Đoản khúc ta bà

Con đường chị đi thênh thang, gần như không lo trở ngại, tưởng như sẽ không ai hay điều gì cản nổi. Rồi đột nhiên những sự cố liên tiếp xảy đến...

Chị từng là một cái tên lừng lẫy trong làng truyền thông. Thành danh sớm, cung cách làm việc quyết liệt đeo bám khiến ngoài 30 chị đã là trưởng phòng một đài truyền hình lớn. Ngoài 40, chị nắm chức trưởng ban, trong tay cả trăm nhân sự, hô mưa gọi gió. Chuyên trách mảng kinh tế, chị tổ chức những chương trình, những tuyến tin bài có ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp, các ngân hàng, tác động cả đến diễn biến của các sàn giao dịch chứng khoán, thậm chí đến hoạn lộ của nhiều cán bộ.

Khi ấy, người ta vừa nể vừa ngại chị, vừa ghét vừa sợ chị. Người làm thân cũng nhiều, người xa lánh không ít. Có hề gì, chị vẫn ngạo nghễ với phong cách sống và làm việc mà mình chọn lựa. Con đường chị đi thênh thang, gần như không lo trở ngại, tưởng như sẽ không ai hay điều gì cản nổi.

Rồi đột nhiên những sự cố liên tiếp xảy đến. Bộ máy vẫn hùng mạnh, nhưng chị không còn quyền kiểm soát nữa, thậm chí trong giới xôn xao rằng chị sẽ phải ‘đáo tụng đình’. Thực hư chỉ người trong cuộc biết chính xác. Người ngoài chỉ thấy chị không còn xuất hiện nhiều như trước trên các kênh truyền thông, đàn em không còn tung hô, và những hiềm khích cũ được dịp bùng lên, biến thành những câu chuyện nặc danh lan truyền khắp chốn. Và đến một lúc, chị hoàn toàn biến mất. Không tới cơ quan, không đăng gì trên mạng xã hội, không lui tới với những người thân quen, cứ thế mà biến mất.

Tranh minh họa: Tào Linh
Tranh minh họa: Tào Linh

Bẵng đi gần 2 năm sau, có người nhận ra chị tình cờ xuất hiện trong một bức ảnh khách hành hương tình cờ chụp buổi hành lễ ở một ngôi chùa nơi đất Phật. Chị đã xuống tóc, vóc dáng gày gò, đôi mắt sâu nhắm nghiền và gò má nhô cao, không trang điểm. Đúng là chị.

Dư luận lại sôi lên sùng sục, chứng minh sức nóng từ chị vẫn vậy, dù chị có xuất hiện hay không. Ban đầu là những lời đồn ác ý, rằng chị ‘diễn’ thế thôi, tránh sự đeo bám truy đuổi; rằng chị đã phát điên, phải tìm đến cửa chùa để sám hối. Chỉ thế, chị không xuất hiện thêm lần nào, không thanh minh giải thích gì.

Tôi ngồi uống cà phê với anh, một người đồng nghiệp, một người bạn rất thân của chị khi trước, tình cờ nhắc tới chị.

- Anh có tin tức gì của chị ấy không? Bây giờ chị thế nào? Đã 5 năm ‘biến mất’ rồi còn gì?

- Anh không biết, cũng không hỏi - Anh bạn tôi trầm ngâm - Nhưng nếu chị ấy đi tu, thì đó là một lựa chọn mà chúng ta nên tôn trọng. Sự im lặng của chị ấy, cũng có thể hiểu là một lời đề nghị tôn trọng. Và anh hoàn toàn đồng ý.

Trong suốt thời gian đỉnh cao thành công và quyền lực của mình, chị luôn nói tới sự tử tế, khoan dung, yêu đời yêu người, lẽ phải. Có thể, chị đã chọn một cách thực hành bớt ồn ào, không trong đánh giá bởi lẽ đời.

Hai chiếc thẻ nằm ngay ngắn trên mặt bàn nước ở phòng khách, một để vào thang máy, một để mở khóa căn hộ chung cư cao cấp. Chị đi rồi.

Vừa qua ngưỡng 50, chị ngay ngắn trong một gia đình thành thị kiểu mẫu. Chồng doanh nhân thành đạt, con trai lớn giỏi giang, con gái út xinh xắn ngoan ngoãn, bản thân chị cũng không chỉ ngồi nhà nội trợ mà mở một tiệm thuốc để không uổng cái bằng dược sĩ của mình.

Nhưng dù cố gắng thế nào, sự kết nối của chị với mọi người, của mọi người với chị, ngày càng lỏng lẻo. Những bữa cơm có mặt đủ thành viên gia đình ngày càng thưa vắng, cho đến lúc hàng tháng trời căn bếp lạnh tanh.

Chị bắt đầu theo bạn bè đi chùa. Ban đầu, cũng như mọi người thôi, vào Rằm, Mùng Một. Rồi bắt đầu dự những buổi nghe giảng kinh của các cao tăng. Kế đến là tham gia những khóa tu, ngắn hạn, dài ngày.

