Hành trình cuối của chiến binh Thủy Muối qua ký ức nữ CEO “kế thừa” SCI: “Chị chỉ còn 3 tháng, các em muốn làm gì thì làm luôn đi”

“Buổi họp cuối cùng của team SCI chị Thuỷ Muối chỉ nói về hành trình tuổi trẻ của chị, của chúng tôi, nếu đã muốn làm gì thì hãy làm liền đi”.

Tháng 1 năm 2020, “Nữ hoàng khởi nghiệp” Trương Thanh Thủy (Thủy Muối) dừng chân ở tuổi 35 sau thời gian dài chiến đấu với căn bệnh ung thư, nhưng Salt Cancer Initiative (SCI) hay còn gọi là Tổ chức Sáng kiến ung thư Muối do chị sáng lập vẫn bền bỉ đồng hành cùng bệnh nhân cho đến ngày hôm nay. 

6 giờ tối ngày 26/8/2023, khi toàn team SCI đang chuẩn bị cho tối Gala kết lại hành trình Diễn đàn bệnh nhân ung thư Việt Nam 2023 tại Huế, Nguyễn Thị Hồng Nhung – CEO của SCI đã ngồi im lặng một mình trong phòng tối để đưa ra quyết định có đi tiếp hay không. Cơ thể Nhung lúc đó thực sự muốn “sập”, vì cả tuần chạy deadline, mỗi ngày được ngủ khoảng 3 tiếng. Ban ngày, Nhung vẫn đi làm full time, tối đi học, đêm về họp cùng SCI chuẩn bị cho Diễn đàn. Trước đó, Nhung phải uống kháng sinh 15 ngày và nhiều lần vào viện liên tiếp trong mấy tháng, bay đi bay về Hà Nội - Sài Gòn.

Trong 5 phút yên lặng hít thở để lựa chọn làm tiếp hay cho phép mình sập nguồn một lúc, Nhung nghĩ tới chị Thủy Muối. 

Hành trình cuối của chiến binh Thủy Muối qua ký ức nữ CEO “kế thừa” SCI: “Chị chỉ còn 3 tháng, các em muốn làm gì thì làm luôn đi”

 Mỗi lúc khó khăn nhất, mình vẫn thường nghĩ tới lời cuối chị Thuỷ dặn cả team, rằng các em có thể thất bại, có thể mắc sai lầm, có thể không duy trì được các hoạt động cho SCI nữa cũng không sao cả, chỉ cần trước khi đi ngủ, nằm trên giường nghĩ lại có thể tự tin nói với chị là “Em đã cố hết sức rồi, là được”. Và mình thường tự hỏi bản thân “Mình đã cố hết sức chưa?”. Câu hỏi này luôn là liều doping cuối cùng vực mình dậy để chiến đấu tới phút cuối cùng trong tất cả mọi việc”, Nhung mở đầu câu chuyện với chúng tôi về lý do chị vẫn tiếp tục kế thừa “di sản” mà chiến binh Thủy Muối để lại. 

Suốt 6 năm qua, công việc đó vẫn được Nhung và các thành viên trong Ban điều hành của SCI đảm nhận bằng tất cả tâm huyết, tiếp tục phát triển các dự án bền vững, phát động các sự kiện, hội nghị, tiếp nối những sứ mệnh mà người sáng lập đã truyền lại, với mục tiêu cuối cùng là trở thành người bạn đi cùng người nhà và bệnh nhân ung thư, để “không ai phải chiến đấu với ung thư một mình”.

Trong hành trình 6 năm, SCI đã kết nối gần 30.000 bệnh nhân, người thân và người quan tâm tới căn bệnh ung thư thông qua hàng loạt dự án bền vững và truyền cảm hứng như: 9 lớp yoga hàng tuần tại 5 thành phố, 3 lớp vẽ hàng tháng tại Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, lớp học cho bệnh nhân nhi, các buổi chiếu phim, trình diễn thời trang, chuỗi hội thảo Meet-up y khoa cùng bác sĩ, Diễn đàn bệnh nhân ung thư kết nối các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực ung bướu trong nước và quốc tế, Ngày hội đi bộ 5000 bước chân hạnh phúc - Đồng hành cùng bệnh nhân ung thư, … 

SCI vinh dự lọt vào Top 2 Dự án truyền cảm hứng We Choice Awards (2018) và được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng Giải thưởng tình nguyện Quốc gia (2019) vì những đóng góp cho xã hội.

