Côn Đảo, hành trình của lương tâm

Đi với tâm thế nhuốm màu xám trong ký ức lao tù, nhưng Côn Đảo đón tôi với màu ngọc bích của biển, màu lục của núi rừng nguyên sinh thuần khiết.

Ông ngoại tôi, một người hoạt động yêu nước trẻ tuổi thời tiền chiến, bị đế quốc thực dân Pháp bắt, đày lên nhà ngục Sơn La, sau đó đày ra Côn Đảo với án khổ sai chung thân. Tôi đã lên Sơn La, và theo dấu chân người đến đây như một lẽ tự nhiên, một “hành trình của lương tâm”- (chữ của nhà báo Việt Thường).

Đi với tâm thế nhuốm màu xám trong ký ức lao tù của tiền nhân, nhưng Côn Đảo vui vẻ đón tôi với màu ngọc bích của biển xanh, màu lục tươi tắn của núi rừng nguyên sinh thuần khiết khi máy bay hạ cánh xuống đường băng Cỏ Ống. Cuộc đời hiện sinh luôn tươi mới hơn những quá khứ u hoài, bởi nó tác động trực tiếp bằng những gì mắt ta đang nhìn thấy, âm thanh ta đang nghe thấy, mùi vị ta đang ngửi thấy. Mà những thứ ta nhìn, ta nghe, ta căng ngực hít ấy thật tinh khôi và đầy ấn tượng. Tựa như những lấm láp trần tục đất liền, được lọc qua gần trăm cây số biển khơi đã được gột rửa, chỉ còn lại một bầu không khí thanh sạch và yên tĩnh, như chốn thiên đường cây cỏ.

Côn Đảo đón tôi với màu ngọc bích của biển xanh, màu lục tươi tắn của núi rừng nguyên sinh thuần khiết (Ảnh: internet).
Côn Đảo đón tôi với màu ngọc bích của biển xanh, màu lục tươi tắn của núi rừng nguyên sinh thuần khiết (Ảnh: internet).

Mà yên tĩnh thật. Trên nhóm đảo chỉ có một nơi ầm ĩ nhất chính là sân bay Cỏ Ống với tần suất 10 chuyến mỗi ngày, bằng tàu bay cánh quạt loại nhỏ ATR72. Cái tên địa danh nôm na thuần Việt Cỏ Ống hẳn ai đã đặt từ thời chúa Nguyễn di dân ra đảo năm 1760. Ngày đó, cái bãi đổ bộ rộng rãi nhất này hẳn mênh mang xanh một loài cỏ ống. Cỏ ống, cỏ gà, cỏ gừng, cỏ may… các loài cỏ hiền hòa như phận đời dân thảo nghe sao thật nhớ, thật riêng. Giờ người ta đổi tên hoành tráng thành Cảng hàng không Côn Đảo nghe nhạt phèo vô vị, một cái tên hành chính chung chung không bản sắc, như một món ăn mậu dịch.

Cũng may sân bay nằm biệt lập phía Đông Bắc đảo, cách ngỡ một con đèo cao như bức tường cách âm vĩ đại nên núi rừng bên trong thật yên tĩnh. Trên quãng đường hơn chục km từ sân bay đến thị trấn, thật thú vị khi thấy biển cảnh báo có thể có thú hoang chạy ngang đường. Cầu được ước thấy! Đoạn đường đèo về qua bãi Suối Ớt, khỉ lớn khỉ bé ôm nhau ngồi chầu hẫu bên vệ ta luy, tròn mắt ngơ ngác nhìn theo những chiếc xe hơi chạy qua. Chúng lạ lẫm thực sự chứ không dạn dĩ như kiểu lũ khỉ được nuôi bán hoang dã, đã nhờn quen với những thói xấu của con người.

Di tích
Di tích "Chuồng cọp" tại Côn Đảo (Ảnh: internet).

