơm nóng, mắt sáng lung linh. “Ở nhà bác ăn cơm không cũng ngon. Cơm ở trường con đủ các màu, lại rời từng hạt”. Con bé hầu như không ăn rau. Ở ký túc xá, nó chỉ đụng đũa duy nhất một món salad Ý. Nhiều hôm, chẳng biết ăn gì, nó mang mấy miếng thịt gà hoặc xúc xích về phòng để khuya cho vào mì ăn liền.

Mình kể cho bọn trẻ nghe chuyện, năm 1998, lần đầu tiên mình đi nước ngoài. Ở nhà, chỉ quen ăn toàn đồ Việt, sang Malaysia, đồ ăn nhiều ca-ri và gia vị, mình ăn không nổi. Hôm nào cũng lặn lội đến khu phố Tàu để ăn cơm hoặc mỳ vằn thắn. Đợt sang Ai Cập hai tuần mình cũng đói suốt. Cả ngày ăn bánh ngọt thay cơm vì không quen với các loại nước sốt salat và các món mỳ của họ. Sau này, mình đã “học” ăn thêm đồ ăn của nhiều quốc gia khác nhau. Bạn bè rủ đi quán Nhật, quán Ấn, quán Thái hay Mỹ La-tinh... mình đều không sợ đói.

Khi nấu cho bọn trẻ, mình thường cho đầy đủ các loại gia vị hạt tiêu, húng lìu. Nấu canh cá có đủ hành, thìa là. Nước mắm có tỏi và ớt cay. Mình muốn khi chúng đi làm khách ở nhà người khác, chúng không “gây khó dễ” cho chủ nhà khi phải làm một bát mắm riêng hay một tô canh không hành.

Tập cho con ăn đồ ăn “lạ” cũng rất quan trọng. Nếu ở nhà, trộn salat chỉ có nước mắm dấm, tỏi thì khi ra nước ngoài, nước sốt salat có đủ các màu xanh, đỏ, trắng, vàng… Ở nhà, mọi đồ ăn đều được nấu chín. Nhưng người Nhật ăn cả cá, mực, và hàu sống.

Chị bạn mình sang thăm con nhân dịp nghỉ Lễ Tạ ơn ở một thành phố khác, nhắn tin: “Cơm chả có gì, nhìn chúng nó ăn ngon lành mà chảy nước mắt chị ạ”. Học sinh nội trú còn đỡ vì những ngày nghỉ đều phải ra khỏi ký túc xá, sống với nhà “host”. Sinh viên quốc tế những ngày này còn buồn hơn nhiều. Ký túc xá hiu hắt, lèo tèo những người chả biết đi đâu. Mình động viên: “Có vượt qua những năm tháng này, bọn trẻ mới trưởng thành lên được”.

Cho con đi học xa, dạy con cách ăn, cách nấu ăn cũng là cách chúng “sống sót” khi ra xa vòng tay cha mẹ.

Thanh Chung

Tháng Mười hoa sữa...

Tháng Mười hoa sữa...

Hoa sữa tháng Mười là thứ gia vị tuyệt vời, rắc thêm vào bữa ăn cuộc sống tất cả chúng ta, phải nếm và cảm nhận bằng tất cả trái tim mình.