Thế nhưng, điều khiến Hồng Nhung tự hào không phải một con số hay một dự án cụ thể nào, mà là việc SCI đã dần khẳng định được vị thế của mình trong cộng đồng hỗ trợ bệnh nhân ung thư. SCI đã trở thành cái tên quen thuộc, một tổ chức đáng tin cậy được tín nhiệm bởi bệnh nhân, người thân, các cá nhân, tổ chức và các doanh nghiệp. Đó là niềm tin vào những giá trị tích cực, mà SCI đã truyền cảm hứng và lan tỏa cho cộng đồng. Những giá trị vô hình này rất khó để có thể giải thích bằng lời hay đo đếm thành con số, chỉ có thể cảm nhận và lắng nghe phản hồi từ chính những người trong cuộc. 

Hành trình cuối của chiến binh Thủy Muối qua ký ức nữ CEO “kế thừa” SCI: “Chị chỉ còn 3 tháng, các em muốn làm gì thì làm luôn đi”

 Món quà cuối cùng của Thủy Muối

Cơ duyên và điều quyết định Hồng Nhung từ một leader team truyền thông của SCI đến vị trí CEO như hiện này là gì?

Thời gian đầu khi tham gia vào SCI, Nhung không hề biết chị Thuỷ là ai, càng không biết cái tên “Thuỷ Muối” là người nổi tiếng thế nào. Tình cờ thấy thông tin SCI tuyển tình nguyện viên vị trí Lead team truyền thông với các dự án miễn phí hỗ trợ bệnh nhân ung thư, Nhung nhận thấy đây là hoạt động ý nghĩa, mà chuyên môn của mình lại có thể giúp được nên ứng tuyển với mong muốn đơn giản là có thể góp sức để hỗ trợ cho cộng đồng.

Lớp học miễn phí dành cho các em nhỏ tại viện K Tân Triều do SCI và ME School phối hợp tổ chức
Lớp học miễn phí dành cho các em nhỏ tại viện K Tân Triều do SCI và ME School phối hợp tổ chức

Lần đầu tiên Nhung gặp chị Thuỷ là tại Diễn đàn bệnh nhân ung thư Việt Nam 2018 do SCI tổ chức tại Đà Nẵng, trước đó mình chỉ nghe giọng chị khi họp online do lệch múi giờ, chị Thuỷ ở Mỹ còn team điều hành SCI ở Việt Nam.

Ấn tượng đầu tiên của Nhung về chị Thuỷ là một cô gái dáng người nhỏ bé, đầu không tóc, nụ cười luôn thường trực, nói rất nhiều, rất nhiệt huyết với những dự định dành cho bệnh nhân tại Việt Nam. Chứng kiến năng lượng tích cực được lan toả từ chị và sự hưởng ứng của 200 bệnh nhân khác trong khán phòng, khiến Nhung nhận ra “À, thì ra sức ảnh hưởng của Thuỷ Muối với cộng đồng bệnh nhân ung thư là như thế”. Điều này cũng giúp mình hiểu hơn sức mạnh cộng hưởng và tinh thần tích cực có khả năng được lan toả mạnh mẽ như nào. 

Với mình, chị Thuỷ chỉ đơn thuần là chị Thuỷ - một thủ lĩnh tinh thần của SCI, nhưng với cộng đồng bệnh nhân ung thư, chị còn là sự đồng cảm, là niềm tin và một minh chứng sống cho tinh thần lạc quan, sống trọn vẹn từng phút giây. Đó cũng là những giá trị mà SCI theo đuổi và mong muốn truyền tải tới cộng đồng chiến binh K. 

Hành trình cuối của chiến binh Thủy Muối qua ký ức nữ CEO “kế thừa” SCI: “Chị chỉ còn 3 tháng, các em muốn làm gì thì làm luôn đi”

Cơ duyên là cái bắt đầu, còn có nhiều thứ để mình quyết định gắn bó và ở lại với tổ chức tới ngày nay. Bên cạnh việc nhận thấy ý nghĩa dành cho cộng đồng bệnh nhân thì chính các thành viên khác như Hiền Mi (CEO lúc đó), bác sĩ Tùng (Cố vấn chuyên môn y khoa), Hải Như (Cố vấn thuế, tài chính), Thuỷ Hồ (Quản lý vận hành), Trang Trương (Cố vấn chuyên môn yoga), hay Đoàn Thảo (Đại sứ kết nối bệnh nhân với SCI) và đông đảo các bạn tình nguyện viên lúc đó đã tiếp thêm cho mình niềm tin là với đội ngũ chuyên môn và nhiệt huyết như vậy mình sẽ làm được, SCI sẽ làm được. 

