Series cổ trang kinh dị "Tết ở làng Địa Ngục" của đạo diễn Trần Hữu Tấn hiện vẫn đang xếp hạng cao trên nền tảng Netflix, K+. Ngay từ khi ra mắt, với sự đầu tư chỉn chu và chất lượng từ nội dung đến bối cảnh, phục trang, bộ phim đa gây ấn tượng mạnh với đậm đà màu sắc yếu tố dân gian.
Hóa trang gây ấn tượng trong phim "Tết ở làng Địa Ngục". |
Bộ phim đưa người xem về thời xưa, với bối cảnh là một ngôi làng xa xôi trên ngọn núi hoang vu. Ở đó, người ta đón Tết trong sự kinh hãi tột độ, hoài nghi đau đáu và giận dữ khôn cùng trước sự ập tới của những bi kịch tàn khốc. Ngôi làng ấy vốn dĩ không có tên, nhưng những người nơi đây mặc định chốn này là Địa Ngục. Dân trong làng không ai dám tự ý băng rừng thoát khỏi làng, càng không biết thế giới bên ngoài rộng lớn như thế nào, bởi lẽ họ sợ người khác sẽ biết rằng bản thân mình vốn là hậu duệ của băng cướp khét tiếng ở truông nhà Hồ dưới thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Trong kỳ trước, chúng ta đã biết đến một truông nhà Hồ rậm rì cây cối, sương phủ mù mịt quanh năm trắng rừng. Trong câu ca xưa, bên cạnh truông nhà Hồ rùng rợn còn có một phá Tam Giang cũng lừng lẫy hung hiểm không kém. Bởi ngày xưa, muốn đi vào Huế, người ta phải đi đường bộ (qua truông nhà Hồ) hoặc đi đường thủy (qua phá Tam Giang).
Tương truyền, phá Tam Giang là nơi lòng sâu nước cả, thậm chí xuất hiện sóng thần nên thuyền bè qua đây thường gặp nạn. Thời xưa, nơi này khiến người ta đau đáu sợ cướp, sợ giết và sợ cả tình duyên cách trở như lời nức nở trong câu ca:
"Phá Tam Giang chắn ngay nẻo nhớ
Truông nhà Hồ làm khổ lòng nhau
Cho nên xin hẹn kiếp sau
Đổ truông nhà Hồ, đập phá Tam Giang".
Vậy phá Tam Giang là nơi như thế nào mà khiến người ta khiếp sợ như vậy, đến yêu nhau còn phải hẹn kiếp sau?
Truông nhà Hồ, phá Tam Giang là hai địa điểm rùng rợn, khởi nguồn cho những câu chuyện đẫm máu trong bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết kinh dị cùng tên Tết ở làng Địa Ngục. |
Trong Đại Nam nhất thống chí có nhắc đến lịch sử khi xưa của phá Tam Giang. Phá Tam Giang thuộc địa phận của huyện Phong Điền và Quảng Điền, trước là nơi biển cạn, gọi là Hạt Hải. Năm Minh Mạng thử 2 đổi tên phá Tam Giang, Nam Bắc dài 30 dặm, Đông và Tây rộng chừng 6 dặm.
"Từ hạ lưu sông Lương Điền chảy xuống phá, về phía Tây Nam có dòng nước đổ vào một là cửa sông Tả, một là cửa sông Trung, một là cửa sông Hữu, mỗi dòng đều chảy những 2, 3 dặm mà vào nên gọi là "Phá Tam Giang". Lại chảy về phía Đông Nam 25 dặm, mà hợp với sông Hương để ra cửa Thuận An. Nước sông sâu rộng, thường có sóng gió bất trắc, thuyền đi nên đề phòng".
