Đàn bà và cuộc rượu khuya

Tôi ngồi uống thêm mấy ly vang nữa và làm bạn với thứ nước nâu đỏ này, khi trở lại cuộc sống một mình...

Quán cà phê của Phi, sau 22h đã hết khách. Và đó là lúc tôi tấp xe vào. Tôi cũng vừa đóng cửa shop quần áo của mình và lượn qua đây. Hồi chưa ly dị chồng, tôi phải dọn hàng từ cuối chiều để còn về và kịp lo chuyện nhà cửa cơm nước. Loay hoay trên bếp cả tiếng rồi ngồi bó gối đợi chồng trông con. Chồng về người sặc sụa hơi men không quên làu bàu: “Chứ sao không ăn trước. Chứ đợi chi?”. Thằng con với bộ dạng nhàu nhĩ luôn bẳn gắt: “Mẹ biết mà. Ở công ty ra con còn bồ bịch, bạn bè...”.

Giờ, về sớm cũng chẳng biết làm gì. Con du học và chồng du hí triền miên. Tôi hay dùng người thân để ám chỉ cho tình trạng hiện tại của chính mình. Cho việc tôi đang trụi lủi kiếp độc thân, trọn lỏn cảnh đơn lẻ. Cũng chỉ là bỡn cợt chút cho vui chứ, đủ thiếu gì!

Hồi mới chia tay, thi thoảng, Linh cũng nhắn tin chọc tức: “Tôi thả bà ra là sướng mập mình, thấy chưa?”. Và tôi cũng còn ham ba cái trò trả đũa nên, đôi khi, bấm nhanh một câu: “Còn ông? Không có con này, teo héo. Đúng không?”. Mà Linh gầy thật sau khi ra khỏi cuộc hôn nhân và rời khỏi nhà. Một ngôi nhà chiều theo ý muốn của tôi là dồn tất cả cho phòng ăn và gian bếp. Tôi ưa nấu nướng và luôn mê các trang bị, dụng cụ làm bếp hiện đại. Thích phòng ăn tiện nghi và sạch đẹp. Ghét đến quán xá, nhà hàng để thưởng thức món này, món khác. Linh, hai con cùng chàng rể và mấy đứa cháu ngoại chỉ thích thức ăn tôi nấu.

Tranh minh họa: Tào Linh
Tranh minh họa: Tào Linh

Gia đình con gái cuối tuần về luôn đặt món trước cho mẹ có thời gian chuẩn bị. Và, có cái đám lau nhau này hiếm khi Linh vắng mặt mà thằng út, có la cà đâu đó nhưng đến bữa cũng ráng mò về. Linh nói: “Phải giữ thể diện chứ” và cậu con trai chỉ cần chân chạm bậc hè đã chun mũi la lớn: “Ối mẹ. Thơm quá. Con đói sôi bụng rồi đây này”.

Nhắc đến con thấy nhớ và chợt nhận ra, tuần này, cả nhà chưa ai gặp được thằng nhóc. Hồi cậu nhỏ mới qua, tôi với Linh Facetime, Viber, Messenger với nó miết, sau thấy yên tâm hơn. Biết con bận rộn nhiều vì vừa học vừa phải làm thêm, chúng tôi cũng thưa thớt gọi sang. Chỉ nhắc con mỗi tuần gắng gặp gia đình một lần, hoặc ba hoặc mẹ hoặc chị. Tùy ý con muốn và ngày giờ cũng do thằng nhóc sắp đặt.

Dõi theo con, chúng tôi vui nhiều vì biết cậu nhỏ trưởng thành hẳn. Và giỏi giang đến không ngờ, sau khi sang bên đó. Ở nhà, Lâm cũng chẳng hư hỏng gì nhưng ý thức tự lập là con số không to đùng. Xong đại học có việc ngay và lương cũng khá, thế mà, chớ có khi nào tôi thấy được đồng bạc méo tròn gì của con.

Linh không ít lần la nẹt khi thấy thằng út vặn vẹo người xin xỏ mẹ tiền đồ xăng, uống cà phê, ăn sáng. Ở nhà, ngay đến mua cái bàn chải đánh răng cũng ới mẹ. Thế mà, khi xa nhà chẳng việc gì lại không biết và đã dám khoe với chị là em nấu ăn ngon ngang ngửa với mẹ rồi đấy.

Chị cứ dựa hơi gần mẹ không chừng thua đứt em, đừng có mà tức nhé! Nghe Lan, chị nó kể lại tôi mừng rân rấn nước mắt và Linh thừ người ra xoa cằm rất lâu. Ông này vẫn có cái tật đấy. Sướng thích cái gì là xoa xoa dù cằm không có lấy một cọng râu.

