Mới đây, trong một group có hơn 2 triệu người theo dõi, một sĩ tử 2k6 đã chia sẻ câu chuyện đi học đại học của mình.
Theo đó, dù rất muốn đi học đại học, nhưng mẹ của nữ sinh này lại khuyên con nên ở nhà làm công nhân. Về lý do, phụ huynh khuyên nữ sinh "nhà mình đông em, con ở nhà mà đi làm đỡ đần gia đình đi". Ngoài ra, người mẹ này cũng cho rằng nếu đi học 4 năm ra trường tốn ngót nghét 200 triệu, còn không biết có xin được việc không, trong khi ở nhà làm công nhân thì sau 4 năm tích góp có thể tiết kiệm được 100 triệu rồi, làm vài năm rồi đi lấy chồng cũng được.
"Thiên hạ cũng vậy hết đấy. Thôi mẹ nói vậy con cũng suy nghĩ đi. Nếu con có khả năng tự trang trải cho 4 năm học mà không xin mẹ thì mẹ không cấm cản con", người mẹ nói thêm.
Bạn trẻ này đáp lại: "Mẹ ơi con ở quê, đến giờ là lần đầu bước chân lên Hà Nội thì con biết làm gì để chi trả học phí cho năm đầu ạ. Nếu mẹ đã nói vậy thì con cũng chẳng biết nói gì được nữa".
Toàn bộ chia sẻ của học sinh này với mẹ của mình |
Netizen nói gì?
Bài đăng của sĩ tử này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dân tình. Ai cũng đưa ra lời an ủi, cùng với đó là lời khuyên cho bạn học sinh này. Đến thời điểm hiện tại, bài đăng đã thu về gần 7k lượt react và hơn 2k bình luận.
Người dùng N.X.H nói: "Nếu em quyết tâm thì cố gắng đi học em ạ. Lên Hà Nội thì tìm các cửa hàng, quán cafe làm part-time vậy. Về học phí thì em tìm hiểu vay thêm của Ngân hàng chính sách xã hội xem được không, hay làm đơn vay vốn từ trường. Nhà càng đông em thì càng nên học để có việc tử tế, lâu dài còn lo được cho bản thân với hỗ trợ bố mẹ. Chứ làm công nhân đến tầm 40 tuổi là sức khỏe suy giảm, em là nữ thì có khi chỉ đến 30 là yếu rồi, lúc đấy lại gặp suy thoái kinh tế hay cắt giảm nhân sự thì bố mẹ hay các em của em có nuôi em không?".
"Em có thể cân nhắc các hướng sau: (1) Đi làm trước, có tí vốn rồi đăng ký học đại học online, vừa làm vừa học; (2) Đi học luôn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc em phải vay trước 1 khoản vốn để đóng học phí năm đầu. Sau đó vừa học, vừa làm thêm, xin các quỹ học bổng (học bổng cho GPA giỏi, học bổng cho sinh viên khó khăn, hoặc các nguồn hỗ trợ từ thầy cô anh chị cùng ngành, doanh nghiệp kèm cam kết...) Nhưng dù là hướng nào, sớm hay muộn, anh vẫn hi vọng em giữ vững ý chí học tập. Càng lớn càng không có bằng cấp thì càng khổ em ạ", Nickname P.Y để lại quan điểm.
"Anh cũng từng như em này, cũng bất chấp để được đi học, tự trang trải học phí, sinh hoạt ở Sài Gòn và bây giờ, khi là sinh viên năm cuối, cũng có công việc khá ổn thì anh lại càng chắc chắn hơn về lựa chọn của mình. Bước tới đường cùng, anh bất chấp để vươn lên. Hành trình tuy rất cực, nhưng anh không bao giờ hối hận. Chúc em đạt được mục tiêu của mình nhá", người dùng T.L tâm sự.
Bạn T.H chia sẻ: "Hiểu hoàn cảnh của bạn, bố mình cũng nói với mình như vậy mà là nói trực tiếp chứ không phải nhắn tin như này. Nhưng mình kiên quyết tiếp tục đi học, giờ mình đi làm công nhân để tích góp tiền sắp tới đi học đây. Mình tin con đường học tập sẽ khiến mình thay đổi".