Phá Tam Giang thời xưa là vùng nước rộng lớn, nhiều xoáy nước hiểm trở. Ảnh: Tô Đi Đâu. |
Nơi giao điểm của ngã ba sông lại là đường ra cửa biển hẹp nên xuất hiện nhiều vùng nước xoáy, sóng to gió lớn. Tương truyền nơi này còn có sóng thần nên nhiều thuyền bè không dám qua lại. Nếu như truông nhà Hồ là nơi quân thổ phỉ, thảo khấu cướp bóc, giết hại người dân thì phá Tam Giang cũng chẳng kém. Thủy tặc nơi này hoành hành dữ dội. Người dân dù sống cuộc đời trên bến, dưới thuyền những cũng nhất mực khiếp sợ.
Trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, ông có nhắc đến cả vùng truông nhà Hồ lẫn phá Tam Giang như thế này. Đoạn đường vào Thuận Hóa, chỉ có con đường từ Phù Tôn, huyện Lệ Thủy đến Lệ Xá huyện Minh Linh, dọc đường đến Quán Cát, Quán Liên, Quán Bụt và Quán Hà Kỷ, có dân cư ở hai bên, khách đi đường và ăn cơm, nằm trọ ở đây, còn từ quán trọ ấy cho đến của Ải Vân thì không có cái quán trọ nào nữa. Cuốn Ô châu cận lục cũng có nói: "Đường đi dài nghìn dặm tuyệt không có một cái quán nào".
"Thành Phú Xuân ở Thuận Hóa có bốn cái đầm nước to và có bốn cửa bể, mặt trước là cái đầm Hà Trung chảy ra cửa Tu Dung (tục gọi là cửa Mù U), đầm Phượng chảy ra cửa Ái Hải, đằng sau về phía tả thì có đầm Tam Giang chảy ra cửa Yêu Hải (tục gọi là Cửa Eo).
Phá Tam Giang xưa kia là một nơi có cả thủy tặc lẫn sóng thần. Ảnh: Lê Thanh Sinh. |
Dinh Phú Xuân có 5 lần "hồ thủy" bao bọc mặt truớc: Một là Tả trạch nguyên chảy xuống sông Phú Xuân, hai là sông An Nông, ba là Hưng Bình nguyên chảy vào đầm Hà Trung, năm là nước nguồn ở đèo Mệt Mỏi chảy xuống bến Canh Dương. Có ba lần bãi "long sa" chặn bên tả : Một là phố Thanh Hà ở về bên tả cầu Lạc Nô, hai là các xã Hồng Phúc, Thuận Hóa ở về bên tả thượng lưu sông Ngã ba Sênh, ba là các xã Bình Thanh, Thái Dương thẳng đến Cửa Eo ở bên tả về hạ lưu đầm Tam Giang" - trích Phủ biên tạp lục.
Nói như vậy để thấy rằng, hệ thống đầm phá xưa kia ở khu vực phá Tam Giang rộng lớn và hóc hiểm như thế. Những tưởng tên gọi "phá" chỉ một vùng nhỏ, nhưng theo sử sách cũ, xưa kia nhiều nơi cũng không đồng nhất cách gọi này lắm, có tài liệu cho rằng, phá còn chỉ vụng biển hay cửa biển. Dù gọi theo cách nào đi chăng nữa, phá Tam Giang xưa cũng là một vùng rộng lớn và nguy hiểm. Vì nơi đây còn được cho là xuất hiện sóng thần thì nào chỉ là một khoảng sông nước nhỏ bé.
Ven phá Tam Giang là vùng sình lầy, đầy rú cây chá tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ cướp ẩn nấp. Ảnh: D.Tiến |
Sau khi dẹp yên băng đảng cướp bóc tàn bạo ở truông nhà Hồ, quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng tiếp tục tìm cách trị thủy tặc và sóng thần ở phá Tam Giang. Ông vừa sai quân đào bới, khai mở rộng cửa phá để trừ sóng dữ, vừa khai thông vùng đáy nên sóng ngầm cũng thuyên giảm. Khi ấy dân lành mới yên tâm mưu sinh trên vùng phá rộng lớn này.
