Nhiều năm qua, người Việt Nam đã quá quen với hình ảnh các giáo viên đến từ Mỹ, Châu Âu hay một số nước nói tiếng Anh ở Châu Phi, Châu Mỹ sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Trước xu thế dịch chuyển lao động quốc tế đang ngày càng phổ biến, vài năm trở lại đây, Việt Nam còn là điểm đến và gắn bó của không ít các giáo viên Philippines.
Cô Loida Torres và Angel Escalante là hai trong số những giáo viên như thế đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Cả hai cô đều đang là giáo viên mầm non tại một trường tư thục có tiếng tại Hà Nội.
Đến Việt Nam qua lời giới thiệu của bạn bè và sự động viên của gia đình
Cô Loida đã sinh sống và làm việc tại Hà Nội được gần 6 năm. Vào năm 2015, khi đang tìm kiếm một trường học áp dụng phương pháp giáo dục Montessori, qua lời giới thiệu của một người bạn cũng đang làm việc tại Việt Nam, cô đã quyết định tới làm việc tại Hà Nội.
“Tôi biết rất ít về Việt Nam và văn hóa địa phương, tuy nhiên, tôi muốn thử. Quyết định làm việc tại Việt Nam của tôi là 50% mong muốn tìm hiểu cảm giác làm việc ở đây và 50% là niềm tin.” - Cô Loida chia sẻ về lý do tới Việt Nam làm việc của mình.
Cô Loida đã sinh sống và làm việc tại Hà Nội được gần 6 năm |
Với cô Angel - người đã làm việc tại Việt Nam được khoảng 2 năm lại có lý do hơi khác một chút: “Tôi chọn làm việc ở Việt Nam vì tôi thực sự muốn dạy trẻ nhỏ và chia sẻ những gì tôi biết. Tôi cũng chọn làm việc ở đây vì các chị tôi sống ở Việt Nam. Lúc đầu, tôi rất đắn đo, Việt Nam là một đất nước khá mới lạ với tôi, tôi cũng đang suy nghĩ về việc theo đuổi sự nghiệp của mình ở Philippines vào thời điểm đó. Nhưng các chị tôi đã khuyến khích tôi rất nhiều”.
Cô Angel |
Công việc tại Việt Nam đem đến mức thu nhập tốt hơn ở Philippines
Không kỳ vọng sẽ kiếm được một công việc lương cao nhưng cô Angel rất ngạc nhiên khi thấy thu nhập ở Việt Nam cao hơn Philippines. Như với công việc của cô hiện tại, mức lương đang cao hơn khoảng 3 lần so với ở Philippines. Mức thu nhập này giúp cô có thể hỗ trợ nhiều cho gia đình mình ở Philippines. Tương tự người bạn đồng nghiệp của mình, với mức lương hiện tại, cô Loida có thể hỗ trợ khá tốt cho gia đình cùng cậu con trai đang học đại học tại Philippines.
Mỗi tháng cô Loida chi khoảng 10 triệu đồng cho sinh hoạt bao gồm tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống và phương tiện đi lại và một số nhu cầu cá nhân khác. Còn với Angel, cô dành khoảng 6 triệu đồng/tháng cho tiền điện nước và thuê nhà cùng 3 người bạn.
Khi dịch Covid chưa xuất hiện, mỗi năm, cô Loida thường trở về quê nhà khoảng 2 lần/năm, một lần vào tháng Bảy là kỳ nghỉ Hè tại trường học và một lần vào tháng 12 khi có Giáng sinh. Giáng sinh có ý nghĩa với các cô như dịp Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Khác với cô Loida, do sống với các chị gái tại Việt Nam nên khoảng 2 năm nay, cô Angel chưa về thăm quê nhà, nhưng cô và các chị gái của mình luôn cố gắng để đưa gia đình sang Việt Nam vào kỳ nghỉ Hè hoặc Giáng sinh.
