Rặng núi Bạch Mã là địa giới hành chính của hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Nam. Bạch Mã, con “Ngựa trắng” nhà trời sừng sững như một bức tường thành chắn gió mùa theo hướng tây - đông, phân rõ ràng hai vùng khí hậu. Đầu con tuấn mã chồm ra biển khơi, bờm tung mây nắng gió lưng đèo, thành Hải Vân đệ nhất hùng quan.
Con đường mòn lên đỉnh Vọng Hải Đài với độ cao tuyệt đối 1.450m, được hoàn thành năm 1934. Năm 1935, các vị khách du lịch đầu tiên đã chính thức đặt chân đến đỉnh núi Bạch Mã. Một điều dễ nhận thấy là tất cả các vùng núi khí hậu tốt trên đất nước ta như Đà Lạt, Sa Pa hay Bạch Mã… đều do những người Pháp thám hiểm kiếm tìm ra.
Chúng tôi lên đỉnh Bạch Mã vào một ngày đầu hè. Dưới chân núi, thời tiết nóng nực dù ngay sát biển, song mới đến lưng chừng núi đã bắt gặp một vùng khí hậu cận ôn đới mát mẻ quanh năm. Thậm chí qua cửa kính xe có thể nhìn thấy lác đác tán xanh thẫm của loài cây sa mộc, vốn chỉ sống được nơi các vùng núi cao lạnh phía bắc.
Vọng Hải Đài trên đỉnh Bạch Mã. |
Sự đa dạng sinh học, các loài kỳ hoa dị thảo, các loài chim thú đặc hữu của vườn quốc gia Bạch Mã xin bạn đọc tự tìm thấy dễ dàng trên trang Google. Ấn tượng nhất với tôi là các biệt thự do người Pháp xây, bị bỏ quên trong hai cuộc chiến tranh mòn mỏi, nay mới được cải tạo khôi phục một phần, dù lượng khách du lịch, nghỉ dưỡng lên núi vẫn còn ít ỏi.
Có tới 139 biệt thự như vậy, mỗi một biệt thự đều mang tên một loài hoa quý: biệt thự Đỗ Quyên, Phong Lan, Pansee, Phong Lữ hay Cẩm Tú… Những vết dấu con người bỏ quên bao giờ cũng gây một cảm giác tiếc nhớ, dù có khi chỉ là một chiếc lá khô ép trong cuốn sổ cũ, một dấu giày rêu phong hay một mái hoang nhà cũ. Không thể tưởng tượng được tại đây, giữa khu thị trấn vắng teo này đã từng có những đêm hoa đăng dạ tiệc, lộng lẫy pháo hoa.
Một trong nhiều căn biệt thự trên đỉnh Bạch Mã (Ảnh: Internet). |
Nhô ra trong một lối rẽ là bưu cục Bạch Mã. Cái bưu cục lẻ đỉnh rừng nơi thâm sơn cùng cốc, nhưng dẫu sao cũng gợi nỗi nhớ nhung giao thiệp con người. Những ngày trong trời, từ khoảng sân bưu điện ra đến lan can vách núi nhìn xuống trần gian, người ta có thể thấy đầm Cầu Hai xanh mờ, thấy cửa biển Tư Hiền, nơi hai dãy núi giãn ra một dải trống viền đăng ten chân sóng. Đó là khoảng thời tiết lý tưởng cho những người chuyên săn ảnh lịch.
Thị trấn đìu hiu cho người ta sống chậm, thích hợp với những trái tim mẫn cảm tình yêu thiên nhiên, nhiều u ẩn lành tính đầy thiện ngộ. Giống như tốc độ màn trập chậm cùng tay máy tĩnh sẽ cho ta thấy những hình ảnh rõ ràng.
Ở đây, trên thiên giới nơi đỉnh Vọng Hải Đài, có cảm giác sẽ thấy rõ trần gian. Gió thổi, rứt từng cánh bồ công anh rã ra rành rẽ, bay mất hút trong mây. Này đây sự ganh tị giữa các người đẹp show biz ẩn sau nụ cười ngây thơ, này đây nếp nhăn tuổi tác các bà mệnh phụ trốn kỹ dưới lớp phấn dày, và này đây tham vọng quyền lực lủng lẳng treo trên nút cravat thắt khéo, dưới khuôn mặt ra vẻ bần cố thanh liêm của các ngài cơ hội…
Ngũ Hồ tại vườn quốc gia Bạch Mã (Ảnh: hiddenlandtravel). |
Nhìn lại mình đời đã xanh rêu. Hình như trước đây chúng ta đã từng vội vã, từng bất an phấp phỏng với nỗi âu lo dài dặc, trong dối gian mỗi bước đường đời. Nghe một tiếng thông ngàn reo, mọi sự khó chịu coi như tạm thời buông bỏ. Khi chẳng cần lo đến cạnh tranh hợp đồng hay khuynh loát quyền lực, con người sẽ thứ tha hơn một bậc, và muốn dâng trả nợ đời.
Chúng tôi ngồi dưới một gốc thông cổ thụ. Nhánh lan thanh trúc đu đưa ngay dưới chân, chỗ lối xuống biệt thự Đỗ Quyên. Tôi chờ đợi một con chồn bay, liệng ra từ một ô cửa hoang phòng ngủ áp mái như một bài báo từng mô tả. Đợi hoài mà không thấy, song tôi tin con chồn bay vẫn hiện hữu, thậm chí đang nhìn chúng tôi từ một góc rừng bí mật nào đó. Chờ đợi nó để chiêm ngưỡng, để ngả mũ xin lỗi nó, chứ không để săn bắn vô tội vạ, như ngày chiến tranh xưa. Tôi chờ nó, trong một thiện tâm rất tĩnh.
Giữa những phế tích xưa trong cái thị trấn bỏ quên, mọi phù phiếm rồi sẽ nhạt dần đi (Ảnh: internet) |
Giữa những phế tích xưa trong cái thị trấn bỏ quên, mọi phù phiếm rồi sẽ nhạt dần đi. Tâm hồn cũng phủ lớp rêu tĩnh lên quá khứ, biến nó thành một thứ bảo tàng trưng đầy hiện vật của lòng sám hối.
Tôi thích cái thị trấn lặng lẽ, các biệt thự yên tĩnh này, và nghĩ các dịch vụ nghỉ dưỡng nơi đây cũng chỉ nên giới hạn đến như thế là đủ. Mở rộng quy mô sẽ phạm đến thiên nhiên hoang dã, vốn rất nhạy cảm và khó phục hồi. Ngôi nhà chung của chúng ta nói rộng ra, là cả núi rừng Bạch Mã, một ngôi nhà xanh đủ chỗ cho tất cả mọi người.
Nói cho cùng, con người cũng nên quên bớt đi nhiều thứ, nhất là lòng hận thù hay đố kỵ, để vui sống và tha thứ giữa thiên nhiên bao dung hiền hòa.
Đường lên xứ Lạng
Liệt kê ràn rạt địa danh xứ Lạng, như những kẻ ham đi thường nhấn “check in” trong hành trình lướt qua, đối với tôi dường như có điều gì không phải