Họa sĩ Đỗ Đức sinh năm 1945 tại Thái Nguyên, nhưng quê gốc ở làng Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội), từng theo học hội họa ở Trường VHNT Việt Bắc và ĐH Mỹ thuật Việt Nam. Hiếm có một họa sĩ nào ở Việt Nam lại mê đắm phong cảnh và con người ở vùng biên cương phía bắc như vậy.
Họa sĩ Đỗ Đức. |
Họa sĩ Đỗ Đức giãi bày: “Năm 1973, lần đầu lên Hà Giang, tôi đi các huyện vùng cao Đồng Văn, Quản Bạ trong 23 ngày, và sau đó, cả vùng biên viễn ấy theo tôi suốt cuộc đời làm nghệ thuật. Thế rồi, qua nhiều năm điền dã trên núi - từ Tây Bắc đến Việt Bắc, Đông Bắc, tìm hiểu và chia sẻ với đời sống các sắc tộc thiểu số, tôi nhận ra thêm nhiều giá trị nhân văn kết nối giữa thiên nhiên với con người.
Tác phẩm “Cổ tích miền rừng” của họa sĩ Đỗ Đức. |
Những tác động qua lại với góc nhìn nhiều phía đã giúp tôi khi vẽ thấy được dần chiều sâu của mối quan hệ đó. Đó là sự gắn kết lịch sử giữa con người với vùng đất và giúp tôi tái tạo lại không gian thuở mới hình thành. Tôi thấy giữa rừng xanh, người dân nhận được sự chia sẻ từ sông nước, cỏ cây, núi và đá mật thiết với nhau như thế nào.
Những tranh tôi vẽ về vùng biên cương của tổ quốc, dù chỉ là chủ đề phong cảnh hay đời sống sinh hoạt, nhưng dần dần, các tác phẩm đã vượt qua giới hạn là những bức tranh phong cảnh. Tôi đã đến với miền biên cương phía Bắc như một nhân duyên thế đấy…”.
Tác phẩm “Chiều muộn” của họa sĩ Đỗ Đức. |
Đỗ Đức là một họa sĩ cao niên, một gương mặt sáng giá của giới mỹ thuật Việt Nam. Với nội lực, năng lượng tràn trề, ông đã tham gia rất nhiều triển lãm ở trong nước và quốc tế, đồng thời đã đoạt không ít giải thưởng. Ngoài ra, ông còn là tác giả của 18 đầu sách tản văn, tạp văn.
Tại “Non nước biên thùy” - triển lãm cá nhân lần thứ 10 của ông, diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội, họa sĩ Đỗ Đức đã giới thiệu 50 tác phẩm. Đó như là một chuyên đề về những vùng đất rẻo cao xa xôi, nơi “phên dậu Tổ quốc”, ghi dấu những địa danh mà ông từng đặt chân tới, như Mã Pì Lèng, Xín Cái, Khau Vai, Đồng Văn, Pu Đen Đinh, Pác Sum, Tìa Cu Si, Pu Sam Sao, Cán Tỷ, Pù Luông, Sơn Vỹ, Tráng Kìm, Y Tý, Mèo Vạc, Pà Cò, Mường Khương, Bắc Hà, Phiềng Sa, Ngân Sơn…
Tác phẩm “Một nẻo biên thùy” của họa sĩ Đỗ Đức. |
Trong hầu hết các tác phẩm của Đỗ Đức, dễ thấy ngút ngàn bối cảnh các dãy núi, các nương đá, hoành tráng và trầm mặc, lung linh, bảng lảng và đầy bí ẩn. Trên nền cảnh đó, các nhân vật người dân tộc ít người thực nhỏ nhoi, nhưng rất kiên cường khi đối mặt với đời sống còn nghèo khó, với thời tiết vùng cao khắc nghiệt, giao thông khó khăn, đất làm nông nghiệp ít ỏi… Tất cả tựa như những khúc tráng ca được biểu đạt bằng hình và những sắc màu, đầy chất thơ.