Ngôn ngữ chính là thách thức lớn nhất nhưng vẫn bị nhầm là người Việt
Mặc dù dù đã sống ở Việt Nam gần 6 năm nhưng cô Loida vẫn thấy tiếng Việt rất khó học. “Google dịch” trở thành người bạn hữu ích của cô trong cuộc sống hàng ngày. Khi đi chợ, cô thường chuẩn bị sẵn ảnh của những thứ cần mua để đưa cho người bán hàng. Cô cũng đã cố học 1 số từ tiếng Việt để miêu tả cho tài xế taxi, xe ôm như: “Đi thẳng", “Rẽ trái", “Hãy quay lại”, “Xin dừng ở đây". Dù vậy cô vẫn cảm thấy khá “nản lòng" khi đến tiệm làm tóc hay làm móng vì không thể làm sao để những người thợ ở đây hiểu rõ ý của mình.
Với Angel, mỗi khi ra ngoài, cô thường rủ chị gái đi cùng để có thể giao tiếp với người địa phương. Tuy nhiên, cô vẫn thường bị lầm tưởng là người Việt. “Họ nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt và họ rất ngạc nhiên rằng tôi không hiểu một chút những gì họ vừa nói” - cô Angel kể về những trải nghiệm của mình. Cô cũng cố gắng học cách nói và hiểu tiếng Việt tại nơi làm việc hàng ngày, nếu không hiểu hoặc không thể diễn đạt được điều gì, cô lại nhờ cậy đến người bạn “Google dịch".
Ngoài ngôn ngữ, khí hậu và giao thông cũng là trở ngại với các cô. Cô Loida thường xuyên bị ốm khi chuyển mùa từ Hè sang Thu. Hay như vấn đề giao thông, “Ô tô và xe máy lao tới bạn từ mọi hướng. Dường như tôi đã trở thành chuyên gia khi sang đường" - cô Loida kể.
Các cô cũng gặp một số khác biệt về văn hoá khi giao tiếp với người dân bản địa. An toàn cho trẻ em là một ví dụ. Là một giáo viên, cô Loida luôn nhắc nhở học sinh không nên nói chuyện với người lạ bởi các mối nguy hiểm có thể đến từ họ. “Không ít lần, những người lạ cố gắng tiếp cận và trò chuyện với học sinh của chúng tôi khi chúng tôi đi dã ngoại. Đối với họ, điều này rất thân mật và thú vị, nhưng đối với tôi, điều đó là không. Tôi có thể thô lỗ với họ nhưng tôi chỉ cố gắng để bảo vệ bọn trẻ”. Cô Angel lại cảm thấy không quen với cảm giác bị hỏi về cân nặng cơ thể. “Tôi hiểu rằng việc người Việt hỏi về cân nặng của người khác là điều bình thường vì đó là một phần văn hóa nhưng đôi khi họ chỉ nói với bạn rằng bạn đang béo lên thì điều đó thật không hay”.
Là người châu Á nên các cô hầu như không gặp khó khăn gì với ẩm thực của Việt Nam, gạo cũng là một lương thực chính ở Philippines. Vào cuối tuần, các cô thường dành thời gian để nấu các món ăn truyền thống. Hầu hết các nguyên liệu để nấu được món ăn Philippines đều có thể tìm thấy ở các chợ hay siêu thị của Việt Nam. Tuy nhiên cô Loida lại chưa bao gồm có thể tìm mua được lá khoai môn - thành phần chính trong món ăn yêu thích của cô là “Laing".
Mất đi phần lớn thu nhập và không thể gặp gia đình bởi Covid
Covid khiến cả hai cô bị mất đi đi một phần lớn thu nhập do trường học đóng cửa và các cô cũng không thể gặp được người thân của mình.
“Tôi có những hóa đơn phải trả và một gia đình để hỗ trợ. Các hóa đơn đã không ngừng đến. Tôi và gia đình vẫn phải gánh chịu chi phí sinh hoạt. Tôi thật sự rất buồn và nhớ gia đình khi không thể gặp họ trong một thời gian dài. Video call, chat, không thể giúp xoá nhoà được cảm giác nhớ nhà và những người thân yêu của tôi" - Cô Loida chia sẻ.