Tất nhiên, ngày đầu tiên tôi đi thăm “địa ngục trần gian” đã giam giữ ông ngoại tôi, một Thanh niên cách mạng đồng chí hội do hai ông Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh giới thiệu vào tổ chức. Chạm tay vào song sắt lạnh ngắt phòng giam số 6, lạnh hồn không biết ngày xưa tay ai đã từng chạm thấu? Các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng lớp trước, tiếp đến lớp sau: Phạm Văn Đồng, Bùi Công Trừng, Bùi Lâm… ”những kẻ vá trời khi lỡ bước”, những người bạn tù cùng khám với ông tôi. Có những người chịu lưu đày tù tội để giành độc lập dân tộc, lại có những kẻ thừa hưởng thành quả, tha hóa nhân cách để rồi nhục nhã vào tù.

Hình ảnh người tù trong di tích chuồng cọp (Ảnh: internet).
Hình ảnh người tù trong di tích chuồng cọp (Ảnh: internet).

Thế cuộc xoay vần, các tù nhân chính trị cùng ông tôi được tha. Không biết để ghi nhớ các trại khét tiếng Phú An, Phú Hải, Phú Tường nơi đây, hay vì nhắc tên một bãi bờ đại dương chạy suốt dài bên sườn phố trấn, Người đặt tên cho con gái đầu lòng là An Hải, thân mẫu tôi, như mong ước biển lành trong những ngày nấu nung đóng bè vượt ngục. Về đất liền, cách mạng thành công, ông tôi sống nhỏ bé giữa đời thường. Có những điều nhỏ nhặt như thế tôi muốn chia sẻ. Văn hóa bao giờ cũng li ti nhỏ nhặt, ẩn trong phong thái sống bình tâm.

Một ngày cuối năm gió lộng, bước chân trần trên bãi biển dào dạt sóng mang tên mẹ mình, cảm động nào bằng. Hãy tạm quên những lao tù khổ ải quá khứ để hòa lẫn với thiên nhiên tự do hiện tại. Thiên nhiên trên đảo được gìn giữ khá tốt trên lớp phong hóa bao phủ nền cường thạch trầm tích kỷ Đệ Tứ, với ba hệ sinh thái: “Rừng nhiệt đới quanh năm xanh tốt, rừng đồi cát khô, rừng đước và rừng sau đước thuộc hệ sinh thái nhiệt đới hải đảo, vô cùng đa dạng với hơn 1000 loài thực vật và 160 loài động vật”.

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

Có được điều này ngoài do sự tích cực bảo vệ môi sinh của chính quyền, thì biển khơi cũng đã góp phần ngăn trở những bàn tay tham lam nhớp nhúa của bọn lâm tặc. Thêm một lý do nữa được biết khi tôi nói chuyện với một người dân địa phương, là cô Sáu, hay “Liệt nữ Võ Thị Sáu” như một chúa đảo phía bên kia đã tôn vinh, vốn được nhang khói như vị thần, như thành hoàng của hòn đảo ngọc, đã bảo trợ độ trì cho Côn Sơn khỏi những “dự án” phá hoại. Tiếng đồn về sự linh thiêng của cô Sáu đã làm chúng chùn tay.

Trên đảo không có đồng ruộng canh tác nông nghiệp lớn, chỉ có các hộ trồng rau màu, chăn nuôi nhỏ, chủ yếu cung cấp sản phẩm cho các nhà hàng khách sạn. Dân cư địa phương ngoài nghề đánh bắt nuôi trồng thủy sản, nay thêm các nghề dịch vụ du lịch, theo trào lưu từ lớp người trong đất liền đổ ra thuê đất, thuê nhà làm ăn trên đảo ngày càng đông. Lại có cả những nghề đặc biệt nhàn tản làm chơi ăn thật, như nghề câu rạm đá, một loài cua nhỏ. Chính mắt tôi chứng kiến một cần thủ, chỉ với một chiếc cần câu tay ngắn, một đoạn cước buộc con ốc làm mồi, đã nhử rồi trục từ các khe đá lên hàng chục con rạm đá chỉ trong vài chục phút lúc triều lên.