Có lẽ không chỉ Nhung mà rất nhiều bạn tình nguyện viên khác của SCI cũng vậy, có thể biết đến chị Thuỷ khi bắt đầu cuộc hành trình với SCI hoặc không, nhưng điều khiến chúng mình ở lại và tiếp tục phát triển tổ chức này là vì có chung một mong muốn tốt đẹp và niềm tin vì chúng mình có nhau, sẽ cùng nhau tạo ra giá trị và tác động tích cực cho cộng đồng. Và câu chuyện của chị Thuỷ là một niềm cảm hứng, một động lực rất lớn giúp chúng mình tin rằng hành trình này tuy có hơi gian nan nhưng chắc chắn là một trải nghiệm đẹp và ý nghĩa.

Thủy Muối có chia sẻ gì với Nhung cũng như các thành viên khác của SCI trước khi dừng hành trình của mình ở tuổi 35?

Buổi họp online cuối cùng với chị Thuỷ cuối năm 2019, chị thông báo “Chị chỉ còn 3 tháng, các em muốn làm gì thì làm luôn đi”, cả team SCI im lặng như nín thở. Chị không nói về các dự án còn dang dở, cũng không dặn chúng mình phải làm gì cho SCI cả. Chị chỉ nói về hành trình tuổi trẻ của chị, của chúng mình, nếu đã muốn làm gì thì hãy làm liền đi, đừng chần chừ. Chị Thủy nói, chị sẽ để lại một phần tiền bảo hiểm nhân thọ của chị như món quà cuối cùng, là động lực để SCI tiếp tục hành trình mà không có chị. Mình thực sự đã rơi nước mắt khi nghe những lời này. Vì sao một người lại có thể luôn nghĩ đến cộng đồng và nghĩ cho người khác ngay cả khi ở chặng cuối của cuộc đời như vậy? Có lẽ với chị Thuỷ, việc sống có ích, cháy hết mình tới giây phút cuối cùng là điều làm nên giá trị con người chị.

Hành trình cuối của chiến binh Thủy Muối qua ký ức nữ CEO “kế thừa” SCI: “Chị chỉ còn 3 tháng, các em muốn làm gì thì làm luôn đi”

Chị nói sau khi chị đi, chúng mình không cần duy trì tổ chức này chỉ vì cái tên Thuỷ Muối. SCI do Thuỷ Muối sáng lập, nhưng không phải tổ chức của một người, mà hoạt động với mục đích chung cho cộng đồng bệnh nhân ung thư. Vì vậy, dù sau này còn Thuỷ Muối hay không, SCI vẫn sẽ tồn tại với mục đích hỗ trợ bệnh nhân. Chính chúng mình - những thế hệ kế tiếp sẽ là người quyết định duy trì hay phát triển tiếp SCI như thế nào. Chị không dặn chúng mình làm gì, mà là tâm thế làm hết mình ra sao.

Có lẽ mong muốn lớn nhất của chị Thuỷ đối với SCI là có thể tiếp tục phát triển nhờ chính những giá trị và tác động tích cực mà nó tạo ra cho cộng đồng bệnh nhân ung thư tại Việt Nam, mà không phải dựa vào ý chí chủ quan hay sự tồn tại của cá nhân nào. Đây cũng là điều mình cam kết với chị Thuỷ khi nhận nhiệm vụ tham gia điều hành SCI. Và chúng mình vẫn đang phát triển SCI ngày một lớn mạnh, không phải chỉ vì chị, cũng không phải chỉ cho bệnh nhân ung thư, mà cả cho chúng mình - những người trẻ với mong muốn cống hiến và sống ý nghĩa, trọn vẹn mỗi ngày như cái cách chị Thuỷ đã truyền cảm hứng để lại.

Hành trình cuối của chiến binh Thủy Muối qua ký ức nữ CEO “kế thừa” SCI: “Chị chỉ còn 3 tháng, các em muốn làm gì thì làm luôn đi”

SCI có gặp khó khăn gì trong khâu tuyển tình nguyện viên, tìm nhà tài trợ hay không?

Cũng giống như tất cả các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì cộng đồng khác, thời gian đầu của SCI khá khó khăn. Vì tổ chức còn mới chưa nhiều người biết tới, cũng chưa có nhiều thành tựu nên khi nhà tài trợ hỏi cách chứng minh hiệu quả, chúng mình không có gì ngoài giá trị con người và niềm tin để dần chứng minh thông qua hành động và kết quả sau mỗi dự án. 

Những nhà tài trợ đầu tiên đồng hành cùng SCI là vì tin vào năng lực, tầm nhìn và giá trị con người của chị Thuỷ. Nhưng một tổ chức không thể phát triển bền vững nếu chỉ dựa vào ý chí và danh tiếng của một cá nhân. Cả chị Thuỷ và mình đều biết điều đó nên ngay từ những ngày đầu hoạt động, chúng mình luôn xác định tinh thần để SCI tự đi bằng đôi chân của mình thông qua hình thức phát triển “hệ sinh thái SCI”. Nghĩa là SCI trở thành đơn vị ở giữa, kết nối các cá nhân, tổ chức có chung mong muốn hỗ trợ bệnh nhân ung thư để xây dựng nên hệ sinh thái cùng chung tay, đóng góp chính sản phẩm, dịch vụ và nguồn lực sẵn có của họ.