Mỗi lần trở về nhà sau những chuyến tu dài, chị lại ít nói hơn. Chị lập ban thờ Phật, ngày hai buổi khoác áo nâu, đeo tràng hạt, quay mặt nhắm mắt tụng kinh. Chồng chị không nói gì, hình như anh có những bận tâm riêng tư bên ngoài…

Các con chị thương, nhưng cũng nhìn nhận rằng đã lâu lắm rồi mới thấy vẻ bình yên thực sự ở mẹ mình.

Rồi con trai lớn lập gia đình, ra ở riêng. Chị như bừng tỉnh, tất bật chăm chút chuẩn bị cho đám cưới. Để rồi hơn tháng sau, chị lặng lẽ rời nhà, để lại hai chiếc thẻ thay cho lời từ biệt.

Điện thoại chị vẫn bật, nhưng không nghe mọi cuộc gọi, vẫn đọc tin nhắn nhưng không trả lời. Người bố vẫn lặng im. Con trai lớn bật khóc, lái xe đi tìm mẹ khắp nơi. Nhưng con gái út của chị, chỉ riêng cô gái bé nhỏ ấy, ngày ngày vẫn nhắn tin với mẹ. Một chiều thôi. Rằng hôm nay con đi đâu, làm gì, gặp ai. Rằng hôm nay con đến quán mẹ con mình thích ngồi. Rằng con yêu và nhớ mẹ. Rằng mong mẹ bình an. Nhắn để thấy rằng mẹ mình ở đâu đó, vẫn đọc những dòng tin ấy.

Anh rời bỏ gia đình để đến với chị, người phụ nữ có nhan sắc bình thường, đã có một con riêng. Họ cứ vậy mà sống với nhau.

Anh tài hoa và đa tình, chỉ quen chơi không quen làm. Có sao đâu, chị một tay cáng đáng tất. Việc chính lương không đủ thì làm thêm, làm thêm vẫn thiếu thì buôn bán vòng quanh. Miễn sao anh vẫn ở đó, cạnh chị, đàn hát, ngâm thơ, và tiếp đón những tao nhân mặc khách tứ phương để chị được thỏa cái dạ ngắm anh tỏa sáng.

Cuộc sống cứ thế trôi được vài năm, gọi là yên bình hạnh phúc hay thế nào, chỉ chị rõ nhất. Bởi vì anh vẫn thế, rong chơi trong thế giới của mình, và đôi khi chợt nhớ, nắm tay chị.

Đột ngột, anh trở thành một trong hơn bốn mươi ba nghìn ca tử vong vì Covid ở Việt Nam. Rất nhanh, hôm trước nhập viện, ngày hôm sau anh đã ra đi.

Chị đóng băng ở cổng bệnh viện, đóng băng trong tang lễ thưa vắng vì dịch giã, đóng băng cho đến khi tro cốt của anh nương tựa một bảo tháp mật tông ở Hải Dương.

Chị cạo đầu, từ đó chỉ mặc áo nâu, vốn đã ít giao tiếp với mọi người, nay càng thu mình hơn. Thảng hoặc bạn bè biết chị vẫn loanh quanh ở đâu đó, là khi chị dùng nick Facebook của anh đăng lại một kỷ niệm cũ (mà cái cách hoài niệm đó còn day dứt hơn là lặng im).

Mãi đến giỗ đầu của anh, khi chị có thể bắt đầu thực hiện tâm nguyện đưa tro cốt của anh rắc khắp đầu Nam cuối Bắc cho thỏa chí tang bồng, người ta mới thấy dường như chị đã lấy lại thăng bằng.

Các chị đều đã tìm thấy điểm tựa nương nơi thiền môn, có thể là vì tự giác ngộ, có thể vì dòng đời xô đẩy. Tựu trung, ở đó, các chị có thể tránh được cõi ta bà. “Giá đâu đó có người đợi tôi” là tên tập truyện ngắn của một nữ nhà văn Pháp, với 12 mẩu truyện tràn ngập nỗi cô đơn và nhung nhớ con người. Hai nỗi niềm đó song song và day dứt, như là vòng lặp dìm con người vào bể khổ trầm luân mãi không thể dứt. Càng cô đơn, người ta càng nhung nhớ con người. Càng thèm nhớ con người, ta lại càng nhận ra mình cô đơn đến thế nào.

Thôi thì mỗi khi có ai đó một ngày khoác áo nâu, im lặng gõ mõ tụng kinh, hãy rộng lòng mà yêu thương họ hơn nữa. Vì lối họ đi, cũng có thể chính là nẻo về độ lượng nhất mà nhân sinh còn chưa thể hiểu ra.

Gia Hiền

Thư gửi em: Kết nối với bản thân

Thư gửi em: Kết nối với bản thân

Đứng yên không có nghĩa là mắc kẹt, ngắt bớt kết nối với thế giới chính là cơ hội để ta có thời gian kết nối với bản thân mình nhiều hơn.