Trước đây, ngành giáo dục mất nhiều năm để xây dựng thói quen theo kế hoạch đồng bộ cả nước nhưng dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ trên diện rộng đã làm đảo lộn tất cả. Năm 2020, ngành giáo dục vẫn xem việc học trực tuyến là giải pháp tạm thời để việc học không bị gián đoạn trong thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, phòng chống dịch. Bước sang năm 2021, dịch bệnh diễn biến khó lường, việc học bị gián đoạn liên tục, phần lớn học sinh, sinh viên chỉ đi học trực tiếp khoảng hai tháng, bên cạnh ba tháng nghỉ hè và bảy tháng học online.
Năm 2020, ngành giáo dục vẫn xem việc học trực tuyến là giải pháp tạm thời để việc học không bị gián đoạn trong thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, phòng chống dịch. Ảnh: vietnamplus.vn |
Ngay từ đầu năm, khi các ca nhiễm mới, các ổ dịch mới xuất hiện đã khiến kỳ nghỉ Tết Tân Sửu của học sinh, sinh viên bị kéo dài từ một tuần thành một tháng. Khoảng đầu tháng 3, nhiều học sinh mới được đến trường trở lại. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, đợt dịch thứ tư bùng phát (27/4), khiến việc đến trường lại bị gián đoạn. Dịch bùng nhanh, mạnh, khó lường tại nhiều nơi khiến Hà Nội phải quyết định cho học sinh nghỉ hè sớm, khi hầu hết các trường chưa làm bài kiểm tra cuối kỳ, chưa hoàn thành chương trình học, hoặc tổng kết năm học 2020 – 2021.
Tới tháng 7, trước tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát và thời điểm năm học mới cũng cận kề, nhiều trường tại Hà Nội sau khi tham khảo ý kiến phụ huynh đã quyết định tổ chức kiểm tra học kỳ II bằng hình thức trực tuyến.
Sau đó, nhiều tỉnh thành khác cũng bắt đầu mạnh dạn triển khai các kỳ thi trực tuyến để tuyển sinh lớp 6, lớp 10. Sự thay đổi hình thức thi cử kéo theo việc xáo trộn kế hoạch, thời gian, thậm chí số môn, nội dung thi và cách thức xét tuyển. Tại TP HCM, hơn 83.300 thí sinh không thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập mà được xét tuyển bằng điểm trung bình lớp 9.
Bước sang năm học mới, năm học 2021 – 2022 ngành giáo dục đã phải thay đổi góc nhìn về việc dạy và học trực tuyến, không còn coi đó là câu chuyện “tạm thời”. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: "Ngành giáo dục cần chuyển trạng thái để thích ứng, giảm thiểu các tổn thương, tác động tiêu cực đến giáo dục". Lần đầu tiên, hàng triệu học sinh Việt Nam đón lễ khai giảng trực tuyến, chào cờ, hát quốc ca và nghe tiếng trống khai giảng qua truyền hình, internet.
Bé Phạm Quang Nhật (Trường tiểu học Lý Nam Đế, Hà Nội) và em gái theo dõi Lê khai giảng năm học 2021 - 2022 qua truyền hình. |
Một loạt bất cập bộc lộ ngay sau ngày khai giảng trực tuyến. Bất cập đầu tiên là về hạ tầng công nghệ. Gần 1,9 triệu học sinh tại các địa phương bị thiếu thiết bị học tập (máy tính, điện thoại, sách giáo khoa…) đặc biệt là học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong vùng dịch, học sinh ở vùng sâu, vùng xa.
Do việc dạy học trực tuyến trước kia được xem là giải pháp tạm thời nên nhiều trường vẫn sử dụng các phần mềm, ứng dụng họp trực tuyến như Zoom, Google meet, Sky…khiến hàng triệu học sinh ngay cả ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM cũng gặp sự cố nghẽn mạng, rớt mạng, không thể đăng nhập được khi vào học online. Mặc dù tình trạng này đến nay đã dần được khắc phục, nhưng vẫn chưa hoàn toàn triệt để. Tình trạng đang trong giờ học mà thi thoảng học sinh, thậm chí là giáo viên bị “văng” ra khỏi phòng học là tình trạng thường xuyên, khiến giờ học bị gián đoạn hoặc giáo viên mất thời gian ổn định lại.