  Đại diện Salt Cancer Initiative nhận Bằng khen Giải tình nguyện Quốc gia 2019

Đại diện Salt Cancer Initiative nhận Bằng khen Giải tình nguyện Quốc gia 2019

 Khi bệnh nhân ung thư “chấp nhận chính mình và sống mở lòng hơn”

Với thông điệp “Bạn không phải chiến đấu với ung thư một mình”, cộng đồng bệnh nhân ung thư và người thân đã được hỗ trợ, giúp đỡ và có những thay đổi tích cực nào trong những năm qua?

Nhung có cơ hội được tiếp xúc với khá nhiều bệnh nhân trong 6 năm qua, được lắng nghe câu chuyện và nhìn thấy sự thay đổi tích cực của họ qua thời gian, đó là trải nghiệm khá thú vị không dễ gì có được và truyền cảm hứng rất lớn cho những người hỗ trợ như chúng mình. Tháng 8 vừa rồi, SCI mới tổ chức lại chương trình Diễn đàn bệnh nhân ung thư Việt Nam, sau 5 năm kể từ diễn đàn năm 2018, nhờ đó mà chúng mình được lắng nghe nhiều câu chuyện bệnh nhân kể về hành trình nhìn lại 5 năm qua đồng hành cùng căn bệnh ung thư và SCI. Mình gọi là đồng hành bởi trong câu chuyện của mọi người, ung thư giống như một bài kiểm tra năng lực về ý chí, niềm tin, sự lạc quan và tình yêu thương. Hành trình trong câu chuyện của mỗi người sẽ khác nhau, nhưng cảm nhận chung đọng lại luôn là nghị lực sống, niềm tin yêu và sống trọn vẹn từng phút giây.

Khi được hỏi về những tác động hay thay đổi tích cực trong quá trình đồng hành cùng SCI, bệnh nhân thường đánh giá cao những kiến thức y khoa chính xác được truyền tải một cách dễ hiểu giúp bệnh nhân bớt hoang mang trong hành trình trị bệnh, đồng thời việc kết nối cùng các đồng bệnh giúp mọi người cảm thấy được thấu hiểu, sẻ chia và “không phải chiến đấu với ung thư một mình”

“Chấp nhận chính mình và sống mở lòng hơn” là phản hồi SCI được nghe nhiều nhất khi bệnh nhân chia sẻ về những thay đổi tích cực sau quá trình đồng hành với SCI nhiều năm. Có cô bệnh nhân từng nói nhỏ với Nhung, điều khiến cô cảm thấy biết ơn nhất khi tham gia SCI là học cách chấp nhận bản thân, cảm thấy được là chính mình, được quan tâm và đối xử như 1 người bình thường chứ không phải “bệnh nhân” cần chú ý đặc biệt. Bởi cảm giác là “người đặc biệt” để người khác phải chăm lo cho khiến người bệnh cảm thấy tự ti hơn rằng mình là gánh nặng cho ngừơi khác. Vì vậy, khi tới lớp thấy có anh kia ung thư di căn bị mất 1 chân nhưng vẫn rất thoải mái tháo chân giả ra tập mà không ai nhòm ngó hay chăm sóc quá đặc biệt như một người tàn phế khiến cô cảm thấy an tâm, môi trường này là dành cho mình - những người đồng bệnh giống mình tuy ai cũng có một chút vấn đề về sức khoẻ nhưng không ai bị kì thị. 

Mọi người chấp nhận căn bệnh của bản thân và thấy đó là chuyện bình thường thì tại sao mình lại không chấp nhận mình. Sự thoải mái và năng lượng tích cực đó khiến bệnh nhân cảm thấy SCI như ngôi nhà thứ 2, được thấu hiểu, sẻ chia, và là nơi họ thuộc về.

SCI hiểu rằng việc chăm sóc sức khoẻ tinh thần và yếu tố tâm lý quan trọng không kém việc điều trị bệnh lý, vì vậy bên cạnh các hoạt động gắn kết cộng đồng public như lớp yoga, lớp vẽ, hội thảo y khoa MEET-UP, SCI còn có các hoạt động private như tham vấn tâm lý, nghệ thuật trị liệu tâm lý, coaching… để bệnh nhân có không gian riêng mở lòng hơn. 