Thật ra, ý muốn cho con sang bên đó học là ở Linh. Tôi phần thương con phần thấy phí hoài cho mấy năm đại học của nó ở nhà. Kể ra, thằng bé cũng có ý chí vì không dễ mấy ai chịu bắt đầu trở lại chuyện học hành thi cử, khi, đã có công việc hẳn hoi.

Năm đầu, sau khi bỏ nhau Linh không hề héo lánh tới cửa nhà. Dù tôi nhắn dăm lần là về dọn hết đồ của ông đi và làm nốt các thủ tục ly dị.

Nghe các cháu nói ông ngoại vẫn ghé trường đón tụi nhỏ và có khi cùng ăn cơm với gia đình con gái. Còn Lâm, một lần nào đó đã chùng giọng khi kể: “Ba nói đâu muốn. Do ham chơi thích của lạ. Cũng tính qua đường cho vui. Ai dè mẹ làm gắt quá…”. Đó cũng là những suy nghĩ của tôi, sau khi Linh không còn chung sống.

Có gần vài chục năm còn là chồng vợ, chúng tôi tuy lủng củng đời lứa đôi nhưng lại êm mướt chuyện con cái. Tôi sinh dễ và nuôi dạy các con cũng nhẹ nhàng hơn người. Cả hai đứa đều học giỏi và hiền lành. Còn chàng rể của chúng tôi thì hiếu để, khó ai bì… Các cháu ngoại cũng rất kháu khỉnh đáng yêu. Thằng bé đầu đã vào lớp hai niên khóa vừa rồi.

Nghĩ lại, vợ chồng tôi sống với nhau không mấy êm ấm, thuận hòa. Nhưng giá như cả hai cứ giận lẫy kình cãi ngày bữa đi. Cứ khác quắc về nhiều thứ trong đời đi! Cứ vầy vậy cũng đâu sao! Vì có lụp chụp, vấp váp với người bước thấp kẻ bước cao nhưng vẫn là sát cạnh vẫn cận kề nhau, có khi, đến tận lúc tàn đời ấy chứ! Tàn đời chứ, chẳng phải là cuối đời đâu nhé!

Phải mà Linh đừng phản bội? Tôi cũng đã nấn níu thêm cuộc sống chung này, sau khi biết chồng có người tình đấy thôi. Tôi không dám đi tìm chứng cớ như nhiều người phụ nữ khác vẫn thường làm. Nhưng đã ráo riết đẩy xô Linh vào tình thế phải thú nhận. Và, không đừng được chồng tôi đã phải nói ra.

Đó là bữa cơm cuối tuần duy nhất không gia đình con gái, không có con trai. Chỉ chồng vợ ngồi đối diện nhau với tôi, ly rượu vang và Linh chung rượu thuốc. Linh kể rất nhanh về chuyện ngoại tình của mình với giọng mờ, âm đục. Nói một hơi trong tư thế cúi gằm mặt và thở hắt ra, sau khi kết thúc.

Tranh minh họa: Tào Linh
Tranh minh họa: Tào Linh

Tôi chăm chú nhìn Linh trong dáng vẻ bình thản cố ý. Cũng vậy, khi thấy Linh lên lầu thu dọn đồ đạc và bước nhanh ra khỏi nhà. Đó, cái cách Linh bước ra khỏi hôn nhân. Đó, cái kiểu Linh buông tôi ra khỏi đời chồng vợ. Tôi ngồi uống thêm mấy ly vang nữa và làm bạn với thứ nước nâu đỏ này, khi trở lại cuộc sống một mình. Và cũng từ đấy, giữ lệ giấc đêm, tấp vô quán cà phê của Phi ngồi đến tận khuya.

Qua con gái, tôi biết ông ấy và cô người yêu đã chia tay sau đúng mười hai tháng ăn ở với nhau. Vợ chồng Lan có mời về nhà, để tiện chăm sóc và đỡ khoản tiền mướn phòng. Nhưng Linh vẫn còn ái ngại, dùng dằng. Năm thứ hai sống riêng, đôi khi ông ấy tạt về nhà. Gia đình con gái vẫn cuối tuần kéo về ăn bắt cành hông các món mẹ nấu rồi đùm gói, đem đi. Linh cũng thường sang và hay đến sớm, để uống kịp với tôi tách cà phê sáng rồi chở tôi đi chợ và phụ tôi mấy việc vặt như lặt rau, giã ớt tỏi... Lan nhiều lần sửng người trước cảnh tượng này, bảo: “Con ước hồi ba mẹ chưa bỏ nhau, được vầy”. Con gái ước và tôi mơ. Mơ bá vơ, có phải?

…………………………..

