Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới trong 20 năm qua, từ năm 2000-2019. 10 nguyên nhân này chiếm 55% trong tổng số 55.4 triệu ca tử vong toàn cầu.
Hầu hết đều liên quan đến 3 nhóm bệnh lớn: tim mạch (bệnh tim thiếu máu cục bộ, đột quỵ), hô hấp (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhiễm trùng đường hô hấp dưới) và các bệnh ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh (bao gồm ngạt sơ sinh và các tổn thương khi sinh, nhiễm trùng huyết và nhiễm trùng sơ sinh, cùng nhiều biến chứng của sinh non). Bao gồm: bệnh truyền nhiễm, bệnh không truyền nhiễm (mãn tính) và tai nạn.
Ở cấp độ toàn cầu, 7 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong năm 2019 là những bệnh không truyền nhiễm, chiếm 44% trong tổng số ca tử vong trên toàn thế giới, chiếm 80% số ca tử vong liên quan đến 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu này.
Bệnh nguy hiểm nhất là bệnh tim thiếu máu cục bộ, chiếm 16% tổng số ca tử vong trên thế giới. Từ 2000 đến nay, số lượng tử vong vì căn bệnh này tăng mạnh từ 2 triệu người (năm 2000) lên tới 8.9 triệu người (năm 2019).
Đột quỵ và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính lần lượt xếp ở vị trí thứ 2 và 3 trong danh sách, gây ra xấp xỉ 11% và 6% tổng số ca tử vong toàn cầu.
Nhiễm trùng đường hô hấp dưới xếp ở vị trí thứ 4 nhưng trong vòng 20 năm trở lại đây, người ta nhận thấy sự giảm dần của các ca tử vong vì bệnh này. Năm 2019 ghi nhận 2.6 triệu ca tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp dưới, ít hơn 460 nghìn ca so với năm 2000.
Các bệnh ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh xếp ở vị trí thứ 5. Đây là một trong những nguyên nhân có số ca tử vong giảm mạnh nhất trong 20 năm qua.
Người chết do các bệnh không truyền nhiễm có sự gia tăng. Số ca tử vong do ung thư phổi, khí quản, phế quản tăng từ 1.2 triệu (năm 2000) lên 1.8 triệu (năm 2019), và hiện đứng thứ 6 trong 10 nguyên nhân gây từ vong hàng đầu thế giới.
Năm 2019, Alzheimer và các bệnh sa sút trí tuệ khác được xếp ở vị trí thứ 7, đa phần các ca bệnh là phụ nữ. Toàn cầu ghi nhận 65% số người tử vong do Alzheimer và các bệnh sa sút trí tuệ khác là nữ giới.
Bệnh tiêu chảy có số ca tử vong giảm từ 2.6 triệu năm 2000 xuống còn 1.5 triệu năm 2019.
So với năm 2000, số người mất mạng vì tiểu đường tăng tới 70%. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở nam giới trong top 10 này, với số ca nam giới tử vong tăng tới 80% từ năm 2000 đến năm 2019.
HIV/AIDS từng nằm trong top 10 nhưng năm nay đã hoàn toàn biết mất. Số ca tử vong do nó gây ra giảm đến 51% trong 20 năm qua (năm 2000 nó đứng ở vị trí thứ 8 trong danh sách thì nay nó đã tụt xuống thứ 19).
Những bệnh về thận tăng 3 hạng và trở thành nguyên nhân gây tử vong cao thứ 10 trên thế giới, gây nên cái chết của 1.3 triệu người năm 2019, trong khi đó, con số này của những năm 2000 chỉ là 813 nghìn.
10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại các nước thu nhập trung bình thấp
Ngân hàng Thế giới phân chia kinh tế thế giới thành 4 nhóm thu nhập dựa trên tổng thu nhập quốc gia: nhóm các nước thu nhập thấp, trung bình thấp, trung bình cao và cao. Tính đến năm 2020, Việt Nam nằm ở nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp.
5/10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại các quốc gia có thu nhập trung bình thấp (trong đó có Việt Nam) là do bệnh không truyền nhiễm, 4 nguyên nhân là do bệnh truyền nhiễm và 1 nguyên nhân là do tai nạn gây tử vong. Lần lượt là bệnh tim thiếu máu cục bộ, đột quỵ, các bệnh ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhiễm trùng đường hô hấp dưới, tiêu chảy, bệnh lao, bệnh xơ gan, tiểu đường và tai nạn giao thông.
Bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ đứng đầu danh sách.
Tiểu đường là nguyên nhân có sự tăng cao về số lượng người tử vong trong nhóm quốc gia thu nhập trung bình thấp từ vị trí thứ 15 lên thứ 9.
Bệnh tiêu chảy cũng là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp.
HIV/AIDS cũng có sự sụt giảm mạnh số ca tử vong, từ vị trí thứ 8 trong danh sách vào những năm 2000 xuống thứ 15.
Vị trí thứ 10 lại thuộc về tai nạn giao thông. Tuy số lượng ca tử vong do nó gây ra trong 20 năm qua tăng không quá lớn nhưng cũng đã cướp đi sinh mạng của hơn 500 nghìn người.
Bệnh nhân tỉnh nhập viện TP.HCM được trả 100% bảo hiểm y tế từ 1-1-2021
Các trường hợp khám BHYT ngoại trú tại TP.HCM mới cần có giấy chuyển tuyến.