Đàn bà siêu nhân

Tôi cần anh đưa con đi học, cần anh sửa chân bàn... một ngàn lẻ một việc cần bàn tay người đàn ông. Nhưng tôi không có quyền quyết định thay anh.

Mười mấy năm trước, tôi “xách con lên và đi” sang New York nhận việc. Ba mẹ con sáu kiện hành lý đóng bằng vỏ thùng TV 14 inches. Chăn, màn, ga, gối, bát đĩa, nồi cơm điện, quần áo, vật dụng… và toàn bộ sách giáo khoa cấp hai và cấp ba cho hai con. Bảy ngàn đô-la cho ba mẹ con để bắt đầu một cuộc sống mới ở xứ người.

Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh hai đứa con đứng ngắm trân trân mấy quầy bánh kẹo ở sân bay Narita – Nhật Bản. Thằng anh vừa cầm lên một gói kẹo liền bị con em nhắc khẽ: “Mẹ không có tiền đâu”. Con em nhấc lên một gói nhỏ hơn, thằng anh lại bảo: “Vẫn nhiều tiền quá, Chi ạ”. Tôi phải nói đi nói lại với chúng rằng tôi có đủ tiền để sống ở Mỹ cho đến khi nhận lương và kiên quyết mua cho mỗi đứa một gói chúng đã chọn.

Tôi cần người đàn ông bên cạnh nhưng tôi không có quyền quyết định thay anh (Ảnh minh họa).
Tôi cần người đàn ông bên cạnh nhưng tôi không có quyền quyết định thay anh (Ảnh minh họa).

Một người anh lớn tuổi (sau này chúng tôi hay gọi đùa một cách trìu mến là “già làng trưởng bản”) cứ hỏi đi hỏi lại: “Sao em để chồng ở nhà một mình mà đi như vậy?”. Nếu có quyền “đem theo hay để lại” như khi tôi nâng lên đặt xuống những kỷ vật của đời mình trong lúc thu dọn hành lý, chắc chắn tôi sẽ mang anh theo.

Tôi cần người đàn ông của mình đưa con đi học. Tôi cần anh giúp khi lượm đồ mỗi chiều thứ sáu ở bãi rác sau building. Tôi cần anh đẩy xe qua chiếc cầu đầy gió chở đồ ăn, nước uống từ Costco về nhà. Tôi cần anh khoan tường treo mắc áo trong phòng ngủ, treo đèn tuýp trong phòng khách. Tôi cần anh lắp giường, dựng giá sách, sửa lại chân bàn… một ngàn lẻ một việc cần bàn tay người đàn ông. Nhưng tôi không có quyền quyết định thay anh.

Vài năm sau, một cô bạn khác cũng mang theo hai con đi như tôi. Lại vẫn câu hỏi của “Già làng trưởng bản”: “Tại sao các cô “ĐÀN BÀ SIÊU NHÂN” để các ông chồng ở nhà một mình?”.

***

Nếu Ngân hàng Thế giới ở Washington DC có tới ba chục nhân viên Việt Nam thì cả mấy cơ quan Liên Hiệp Quốc ở New York gộp lại cũng chỉ có trên dưới chục anh chị em người Việt. Người mới chuyển đến, người cũ chuyển đi. Lần gặp mặt gần đây nhất của mấy chị em chỉ có 8 người tham gia được. Tiếng là sống cùng thành phố, làm cùng cơ quan, nhưng số lần tụ tập mỗi năm cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mấy chị em thường hay nói đùa với nhau: “Có hai người đàn ông hay nhất Việt Nam đều đã chuyển sang New York”.

Hay nhất vì các anh thực sự là trụ cột gia đình, là bờ vai vững chãi của vợ và các con. Các anh không coi việc mình đi làm kiếm tiền quan trọng hơn việc nuôi dạy con và chuyện mắm muối tương cà của vợ. Các anh không quán xá, rượu bia sau giờ làm việc. Các anh lái xe đưa vợ đi chợ vào dịp cuối tuần. Các anh giúp vợ dựng lại hàng rào, trồng lại luống hoa, sửa lại cánh tủ bếp bị sệ bản lề. Các anh không ngồi đọc báo đợi vợ dọn cơm. Các anh tranh thủ cho quần áo vào máy giặt, mang rác đi bỏ, khi vợ cọ nhà vệ sinh. Các anh xin nghỉ làm để đưa vợ đi bác sĩ.

Chị K. không biết tiếng Anh. Mỗi khi mời bạn đến nhà ăn cơm, anh Đ. đều dịch cho vợ từng câu một để chị không có cảm giác là người ngoài cuộc. Mọi việc hiếu hỷ hai bên nội ngoại đều bình đẳng như nhau. Khi cần chi một khoản lớn thì cả hai vợ chồng đều bàn bạc. Chính các chị mới thực sự là “chủ tài khoản”.

