Một cột mốc quan trọng trong hành trình bảo tồn thiên nhiên vừa được thiết lập khi các nhà khoa học quốc tế công bố giải mã thành công bộ gene đầy đủ của loài sao la, một trong những loài thú quý hiếm và bí ẩn nhất thế giới, được mệnh danh là “kỳ lân châu Á”.
Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), loài thú móng guốc họ hàng với bò và linh dương, lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1992 tại vùng rừng núi dọc biên giới Việt – Lào. Với cặp sừng thẳng dài và những vệt trắng đặc trưng trên khuôn mặt, sao la từ lâu đã trở thành biểu tượng huyền thoại của rừng Trường Sơn. Tuy nhiên, sự hiện diện của chúng trong tự nhiên vẫn là điều bí ẩn khi chưa từng có ghi nhận quan sát trực tiếp bởi các nhà khoa học.
![]() |
Sao la được Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp. |
Theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), sao la hiện được xếp vào nhóm “Cực kỳ nguy cấp”, với số lượng cá thể trong tự nhiên ước tính chỉ còn vài chục đến vài trăm con. Lần cuối cùng ghi nhận hình ảnh xác thực của loài này là từ camera bẫy tại Lào vào năm 2013.
Trong công bố đăng tải trên tạp chí khoa học Cell, nhóm nghiên cứu từ Đại học Copenhagen (Đan Mạch) phối hợp với các nhà khoa học quốc tế đã sử dụng các mẫu da, lông và xương từ 26 cá thể sao la để tái tạo hoàn chỉnh bộ gene của loài sinh vật quý hiếm này. Phân tích di truyền cho thấy sao la tồn tại dưới hai quần thể riêng biệt, một ở phía Bắc và một ở phía Nam dãy Trường Sơn, với sự phân tách có thể đã diễn ra từ 5.000 đến 20.000 năm trước.
“Dù mỗi quần thể đã mất đi một phần khác nhau của mã di truyền, nhưng nếu chúng ta kết hợp lại, chúng có thể bổ sung cho nhau, tạo ra một quần thể mới có khả năng tồn tại cao hơn”, tiến sĩ Geneis Garcia Erill, đồng tác giả nghiên cứu, nhận định.
Mô phỏng di truyền cho thấy chỉ cần tìm được ít nhất 12 cá thể từ cả hai quần thể, khả năng xây dựng một quần thể nuôi nhốt có tính đa dạng di truyền cao là hoàn toàn khả thi. Đây được xem là cơ sở quan trọng để triển khai chương trình nhân giống sao la trong môi trường nuôi nhốt, hướng đi được các chuyên gia bảo tồn kỳ vọng sẽ giúp cứu vãn loài thú đang bên bờ tuyệt chủng.
"Chúng tôi tin rằng nếu tìm được đủ cá thể từ cả hai quần thể, loài sao la vẫn còn cơ hội tồn tại lâu dài", tiến sĩ Rasmus Heller, đồng trưởng nhóm nghiên cứu, chia sẻ.
Tuy vậy, trở ngại lớn nhất hiện nay là việc xác định vị trí các cá thể sao la ngoài tự nhiên. Các phương pháp từng được triển khai như phân tích ADN môi trường (eDNA) lấy từ suối hay xét nghiệm mẫu máu trong đỉa rừng đều chưa mang lại kết quả khả quan kể từ năm 2013.
![]() |
Với bản đồ gene hoàn chỉnh, các nhà khoa học tin rằng có thể phát triển công cụ xét nghiệm ADN chính xác hơn, nâng cao khả năng truy tìm dấu vết loài thú quý hiếm này trong tự nhiên.
"Giờ đây chúng tôi có một bản đồ toàn bộ bộ gene của sao la, giúp phát triển các kỹ thuật xét nghiệm tiên tiến hơn để truy tìm dấu vết di truyền trong môi trường", nhà nghiên cứu Lê Minh Đức từ Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết.
Giải mã bộ gene chỉ là bước đầu trong hành trình dài bảo vệ loài “kỳ lân châu Á”. Nhưng với nền tảng khoa học vững chắc, hy vọng đang dần được thắp sáng trở lại, không chỉ cho sao la, mà cho cả tương lai của những loài đang lặng lẽ biến mất khỏi tự nhiên.
Các nhà khoa học tìm cách cứu các loài có nguy cơ tuyệt chủng từ phân động vật
Nhóm nghiên cứu tin rằng những tế bào trong phân động vật có thể giúp thúc đẩy đặc tính đa dạng di truyền ở một số loài nhất định.