Du học chỉ là “cái mác”
Đại diện trường Đại học Quốc gia Incheon cho biết, số du học sinh đăng ký khóa học ngôn ngữ ngắn hạn tại trường gia tăng bất thường. Năm 2017, khóa đào tạo ngắn hạn chỉ thu hút 43 sinh viên Việt Nam; năm 2018, tăng lên đến 951 người và năm 2019, tăng lên 1.900 người.
Người Việt thường sang Hàn Quốc làm “chui” với những công việc không cần trình độ, ngôn ngữ thế này. |
Được biết, mỗi năm trường tổ chức bốn học kỳ. Chỉ có hai nhân sự cấp cao quản lí gần 2.000 du học sinh theo học đầy đủ mỗi học kỳ. Các đối tác tập hợp du học sinh tại Việt Nam và gửi đến các trường ở Hàn Quốc sẽ chịu trách nhiệm sắp xếp chỗ ở cho du học sinh. Vì vậy, khi sinh viên “biến mất”, trường khó lòng phát hiện.
Ông Võ Lam Xuân - giảng viên Đại học Busan (Hàn Quốc) - cho rằng, khả năng cao là những du học sinh này đã toan tính sang Hàn Quốc để kiếm sống chứ không chỉ để học tiếng Hàn. Theo ông, việc sinh viên bỏ trốn như trên là bình thường, đa số các trường không muốn báo đăng tin do sợ mất uy tín.
Hàn Quốc chưa hẳn là thiên đường
Ông Võ Lam Xuân phân tích, ở quê nhà, nhất là ở các tỉnh miền Trung, do đường mưu sinh khó khăn, người trẻ sang Hàn Quốc lao động, kể cả lao động bất hợp pháp.
Bảng tuyển dụng lao động bằng tiếng Việt, Hàn, Nga, Anh, Trung Quốc trên đường phố Hàn Quốc. |
Nhiều người trẻ ở TP.Busan cho biết, họ phải làm việc suốt ngày trong nhà kính giữa mùa đông giá rét, nhưng lương chỉ từ 50.000-70.000 won/ngày, bởi họ không có giấy tờ hợp lệ, cũng không biết tiếng Hàn. Phần lớn các bạn trẻ này sang Hàn Quốc bằng hộ chiếu du lịch và lao động ngắn hạn để kiếm tiền nên chấp nhận mọi công việc.
Anh Dũng (24 tuổi, Thanh Hóa) sang Hàn Quốc thu hoạch nông trại vụ thu đông bằng visa du lịch. Dũng cho biết: “Công việc phổ thông đầy ra đó. Nếu có “cò” đưa đến chỗ làm, mình mất tiền môi giới. Còn biết chút tiếng thì hầu như xin việc ở các công trường xây dựng, nông trại dễ vô cùng. Họ trưng cả bảng tuyển dụng lao động bằng tiếng Việt ra nhiều con phố”.
Nói là lương rất cao (xấp xỉ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/ngày) nhưng nhiều nhóm lao động người Việt cũng bị ăn chặn tiền, vì chủ chỉ thuê người giao dịch và môi giới chứ không trực tiếp làm việc hay hợp đồng (dù là hợp đồng miệng) với từng người lao động.
Đông hay hè, thời tiết khắc nghiệt của những vùng quê hẻo lánh ở Hàn Quốc đã quật ngã nhiều lao động Việt Nam. Phải ngâm nước lạnh làm đồng giữa mùa giá rét, nhiều người phồng rộp, nứt nẻ tay chân, viêm phổi, thuốc thang đến sạch túi. Khi visa hết hạn, không có tiền về nước.
Người Việt sang Hàn Quốc làm những công việc thế này tại các vùng nông thôn. |
Muôn phần khó khăn với du học sinh thực sự
Theo Bộ Tư pháp Hàn Quốc, số lượng du học sinh nước ngoài cố tình bỏ trốn, ở lại quá thời hạn dành cho thị thực trao đổi ngôn ngữ đã tăng gấp ba lần trong 3 năm qua. Có tới 70% số người nhập cư trái phép vào Hàn Quốc qua chương trình đào tạo ngôn ngữ đến từ Việt Nam.
Trong năm 2019, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã hai lần thay đổi chính sách về quản lý du học sinh. Từ tháng 3/2019, du học sinh Việt Nam đến Hàn Quốc học tập theo các chương trình trao đổi ngôn ngữ ở bậc đại học sẽ phải đối mặt với các yêu cầu khắt khe hơn về tài chính. Tháng 4/2019, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã gửi thư cho các trường đại học trên toàn quốc, yêu cầu siết chặt việc quản lý du học sinh, trong đó nhóm được lưu ý là du học sinh Việt Nam.
Sau vụ việc 164 du học sinh “biến mất” này, con đường sang Hàn Quốc cho các du học sinh có tâm nguyện học tập thật sự sẽ muôn phần khó khăn.
Hàn Quốc thay đổi quy định, thu hẹp đối tượng xét cấp visa 5 năm cho công dân Việt
Nếu công dân Việt Nam xin đăng kí visa Hàn Quốc chưa từng có lịch sử visa du lịch ngắn hạn thì không thể đăng kí visa nhiều lần diện đại đô thị.