Nhân vật mà Nhung khá ấn tượng và thấy đồng cảm sâu sắc đó là một chị bệnh nhân trẻ đẹp, có gia đình viên mãn và sự nghiệp, địa vị cao trong xã hội. Tuy nhiên, trong vòng tròn chia sẻ về chủ đề tâm lý cùng SCI chị ấy bật khóc vì những áp lực đè nén mà bình thường không thể chia sẻ cùng ai kể cả người thân. Đó là áp lực của người bệnh là phụ nữ đi làm, vừa là mẹ hiền vợ đảm, vừa là sếp toàn năng ở công ty. Chị nói ung thư không chỉ đau đớn, mệt mỏi khi điều trị bệnh mà còn kéo theo những hệ luỵ vô hình là những vết sẹo tâm lý mà không phải lúc nào cũng chia sẻ được với người khác. 

Bệnh tật không khiến chị gục ngã bằng cảm giác cô đơn, không có sự thấu hiểu trong cảm xúc và chị cảm thấy được thấu hiểu, được “là chính mình” với những cảm xúc yếu đuối rất thật khi tham gia SCI.

SCI quan tâm tới cả người thân - những người đồng hành trực tiếp với bệnh nhân. Từ đó, chúng mình cũng nhận được những lời cảm ơn vì đã cho người nhà được đồng hành cùng bệnh nhân tham gia các hoạt động.

  SCI tổ chức sinh nhật cho em bé – con của chiến binh K tham gia lớp vẽ cùng SCI

SCI tổ chức sinh nhật cho em bé – con của chiến binh K tham gia lớp vẽ cùng SCI

 “Mẹ mình mất rồi, nếu còn sống chắc mẹ mình cũng thích lắm. Mẹ mình tham gia lớp vẽ của SCI 3 lần rồi. Vì mẹ mình đồng hành cùng SCI cũng đã lâu nên biết ơn SCI lắm” - SCI nhận được tin nhắn này khi liên hệ mời bệnh nhân tham gia lớp vẽ hàng tháng.

Ở SCI có những cặp vợ chồng già, cô mắc K vú luôn có chú đồng hành đưa đón và cùng tập yoga mỗi tuần, tới lớp vẽ thì cô vẽ chú ngồi đợi và ngắm cô say sưa trìu mến. Chú nói biết ơn SCI vì đã cho chú được đồng hành cùng cô bao năm qua. Hồi mới phát hiện bệnh cô tiêu cực và khép kín lắm, nhưng nhờ tham gia cộng đồng SCI, có thêm nhiều đồng bệnh, có chú tham gia cùng mà cô mở lòng hơn, chấp nhận căn bệnh này và sống lạc quan hơn. Chú cũng biết cách chăm sóc dinh dưỡng hay giao tiếp tâm lý với “người bệnh” hơn nhờ tham gia những workshop mà SCI tổ chức.

Ở SCI có không ít tình nguyện viên là bệnh nhân hoặc người thân của bệnh nhân. Có những người tham gia SCI lần đầu với tư cách là bệnh nhân được SCI hỗ trợ, dần dần trở thành tình nguyện viên cùng SCI hỗ trợ các bệnh nhân khác. 

Chị làm thế nào để cân bằng được giữa SCI và công việc riêng của mình?

Đầu tiên, đó là sự lựa chọn những giá trị và sắp xếp thứ tự ưu tiên 

Ai cũng có 24h/ngày giống nhau, ngoài thời gian đi làm và sinh hoạt cá nhân cơ bản, có người dành thời gian trống để học thêm, làm thêm, chơi thể thao hay đi du lịch gì đó,… còn Nhung thì dành một phần quỹ thời gian đó cho SCI. Hiện tại Nhung vừa điều hành SCI, vừa có công việc full-time là quản lý thương hiệu (Brand Manager) cho các tập đoàn hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), vừa kinh doanh riêng vừa duy trì các sở thích cá nhân khác. 

Nhung không nghĩ đó là sự cân bằng, mà là cách mỗi người lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên trong cuộc sống. Cuộc đời mỗi người ai rồi cũng sẽ là một câu chuyện, mình muốn kể câu chuyện cuộc đời mình như nào, có những tình tiết, trải nghiệm gì là tuỳ vào lựa chọn của mỗi cá nhân. Nhung thì muốn sống một cuộc đời có ý nghĩa, đa dạng màu sắc trải nghiệm, được làm điều mình thích, làm meaningful job và quan tâm tới giá trị con người, đó cũng là tiêu chí khi mình lựa chọn thứ tự ưu tiên. 

Tập trung, tôn trọng và trao quyền cho cộng sự

Nguyên tắc của Nhung khi làm việc là tập trung giờ nào làm việc đó. Khi đi làm ở công ty thì sẽ không làm việc SCI trong giờ hành chính, khi làm việc SCI thì sẽ toàn tâm toàn ý xử lý cho xong trong khung giờ cố định chứ không xen việc khác vào. Việc phân rõ lịch trình thời gian khi nào làm gì giúp mình quản lý công việc tốt hơn. 

