Dâu trưởng

Mẹ tôi nhớ mãi nụ cười dịu dàng của bác dâu tôi, nhớ ánh mắt ấm áp, và cách xử sự khéo léo mà chân tình với mọi người của bác.

Ông bà ngoại tôi có 12 người con, bốn trai, tám gái. Bác trưởng của cả nhà là con thứ ba tính từ trên xuống. Bác làm thẩm phán tận Châu Đốc, sau khi cưới vợ ở Hà nội.

Bác dâu tôi (ảnh dưới) đẹp người đẹp nết, theo chồng vào tận trong ấy, nhưng không năm nào quên gửi cho các em những món tiền nhỏ mừng tuổi. Trước năm 1940, việc đi lại khó lắm, trong vài năm, hai bác tôi không được về Hà Nội ăn tết với gia đình. Nhưng cái cách xử sự của bác dâu cả với cha mẹ và các em thì ông bà và các anh chị em trong nhà đều ưng lắm.

Dâu trưởng

Mẹ tôi kể, khi bác dâu sinh anh con trai đầu lòng, bác mới về Hà Nội, vì nghe nói ở Châu Đốc - Long Xuyên ngày ấy cũng không thuận tiện sinh hoạt. Cả nhà sung sướng vì có chị dâu trưởng trở về. Mẹ tôi nhớ mãi nụ cười dịu dàng của bác tôi, nhớ ánh mắt ấm áp, và cách xử sự khéo léo mà chân tình. với tất cả mọi người của bác. Mẹ bảo với ai, bác cũng tìm thấy một ưu điểm gì đó để khuyến khích phát huy. Bác không khen ai lộ liễu, nhưng các em trong nhà ai cũng thấy mình rất đặc biệt dưới mắt bác.

Rồi chiến tranh nổ ra. Bác lúc này đã tham gia cách mạng, trở thành cán bộ Hội Phụ nữ TW. Bác đi công tác suốt. Vì bác trai đã mất trước đó vài năm, nên bác không thể mang con theo. Bác gửi mẹ tôi chăm sóc anh Giáp, lúc đó mới năm tuổi. Rồi một lần anh Giáp đang chơi ngoài ruộng khoai trong An Toàn Khu là nơi mẹ tôi dạy học, đạn morchie của Pháp bắn tới, bom dội từ trên trời, và anh bị sức ép mà chết.

Mẹ tôi chứng kiến hai lần nỗi đau của bác, chứng kiến vẻ mặt ngơ ngác như đã chết từ trong lòng, nhưng không có giọt nước mắt nào chảy ra của bác. Bác cùng mẹ tôi an táng cho anh Giáp, rồi lại lặng lẽ trở về cơ quan. Từ đó, bác ít về nhà hơn, tuy vẫn đều đặn gửi tiền phụng dưỡng cha mẹ chồng

Mẹ tôi kể, phải rất nhiều năm sau, bác mới đi bước nữa. Vì sự chân tình của người đàn ông ấy, và vì sự khuyến khích của cơ quan. Rồi bác theo chồng sang nước ngoài làm công tác ngoại giao. Bác không còn là bác dâu cả của gia đình nữa. Nhưng chưa bao giờ, các anh chị em thuộc thế hệ mẹ tôi, và chính các cháu thuộc thế hệ tôi coi bác không phải là người của gia đình. Giỗ Tết, bác vẫn đều đặn có mặt, vẫn nụ cười ấm áp ấy, vẫn cách nói của người phụ nữ Hà Nội chuẩn, vẫn những chia sẻ đầy ân tình…

Bác mất đã được vài năm rồi, nhưng mỗi khi nhắc đến bác, các con cháu trong nhà lại tặng bác những lời ngợi ca, và coi bác như một biểu tượng phụ nữ can trường mà dịu dàng.

Trịnh Thanh Nhã

Chuyện đời chị Thắm và những con tôm ướp nước mắt

Chuyện đời chị Thắm và những con tôm ướp nước mắt

Nước mắt chị long lanh như kim cương, không biết có ướp vô tôm không, mà người ta nói tôm khô chị ngọt lạ lắm, cứ ghim vào trong lòng.