Đàn bà siêu nhân

Sau nhiều năm sống ở xứ này, tôi mới hiểu ra rằng sự ngạc nhiên của “Già làng trưởng bản” là hoàn toàn CÓ LÝ.

CÓ LÝ vì chỉ trừ những lúc có chiến tranh, đàn ông phải ra mặt trận thì phụ nữ mới phải nuôi con, chờ chồng. Vợ chồng sống xa nhau, ngoài những vất vả, khó khăn cả về tinh thần lẫn vật chất còn có nguy cơ “lạc điệu”. Bạn tôi kể, mỗi lần anh xã sang chơi là mấy mẹ con phải bỏ hết mọi thói quen hàng ngày.

Buổi tối, thay vì xem CNN hay các kênh giải trí, cả nhà nhường bố TV xem các chương trình trong nước qua internet. Có bố, bữa cơm phải có đồ nhắm để nâng lên đặt xuống (dù là một mình). Có bố, ngày cuối tuần sẽ xuống phố lang thang thay vì xuống phòng tập gym hay vào thư viện. Bố muốn tìm chỗ sinh hoạt chi bộ Đảng để về cơ quan không bị kiểm điểm. Còn các con lại quan tâm đến giải Oscar… Đấy là chưa kể khi vợ chồng mỗi người một nơi, rất dễ có “những phút giây ngoài chồng, ngoài vợ”.

Người Trung Quốc có giải thích về ngón tay đeo nhẫn rất hay. Theo họ, ngón tay cái tượng trưng cho cha mẹ. Ngón trỏ là anh chị em. Ngón út là con cái. Khi gập ngón giữa lại và tỳ hai bàn tay vào nhau, bạn dễ dàng tách các ngón tay - trừ ngón tay đeo nhẫn. Điều đó có nghĩa là cha mẹ, anh chị em, con cái rồi cũng sẽ có ngày rời xa chúng ta. Nhưng vợ chồng lại phải nương tựa vào nhau đến hết cuộc đời.

***

Tôi có một người bạn đồng nghiệp ở quê lên thành phố. Hai vợ chồng sống trong một căn gác nhỏ của bố mẹ chồng để lại. Một ngày, tôi thấy bạn đến cơ quan mặt mũi bầm dập. Hỏi ra mới biết bạn phải ở lại làm việc quá giờ. Chồng lúc bấy giờ đang nghỉ chờ việc, thấy vợ về muộn thì nghi ngờ. Chả kịp cho vợ thanh minh, chồng vớ cán chổi đót vụt tới tấp vào đầu, vào mặt.

Mấy chị lớn tuổi trong văn phòng phẫn nộ, định kéo đến “xử đẹp thằng chồng vũ phu” của cô nhân viên dưới quyền. Tôi hỏi: “Bị bạo hành thế sao cậu không ra tòa ly hôn?”. Cô bạn bảo: “Chia tay thì tớ chả biết ở đâu. Còn công việc ở đây. Còn con cái?”. Lương nhân viên quèn của bạn làm sao đủ tiền thuê nhà ở Hà Nội. Lúc ấy, tôi ước mình có một khu nhà dành cho phụ nữ bị bạo hành.

Đến tận bây giờ, thỉnh thoảng vẫn có những bạn trẻ nhắn tin tâm sự: “Cô ơi chồng cháu ngoại tình, có con với người ta rồi về đánh cháu”. “Sao không bỏ nhau đi?” - Tôi thường khuyên phụ nữ chủ động ly hôn chứ không thích những mỹ từ “độ lượng” hay “nhẫn nhịn”. Cô gái nói với tôi: “Cháu chưa có công ăn việc làm ổn định. Từ trước tới giờ toàn ở nhà, chồng nuôi. Giờ bỏ nhau chẳng biết đi đâu...”.

Càng TỰ CHỦ - những “vết rạn” gia đình càng giảm thiểu.

***

Vâng, chỉ cần các ông chồng bằng một nửa hai người đàn ông HAY nhất Việt Nam như hai anh đồng nghiệp tôi đã kể ở trên. Chỉ cần pháp luật bảo vệ chị em phụ nữ như ở xứ này. Nghĩa là khi bạo lực xảy ra, người phải ra khỏi nhà đầu tiên là đàn ông. Và kể cả sau khi ly hôn, người chồng vẫn phải có trách nhiệm kinh tế đối với con và cả vợ cũ… Được như thế chúng tôi sẽ yên tâm làm người đàn bà BÌNH THƯỜNG.

Người đàn bà vượt lên phía trước

Đối mặt với bão dông

Dựa lưng vào thăm thẳm cô đơn…

Thanh Chung

Tại sao phải ngu ngốc để được yêu?

Tại sao phải ngu ngốc để được yêu?

Nếu bạn là một người phụ nữ sắc sảo mà phải băn khoăn nên sống thật với mình hay phải giả ngu nhún nhường bạn đời thì bạn chưa khôn ngoan lắm