Mùa hè. Những con đường nhỏ ngóc ngách trong khu phố cổ xưa nơi tận cùng địa cầu, Tây Úc. Những ngôi nhà kiểu châu Âu tỉnh lẻ những năm nảo năm nào của 2-3 thế kỷ trước. Chúng ta đã có 2 ngày điên rồ để chia tay nhau. Vào thời điểm ấy, chúng ta chia tay nhau mà không biết bao giờ thì chúng ta có cơ hội gặp lại. Loài người ngơ ngác và khủng hoảng, không biết ngày mai sẽ ra sao, ngày tận thế có tới không khi mà dịch Covid hoành hành, không ai dám chắc về mạng sống của mình liệu có bị tước đoạt trong gang tấc.
Nó không chỉ là nỗi đau khổ và hoang mang của sự chia cắt giữa những ngày tháng người mẹ được bao bọc đứa con trong tuổi thơ và những ngày xa tít tắp sắp tới, khi người mẹ để lại một đứa con 15 tuổi, sớm bước vào đời sống tự lập xa quê hương. Nó là sự chia cắt trong mơ hồ về sinh – tử. Chúng ta đã chia tay nhau trong hoàn cảnh như thế. Cái vết cắt đột ngột như vách đá dựng đứng, cái ranh giới của một ngày có thể là vĩnh viễn.
Ảnh minh họa: internet. |
Và như thế, hai ngày cuối tuần cuối cùng bên nhau của hai mẹ con ta có vẻ đẹp cổ tích được lưu giữ trong một quả cầu thủy tinh trong suốt. Tất cả mọi thứ in dấu trong não bộ của mẹ như bàn tay và đất sét. Màu trời phớt xanh trên cao, hơi nóng mùa hè làm không khí nhẹ bỗng và cơn gió thoáng lạnh buổi chiều... Do vội vàng, do muốn làm một thứ gì đó đặc biệt mà chúng ta đã chọn một khách sạn cổ xưa nhất trong thị trấn.
Trời ơi, đến nơi thì, khách sạn đúng là cổ xưa thật: những căn phòng cũ khá tồi tàn, chật hẹp, màu tường lục sẫm, cái quạt trần kiểu Đông Dương màu xanh bạc hà, có cả mấy con gián lấm lét trong hành lang dẫn ra nhà vệ sinh chung (mấy con này rất hiếm thấy ở những khu phố mới). Phía dưới là một quán bia lớn ầm ĩ xập xình. Hai mẹ con nằm lăn ra cái giường phủ vải cổ lỗ, bật cười khùng khục trong cái không khí ăn chơi chả ăn nhập gì với tuổi tác và tâm trạng của chúng ta.
Vứt túi xách, diện áo xống, chúng ta loạng choạng đi vào những con ngõ thị trấn cổ trong đêm hè đặc biệt ấy, run rẩy và hoang dại. Bọn mình đã nhảy lên quả cầu đá, chơi trò giữ thăng bằng như trẻ con. Kéo tay nhau chạy trên phố như hai người trẻ đang yêu nhau. Hét váng lên chào những người qua đường đi ngược chiều. Họ đã vui vẻ đáp lại chúng ta – những con người hạnh phúc. Và hai mẹ con đã chọn nhà hàng ngon nhất để ăn tối, cứ như thể chúng ta là triệu phú…
Chúng ta đã không hề nói gì nhiều với nhau, không dặn dò hay than vãn về cuộc chia tay lớn sắp tới. Chúng ta đã cười rất nhiều, ngủ rất say và sáng hôm sau, buổi sáng Chủ nhật cuối cùng bên nhau chúng ta đã làm tất cả mọi điều như thể sẽ chẳng có gì khác cả. Hệt như những Chủ nhật trước đây, chúng ta đã đến chơi thị trấn cổ này, đã không nghĩ gì về chia tay, về những Chủ nhật sẽ không còn hoàn toàn như thế nữa. Cả cái gánh xiếc rong trước cửa khu chợ cổ, những trò diễn chúng ta đã xem rất nhiều lần, ngày hôm đó cũng không có gì khác.
Nhưng thực ra, tự trong lòng chúng ta rất khác, chúng ta biết rằng những giây phút này là quý giá, ngày thứ Bảy và Chủ nhật này là quý giá, là mọi sự sẽ không còn như thế nữa, sẽ đổi thay… Dường như là chúng ta đã cười nhiều hơn, đã nán lại lâu hơn với gánh xiếc rong, chúng ta đã nắm tay nhau chặt hơn, thương nhau, nhường nhịn nhau hơn… Và mẹ tự hỏi rằng, nếu như trước đây, chúng ta cũng ý thức được rằng những chuyến đi chơi đến thị trấn cổ đó rồi sẽ không còn như thế nữa, những khoảnh khắc chúng ta sống với nhau, đi bên nhau rồi sẽ không còn như thế nữa thì chúng ta có từng sống khác đi không, có bớt lơ đãng, giận dỗi, cãi vã, bực bội không? Có lắng nghe và yêu thương nhau nhiều hơn nữa không? - Mẹ tin rằng câu trả lời là - CÓ.
Cái giây phút khi chúng ta xách túi hành lý nhẹ tênh rời khách sạn, kết thúc hai ngày cuối tuần đặc biệt ấy, chụp những bức ảnh lưu niệm ấy, giờ đây trong xa cách, hồi tưởng lại, mẹ nhớ được cả âm thanh rù rì của đám đông trong nhà hàng tầng 1, bảng Menu sặc sỡ, cả mùi thức ăn trong không khí nhẹ và sáng của mùa hè vùng biển... Mẹ thấy những giọt nước mắt ngậm lại trong lòng mẹ khi ấy nở long lanh như những đóa hoa của tình yêu, tình mẫu tử.
Con gái ơi, xa cách, chia tay, đau khổ, thương nhớ, mọi thử thách và bất như ý đến với chúng ta trong đời… tất cả những xúc cảm ấy có lẽ là cần thiết cho đời sống của con người. Dường như nó giúp cho chúng ta sống trọn vẹn hơn, ý thức hơn với từng phút giây mà chúng ta đang sống. Và vì thế, mặc dù thương nhớ con từng phút giây, mặc dù nỗi đau khổ vì xa con quá sớm vẫn còn đó, vẫn dâng lên trong lòng mẹ mỗi ngày, mẹ nhận ra rằng chính xa cách và đau khổ mà chúng ta đang chịu đựng lại là cơ hội của chúng ta. Cơ hội để chúng ta cảm nhận được tình yêu của chúng ta rõ hơn. Tình yêu giữa hai mẹ con, tình yêu giữa con người với con người, tình yêu của chúng ta với từng giây phút sống. Ở nơi có tình yêu thì nước mắt sẽ nở hoa.
Những bông hoa hằng Xuân nở
dù hội ngộ, dù chia ly.
Con gái ơi,
hoa
cũng như nước-mắt-người.
(Hoa – trích trong tập Gọi tháng Ba, NXB Văn học năm 2016)
Bàn tay luôn nối với trái tim
Khi bạn có một bàn tay yên ổn và tin cậy trong tay thì hãy biết trân trọng. Vì bàn tay không phải cái bàn chải hay đôi đũa dùng một lần.