“Xa bố mẹ thật sự rất khó khăn. Tôi đã rất lo lắng cho họ khi dịch bắt đầu vì tôi sẽ không thể đến thăm họ. Tôi phải tìm cách gửi đồ cho họ vì họ cũng không thể ra ngoài. Việc “mắc kẹt” ở nhà trong thời gian dài cũng là một thử thách. Chúng tôi đã phải dự trữ thực phẩm, khẩu trang, chất khử trùng vì mọi người đổ xô đi mua. Trường học đóng cửa nên chúng tôi phải làm việc ở nhà. Tôi phải tự thu âm và làm video bài học cho học sinh của mình. Tôi cảm thấy vô cùng nhàm chán khi bị mắc kẹt trong nhà cả tháng và tôi đã tìm kiếm những sở thích mới như thêu thùa hay trồng rau để tự tạo niềm vui cho mình" - cô Angel kể về những ngày tháng cao điểm của dịch Covid tại Hà Nội.
Người Philippines luôn kết nối với nhau dù ở bất cứ nơi đâu
Cả hai cô có khá nhiều bạn đồng hương tại Hà Nội, hầu hết họ là đồng nghiệp hoặc những người cô gặp khi đến nhà thờ. “Chúng tôi đã có tình bạn tuyệt vời qua những năm tháng bên nhau. Người Philippines có xu hướng kết nối nhau dù ở bất cứ nơi đâu. Chúng tôi giao tiếp chủ yếu thông qua các “group chat”. Tôi thường nhận được thông tin về các sự kiện, thông báo quan trọng từ Đại sứ quán Philippines thông qua các group này. Có nhiều người trong các “group chat" rất tích cực chia sẻ tin tức về người Philippines ở Hà Nội cũng như những gì đang xảy ra ở quê nhà” - Cô Loida chia sẻ.
Do công việc khá bận nên hầu hết thời gian ngày cuối tuần của cả hai cô giáo là dành để nghỉ ngơi ở nhà. Cô Loida cũng thường xuyên liên lạc với gia đình ở quê nhà vào cuối tuần. Mẹ cô dù đã lớn tuổi nhưng vẫn rất lo lắng và thường gọi điện thoại cho cô. Còn với Angel, cô lại chọn ở nhà xem Neflix hoặc tới Trung tâm thương mại để giải trí vào cuối tuần.
Ấn tượng bởi tinh thần yêu nước và khả năng khống chế dịch Covid của Việt Nam
“Tôi bị ấn tượng bởi tinh thần yêu nước và tính cộng đồng mạnh mẽ của người dân Việt Nam. Bạn sẽ biết khi nào Lễ Quốc khánh sắp tới gần bởi các toà nhà, công sở ngập tràn quốc kỳ Việt Nam. Trong những ngày này, cả cộng đồng đang cố gắng hỗ trợ cho những người dân miền Trung bị bão lũ. Hay khi đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu và giành huy chương bạc AFC Cup 2018, cả nước như dõi theo từng trận đấu, cổ vũ hết mình và chào đón họ trở về” - đó là những ấn tượng về đất nước Việt Nam của cô Loida.
Còn với Angel, điều cô ấn tượng nhất chính là sự phát triển về kinh tế của Việt Nam. “Tôi thực sự ấn tượng về mức tăng trưởng kinh tế của đất nước các bạn bởi Việt Nam từng là một trong những quốc gia nghèo nhất cách đây 30 năm. Tôi cũng rất ấn tượng bởi cách lãnh đạo Việt Nam đưa đất nước vượt qua đại dịch Covid. Tôi ngưỡng mộ sức mạnh và sự kiên cường của Việt Nam. Các bạn đã phải đối mặt với rất nhiều thử thách nhưng luôn ngẩng cao đầu. Tôi rất yêu văn hoá, con người và ẩm thực nơi đây, Việt Nam luôn có một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi và tôi coi đây là một quê hương thứ hai của mình”.
Dù phải sống xa quê hương hàng ngàn cây số, với bao nỗi niềm, trăn trở khác nhau, nhưng ngày ngày, những cô giáo Philippines như cô Loida, cô Angel vẫn luôn tận tâm và có những đóng góp quan trọng cho “nghề giáo" - một nghề mà dù ở Việt Nam, Philippines hay bất cứ nơi đâu cũng luôn được trân trọng và yêu mến.
Cô giáo mất sạch 1 tỷ sau cài đặt ứng dụng lừa đảo
Nữ giáo viên tại Nghệ An vừa bị lừa đảo mất 1 tỷ đồng sau khi cài phần mềm “bảo vệ tài khoản” trên điện thoại.