Hành trình cuối của chiến binh Thủy Muối qua ký ức nữ CEO “kế thừa” SCI: “Chị chỉ còn 3 tháng, các em muốn làm gì thì làm luôn đi”

Tất cả thành viên ban điều hành SCI đều có công việc full-time riêng, sống ở các thành phố khác nhau và có nhân sự còn là “cựu chiến binh K” rất nghiêm ngặt tuân thủ việc kết thúc họp trước 10h tối để các bạn đi ngủ đúng giờ. Vì vậy, cả team chỉ có khoảng 1-2 tiếng mỗi tuần, thường là họp online sau 8 giờ tối thứ 5 để xử lý tất cả công việc tại SCI. Mỗi người sẽ phải rất tập trung và cố gắng hoàn thành phần việc của mình trước buổi họp để không ảnh hướng tới tiến độ công việc chung. Đó là cách chúng mình tôn trọng thời gian cá nhân của người khác và của chính mình.

Tính chất công việc ở SCI với Nhung cũng không quá căng thẳng vì may mắn có những cộng sự thật “xịn” mà mình rất tin tưởng nên có thể bổ trợ rất tốt cho nhau. Hỗ trợ Nhung điều hành SCI là các bộ phận chức năng với các nhân sự chủ chốt có chuyên môn cao như: Thạc sĩ bác sĩ Bá Tùng lead team Medical giúp tham vấn các nội dung y khoa, kế toán trưởng là Hải Như với chuyên môn chính là tư vấn thuế tài chính, quản lý vận hành là Nguyên Hân - từng là quản lý cấp cao trong các tập đoàn lớn nhưng đồng thời cũng là một chiến binh đã vượt qua ung thư nên rất thấu hiểu tâm tư nguyên vọng của cộng đồng chiến binh K. Tôn trọng chuyên môn riêng và trao quyền để mỗi người phát huy được thế mạnh của mình vừa giúp mình điều hành SCI được dễ dàng hơn, vừa kết nối nhân tài góp phần phát triển SCI được tốt hơn.

Quy trình vận hành rõ ràng & thường xuyên training nội bộ

Trong công việc, Nhung thường cố gắng sắp xếp để mọi thứ được “tự động hoá” và vận hành tốt kể cả khi không có mình thường xuyên, nhờ đó bản thân sẽ có thời gian để làm thêm nhiều việc khác. Điều này sẽ hơi tốn công một chút ở thời gian đầu khi thiết lập quy trình, nhưng khi hệ thống đã vận hành theo quỹ đạo thì workload sẽ giảm đi đáng kể. 

Đặc thù nhân sự của các tổ chức phi lợi nhuận là tình nguyện viên có background khá đa dạng, mỗi người lại có thế mạnh riêng nên để tối ưu hoá hiệu suất công việc chung Nhung và ban điều hành SCI tập trung vào xây dựng nền tảng để SCI là một doanh nghiệp xã hội có sơ đồ tổ chức, hệ thống quy trình làm việc rõ ràng từng bộ phận, giúp hệ thống tự vận hành tốt mà không bị phụ thuộc vào một vài cá nhân nhất định. Nhân sự quản lý chỉ cần đưa ra định hướng và giám sát đảm bảo mọi thứ đúng tiến độ chứ không tốn quá nhiều thời gian triển khai. Điều này giúp tổ chức phát triển bền vững nhờ tính kế thừa, người mới cũng dễ thích nghi bắt kịp công việc khi tham gia cùng SCI. 

Cũng nhờ sự đa dạng ngành nghề của các thành viên, các nhân sự chủ chốt đều có nhiều kinh nghiệm và nắm giữ các vị trí cao trong các tổ chức, doanh nghiệp nên Nhung thường khuyến khích việc đào tạo nội bộ, trao đổi kiến thức giữa các team. Việc này không chỉ giúp nâng cao chất lượng nhân sự, gắn kết nội bộ mà còn là một hình thức pay it forward với các bạn tình nguyện viên. Tham gia SCI, các bạn tình nguyện viên vừa trao đi giá trị cho cộng đồng, nhưng đồng thời Nhung cũng mong các bạn nhận được giá trị từ SCI trên hành trình phát triển của mình.

Trong năm 2023 và những năm sắp tới, dự án nào và công nghệ nào sẽ tiếp tục được SCI công bố?