Tôi với Phi thích được ngồi lại với nhau vào khoảng này. Cứ mỗi đứa vài ly vang cho suốt cả tiếng đồng hồ và gọi đó: cuộc rượu. Tôi thấy yêu cái quán nhỏ của Phi khi hết khách. Những ngọn đèn đã tắt, nhạc đã dừng và những bộ bàn ghế đã được xếp lại nhưng mùi cà phê xay hãy còn thoang thoảng. Trời nắng nóng, hai đứa thường ra ngồi ngoài mái hiên và dõi sang ngã tư đường, phía đối diện.

Ở đó có một ngôi nhà rất lạ vì ở phố mà không thèm sử dụng mặt tiền. Lại là mặt tiền nơi một con đường đang rất “hot”. Nhà cất thụp hẳn phía trong để chừa ra một khoảng sân khá rộng. Và, trồng trên ấy là cau, sake, mận… Vào những khuya có gió hương cau, hương hoa mận bay sang, thơm ngát hết cả khoảng hè.

Và vào những đêm trời không chịu tối, chúng tôi còn thấy được cả một ánh trăng rất muộn, trễ tràng hiện ra. Đẹp đến não nùng. Đó là cách ví von của Phi - một phụ nữ tự nhận mình vốn ít duyên với hôn nhân. Nhưng chẳng sao! In ít duyên thì nợ đời chồng vợ cũng tí ti thôi mà.

Vào những đêm mưa, chúng tôi ngồi sát nơi cửa kính nhìn những chùm lá lay bay. Là lá me. Phi hay chơi guitar mấy lúc đó. Sau khi các con không sống cùng, Phi bán căn nhà cũ rộng thênh chia gần hết cho tụi nó, chỉ giữ lại một phần nhỏ cộng với tiền dành dụm bấy lâu, mua lại mảnh đất này, rồi gầy dựng cái quán cà phê đây và dọn cho mình một chỗ ở trên lầu.

Phi tập chơi đàn từ đó, học trên mạng thôi nhưng bà này có năng khiếu nên chơi cũng đường được. Cái chính là tiếng đàn của Phi rất tình... Tình như cuộc hôn nhân ngắn ngủi mà đầy đặn hành phúc của bà ấy vậy. Chồng Phi cũng đã chọn một cái chết rất tình. Ông ấy đột tử ngay trên giường bên cạnh vợ. Chồng chết trẻ mà Phi lại sống già nên dặc dài quá, buồn bã quá cảnh một mình. Tôi hỏi một khuya:

- Chứ không não nùng à!

- Không đến thường xuyên thứ cảm xúc khủng khiếp ấy. Nên chịu được...

Câu trả lời của Phi khiến tôi chợt nhớ ra là bà bạn của mình đã ở góa cũng đến vài chục năm trời. Hồi thằng đầu nhà đây chưa được năm tuổi và con bé sau mới thôi nôi. Trong suốt khoảng thời gian ấy, cũng vài ba lần Phi định kết hôn thêm lần nữa. Nhưng, công việc cuốn siết rồi cuộc sống vốn đã yên ả của ba mẹ con, khiến Phi cứ mãi chùng chình.

Thấy lo sợ cho sự đổi thay cùng cảm giác lo âu, bất an và những chao đảo. Chút hạnh phúc lứa đôi có chắc là no đủ đầy đặn hay yếu ớt cọt còi? Và liệu có là đủ cho những đánh đổi hy sinh? Thế là cho qua lần một rồi lần hai… Rồi thêm tuổi thêm nhiều dằng dịt với những mối quan hệ như là có sui gia, rể và dâu, cháu nội rồi cháu ngoại. Những ngần ngại, đắn đo rất lửng lơ được thay thế bằng sự vững chãi trong đoan quyết cứ sống thế: một mình.

Gắn bó cùng nỗi lẻ đơn với hằng bao lần chặc lưỡi, khi, tự nhủ với riêng mình: “Chắc duyên chưa tới” rồi nâng nhẹ ly vang nhấp chậm trước khi nháy mắt, cười buồn: “Già đuối sức nên tình sao sung nổi, mày nhỉ?”. Tôi cũng nghĩ làm vậy. Yêu cũng cần phải siêng năng, mạnh mẽ lắm chứ bộ.