Ngược lại, cũng có người bày tỏ trước khi "muốn làm gì" thì phải nhìn vào thực tế gia đình, đôi khi không phải cứ muốn là được. Đó chính là quan điểm của bạn N.T: "Nếu mà nhà khó khăn quá thì bạn học cao đẳng hoặc học nghề đi, giờ học đại học ra cũng chưa chắc xin được việc. Ít ra học nghề còn có nghề để đi làm kiếm tiền. Bạn muốn học đại học nhưng cũng phải nhìn vào thực tế gia đình bạn ra sao đã chứ".
"Thật sự nhà đã khó khăn đông con thì bạn chỉ có thể tự cố gắng thôi, không thể ích kỉ được vì còn các em nữa. Nếu thực sự muốn học thì nghỉ 1 năm đi làm công ty, tiết kiệm lấy vốn rồi năm sau thi lại thôi, cũng nhiều trường hợp như vậy", nickname T.N bày tỏ.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng nghi ngờ về tính chân thực của đoạn đối thoại nói trên do cách nhắn tin của 2 nhân vật "mẹ" và "con" giống y xì nhau. Dẫu vậy, bất chấp thực hư, những trăn trở từ đoạn tin nhắn là những trăn trở đời thường mà không ít gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã và vẫn đang thực sự gặp phải.
Học sinh có thể làm gì để phụ giúp gia chi phí đại học?
Áp lực về điểm số qua đi, nhiều bạn học sinh phải đối mặt với một nỗi lo khác mang tên học phí, đặc biệt là khi học phí của các trường hiện nay đang tăng rất cao. Tuy nhiên nhìn từ thực tế, có rất nhiều cách các bạn có thể làm để hỗ trợ gia đình về khoản tài chính trong quá trình học đại học.
Một trong những giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất mà học sinh có thể làm là nỗ lực hết mình trong học tập để có thể đạt được thành tích cao, từ đó mở ra cơ hội nhận được học bổng từ trường. Hiện nay, các trường có đa dạng những gói học bổng cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, tích cực tham gia các hoạt động đoàn hội. Chưa dừng lại ở đó, chúng còn có thể là học bổng từ chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp... Hồ sơ học bổng thường yêu cầu chứng minh năng lực học tập và hoàn cảnh gia đình, vì vậy việc chuẩn bị kỹ lưỡng các giấy tờ, chứng chỉ liên quan là hết sức cần thiết.
Nếu việc tìm kiếm học bổng gặp khó khăn, học sinh cũng có thể xem xét đến việc vay vốn từ các ngân hàng hay các trường đại học với lãi suất ưu đãi dành cho sinh viên. Đây là một giải pháp tài chính hợp lý, giúp sinh viên có thời gian tập trung vào việc học mà không phải lo lắng về vấn đề tài chính ngay lập tức. Ngoài ra, chúng ta cũng không thể không nhắc đến việc lựa chọn các trường đại học có chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên khó khăn. Việc này đòi hỏi sinh viên phải tìm hiểu kỹ lưỡng về các chương trình hỗ trợ của từng trường để có thể lựa chọn môi trường phù hợp nhất với hoàn cảnh của mình.
Ảnh minh họa |
Tìm kiếm các công việc part time cũng là một lựa chọn thông minh để học sinh vừa có cơ hội rèn luyện kỹ năng, vừa có thể kiếm thêm thu nhập hỗ trợ cho việc học. Tuy nhiên, sinh viên cần tìm hiểu kỹ để tránh rơi vào các "bẫy" lừa đào việc làm đang nhan nhản hiện nay.
Mặc dù hành trình có thể trải đầy thử thách, nhưng bằng lòng quyết đoan và nỗ lực không ngừng, học sinh hoàn toàn có thể chinh phục mọi khó khăn để bước tiếp trên con đường học vấn. Sự bền bỉ chính là con đường giúp mở ra cửa sổ tri thức, định hình tương lai.
Tổng hợp
Ông bố Hà Nội lên mạng xin ý kiến chọn trường cấp 1, phụ huynh "thả" 1 câu gây tranh cãi: Không có tiền thì nghĩ nhiều!
Chủ đề ông bố này đưa ra ngay lập tức thu hút sự quan tâm.