Dạy online cũng khiến giáo viên bộc lộ những hạn chế, yếu kém về công nghệ, kỹ năng ảnh hưởng đến chất lượng dạy học trực tuyến. Nhiều giáo viên vẫn nhìn nhận việc dạy học trực tuyến là giải pháp tạm thời, chưa có sự đầu tư, đổi mới mà bê nguyên giáo án dạy trực tiếp sang dạy trực tuyến, khiến học sinh chán nản, lười tương tác. Và không ít tình huống dở khóc dở cười trong lớp học online khi không chỉ có giáo viên và học sinh mà đôi khi còn có cả phụ huynh tham gia. Những lời quát tháo hoặc nhận xét về giáo viên vô tình lọt vào lớp khi học sinh phát biểu xong quên tắt mic…khiến nhiều giáo viên bị “mất hứng”, chật vật, căng thẳng. Sự kết nối với học sinh không có, thậm chí giáo viên cảm thấy mất hết “quyền lực” với học sinh khi dạy trực tuyến”.
Hiện việc dạy và học trực tuyến chỉ được thực hiện thường xuyên từ cấp tiểu học trở lên. Trẻ ở lứa tuổi mầm non, đặc biệt tại các tỉnh có dịch gần một năm qua hầu như đã không có hoạt động gì để kết nối với trường, lớp, thầy cô, bạn bè cùng trang lứa.
Ngoài ra, việc học trực tuyến cũng có nhiều bất cập khác như: Việc dạy trực tuyến qua truyền hình còn khó khăn khi nhiều trường sử dụng bộ sách giáo khoa khác nhau. Hơn nữa, việc học sinh phải làm việc với các thiết bị điện tử (máy tính, điện thoại) nhiều giờ mỗi ngày cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, tâm lý của trẻ…
Học trực tuyến đặt ra nhiều thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để đổi mới ngành giáo dục, thích ứng linh hoạt với bối cảnh, thời đại mới. Ảnh: laodong.vn |
Tuy còn nhiều bất cập, nhưng Covid-19 cũng buộc ngành giáo dục phải thay đổi nhằm thích ứng với bối cảnh mới. Bộ GD&ĐT đã nhiều lần điều chỉnh chương trình dạy và học các cấp theo hướng giảm tải, chỉ giữ lại nội dung "cốt lõi". Nhiều trường cũng đổi mới cách ra đề, cách thi, thậm chí là linh hoạt trong đánh giá học sinh; thay vì chỉ dựa vào điểm số trước kia. Vì lo lắng trước sự lây lan của dịch bệnh nên tình trạng dạy thêm và học thêm cũng giảm thiểu rõ rệt. Covid-19 cũng tạo cơ hội nâng cao kỹ năng công nghệ cho giáo viên để có thể đáp ứng với yêu cầu mới: "Nếu không có dạy trực tuyến do Covid-19, bài giảng hiện đại của tôi mãi chỉ dừng lại ở trình chiếu Power Point" - cô giáo Đỗ Thị Lan, 53 tuổi, giáo viên Tiểu học Đan Phượng (Hà Nội) thú thực.
PGS. TS. Chu Cẩm Thơ – Trưởng Ban Nghiên cứu Đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam khẳng định, cần nhìn nhận dạy và học trực tuyến là giải pháp của thời đại chứ không phải là giải pháp tình thế trong thời gian có dịch bệnh Covid-19. “Việc dạy học trực tuyến đã hiện thực hóa rộng rãi ước mơ “học từ xa”, “ngừng đến trường nhưng không dừng học”. Bà cho rằng, với sức mạnh của công nghệ, việc dạy học trực tuyến sẽ giúp thực hiện những ý tưởng sư phạm mà bình thường chúng ta khó làm được. Đó là, học cá nhân hóa, người học có thể học mọi lúc, mọi nơi, học với chương trình phù hợp năng lực, sở thích cá nhân.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ khẳng định khẳng định dạy học trực tuyến là giải pháp của thời đại, giúp hiện thực hóa ước mơ “học từ xa”, “ngừng đến trường nhưng không dừng học”. Ảnh: baoquocte.vn |
Do đó, để giải quyết được những bất cập trong dạy và học trực tuyến hiện nay, bên cạnh việc đảm bảo điều kiện về hạ tầng, thiết bị, PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng cần phải đầu tư hệ thống học tập trực tuyến, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ sinh thái kết nối thông tuyến quản trị - dạy – học – đảm bảo chất lượng, tích hợp giáo dục, đào tạo nhân lực, năng lực số và đảm bảo hòa nhập kĩ thuật số, có sự thống nhất liên thông trong các bậc học, môn học…
Ngoài ra, cần phải có chiến lược để nâng kỹ năng cho cả người dạy, người học và cả các chủ thể liên quan. Học sinh cần có năng lực số bao gồm phải biết về an toàn số. Giáo viên, không phải chỉ có giao tiếp trên nền tảng công nghệ mà còn phải thiết lập, xây dựng lại chương trình học tập cho học sinh. Phụ huynh cũng cần được đào tạo các kỹ năng để đồng hành cùng con.
Cử tri lo lắng về chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến
Việc phải tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị điện tử sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là các bệnh về mắt của các cháu.