Dọn nhà cuối năm

Cuối năm giáp Tết, chợ lao động vắng hoe, chỉ có hai người đàn ông trung niên và một thằng bé chừng 14 - 15 tuổi, nhỏ nhắn nhưng có lanh lợi.

Sắp Tết đến nơi rồi mà nhà cửa cứ bừa bộn. Cuối năm, sao mà có lắm việc lặt vặt thế không biết, cứ tối mắt cả ngày cũng không hết việc. Tuy nhiên, bận gì thì bận nhưng nhà và cửa cứ phải dọn dẹp cho tươm tất cái đã; chả gì cả năm cũng chỉ có ngày Tết, ai lại để nhem nhuốc thế được.

Đợi chồng về chẳng biết tới khi nào, cô Hoài bèn lấy xe máy phóng ù ra cái chợ lao động ở đầu phố. Cuối năm giáp Tết, chợ vắng hoe, chỉ có hai người đàn ông trung niên và một thằng bé chừng 14 - 15 tuổi, người nhỏ nhắn nhưng xem ra có phần khỏe mạnh, lanh lợi. Thấy cô Hoài dừng xe, hai người đàn ông mau mắn sáp tới: “Bà chị cần làm việc gì? Quét vôi hay là sơn cổng?”. Thằng bé đang mải để ý tới chuyện gì đó nên khi nghe tiếng hai người đàn ông, nó mới vội vàng đứng dậy: “Cô ơi, việc nặng hay việc nhẹ hả cô?”. Cô Hoài ngần ngừ nhìn hai người đàn ông rồi quay sang nhìn thằng bé.

Cái mặt thằng bé thoạt trông có vẻ già dặn, cứng cỏi nhưng rồi nhìn kỹ vẫn thấy nó chưa hết được những nét ngây ngô, thơ dại. Tội nghiệp nó, hôm nay đã là 26 Tết rồi còn gì! Những đứa trẻ thành phố giờ này hẳn đang nhõng nhẽo đòi bố mẹ sắm cho những món quà Tết mà chúng ưa thích. Một chút thương cảm trào lên trong lòng. Cô Hoài liền khoát tay: “Việc nhẹ. Cháu làm được!”. Hai người đàn ông tự giác đứng lùi ra rồi quay lại chỗ ngồi. Thằng bé trông rạng rỡ hẳn lên, nó quay lại lấy cái túi xách rồi nhanh chóng tót lên ngồi sau xe cô Hoài và cũng không quên ngoái lại lí nhí nói lời cảm ơn với hai người đàn ông. Tiết cuối năm, trời rét căm căm.

Tranh minh họa: Tào Linh.
Tranh minh họa: Tào Linh.

Ngồi sau xe cô Hoài đi ngược chiều gió, người thằng bé lạnh run dưới tấm áo len mỏng, nó ngồi xích vào sát cô Hoài, hai tay nắm chặt hai vai áo khoác của cô, đầu nó gục vào lưng cô như tìm kiếm một sự che chở. Thấy người ấm lên rất nhiều, nó bỗng nhớ tới lúc nó và cái Lan em nó tranh nhau được ngồi vào lòng mẹ bên cái ổ rơm trong gian bếp ở quê. Cô Hoài không để ý tới nó nên vẫn cho xe chạy nhanh, cô đang mải lo cho cái chuyện dọn dẹp nhà cửa này cho xong đi để còn chuyển qua việc khác.

Thế rồi hai cô cháu lúi húi kê kê, xếp xếp, quét dọn lau chùi mất gần cả buổi sáng mà xem chừng vẫn chưa đâu vào đâu. Gần trưa, cô Hoài thấy công việc cũng chưa thể xong ngay được liền nói:

- Thôi, trưa nay cháu cứ ở lại ăn cơm với cô, rồi đến chiều cô cháu mình lại “chiến đấu” tiếp! Bây giờ cô đi nấu cơm còn cháu vào lau mấy cái khung ảnh ở phòng trong cho cô nhé!

Thằng bé hớn hở ra mặt vì thấy bà chủ nhà xởi lởi; và nữa, chả gì thì bữa trưa nay nó cũng bớt được dăm ngàn tiền cơm hàng. Lòng phấn chấn, nó hăm hở đi lấy khăn ướt rồi hý hoáy kê ghế lên để gỡ từng bức ảnh xuống. Thật ra thì tất cả những bức ảnh ở trên tường đều còn khá sạch sẽ, nhưng với người thành phố thì dường như cái chuyện sạch nó không có giới hạn.

Bức ảnh đầu tiên là một bé gái bụ bẫm, xinh xắn trong một bộ váy màu hồng nhạt. Thằng bé có vẻ xúc động, nó đứng ngẩn người ra ngắm nghía một lúc rồi mới cẩn thận lau chùi. Nó bỗng nhớ tới cái Lan em nó. Hôm đi ra ngoài này, nó đã hứa với cái Lan là đến Tết, về có tiền anh sẽ mua cho một cái váy thật diện, vậy mà hôm nay đã là 26 Tết rồi mà nó vẫn còn ở đây. Chắc là giờ này ở nhà, cái Lan đang ngóng anh lắm đây!

Sang bức thứ hai là ảnh cưới của cô Hoài. Trong ảnh nom cô Hoài thật tươi tắn, nhìn gương mặt của cô thấy hiện lên rõ cái vẻ mãn nguyện về hạnh phúc trong ngày cưới của mình. Thằng bé lại bắt đầu ngắm nghía. Nó lại nhớ tới mẹ nó. Mẹ nó cũng đẹp lắm, nhưng chỉ tội mẹ nó quanh năm vất vả, cực nhọc; hết cấy cày, gặt hái rồi lại chăn tằm quay sợi chứ chẳng được nhàn nhã như cô Hoài. Nó thương mẹ nó lắm, nên đang đi học mà nó bỏ dở trốn nhà ra ngoài này đi làm.

Nhưng rồi mắt nó chợt hoa lên, tối sầm lại, tấm ảnh nhòa đi trước mặt nó. Nó đói quá chăng? Không phải, thường ngày nó nhịn đói bữa sáng nhưng sáng nay chú Toàn cùng quê ghé qua cho nó ổ bánh mỳ, nó còn ăn hết rồi mới đi làm cơ mà! Nó lấy tay dụi mắt rồi nhìn lại tấm ảnh một lần nữa, đầu óc nó choáng váng, nó đứng lên lảo đảo rồi cứ thế cắm đầu chạy ra đường...

Cô Hoài từ trong bếp đi ra thì đã không thấy thằng bé đâu cả. Cô giật mình vì thoáng nghĩ nó là kẻ gian, nhưng rồi kiểm tra lại mọi thứ đồ đạc trong nhà thì không thấy mất mát gì. Nhìn mấy cái khung ảnh nằm chỏng chơ trên sàn nhà, cô Hoài cố suy đoán nhưng rồi cũng không biết chuyện gì đã xảy ra. Vâng cô Hoài không biết cũng phải, bởi cô đâu biết được rằng trong lúc lau chùi các bức ảnh, thằng bé đã nhận ra người đàn ông đứng cạnh cô Hoài trong tấm ảnh cưới kia lại chính là cha nó!..

Trần Hồng Giang

Dọn nhà, như dọn một phần đời...

Dọn nhà, như dọn một phần đời...

Việc dọn dẹp nhà cửa trở thành niềm vui, "nghi lễ" để tưởng nhớ những người đã xa, thương những điều đã cũ.