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

Ở đây, lữ khách di chuyển thăm thú các nơi bằng xe điện, xe taxi. Chúng tôi chọn cách di chuyển bằng cách thuê xe Honda của khách sạn cho hợp với lối lữ hành tự do, tùy hứng. Giá 100 ngàn với xe số, 120 ngàn với xe ga, chỉ việc đổ xăng là chạy nhòe một ngày mát trời ông địa. Có điều trên đảo chỉ có hai cây xăng, một ở đường Nguyễn Huệ, một ở đường Phạm Văn Đồng, và mỗi cây chỉ bơm tối đa 40 ngàn cho một xe máy, muốn bơm hơn cũng không ai bán. Xe trên đảo dân để ban đêm đầy ngoài đường, có khi chìa khóa vẫn cắm trong ổ. Một phần vì trị an trên đảo quá tốt, một phần cũng vì cơ chế đại dương, tuy “vô kiềm tỏa” nhưng năng lưu… trộm. Thế mới biết cơ chế có kiểm soát nó quan trọng nhường nào.

Nhiều người ham chỗ hội hè nói đảo buồn, thêu dệt rằng hòn đảo sao nhiều âm khí, đi thăm viếng luôn giắt miếng gừng, nhánh tỏi trong mình để trừ tà ma ám khí. Riêng tôi đặc biệt thích thú với cái không khí tươi mùi đại dương, hăng mùi rừng nguyên thủy này. Thời tiết trên đảo thay đổi chớp nhoáng không hẹn trước. Mới nắng rực rỡ trên ngọn bàng lấp lánh ban trưa, chiều về cơn lạnh đã phủ mây tím núi Thánh Giá. Chiều mưa núi Chúa dựng ngất nỗi cô liêu, vốn đã ký sinh thường niên trong tuổi tôi canh biến vi cô. Thấy cô đơn ở một nơi rất xa cũng chẳng nên buồn. Đó không phải là một cảm xúc tồi, nó cho ta thấy rõ ta hơn, tĩnh hơn trong cuộc đời lắm khi nhiều xô bồ vô vị.

Nghĩa trang Hàng Dương trên Côn Đảo (Ảnh: internet).
Nghĩa trang Hàng Dương trên Côn Đảo (Ảnh: internet).

Chưa có điện lưới quốc gia nhưng đêm xuống phố trấn vẫn sáng bừng ấm áp giữa núi rừng cô quạnh bao quanh. Điện trên đảo là điện năng lượng mặt trời, điện máy nổ và được Chính phủ Việt Nam hỗ trợ nên giá cũng bằng giá điện trong đất liền. Thang máy công suất lớn khách sạn 5 sao vẫn lên xuống phe phé, và đèn phố mắt đêm đèn vàng vẫn thức thâu canh. Quán ốc nướng vỉa hè ban tối lộng gió biển khơi. Ngồi la đà trên phố uống bia Tiger bạc lạnh, xem trận Chelsea – Tottenham trên kênh K+ tưởng chẳng gì thú bằng.

Loài cây đặc biệt hiện diện trên đảo hẳn là những cây bàng cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Người thuyết minh di tích nói khi cụ Huỳnh Thúc Kháng bị giam ở đây thì những cây bàng đã cổ thụ sẵn như thế rồi. Đó chính là hiện thân của lịch sử đang sống, đang ra hoa kết trái. Chỉ có điều các túi mứt hạt bàng khô bán cho du khách người ta lại mang từ đất liền ra, như một sự đánh tráo. Cây một nơi hạt một nẻo song những cây bàng già không lấy đó làm điều. Rặng bàng vẫn bình thản trước bao sóng gió đổi thay cuộc đời. Phan Chu Trinh đã đi qua dưới những tán bàng này, Huỳnh Thúc Kháng đã ngồi nghỉ nơi đây, rồi đến lớp cha ông tôi nữa… Thế hệ công dân mới bây giờ vẫn đi qua dưới những tán cây chở che xanh rợp, như lòng trẻ vẫn trở về với quốc gia dân tộc.

Yêu sao quần đảo ngọc trai xinh đẹp của Tổ quốc. Đã đến giờ tạm biệt. Cúi xin tiền nhân khí phách anh linh phù hộ độ trì cho con cháu nước Việt Nam ta. Xin hẹn một ngày trở lại thăm đảo, thăm Người.

Trung Sỹ

Măng Đen

Măng Đen

Quá đã với nắng Tây Nguyên. Mùa khô đang trải khắp những mảng màu nhìn không biết chán, như bức tranh rộng dài phi kích thước