Đúng như tên của tổ chức, Nhung và ban điều hành SCI luôn tâm niệm việc đẩy mạnh các sáng kiến để giúp ích cho cộng đồng bệnh nhân nhiều hơn. Trong năm 2023 – 2024, SCI tập trung phát triển 2 dự án:

Dự án 1: Phát triển dự án Nghệ thuật về ung thư (Art for cancer project)

Sau 6 năm hoạt động, SCI đã thực hiện rất nhiều các hoạt động mang tính nghệ thuật như lớp vẽ của gió, thiền nhạc, múa chuyển động trị liệu, làm đồ handmade, trị liệu nghệ thuật… Các hoạt động này không chỉ đem tới những trải nghiệm mới, giúp giải toả cảm xúc, mà còn là một hình thức trị liệu, chữa lành tâm hồn. Nhận thức được giá trị của các loại hình nghệ thuật có tác động mạnh mẽ tới sức khoẻ tinh thần và cảm xúc của bệnh nhân, chúng mình phát triển dự án Nghệ thuật về ung thư (Art for cancer), hướng tới cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức cộng đồng về các bệnh ung thư với hình thức gần gũi, dễ hiểu thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, đồng thời tạo không gian trải nghiệm, tương tác với cộng đồng thông qua hình thức nghệ thuật độc đáo, đa dạng. 

  Hình ảnh trong lớp vẽ miễn phí dành cho bệnh nhân ung thư của SCI

Hình ảnh trong lớp vẽ miễn phí dành cho bệnh nhân ung thư của SCI

Dự án này sẽ có nhiều hoạt động khác nhau, trong đó “Love Rosie” là tên triển lãm nghệ thuật cộng đồng nằm trong chủ đề lớn nghệ thuật về ung thư (Art for cancer). Qua đó, mỗi năm SCI sẽ chọn một loại bệnh ung thư riêng để truyền thông trong sự kiện “Love Rosie”. Năm đầu tiên triển khai “Love Rosie” chúng mình muốn tập trung vào nâng cao nhận thức về ung thư phụ khoa bởi đây là căn bệnh rất phổ biến ở nữ giới và tỉ lệ phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn khá cao, điều này thật đáng tiếc vì y học có nhiều biện pháp phòng tránh và điều trị sớm nhưng chưa nhiều người biết tới. Đây hy vọng sẽ là triển lãm nghệ thuật cộng đồng quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam nói về chủ đề Ung thư phụ khoa.

Ung thư phụ khoa thường được biết tới với những loại ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư âm đạo... Bệnh có thể di căn sang các vị trí khác nếu không sớm phát hiện và điều trị kịp thời. Trong đó, ung thư cổ tử cung chiếm khoảng 12% các ung thư ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư vú. Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2018, Việt Nam có khoảng 4.200 ca mắc mới ung thư cổ tử cung và có hơn 2.400 ca tử vong vì căn bệnh này.

Dự án 2: Phát triển các sản phẩm hỗ trợ bệnh nhân ngoài thuốc (Non-medical care project)

Bên cạnh dự án nghệ thuật, SCI cũng ấp ủ tạo ra các sản phẩm và ứng dụng giúp hỗ trợ bệnh nhân ung thư để thuận tiện trong sinh hoạt và thăm khám, điều trị hàng ngày. Ở Việt Nam, các bệnh nhân khá quen thuộc với những chiếc khăn, mũ đội đầu dành cho bệnh nhân sau khi hoá trị xong bị rụng tóc, hoặc áo ngực dành riêng cho bệnh nhân sau khi đoạn nhũ. Tuy nhiên thì trên thế giới có rất nhiều các sản phẩm, dịch vụ khác giúp ích cho cuộc sống của bệnh nhân. Sản phẩm đầu tiên mà SCI đang phát triển là sản phẩm áo có các vị trí tháo mở khoá tiện lợi tại khuỷu tay, gần ngực, giúp việc tham khám, lấy máu xét nghiệm của bệnh nhân được dễ dàng thuận tiện hơn.  

  Sản phẩm áo chuyên biệt hỗ trợ việc thăm khám của bệnh nhân

Sản phẩm áo chuyên biệt hỗ trợ việc thăm khám của bệnh nhân

Tại Diễn đàn bệnh nhân ung thư Việt Nam 2023 vào tháng 8 vừa rồi SCI có trưng bày sản phẩm mẫu để bệnh nhân trải nghiệm và cho ý kiến đóng góp. Những sản phẩm này không chỉ hữu ích với đối tượng bệnh nhân ung thư nói riêng, bệnh nhân nói chung mà còn dành cho tất cả mọi người mỗi khi đi đi hiến máu hay thăm khám sức khoẻ định kì. Loại áo này trên thế giới được sử dụng khá phổ biến, tuy nhiên ở Việt Nam chưa có nhiều người biết tới.