Về niềm yêu thích thể hiện những vẻ dạng đa chiều của những nương đá nơi vùng cao xa xăm, họa sĩ Đỗ Đức chia sẻ: “Nhìn đá cao nguyên như thấy biển người thời tiền sử hóa thạch, như chợ phiên đang họp trên núi. Đá như trưởng thành, như đồn lũy. Đá khô khan mà lại là mái che tường rào cho những căn nhà đơn côi bên vách núi. Sóng đá như nhịp điệu cao thấp, thoát ra từ tiếng khèn, lúc bừng sáng, khi chợt bừng tiếng như gió rừng chợt câm lặng trước vách núi, rồi lại vi vu như sương sớm từ chân núi bốc lên. Cao nguyên đó đã cung cấp cho tôi không biết bao nhiêu năng lượng trong sáng tác. Đó là dải biên thùy vô cùng yêu quý trong tôi, và tôi không bao giờ cạn nguồn yêu thương miền đất đó”.
Tác phẩm “Nhong nhong ngựa ông đã về” của họa sĩ Đỗ Đức. |
Với “Non nước biên thùy”, chỉ tiếc một điều rằng, triển lãm chỉ diễn ra ngắn ngày, đến hết ngày 15/9/2024. Dù vậy, họa sĩ Đỗ Đức đã kịp làm một việc ý nghĩa, như từng tiến hành ở nhiều dịp trước đây: Sáng 14/9, ông đã tổ chức đấu giá bức tranh sơn dầu “Trên nương” (sáng tác năm 2022, kích thước 60x80cm) để lấy tiền làm một lớp học cho một bản vùng sâu ở tỉnh Hà Giang.
Trước đó, vào năm 2013, ông đã mở một triển lãm 21 tranh sơn dầu trong 3 ngày tại chợ Đồng Văn (Hà Giang), do báo Thể thao Văn hóa tổ chức. Tại triển lãm này, họa sĩ Đỗ Đức đã ủng hộ 2 bức tranh “Mẹ trong đá” và “Gặp nhau trên nương” để Ban tổ chức đấu giá lấy tiền tặng cho 2 hộ nghèo nhất huyện Đồng Văn (do địa phương giới thiệu) - là 2 gia đình Giàng Mí Lúa và Vừ Mí Già, mỗi người một ngôi nhà mới. Mục đích họa sĩ Đỗ Đức “tặng tranh - đấu giá - làm nhà tặng người dân” là thay cho lời cảm ơn tới mảnh đất cao nguyên đá Đồng Văn - nơi đã nuôi nấng con đường nghệ thuật của ông.
Tác phẩm “Người mẹ cao nguyên” của họa sĩ Đỗ Đức. |
Sau đó, nhóm “Chung tay vì trẻ em vùng cao”, nay là nhóm “Hoa của đá”, đã kết nối với ông thực hiện chương trình từ thiện “Vì tương lai trẻ em vùng cao” nhằm xây lớp cho các cháu mẫu giáo tại các bản làng xa xôi hẻo lánh. Ngay trong năm 2014, lớp học đầu tiên tại thôn Phìn Chải A, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn được khánh thành.
Việc xây lớp học tại các bản vùng sâu, vùng xa kéo dài đến nay đã 11 năm. Nhóm đã vận động được nhiều cá nhân, doanh nghiệp hảo tâm ủng hộ tiền, đã làm được 41 lớp học với trang bị đầy đủ học cụ, và phòng lưu trú giáo viên tại 18 điểm trường cho 18 bản vùng sâu trong núi - thuộc các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh ở tỉnh Hà Giang. Qua 11 năm, trên 3.500 lượt trẻ em đã được học tại bản. Lứa đầu tiên ở Vần Chải đã có 7 em sắp vào lớp 10.
Tác phẩm “Trên nương” của họa sĩ Đỗ Đức qua đấu giá, đã thuộc về một nhà sưu tập giấu tên. |
Kết quả của buổi đấu giá tại Hà Nội sáng 14/9: Đã thu được 4.000 USD (đấu giá tác phẩm “Trên nương”) và một số tiền của các nhà hảo tâm ủng hộ, tổng toàn bộ là 150 triệu đồng. Số tiền này được gửi tặng quỹ từ thiện “Hoa của đá” để xây thêm một lớp học, tiến hành trong năm 2025, tại huyện đồng Văn (Hà Giang).
Họa sĩ Lê Thiết Cương ra mắt cuốn sách "Nhà và Người"
Họa sĩ Lê Thiết Cương muốn nói đến chuyện người, chuyện gia cảnh, từ nhà thấy người, từ người thấy nhà.