Dăm bảy năm sau này, không những âm thầm đoán định những tâm trạng của Phi qua cung cách uống rượu, tôi còn lằng lặng ngóng nghe những cảm xúc của Phi, qua tiếng đàn. Guitar qua những ngón tay dài thuôn của Phi như bật tung từng âm ồn động, rộn ràng… Đó là khi, tôi biết, một ai đó đang chớm bước vào tâm hồn bà ấy. Và sẽ ở lại? Và sẽ ra đi chứ! Không níu giữ sao? Đã tiễn biệt rồi ư! Không, sao tiếng đàn rã rời hoang trống buồn phiền đến làm vậy. Tiếng đàn Phi, có thể một khoảng thời gian nào đó cứ như tung tóe ra nỗi sướng thỏa đắm mê. Là khoe khoang ấy mà. Là bảo với thế gian này, là tôi đang yêu và hạnh phúc lắm nhé! Để rồi nhiều khoắc khuya rũ rượi trong vô vàn âm rời, đau đớn. Phi chơi đàn và bà ấy thổ lộ hết, kể lể hết, tỉ tê hết.

Tranh minh họa: Tào Linh
Tranh minh họa: Tào Linh

Phi làm tôi nhớ đến câu chuyện về một người khuya nào, cũng tìm đến bar để uống vài ly và nghe nhạc. Ông ấy luôn nói đúng boong thứ nỗi niềm mà gã chơi dương cầm từng đêm, từng đêm gửi gắm.

Vui, ông ấy ra hiệu với tay pha chế thức uống bằng khuôn mặt ngẩng cao, nụ cười tươi và mấy cái vỗ tay chậm khẽ. Buồn, ông ấy cúi đầu trầm ngâm rồi kêu thêm rượu. Có một đêm nghe tôi kể lại câu chuyện này, Phi ngửa cổ cao và cười lên khanh khách. Đó, cũng là lần đầu tôi nói Phi thì già thêm mà tiếng guitar của bà ấy thì cứ non mãi.

Non, bởi hãy còn run rẩy, động cựa, quẫy đạp mải miết với buồn vui ngọt ngào cay đắng. Rồi gọi đó một thứ non tơ cần thiết. Những non tơ trong cỗi già nghĩ suy, tính toán thiệt hơn so đo mất còn thua được. Có một lần uống hơi nhiều khiến liêng chiêng, tôi bảo khi nào tiếng đàn của bà hết còn non nớt nổi, thì đừng chơi guitar nữa. Và, bà ấy:

- Vì sao?

- Vì cần… Bởi, có thế tôi mới uống rượu ngon. 

- Đâu phải chỉ mỗi mình bà cần chuyện đó. Đúng không?

Cả tháng nay, biết khuya nào Linh cũng đợi vợ về. Biết cả việc chiều Linh lại đi đón cháu ngoại đưa về shop của tôi trên phố. Và, trong khi bà vừa bán hàng vừa trông cháu, ông lo về nhà mở cửa, tưới cây quét tước sân vườn, nấu cơm… Phi hay đề nghị dừng cuộc rượu của hai đứa sớm.

Tôi cũng thấy nóng lòng và không chối bỏ cảm giác thật dễ chịu khi dừng xe trước cửa, thấy cổng chỉ khép hờ và đèn nhà ngoài bật sáng. Rất khác với hằng bao đêm tôi, lui cui, tìm chìa khóa trong túi xách rồi, lúi chúi, mở cổng ngao ngán dắt xe vào và trễ nãi bật đèn. Khuya qua, cả người tôi bỗng gai gai lúc tay Linh vô tình chạm phải, khi đón lấy chiếc xe.

Và ngay trong đêm ấy, khi ngồi ăn bữa cơm thật muộn nhưng vừa hâm lại, rất ngon lành nóng sốt. Cùng nhau. Phải. Đã cùng nhau. Tôi gắng lấy hết vẻ uy nghi điềm tĩnh để hỏi: “Mối quan hệ giữa ông và tôi đang là gì đây, nhỉ?”.

Là một câu hỏi chẳng mới mẻ gì, và đã bật ra khỏi tôi cũng trên vài lần rồi. Có khác chăng những lần trước Linh im lặng còn lúc này, ông ấy nhìn tôi rất tình trước khi ỡm ờ nói: “Bà nghĩ dông dài chỉ cho đau đầu? Sâu sắc chi cho đau tim? Tới đâu tính đó… Cứ vầy vầy đi không hay sao! Bà đâu cảm thấy phiền lụy và tôi lại quá vui. Cả hai chúng ta đều thoải mái và con cái tụi mình, đứa gần đứa xa đều thấy nhẹ nhõm yên lòng”.

Ừ! Tụi nhỏ vốn mong mỏi vậy mà nên thấy nhẹ nhõm là cái chắc. Và Linh, rất mừng cũng hết trật luôn. Còn tôi. Và tôi???

Nguyễn Mỹ Nữ

Chuyện các bà ở quán bia hơi

Chuyện các bà ở quán bia hơi

Số phận và tâm hồn phụ nữ trú ngụ trong tủ lạnh. Tủ lạnh gọn gàng ngăn nắp, luôn có thực phẩm tươi vừa đủ thì là người phụ nữ chỉn chu...