Trong Đại Nam nhất thống chí còn nhắc đến một tích cũ, vua Thái Tông từng đến đây chơi, trông thấy sóng làm hại thuyền, nổi giận sai đe đại bác ra bắn, trúng được 2 ngọn sóng máu phun ra đỏ cả dòng nước, còn một sóng chạy ra biển cả trốn mất. Từ đấy thuyền bè đi lại không lo gì nữa, đến nay người ta còn ca tụng.
photo_2023-11-28_10-31-13 |
Là phá nằm trong hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, phá Tam Giang có diện tích khoảng 52km2, trải dài khoảng 24km theo cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương, thuộc địa phận của TP. Huế và hai huyện Phong Điền, Quảng Điền thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.
Phá Tam Giang là vùng nước lợ rộng lớn, thu hút hàng nghìn khách du lịch trong và ngoài nước mỗi năm. Ảnh: D.Tiến |
Phá Tam Giang là vùng phá chiếm diện tích lớn nhất của Việt Nam, nơi đây còn là vùng nước lợ có diện tích lớn nhất Đông Nam Á. Độ sâu trung bình từ 2-4m, có nơi sâu đến 7m, nơi đây chứa hệ sinh thái đa dạng, đến hàng nghìn tấn hải sản, tôm cá các loại.
Nếu xưa kia người ta e ngại một vùng Tam Giang hiểm trở, muốn đến thăm mà lại sợ mất mạng, đành "hẹn nhau kiếp sau" như trong câu ca: "Đường vô xứ Huế quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ/ Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang..." thì nay phá Tam Giang đã trở thành địa điểm du lịch lý tưởng của biết bao người. Nếu đến Huế mà không ghé phá Tam Giang một lần hẳn là nuối tiếc lắm.
Ở phá Tam Giang người ta đến thăm các rú ven bờ, chẳng hạn như rừng ngập mặn Rú Chá là một điểm đến vẫn giữ được nét hoang sơ. Rú là cách gọi bản địa, nghĩa là rừng, Chá là loài cây "đặc sản" mọc tua tủa ở vùng đất này. Rú Chá thu hút người ta không chỉ vì vùng đất đậm màu sắc dân gian này mà loại cây đặc trưng ấy còn chuyển màu theo cảnh sắc bốn mùa thật đẹp.
Cảnh sắc Rú Chá mùa thay lá khiến lòng người xao xuyến. Chẳng ai nghĩ nơi cảnh đẹp như tranh vẽ này xưa kia lại là nơi lộng hành của quân cướp bóc, chém giết người. Ảnh: Trường Bùi. |
Mang trong mình nét đẹp hoang sơ, bình yên và là điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến khám phá, phá Tam Giang hung hiểm trong quá khứ đã mờ nhạt trong tâm trí người đời sau. Thậm chí, nhiều người còn chẳng biết đến một quá khứ lừng lẫy như thế của vùng phá đầy xoáy sâu nước hiểm này như vậy.
Người ta chỉ biết đến cảnh sắc nên thơ và yên bình của một vùng phá đầy mộng mơ, trữ tình của Huế. Ngắm bình minh trên phá, ghé làng chài đi chợ hải sản, thăm thú vùng nước mênh mông, chèo SUP, chụp những bức ảnh tuyệt đẹp ở đầm Cầu Hai, may mắn thì gặp đúng ngày ngư dân tổ chức lễ cầu ngư, khám phá chợ nổi, ăn những món ngon, đến chiều tà đón hoàng hôn diễm lệ trên sóng nước cũng đủ lấp đầy tâm trí yêu thiên nhiên và vẻ đẹp của mỗi du khách đến nơi này.
Cậu Đức “Tết ở làng địa ngục” gương mặt lãng tử, body cuồn cuộn, ngoài đời visual còn mê hơn!
Trước khi gây chú ý tại “Tết ở làng địa ngục”, anh chàng đã là một hot boy có tiếng.