Trải nghiệm thử sản phẩm tại diễn đàn, đa số bệnh nhân đánh giá cao ý tưởng sản phẩm vì tính hữu dụng đối với bệnh nhân ung thư. Chị Phạm Thanh Mai, bệnh nhân K vú tại Hà Nội tham gia diễn đàn chia sẻ: “Hồi mới điều trị xong mình bị phù tay voi, không mặc được áo, mà làm gì có áo nào lại không có một bên tay hoặc tay to tay nhỏ nên phải may số đo riêng. Ý tưởng chiếc áo kéo khoá mở như này rất tiện lợi, chất vải co giãn, dễ tháo mở ở tay và cổ nên rất phù hợp với bệnh nhân K vú như mình”

Nếu có một điều nhắn gửi đến Thủy Muối lúc này, chị Nhung và SCI muốn nói điều gì nhất?

Hành trình cuối của chiến binh Thủy Muối qua ký ức nữ CEO “kế thừa” SCI: “Chị chỉ còn 3 tháng, các em muốn làm gì thì làm luôn đi”

Mình nhớ lần cuối 2 chị em trao đổi riêng với nhau, đó là buổi chị Thuỷ phỏng vấn Nhung vào vị trí của ban điều hành sau khi Nhung đã đồng hành cùng SCI một khoảng thời gian với vị trí lead team truyền thông. Chị hỏi mình sẽ làm gì nếu là người lead SCI? Mình chia sẻ thẳng thắn: “SCI đang được nhiều người biết tới và hỗ trợ vì đây là “Tổ chức do Thuỷ Muối sáng lập” – đây vừa là lợi thế, cũng là bất lợi khi danh tiếng của tổ chức đang dựa vào danh tiếng của 1 cá nhân. Chuyên môn của em là quản lý thương hiệu, vì vậy, nếu là người điều hành SCI, em sẽ tách biệt thương hiệu cá nhân của chị và thương hiệu của SCI để SCI tự đi bằng chính đôi chân của mình. Mọi người sẽ nhớ tới và hỗ trợ SCI bởi đây là một tổ chức đáng tin cậy chuyên hỗ trợ cộng đồng bệnh nhân ung thư chứ không phải hỗ trợ SCI vì Thuỷ Muối. Như vậy SCI sẽ phát triển bền vững hơn”. 

Và chị Thuỷ đồng tình với quan điểm này, bởi có lẽ đây cũng là trăn trở lớn nhất của chị cho SCI nếu chẳng may một ngày không còn chị. Chị xây dựng đội ngũ kế tiếp từ rất sớm, lùi lại về sau cố vấn còn team điều hành trực tiếp là chúng mình. Vì vậy mà khi chị Thuỷ mất mọi thứ không có gì xáo trộn. Ngay cả bây giờ, dường như chị Thuỷ vẫn luôn ở đó dõi theo chúng mình, chỉ là chị bận không về dự trực tiếp các hoạt động cùng được thôi. 

Hành trình cuối của chiến binh Thủy Muối qua ký ức nữ CEO “kế thừa” SCI: “Chị chỉ còn 3 tháng, các em muốn làm gì thì làm luôn đi”

Nếu có thể nhắn gửi điều gì tới chị Thuỷ, chắc sẽ là “Chị cứ yên tâm theo đuổi các dự án khởi nghiệp mới mà chị đam mê, vì ở nhà đã có chúng em tiếp tục nối dài hành trình của SCI mà chị đã kiến tạo. SCI giờ đã giúp đỡ được nhiều hơn các bệnh nhân và được nhiều người biết tới hơn trước. Đặc biệt là các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ SCI sau khi biết thêm câu chuyện của nhà sáng lập càng thấy tin tưởng hơn vào tầm nhìn và giá trị của những con người làm nên tổ chức này.

Chúng em đã làm đúng rồi phải không chị? Chỉ mong chị tiếp lửa tinh thần để các thế hệ điều hành SCI kế tiếp luôn giữ được nhiệt huyết và sự bền bỉ.”

“Giải thưởng thành động vì cộng đồng - Human Act Prize” do báo Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.

Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.

Rất mong giải thưởng có thể nhận thêm nhiều sự quan tâm cũng như đóng góp của cộng đồng!

Website chính thức: https://humanactprize.org

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize

Quỳnh Trân - Ảnh: Lê Viết Thanh

Món ăn đặc trưng của Nhật Bản giúp làm đẹp da, ngừa ung thư, nhưng khiến nhiều người 'tái mặt' vì mùi vị

Món ăn đặc trưng của Nhật Bản giúp làm đẹp da, ngừa ung thư, nhưng khiến nhiều người "tái mặt" vì mùi vị

Không ăn quen, natto có mùi khá khó ngửi, kết cấu dính, nhớt khiến nhiều người từ chối. Nhưng với lợi ích nó mang lại, bạn sẽ phải suy nghĩ lại.