Mẹ ơi, con muốn ăn sáng ở nhà!

Một ngày mới của bọn trẻ, thay vì những nụ cười, những cái ôm, thường bắt đầu bằng chuỗi những thúc giục: “con nuốt chưa, nhai nhanh lên nào!”... Và bữa sáng chẳng có gì vui cả! Nó trôi tuột đi một cách vô vị với những điệp khúc: cháo, bún, xôi quen thuộc của nhà trường.

Hai năm trước, vào một buổi sáng, Mít quyết định thổ lộ với mẹ: “Mẹ ơi, con muốn ăn sáng ở nhà! Đồ mẹ nấu ngon hơn ở trường.”

Ảnh: Đinh Thùy Linh
Ảnh: Đinh Thùy Linh

Mẹ Linh ngỡ ngàng, bối rối trước lời khen và lời đề nghị bất ngờ của con trai nhỏ. Cảm giác hạnh phúc xen lẫn xấu hổ, nghẹn ngào, lo lắng.

Bấy lâu nay, viện cớ bận ti tỉ việc, mẹ Linh cho Bống tiền để tự mua quà sáng và đăng ký cho Mít ăn sáng ở trường, như một số bà mẹ khác. Chị muốn mau chóng giải quyết nhanh gọn buổi sáng, “ném” hai đứa con đến trường rồi thở phào: “Vậy là xong, tụi nhỏ đã ăn sáng đầy đủ, đã vào lớp, không còn gì lo lắng, chiều đến đón tụi nó về”.

Một ngày mới của bọn trẻ, thay vì những nụ cười, những cái ôm, thường bắt đầu bằng chuỗi những thúc giục: “Dậy đi con!”, “Con lấy ba lô đi! Nhanh lên, mẹ muộn rồi!”, “con nuốt chưa, nhai nhanh lên nào!”,… Những hối thúc của mẹ, của cô làm chúng cảm thấy mọi việc cứ rối tung lên. Và bữa sáng chẳng có gì vui cả! Nó trôi tuột đi một cách vô vị với những điệp khúc: cháo, bún, xôi quen thuộc của nhà trường.

Mẹ Linh quay cuồng với đủ mọi việc, từ việc công ty cho tới việc bán hàng online, chỉ vì muốn cho các con có cuộc sống sung túc hơn. Nhưng, đó là chị nghĩ thế. Còn với lũ trẻ, chỉ đơn giản là được ăn những món ăn ngon lành do mẹ nấu cũng là một hạnh phúc.

Ảnh: Đinh Thùy Linh
Ảnh: Đinh Thùy Linh

Chị nhớ ánh mắt sáng rực, thích thú của hai đứa mỗi sáng chủ nhật khi mẹ dọn đồ ăn ra. Nhớ tiếng reo khẽ của con Bống: “Ôi, mẹ trang trí đẹp thế!”. Nhớ thằng Mít tọng nguyên miếng cơm cuộn vào miệng, rồi nhồm nhoàm: “ngon quá, mẹ ạ!”. Nhớ đến những câu chuyện dở dang tụi nhỏ luyên thuyên trong bữa sáng mà chị bập bõm nghe câu được câu chăng, vì bận trả lời những tin nhắn chờ trên điện thoại. Cổ họng nghẹn lại, chị ngồi xuống, nhìn con và nói:

- Mai mẹ sẽ cùng Bống và Mít ăn sáng ở nhà nhé!

Hai năm nay, chị dành 45 – 60 phút cùng các con thưởng thức bữa sáng với đủ loại sữa hạt, ngũ cốc, bánh trái, phở, bún,… Để tiết kiệm thời gian, chị thường lên kế hoạch và chuẩn bị cho bữa sáng từ tối hôm trước. Mẹ Linh tích rất nhiều ngũ cốc để làm sữa hạt. Vào buổi tối, Bống, Mít được lựa chọn loại hạt và tự đi ngâm hạt để sớm mai mẹ làm sữa. Nhà cũng có máy làm bánh mì, nên chị làm luôn từ tối, sáng hôm sau chỉ việc nướng lại cho nóng. Chị cấp đông trái cây như bơ, chuối, thanh long, để hôm sau xay với sữa chua cho tụi nhỏ đổ thêm ngũ cốc vào. Với các loại bún, miến, phở, chị dùng rau củ ninh với chân gà để nồi hồm từ đêm làm nước dùng. Chị làm sẵn nem, mọc, rán sơ cá, hoặc mua sẵn cua, ghẹ, tôm, bề bề bóc nõn,… Sáng ra, khi Bống, Mít rửa mặt, đánh răng, thay đồ xong là có ngay bữa sáng để dùng.

Ảnh: Đinh Thùy Linh
Ảnh: Đinh Thùy Linh

Bống và Mít, không tròn trịa như quan niệm “trẻ con phải béo mới khỏe” của nhiều người, nhưng hai đứa ít ốm vặt. Trong mỗi bữa sáng, mẹ  Linh cũng thường kể cho chúng nghe chuyện về mùa hoa, mùa quả. Chuyện trái đào tiên của Tôn Ngộ Không, chuyện cây rong biển đất nước mặt trời mọc. Rồi mẹ kể cả chuyện về bánh trôi chay tiết Thanh minh, bánh gio Tết Đoan Ngọ, chuyện về tôm, cua cá trong bát bún là bà nội bà ngoại gửi cho,… khiến Bống, Mít vô cùng thích thú.

Ảnh: Đinh Thùy Linh
Ảnh: Đinh Thùy Linh

Không chỉ đơn giản là một bữa sáng để ăn cho no bụng, mẹ Linh đã gửi vào đó những yêu thương, những chăm chút, những bất ngờ, những điều muốn truyền dạy cho con,... Mỗi bữa sáng ở nhà dường như là một món quà, một niềm vui nho nhỏ mẹ dành tặng cho các con để bắt đầu một ngày mới.

Diệu Thuần

Chuyên gia tâm lý bật mí bí quyết 5 chữ 'N' để dạy con dành cho các bậc cha mẹ

Chuyên gia tâm lý bật mí bí quyết 5 chữ "N" để dạy con dành cho các bậc cha mẹ

Làm thế nào để không hoang mang và gặp áp lực khi bị người khác đánh giá con chưa ngoan hay con gầy quá, con béo quá...